Tình thầy trò thời hiện đại

Thứ Bảy, 21/11/2015, 08:00
Một trong những giá trị truyền thống đáng quý nhất của người Việt vẫn còn được ghi nhận cho đến tận lúc này (và chắc chắn là cả mai sau nữa) chính là sự tôn kính, yêu quý của những người học trò dành cho những người thầy của mình.

Khi người lớn vô tình

Minh Quang

Một trong những giá trị truyền thống đáng quý nhất của người Việt vẫn còn được ghi nhận cho đến tận lúc này (và chắc chắn là cả mai sau nữa) chính là sự tôn kính, yêu quý của những người học trò dành cho những người thầy của mình.

Ngay từ lúc còn nhỏ, chúng ta đã luôn ý thức rằng "muốn con hay chữ thì phải yêu lấy thầy" và càng lớn lên dần, thái độ "tôn sư trọng đạo" cũng được nuôi dưỡng trở thành một tinh thần sống, một kim chỉ nam cho các hành xử. Không ai muốn trở thành kẻ "phản đồ" bởi suy cho cùng, cái gốc của mỗi người là cha mẹ và cái gốc giáo dục của mỗi người là những người thầy. Sự chối bỏ cái gốc giáo dục sẽ chẳng mang lại điều gì có lợi cả mà ngược lại, nó chỉ khiến con người ta tự biến mình thành kẻ không được giáo dục, điều chẳng ai muốn cả.

Nhưng có một điều rất mâu thuẫn, song lại vô cùng thực tế, là cái tình thầy trò của thời hiện đại hôm nay đã không còn giữ được vẻ đẹp như ngày xưa nữa, dù từng thế hệ một vẫn luôn thấm đẫm giá trị triết lý truyền thống kể trên. Tức là trò vẫn có thể rất yêu quý, tôn trọng thầy nhưng mối liên hệ tình cảm giữa trò với thầy dường như đã phai nhạt dần.

Nhiều người trong số chúng ta cùng nhận ra mâu thuẫn đó, và rất tiện, chúng ta đổ luôn nó cho kinh tế thị trường, một sự đổ lỗi cẩu thả, vô trách nhiệm và hoàn toàn thiếu lý tính. Thực tế, mâu thuẫn ấy nảy sinh từ chính bản thân chúng ta, những người làm mẹ, làm cha và làm thầy.

Trẻ thơ như trang giấy trắng và chúng lớn lên để trở thành bản ghi của chính thế hệ đi trước. Phần tự ghi của mỗi con người thực ra không nhiều và đa phần của các bản ghi là những kinh nghiệm được đúc rút lại từ thế hệ trước. Đó là một điều hiển nhiên gần như ai cũng có thể nói ra được nhưng để chống lại việc tiếp tục sản sinh ra những bản ghi tồi, cũng gần như chẳng ai có một hành động để thay đổi nào.

Tình cảm của trẻ thơ vốn dĩ trong sáng, hồn hậu và hoàn toàn duy cảm. Yêu hay ghét, với trẻ thơ là rất rõ ràng, và chúng càng không có cái gọi là "vờ yêu" hay "dối ghét". Nhưng ít ai biết được rằng, khi tình cảm hồn hậu ấy bị ngăn trở (vô tình thôi) hoặc bị phản bội, nó sẽ tạo ra một hiệu ứng tiêu cực không ngờ. Hãy thử cư xử một cách lỗ mãng với đứa trẻ đang có cảm tình với mình, ta sẽ dễ dàng nhận ra phản ứng của nó là như thế nào? Nó sẽ không còn dành cho ta thiện cảm nữa, đơn giản, nó sợ tổn thương.

Khi thời đại ngày một trở nên tốc độ hơn, đời sống ngày một đủ đầy hơn, chúng ta dường như đã tước đi khả năng độc lập của những đứa trẻ trong rất nhiều việc mà chúng cần tương tác với cuộc đời. Một trong những tương tác độc lập mà trẻ cần có chính là tương tác ngoài giảng đường với thầy cô giáo của mình. Vậy mà phụ huynh cũng vô tình tước bỏ đi tương tác độc lập ấy, bởi họ nghĩ rằng nó không cần thiết.

