Tình nghệ sĩ

Thứ Bảy, 20/05/2017, 08:35
Có lẽ chưa khi nào, câu chuyện về cách ứng xử giữa các nghệ sĩ lại "dậy sóng" trên các phương tiện truyền thông như thời gian gần đây. 


Hãy thành "nhân" trước khi thành "danh"

Đang tốn nhiều giấy mực của báo chí nhất chính là việc nghệ sĩ Trung Dân đã thẳng thắn lên tiếng về việc bị ca sĩ Hương Giang Idol xúc phạm trong một buổi ghi hình cho một gameshow. Điều đáng nói là mặc dù ngay tại buổi ghi hình, nghệ sĩ Trung Dân đã bày tỏ thái độ không hài lòng với đáp án thiếu văn hóa của cô ca sĩ này và yêu cầu cô bỏ đáp án đó đi, nhưng Hương Giang nhất định không nghe và cho đó là "ý kiến riêng" của mình.

Thái độ cố chấp này của Hương Giang đã khiến nghệ sĩ Trung Dân quyết định dừng tham gia ghi hình. Không chỉ có vậy, Hương Giang tiếp tục nhận được điểm trừ về văn hóa ứng xử khi ra khỏi trường quay, thay vì nhận lỗi trước bậc cha chú, cô lại lên trang FB cá nhân viết lấp lửng: "Nửa sự thật không phải là sự thật"... 

Scandal của Hương Giang Idol khiến khán giả nhớ tới đầy rẫy những lùm xùm về ứng xử của các nghệ sĩ trẻ trên các chương trình truyền hình thực tế. Khi tham gia chương trình: "Ơn giời! Cậu đây rồi", trong tình huống đối mặt với hai trưởng phòng Công Lý và Tự Long, Miu Lê vào vai người giúp việc bị chủ nhà sàm sỡ. Nữ ca sĩ bị người xem phản ứng vì liên tục xưng hô trống không, cộc lốc với hai nghệ sĩ đàn anh...

Trước đó không lâu, những ì xèo cũng đã xảy ra khi chương trình "Gương mặt thương hiệu" năm 2017 công bố danh sách nghệ sĩ ngồi ghế nóng đã không có mặt diễn viên - ca sĩ Minh Hằng như dự kiến. Minh Hằng chia sẻ với báo chí về việc một người mẫu đàn chị đã ép ban tổ chức buộc cô phải rời vị trí huấn luyện viên.

Chương trình nghệ thuật “Tình nghệ sĩ” đã mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Hay ồn ào nhất là chuyện ứng xử giữa ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng với cố nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9. Nguyên nhân xuất phát từ nhận xét thẳng thắn của người nhạc sĩ đáng kính về vai trò huyến luyện viên Giọng hát Việt của Đàm Vĩnh Hưng. Giờ đây, chuyện "cơm không lành, canh không ngọt", chuyện đôi co giữa các nghệ sĩ vẫn thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Cũng như chuyện nghệ sĩ này công khai tuyên bố không đứng chung sân khấu với nghệ sĩ kia không phải là ít.

Ngoài ra, chuyện chèn ép, tố giác nhau, lên trang FB cá nhân "đá xéo" nhau... khiến công chúng có cảm giác khi nghệ sĩ mâu thuẫn là cứ phải quăng nhau ra “giữa chợ” để thiên hạ được dịp bình phẩm?

Những lùm xùm trong ứng xử giữa các nghệ sĩ Việt thời gian gần đây đã khiến nhiều người băn khoăn vì sao nghệ sĩ trẻ Việt không thể ứng xử văn hóa hơn? Nếu có điều kiện tiếp xúc với những nghệ sĩ lớn tuổi, một điều dễ nhận thấy rằng họ luôn nói về đồng nghiệp bằng một thái độ yêu thương, tôn trọng. Trân trọng tài năng của nhau, ghi nhận những đóng góp của nhau trong nghệ thuật.