Thuở trước, ngày Hiến chương các nhà giáo, việc đến thăm nhà thầy cô là việc của lũ trẻ. Tự chúng đóng góp, tự chúng chọn món quà (mà nhiều khi chỉ là bó hoa), tự chúng mầy mò hỏi địa chỉ, dắt nhau đi bộ đường xa tới thăm thầy cô, trong những mái nhà cũng đơn sơ như mái nhà chúng ở. Còn bây giờ, cha mẹ đã làm thay chúng toàn bộ việc đó, một cách riêng lẻ. Vậy là cùng với việc tước đi cơ hội tự tạo dựng một liên hệ tình cảm thực tế giữa thầy với trò, cha mẹ đã tước đi cả cơ hội chúng tự xây dựng kỹ năng sống, đặc biệt là trong một tập thể. Rồi sau đó, chúng ta lại trách bọn trẻ bây giờ thiếu tự lập hơn xưa, trách mà quên mất rằng, tại sao chúng ta không để chúng tự đi trên đôi chân mình, ít nhất là trên đường tới trường, để rồi thay vào đó là đưa rước hằng ngày bất chấp trường chỉ cách nhà vài bước chân.

Nhưng trách cha mẹ cũng chưa phải là đủ khi bản thân thầy cô giáo thế hệ hôm nay cũng lạnh lùng hơn so với thầy cô giáo của thế hệ trước. Họ vẫn yêu giảng đường nhưng dường như áp lực công việc, áp lực từ các chỉ trích xã hội có thể xảy ra bất kỳ lúc nào đã khiến họ thu mình lại. Thân hơn với một học sinh nào đó ư? Họ không dám. Họ ngại rằng sẽ có những bàn ra tán vào rằng "chắc gia đình học sinh đó biết "lo" cho thầy cô hơn" nên tốt nhất, họ giữ một khoảng cách đủ xa với học trò. Và cuối cùng, lũ trẻ ngơ ngác không hiểu tại sao mình lại trở nên cô đơn trước thầy cô, tại sao tình cảm của mình lại không được trân trọng, tại sao yêu qúy một người lại trở nên khó đến vậy?

Và có vẻ như, càng ở đô thị lớn, cuộc sống càng sung túc, tình cảm thầy trò càng không có cơ hội để tồn tại. Việc tìm kiếm tình cảm thầy trò thực sự với những trân quý như thời xưa, có lẽ chỉ có thể thực hiện được ở những nơi xa xôi và hẻo lánh, nơi mà thầy và trò còn phải gắn kết bên nhau vì cả lẽ sinh tồn.

Những mâu thuẫn ấy sẽ để lại gì? Đáng sợ lắm. Nó sẽ tạo ra từng thế hệ con người mới vô cảm hơn, bởi khi tình cảm đầu đời không được khơi nguồn mà chúng vẫn trưởng thành, chúng sẽ cảm thấy tình cảm là thứ phù phiếm, chẳng có gì quan trọng nữa. Và khi cả xã hội chỉ toàn những thế hệ vô cảm, xã hội đó sẽ không còn là một xã hội đáng để sống nữa, bởi hệ lụy kéo theo từ nó là không thể đếm hết và vô cùng khó lường.

PGS.TS. NGƯT Đinh Ngọc Bảo (nguyên Phó Hiệu trưởng, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm): Học trò thời nào cũng hồn nhiên, trong sáng

Thảo Duyên (thực hiện)

- Thưa PGS.TS.NGƯT Đinh Ngọc Bảo, truyền thống "Tôn sư trọng đạo" luôn được coi trọng, gìn giữ và là một trong những giá trị đạo đức tốt đẹp của người Việt ta. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có ý kiến cho rằng dường như giá trị tốt đẹp ấy đang bị mai một và tình thầy trò ở một góc độ nào đó đã có những thay đổi đáng buồn. Là người đã dành cả một đời cho sự nghiệp trồng người, ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

+ Tôi cho rằng, khi đánh giá bất kỳ vấn đề gì cũng nên nhìn ở một góc độ rộng có tính chất toàn cảnh, không nên đánh giá khi mới chỉ thông qua một vài hiện tượng. Hiện nay, giáo dục đang rất mở rộng cả về số lượng và chất lượng. Nếu nhìn bức tranh của ngành Giáo dục hiện nay sẽ thấy nổi lên một số hiện tượng này, hiện tượng kia, nhưng nếu nhìn khách quan và sâu hơn thì sẽ thấy tình thầy - trò vẫn còn vẹn nguyên. Ở mức độ nào đó, tình cảm ấy vẫn giữ được chứ không bị lơ là, suy thoái hay đổi hướng như một số nhận định.