Ai cũng biết rằng, nghệ thuật là một lĩnh vực đặc biệt, trong đó, nghệ sĩ, chủ thể của những hoạt động nghệ thuật, những sản phẩm nghệ thuật ấy chính là sứ giả mang cái đẹp đến cho đời sống. Mối quan hệ giữa những nghệ sĩ luôn là một mối quan hệ đặc biệt vì đó là mối quan hệ của những người tài hoa, giàu sáng tạo.

Chứng kiến những nghệ sĩ trẻ đốp chát, thậm chí xúc phạm những nghệ sĩ lớn tuổi... nhiều người lo ngại rằng, phải chăng tình nghệ sĩ đã bị cuộc sống bon chen làm cho nhạt phai. Những nghệ sĩ trẻ mải khẳng định mình mà quên mất việc công nhận nhau, chịu tài nhau? Và hơn ai hết, họ quên mất rằng, đã là người của công chúng, ngoài những cống hiến cho nghệ thuật thì hành vi, lối sống của nghệ sĩ càng cần phải hết sức cẩn trọng. Bởi vì bất kỳ sự kiện gì của nghệ sĩ, công chúng chính là đối tượng tiếp nhận. Những sự kiện tích cực sẽ mang hiệu ứng tích cực và ngược lại, hành vi chưa đẹp của nghệ sĩ sẽ mang lại những hiệu ứng tiêu cực, nhất là với đối tượng khán giả nhỏ tuổi.

Một điều đáng nói, những cư xử thiếu văn hóa ấy chủ yếu rơi vào một bộ phận nghệ sĩ trẻ có chút tiếng tăm đã vội coi mình là trung tâm của vũ trụ nên sẵn sàng thể hiện quyền lực của mình mọi nơi, mọi lúc. Chưa kể tới việc một bộ phận truyền thông vẫn "dung túng" cho những nghệ sĩ có thái độ, phát ngôn và ứng xử thiếu văn hóa ấy. Liệu chúng ta có thể hy vọng những nghệ sĩ ấy sẽ mang được nghệ thuật đích thực đến với công chúng ngay cả khi họ cư xử không tốt với các bậc đàn anh, những đồng nghiệp thân cận? Có lẽ vì thế, bài học thành “nhân” trước khi thành “danh” chưa bao giờ là thừa với các nghệ sĩ trẻ.

Tuy nhiên, một điều đáng mừng là bên cạnh mảng tối hỗn độn đầy lo ngại mà các nghệ sĩ trẻ tạo ra thì vẫn còn nhiều nghệ sĩ luôn lấy đạo đức nghề nghiệp và sự nghiêm túc trong nghệ thuật làm trọng. Ngoài những đóng góp về mặt nghệ thuật, nhiều nghệ sĩ còn rất nhiệt tình với công tác xã hội, thể hiện trách nhiệm công dân của mình. Những hành động ấy của họ không chỉ chia sẻ, giúp đỡ những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn mà còn tạo nên những phong trào có sức lan tỏa rộng lớn đối với xã hội. Và quan trọng nhất, những ứng xử văn hóa, thái độ trân trọng đồng nghiệp chỉ luôn giúp cho hình ảnh nghệ sĩ đẹp hơn trong mắt công chúng mà thôi.

Nghệ sĩ Trà My: Nghệ sĩ luôn giàu tình thương và lòng trắc ẩn

- Thưa nghệ sĩ Trà My, không chỉ là một diễn viên hài quen thuộc với đông đảo khán giả, chị còn được nhiều người biết tới với vai trò là người khởi xướng, tổ chức những chương trình từ thiện ủng hộ các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Tại sao chị cứ lăn xả vào những công việc ấy, trong khi cuộc sống của chị đâu phải dư dả gì?

+ Tôi làm việc này từ khá lâu rồi, mặc dù đúng là tôi không phải là người giàu có, gì mà xuất phát từ cái tâm của mình. Bạn biết đấy, ngoại trừ những ngôi sao nổi tiếng thì hầu hết anh em nghệ sĩ, đặc biệt là nghệ sĩ làm sân khấu cực kỳ khó khăn. Nhất là lại không may mắc bệnh hiểm nghèo thì khó khăn gấp bội. Đã từng ở trong hoàn cảnh người thân yêu của mình mắc trọng bệnh, tôi hiểu hơn ai hết sự khó khăn, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần mà người bệnh và gia đình phải chịu đựng.