Thậm chí, tôi còn cho rằng ngày nay, sự quan tâm của xã hội với ngành Giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng còn hơn khi xưa rất nhiều. Nếu như ngày xưa, ngày 20-11 là ngày chỉ có giới lãnh đạo và các giáo chức biết đến nhưng ngày nay, không chỉ những người công tác trong ngành Giáo dục mà cả xã hội đều quan tâm một cách sâu rộng hơn. Vẫn biết, sự quan tâm ấy mỗi giai đoạn có biểu hiện khác nhau nhưng tôi tin tình thầy, trò vẫn thế. Tôi chỉ nghĩ rằng, cảm giác tình cảm thầy, trò khi xưa gần gũi, gắn bó hơn có thể vì số lượng học sinh cũng ít hơn, chưa kể kinh tế, mức sống đồng đều. Ngày nay, khi xã hội đổi khác, học trò cũng bị chi phối bởi nhiều mối quan tâm hơn.

- Rõ ràng, tình thầy, trò khi xưa rất trong sáng, không thấy sự hiện diện của những chiếc phong bì như tình thầy, trò hôm nay. Ông lý giải sao về điều này ạ?

+ Ở góc độ nào đó, nguyên nhân lại thuộc về chính các phụ huynh. Ban đầu, sự quan tâm của phụ huynh dành cho các thầy cô xuất phát từ sự biết ơn nhưng sau đó, phụ huynh dần biến những việc đó như một nhiệm vụ bắt buộc mình phải làm. Nguyên nhân đầu tiên phải kể tới là cơ chế thị trường đã len lỏi vào từng mối quan hệ. Không ít phụ huynh đã áp dụng cách ứng xử ở các mối quan hệ thông thường ngoài xã hội vào quan hệ trong giáo dục. Tôi vẫn tin là ít có thầy cô nào, dù hoàn cảnh khó khăn đến mấy vì chiếc phong bì mà nâng điểm hay thay đổi từ kết quả học tập thấp thành cao nếu thực chất học sinh đó học yếu. Rất khác với làm ăn kinh tế bên ngoài, để có được nó, đôi khi người ta phải lobby bằng tiền. Giáo dục luôn có những cơ chế, cách thức, chuẩn mực và cả lương tâm nghề nghiệp của nhà giáo để đánh giá học sinh mà ít khi phụ thuộc vào các mối quan hệ.

Nguyên nhân thứ 2 của hiện tượng này là tâm lý đám đông. Phụ huynh này thấy phụ huynh kia "chăm sóc" thầy cô như thế lại lo ngại nếu mình không làm giống họ thì con mình sẽ bị đối xử phân biệt. Người này nhìn người kia, tạo thành một phong trào, một cuộc chạy đua mà bản thân ai cũng cảm thấy mệt mỏi và những mối quan hệ vốn thiêng liêng trở nên nhuốm màu vật chất.

Còn một nguyên nhân nữa từ chính những "con sâu làm rầu nồi canh", những trường hợp cá biệt khiến cho tình thầy trò, hình ảnh người giáo viên đã không còn thánh thiện, đẹp đẽ nữa. Nhất là khi nạn chạy điểm, chạy trường, chạy lớp tại các thành phố lớn bùng phát.

- Vậy theo ông, làm thế nào để chúng ta có thể dần dần thay đổi quan niệm "vật chất hóa" tình thầy trò như hiện nay?

+ Một chế độ thi cử mở rộng, công bằng và khách quan, ai giỏi sẽ được vào trường tốt sẽ không có cơ hội cho sự tiêu cực tồn tại. Một điều quan trọng nữa là đời sống giáo viên phải được nâng lên, những người đứng trên bục giảng phải sống được bằng đồng lương của mình thì mới có thể dần loại bỏ được chiếc phong bì ra khỏi ngành Giáo dục. Tôi vẫn tin rằng các thầy cô có tự trọng luôn áy náy và không sung sướng gì đâu khi quyết định nhận hay không nhận phong bì vào những ngày lễ, Tết.

- Là người từng học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, sau đó về nước giảng dạy đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai, điều mà ông truyền thụ lại cho họ là gì? 

+ Với tôi, học trò thế hệ nào cũng mang tới niềm vui, những tình cảm trong sáng. Có một tình trạng tôi và một số đồng nghiệp thường xuyên phải gặp hiện nay là các bạn sinh viên thường đưa phong bì cảm ơn khi nhờ thầy cô hướng dẫn luận văn. Nếu không nhận lúc đó, các bạn sẽ rơi vào tâm lý lo lắng, không yên tâm. Chính vì thế, chúng tôi thường chọn cách đợi khi nào các bạn ấy bảo vệ xong sẽ gửi lại. Nhưng rồi chính các bạn ấy lại loay hoay tìm cách mua một cái gì đó tặng lại. Tâm lý “có đi có lại” đã trở thành một xu hướng trong giao tiếp, ứng xử, kể cả trong lĩnh vực giáo dục. Điều này hầu như không có ở các nước phát triển. Hy vọng rằng khi trình độ dân trí được nâng cao, đời sống phát triển đến một mức nào đó mà chuyện vật chất, quà cáp không còn quá quan trọng nữa thì những giá trị tinh thần, trong đó có tình thầy trò sẽ trở về với vị trí đích thực.