Nghệ sĩ Trà My (bên trái) thăm hỏi bệnh nhân.

Tôi nghĩ rằng, trong hoàn cảnh ấy, nếu có sự động viên thăm hỏi, dù về mặt vật chất không đáng gì so với những chi phí mà người ta phải bỏ ra, nhưng đó là sự động viên kịp thời. Ngoài ra, đó còn là tình thương, tình nhân ái đồng nghiệp với nhau. Chính vì thế, biết tin ai ốm đau, tôi thăm hỏi, sau đó thông báo cho các nghệ sĩ khác đến động viên, chia sẻ.

- Từ những chương trình quyên góp, từ thiện mà chị cùng một số nghệ sĩ đứng ra tổ chức đã có được hiệu ứng xã hội rất tốt, chị thấy nghệ sĩ có thương nhau không?

+ Một trong số những chương trình nghệ thuật từ thiện mà tôi cùng một số nghệ sĩ đứng ra tổ chức dành tặng anh Hán Văn Tình. Khi anh Tình lâm bệnh nặng, hoàn cảnh khó khăn, tôi mới bàn cùng ca sĩ Minh Quân, Phan Anh rằng anh Tình là một nghệ sĩ không chỉ bạn bè trong giới trân trọng mà khán giả cũng rất yêu quý, tại sao chúng ta lại không đứng lên làm một chương trình ca nhạc lấy quỹ ủng hộ? Và kết quả đến chúng tôi cũng bất ngờ.

Khi tôi đặt vấn đề, các nghệ sĩ ủng hộ luôn, không hề đắn đo. Ai cũng biểu diễn rất nhiệt tình, không lấy một đồng cát xê nào. Thậm chí, quá nhiều nghệ sĩ đăng ký biểu diễn đến mức thiếu thời gian. Từ chương trình ấy, tôi mới thấy là nghệ sĩ rất thương nhau. Những hoạt động thiện nguyện đúng lúc, đúng chỗ, rơi đúng điểm như thế sẽ kết nối không chỉ là sự ủng hộ của các nghệ sĩ mà còn có sự chung tay của những người ở lĩnh vực khác.

Sau đó, tôi đã cùng Hội Nghệ sĩ Sân khấu đứng ra tổ chức chương trình "Tình nghệ sĩ" để gây quỹ cho Hội, ủng hộ những nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn. Sắp tới, "Tình nghệ sĩ" do Hội Nghệ sĩ Sân khấu tổ chức lần thứ 2 với quy mô lớn hơn, có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ hơn. Đặc biệt có nhiều người cùng chung tay "đứng mũi chịu sào" như anh Vũ Ngoạn Hợp, nghệ sĩ Tự Long, Xuân Bắc... Đây sẽ là một chương trình ca múa nhạc, hài kịch.

Phương thức gây quỹ là chúng tôi kêu gọi các nhà tài trợ, liên hệ bán vé qua các nhà hát và kêu gọi sự chung tay của cộng đồng trên mạng xã hội. Tôi mong muốn "Tình nghệ sĩ" sẽ được tổ chức thường niên và là một biểu tượng của tình thương yêu mà các nghệ sĩ dành cho nhau.

- Nhiều người cho rằng, các nghệ sĩ luôn có cái "Tôi" rất lớn, không dễ gì có được tình bạn thật sự giữa những nghệ sĩ?

+ Không biết các nghệ sĩ khác thế nào, còn bản thân tôi không thấy điều đó. Tôi có một nhóm nghệ sĩ chơi với nhau rất thân, trong đó có MC Thảo Vân, Vượng "râu", Quang Tèo, Hồ Quang Tám, Hồng Liên, Lương Nguyệt Anh, Minh Chuyên... Chúng tôi coi nhau như anh em trong gia đình, mọi việc đều chia sẻ, gánh vác cùng nhau.