- Xin cảm ơn ông!

Thầy Phan Huy Tuấn (nguyên Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Phan Bội Châu): "Tính vụ lợi" làm tình thầy trò mất đi sự thiêng liêng

Cẩm Hà (thực hiện)

- Thưa thầy giáo Phan Huy Tuấn, thời ông làm học trò và trong suốt mấy chục năm ông làm thầy giáo, ông cảm nhận tình thầy trò ở thế hệ của ông có gì đặc biệt?

+ Theo tôi, trong các mối quan hệ tình cảm, tình thầy trò là thứ tình cảm thiêng liêng, gần gũi. Đó còn là một đạo lý trong xã hội - đạo lý "tôn sư trọng đạo" và có thể nói đó là tình cảm mang tính xã hội muôn thuở. Việt Nam ta có truyền thống hiếu học, tôn trọng sự học, nên vị trí, vai trò của người thầy luôn được đề cao. Thời tôi đi học, người thầy còn có vai trò như người cha thứ hai theo cách nói người xưa là "Quân - Sư - Phụ".

Nhiều bậc phụ huynh còn gửi gắm, ký thác con cho thầy hoặc vì yêu kính thầy mà còn đón thầy về nhà ở cùng để dạy học cho con. Tôi thấy rằng, tình thầy trò xưa nay vốn là tình cảm rất trong sáng, vô tư, vì thế mà nó thường là thứ tình cảm bền chặt theo thời gian. Có khi vì điều kiện, suốt mấy chục năm thầy trò không gặp nhau nhưng đến khi gặp lại tình cảm vẫn gần gũi, thân thương, nguyên vẹn như thuở nào. Tôi có những người thầy mà tôi vô cùng tôn trọng, kính nể. Cuộc đời đi học của tôi, người thầy mà tôi yêu quý, kính trọng thì có khá nhiều nhưng người có ảnh hưởng nhiều nhất là thầy giáo - nhà thơ Nguyễn Quang Huy. Đến khi trở thành thầy rồi, tôi vẫn luôn nhớ từng cử chỉ, lời nói, cách giảng dạy của thầy, thậm chí là từng bài giảng của thầy. Bây giờ, tôi cũng cảm thấy hạnh phúc bởi có một số học trò trưởng thành khi trở về thăm tôi cũng nhắc lại những kỷ niệm xưa và nói rằng những câu nói, "lời phê", lời động viên, nhắc nhở của tôi đã có ảnh hưởng sâu đậm đối với các em.

- Xã hội Việt Nam thế kỷ XXI đang thay đổi nhanh chóng, theo đó những tình cảm vốn bền chặt như tình thầy trò mà ông nói ở trên cũng đã có nhiều biến đổi. Theo cảm nhận của ông, tình thầy trò ngày nay khác gì so với thế hệ của ông?

+ Có lẽ bởi vì xưa kia tình thầy trò rất trong sáng, ít vụ lợi hơn: thầy vô tư truyền thụ kiến thức, trò học hỏi, tiếp thu kiến thức và tôn kính thầy, vì thế tình cảm rất đẹp và bền lâu. Còn bây giờ, mối quan hệ thầy trò đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác như chuyện thầy cô giáo vì chuyện mưu sinh phải dạy thêm, học thêm; phụ huynh thì chạy theo trào lưu quà cáp, biếu xén thầy cô vì muốn con mình được quan tâm, ưu ái hơn con nhà khác rồi việc xin điểm, chạy chọt để cho con mình được vào trường chuyên, lớp chọn, thầy cô chọn... Chính "tính vụ lợi" của những người trong và xung quanh mối quan hệ thầy - trò ngày nay đã làm tình thầy trò mất đi sự thiêng liêng.

- Nhiều người nói rằng, hàng chục năm nay, cơ chế thị trường với quy luật "Tiền - Hàng - Tiền" đã tràn vào nhà trường và chi phối rất nhiều đến mối quan hệ cũng như tình nghĩa thầy trò?

+ Cơ chế thị trường đã tác động đến nhiều ngành nghề, nhiều người chứ không riêng gì ngành Giáo dục và các thầy cô giáo, đặc biệt là ở các thành phố lớn, nơi có mức sống cao, có nhiều gia đình khá giả, lại mang quá nhiều kỳ vọng vào con em mình. Đến bây giờ, có thể khẳng định luôn là ngành nào cũng có những tiêu cực của nó và ngành Giáo dục cũng không ngoại trừ. Ở đây tôi muốn nói thêm, không phải là bào chữa cho ngành nhé, một trong những lý do khiến cơ chế thị trường tràn vào nhà trường, chính là lỗi ở phía gia đình, các bậc phụ huynh. Các bậc phụ huynh nhiều khi không tinh tế, có khi còn công khai với con chuyện tặng hoa, quà, phong bì cho các thầy cô, thì làm sao con cái mình có sự tôn kính thầy cô một cách trong sáng được? Hơn nữa, mọi tình cảm có được do tính vụ lợi, không thật tâm, không chân thành thì đều dễ dàng mất đi.

Tôi xin khẳng định lại, tình thầy trò đích thực không thể bán mua, mà chỉ có thể xuất phát từ sự kính trọng, yêu thương, chân thành, trong sáng mà thôi.

- Xin cảm ơn thầy giáo Phan Huy Tuấn!

Lê Nguyễn Hà An (sinh viên năm thứ tư Đại học Ngoại Thương - Hà Nội): Không thể cứ so sánh hiện tại với quá khứ một cách khập khiễng

Truyền thống tôn sư trọng đạo từ xưa đến nay được coi là một trong những nét đặc sắc của văn hóa Việt. Người Việt tin rằng một người không thể tự thân mà thành công nếu thiếu sự chỉ dạy của các bậc tiền bối. Cha ông xưa có câu "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy). Chỉ cần là người đã mở mang kiến thức cho mình, dù chỉ là nửa con chữ, cũng được tôn kính và biết ơn suốt cuộc đời. Tuy vậy, đối với nhiều người, tình thầy trò thời hiện đại dường như đã mất dần đi độ sâu cùng với sự chuyển mình của xã hội.

Quá trình toàn cầu hóa đã tạo nên sự giao thoa giữa văn hóa Việt Nam và các nền văn hóa Tây phương với đặc thù đề cao quyền bình đẳng con người, tính cá nhân và phong cách sống đơn giản, thực tế. Người Việt trẻ có vẻ như càng ngày càng thực dụng, họ đặt mối quan hệ thầy-trò ngang hàng với các mối quan hệ xã hội khác. Học sinh thời hiện đại không còn cảm được sự thiêng liêng của tình thầy-trò như học sinh thời trước. Những câu chuyện cảm động về những người thầy nghèo khổ vượt qua gian lao để mang con chữ đến cho học trò của mình đã trở nên hiếm hoi. Ngày nay giáo dục trở nên cực kì đắt đỏ và sự giảng dạy của thầy cô trở thành một dịch vụ. Học sinh, sinh viên lẫn các bậc phụ huynh có cái nhìn khắt khe hơn rất nhiều đối với trình độ giảng dạy của một người nhà giáo.

Mặc dù có nhiều tiêu cực xuất hiện trong ngành Giáo dục, điển hình như tình trạng xin điểm của sinh viên ở các trường đại học, không thể nói rằng văn hóa Việt Nam đã mất đi vẻ đẹp tôn sư trọng đạo. Cũng giống như việc ngày càng có nhiều tệ nạn bạo hành xuất hiện trong xã hội không có nghĩa là thế gian này đã hoàn toàn mất đi tình yêu thương và lòng nhân ái giữa người với người. Chúng ta không thể cứ so sánh hiện tại với quá khứ một cách khập khiễng, vì xã hội hiện tại đang trên con đường phát triển mang theo nó những thay đổi không thể chối bỏ. Con người ngày càng tham vọng, và các mối quan hệ cũng vì thế mà trở nên phức tạp. Quan hệ thầy-trò cũng không phải là một ngoại lệ.

Tôi tin rằng không thực sự tồn tại một câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi: Liệu có phải tình thầy, trò đã trở nên nhạt nhòa trong xã hội hiện đại? Song hành cùng với những tiêu cực trong mối quan hệ thầy, trò, ở đâu đó vẫn có những nhà giáo tận tâm với công việc giảng dạy và những người học sinh yêu quý thầy cô của mình. Ở đâu đó vẫn tồn tại những bậc tiền bối đã thay đổi cuộc đời của thế hệ hậu sinh theo chiều hướng tốt đẹp hơn. Trên hết, bất cứ ai muốn thành công cũng phải tìm đến ít nhất một người thầy. Nói cách khác, dù xã hội thay đổi, thì người thầy vẫn là những người chắp cánh ước mơ. 

PV
.
.