Tôi cho rằng, mỗi nghệ sĩ có một cái tài riêng, nếu biết đoàn kết, tổ chức sẽ thực hiện được những công việc có hiệu quả cao. Mỗi người cộng lại sẽ thành một khối đoàn kết, làm được rất nhiều việc. Chứng kiến sự quan tâm, sẻ chia của các nghệ sĩ với các bậc cha chú, đồng nghiệp trong nghề khi mắc trọng bệnh hay qua đời, tôi nhận thấy nghệ sĩ giàu lòng trắc ẩn và thương nhau lắm. Quan trọng là có người khởi xướng, kết nối thôi.

- Theo chị, đâu là điều quan trọng để các nghệ sĩ giữ được sự trân trọng, thương yêu với những đồng nghiệp của mình?

+ Tôi cho rằng, trong bất cứ mối quan hệ nào thì đó phải là sự tôn trọng. Lâu nay, tôi vẫn thường tâm niệm, mỗi nghệ sĩ đều được trời cho một lộc riêng và hãy bằng lòng với điều đó. Bạn mình hơn, mình càng vui, càng hãnh diện, tự hào.

Tôi không bao giờ suy nghĩ rằng níu áo người nọ, ganh ghét người kia sẽ giúp mình vượt lên. Tôi chỉ nghĩ đơn giản, mình là nghệ sĩ thì được phục vụ khán giả, dù ít, dù nhiều cũng là hạnh phúc. Hãy đứng đúng vị trí của mình. Mỗi nghệ sĩ hãy cố gắng làm nghề nghiêm túc và Tổ nghiệp thương mình đến đâu mình hưởng đến đó. Nghệ sĩ đã khổ lắm rồi. Sao không yêu thương, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau còn ganh ghét nhau làm gì. Chính vì thế, lâu nay, ngoài làm công tác chuyên môn, tôi lại lặng lẽ với công việc thiện nguyện của mình.

Với tư cách là Trưởng ban đối ngoại của Bệnh viện Ung biếu Hưng Việt, tôi thường xuyên cùng Ban giám đốc thăm hỏi, động viên bệnh nhân đang điều trị. Mình sống vô tư, bằng cái tâm trong sáng thì cuộc sống luôn thật sự thoải mái, dễ chịu. Hạnh phúc của tôi là trong những lúc bận bịu ấy vẫn thường xuyên nhận được sự quan tâm, nhắc nhở của bạn bè là phải nhớ giữ gìn sức khỏe.

- Xin cảm ơn chị!

NSND Thu Hiền: Đừng đánh đổi danh tiếng bằng những ứng xử thiếu văn hóa

Tôi cho rằng, ở bất kỳ lĩnh vực nào, tình đồng nghiệp cũng mang một ý nghĩa quan trọng. Với nghệ sĩ, những người đang làm một công việc đặc thù riêng thì "tình nghệ sĩ" lại càng thiêng liêng, quý báu. Hơn 50 năm làm nghệ thuật, tôi thực sự hạnh phúc khi có những người bạn đồng nghiệp không chỉ hỗ trợ nhau trong công việc chuyên môn mà còn chia sẻ cùng nhau trong cuộc sống.

Mỗi nghệ sĩ, khi xây dựng được "thương hiệu" của riêng mình trong đời sống thì không chỉ được tính bằng những đóng góp nghệ thuật mà còn là thái độ sống, cách đối nhân xử thế. Trong đó, tình nghệ sĩ yêu thương và đầy bao dung sẽ góp phần khiến cho người nghệ sĩ thêm ấm áp, an tâm trên con đường làm nghệ thuật.

Hầu hết khán giả chỉ tiếp xúc với nghệ sĩ thông qua tác phẩm nghệ thuật. Nhưng đằng sau mỗi ca khúc, đằng sau mỗi cuộc đời làm nghệ thuật là bao gian lao, cay đắng mà không phải ai cũng thấu. Tình đồng nghiệp giữa những nghệ sĩ chính là sự thấu hiểu mà đôi khi không phải nói, không phải giãi bày nữa.

Để có được tình nghệ sĩ bền chắc phụ thuộc vào cách ứng xử giữa nghệ sĩ với những người đi trước, với đồng nghiệp cùng trang lứa và với thế hệ đi sau. Trong đó, kiến thức, phông văn hóa chi phối khá nhiều vào cách hành xử của con người. Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi luôn yêu thương, trân trọng và quý mến nhau. Mỗi lần có dịp biểu diễn cùng sân khấu hay có dịp gì đặc biệt, gặp nhau đều tay bắt mặt mừng.

Nhiều năm gần đây, khi các cuộc thi âm nhạc thường xuyên diễn ra, đặc biệt là tại các cuộc thi "Sao Mai", "Sao Mai điểm hẹn", tôi vẫn thường được các em trẻ nhờ tư vấn bài hát, cách hát... Dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm với các em, tôi cho đó còn là trách nhiệm của những người đi trước. Từ đó, tôi cũng nhận lại được từ cách em sự trẻ trung, tư duy âm nhạc hiện đại, mới mẻ.

Có thể, tôi là lớp nghệ sĩ có tuổi, luôn chăm chú làm nghề mà ít để ý đến những gì đang diễn ra trên truyền thông hay trên các mạng xã hội. Nhưng tôi cho rằng, dù là ca sĩ của một đơn vị nghệ thuật nào đó, hay ca sĩ thị trường thì nếu có nền tảng văn hóa sẽ luôn biết cách ứng xử phù hợp, tôn trọng đồng nghiệp thay vì nói xấu hay tẩy chay nhau. Và chắc chắn rằng, người khôn ngoan sẽ không bao giờ đánh đổi danh tiếng của mình bằng những hành động thiếu văn hóa như vậy.

Mỗi nghệ sĩ như một loài hoa vậy. Mỗi loài có một vẻ đẹp riêng, một hương sắc riêng. Chăm chút cho vẻ đẹp, hương sắc của mình và tôn trọng vẻ đẹp của loài hoa khác là điều mà nghệ sĩ nên tâm niệm. Điều ấy không chỉ mang đến những tình nghệ sĩ bền chắc mà còn giúp khán giả thêm yêu, thêm trân trọng những người nghệ sĩ.

NSƯT Đức Long: Hãy khẳng định mình bằng tài năng

- Thưa NSƯT Đức Long, là nghệ sĩ gắn liền với những bản tình ca lãng mạn và được đồng nghiệp nhận xét là luôn "nghệ sĩ tính" cả trong đời sống, vậy thì tình nghệ sĩ với anh hẳn cũng là một điều rất thiêng liêng?

+ Tôi cho rằng, tình nghệ sĩ đó là một điều thiêng liêng, một món quà của cuộc đời đối với những người nghệ sĩ. Không có điều gì trân quý bằng những tình cảm yêu thương, gắn bó mà những người nghệ sĩ đã có với nhau trong đời sống. Vẫn biết rằng, tình bạn nào cũng đáng quý và đáng trân trọng, nhưng với những người nghệ sĩ với nhau, đôi khi có những điều không cần nói cũng hiểu và đồng cảm được.

Có lẽ tôi là người may mắn khi được công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, nơi có những người anh người chị đi trước như NSND Thu Hiền, NSND Trung Đức, NSND Thanh Hoa... những người bạn như Thái Bảo, Tố Uyên... cùng những người em, người cháu sau này.

Ngoài những giây phút luyện tập, làm nghề hăng say thì ở đời thường, chúng tôi có thể chia sẻ với nhau mọi chuyện. Lớp nghệ sĩ đi sau nhìn người đi trước cách ứng xử như nề nếp trong một gia đình. Có chăng, nghệ sĩ vốn là những người giàu cảm xúc, nên tình nghệ sĩ cũng vì đó mà thắm thiết và rất thú vị.

- Nếu theo dõi trên các phương tiện truyền thông, hẳn anh sẽ thấy gần đây  có khá nhiều chuyện liên quan đến việc "cơm không lành, canh không ngọt" giữa các nghệ sĩ trẻ. Thậm chí, có những sự việc mà người trong cuộc còn tuyên bố "có người ấy thì không có tôi", hoặc ngược lại... Dường như các bạn trẻ hiện nay không có được sự trân quý với đồng nghiệp như thế hệ các anh?

+ Phải thú thực với bạn là tôi chỉ tập trung làm nghệ thuật nên "lơ ngơ" trong đời sống lắm. Tôi chưa từng chứng kiến học trò hay đồng nghiệp trẻ nơi tôi công tác xử sự như vậy. Nhưng quả thật, khi nghe những chuyện như vậy tôi rất buồn. Nghệ sĩ mà ứng xử với nhau như vậy thì khán giả sẽ nhìn về giới nghệ sĩ như thế nào.

Tôi cho rằng, nghệ sĩ cũng là con người thôi nên mâu thuẫn là không thể tránh khỏi. Nhưng giải quyết mâu thuẫn ấy thế nào phụ thuộc vào tính cách cũng như học vấn mỗi người. Cũng như ganh đua, phấn đấu trong làm nghệ thuật là điều cần thiết, như một động lực để sáng tạo, nhưng phải bằng tài năng của mình chứ không phải bằng cách hạ bệ người khác.

Ngày xưa, nhà hát của chúng tôi có hai nghệ sĩ có "tạng" khá giống nhau đó là Thái Bảo và Việt Hương. Ngoài giọng hát thì hai người cùng mang phong cách ôm đàn ghi ta hát. Tuy nhiên khán giả ấn tượng với Thái Bảo hơn. Nhưng chưa một lần nào chúng tôi thấy Việt Hương có thái độ gì đó với đồng nghiệp của mình.

Sau này, Việt Hương rời sân khấu đi học đạo diễn và trở thành đạo diễn ca nhạc có tiếng hiện nay. Tôi kể câu chuyện đó để thấy rằng, thay vì ngó nghiêng, bì tị với người khác, hãy tin tưởng và chăm chút năng lực của chính mình.

- Theo anh, nguyên nhân nào khiến tình đồng nghiệp của các nghệ sĩ trẻ có sự phai nhạt như vậy?

+ Tôi cho rằng, có thể các bạn trẻ hiện nay đang ở trong một giai đoạn cạnh tranh khốc liệt. Mặt trái của cơ chế thị trường trong đời sống nghệ thuật khiến các bạn ấy mang tham vọng nổi tiếng, giàu có bằng mọi giá. Trong khi vốn sống, nền tảng văn hóa chưa đủ để mách bảo các bạn ấy phải ứng xử thế nào cho phù hợp. Nhưng cũng không loại trừ nguyên nhân sự mâu thuẫn giữa các nghệ sĩ là bởi những người quản lý.

Bản chất nghệ sĩ thường cảm tính, hồn nhiên thôi, nhưng vì những ông bầu muốn gây sự chú ý, coi đó như một phương thức để PR tên tuổi. Kết cục là nghệ sĩ trẻ bị cuốn vào vòng cạnh tranh phản cảm và vô bổ ấy.

- Không chỉ là cháy hết mình trên sân khấu, anh còn làm công tác giảng dạy, là người thầy của nhiều nghệ sĩ trẻ nổi tiếng. Ngoài kiến thức chuyên môn, anh có thông điệp gì gửi tới các học trò của mình về cách ứng xử, về tình nghệ sĩ?

+ Tôi vẫn thường nhắn nhủ các học trò của mình rằng, điều làm nên tên tuổi với nghệ sĩ chính là những đóng góp cho nghệ thuật chứ không bằng những tuyên bố hay lình xình trên mặt báo. Thế hệ nghệ sĩ chúng tôi ứng xử với nhau nền nếp lắm. Đơn cử như việc hát cùng một ca khúc. Người hát sau thường xin phép người hát trước để được sử dụng ca khúc đó.

Thực ra, nghệ sĩ cũng không ai khó khăn gì chuyện ấy cả. Sẵn sàng nhường bài hát hay suất diễn cho đồng nghiệp ngay. Rồi chuyện tranh luận, mâu thuẫn giữa nghệ sĩ chúng tôi cũng có nhưng chỉ ngày mai thôi gặp nhau là lại cười xòa.

- Xin cảm ơn NSƯT Đức Long! 

Thảo Duyên-Tuấn Phong (thực hiện
.
.