Tìm thực để vực ảo thuật

Thứ Sáu, 29/03/2013, 09:00
Ngày hội ảo thuật gia ba miền Bắc Trung Nam lần I vừa kết thúc đầu tháng 3 tại Tp HCM. Thế nhưng khác với sự mong đợi về một sự kiện có tầm vóc, mang quy mô toàn quốc (dự kiến có 30 ảo thuật gia nổi tiếng tham dự, biểu diễn và bán đấu giá gây quỹ) thì ngày hội diễn ra trong 2 ngày khá lặng lẽ, sơ sài. Số ảo thuật gia tham dự vỏn vẹn hơn chục người, chủ yếu là trong Câu lạc bộ Ảo thuật gia (CLB ATG) của Cung Văn hóa lao động Tp HCM...

Địa điểm tổ chức là khu du lịch H2O, huyện Hóc Môn, khá xa trung tâm thành phố khiến không ít ảo thuật gia mất cả buổi trời chạy lòng vòng hỏi đường. Vì thế, ngày hội hiếm hoi được kỳ vọng sẽ là nơi giao lưu cho công chúng yêu ảo thuật, tạo cơ hội cho các ảo thuật gia trên cả nước có điều kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, làm bước đà cho Gala Ảo thuật toàn quốc lần 3 sẽ diễn ra vào cuối tháng 3 tới, lại trở thành cuộc gặp gỡ mang tính chất nội bộ của CLB ATG. Đêm biểu diễn, ngoài hai ca sĩ và ba nhà báo khách mời, chương trình chỉ thu hút thêm vài ba khách du lịch nghỉ dưỡng tại đây. Phần bán đấu giá các vật phẩm để gây quỹ cho CLB nhằm tạo kinh phí chuẩn bị cho buổi biểu diễn tại trung tâm mồ côi sắp tới cũng diễn ra tẻ nhạt.

Chia sẻ về điều này, ảo thuật gia Minh Triết, chủ nhiệm CLB ATG, Trưởng ban Tổ chức thở dài: "Chúng tôi đã mời các ảo thuật gia ở miền Bắc và miền Trung nhưng anh em ngoài ấy yêu cầu CLB phải lo hết chi phí ăn uống, đi lại. Đáng buồn là với việc xin tài trợ khó khăn, chúng tôi không đủ kinh phí để lo cho hơn 20 thành viên từ Hà Nội vào".

Vấn đề kinh phí đang là một điều nan giải của ảo thuật Việt. Ảo thuật gia Minh Triết cho biết, hiện nay cátxê cho một tiết mục ảo thuật rất thấp, các sô diễn ngày càng giảm, trong khi đó chi phí đầu tư cho đạo cụ biểu diễn ngày càng đắt đỏ. Thù lao nhiều khi không đủ để đầu tư, sắm sửa đạo cụ. Từ chiếc khăn màu đến những đạo cụ theo công nghệ hiện đại đều phải đặt mua ở nước ngoài như Pháp, Mỹ. Ở Việt Nam không sản xuất được những loại đủ đẹp và chất lượng để biểu diễn chuyên nghiệp. Tuy nhiên vì mua đạo cụ ở các nước Châu Âu, Mỹ khá đắt nên đa số nghệ sĩ thường dùng hàng xách tay Trung Quốc. Nhưng theo cách nói vui của anh Minh Triết, thì mỗi lần dùng đồ Trung Quốc để biểu diễn là phải khấn thầm trong bụng "Lạy trời nó hoạt động tốt". Ngoài đầu tư cho đạo cụ, các ảo thuật gia cũng mất rất nhiều thời gian, công sức để luyện tập. Để có tiết mục ảo thuật lá bài lạ lẫm, đẹp mắt và đầy bất ngờ trong vòng 5 phút, "hoàng tử ảo thuật" K'Tay (Nguyễn Văn Bảy) đã phải mất hơn 3 năm luyện ngón nghề. Còn Nguyễn Thanh Long từng làm hỏng hàng chục chiếc ô và gần 10 bộ quần áo đắt tiền thì tiết mục mới thành công. Vậy nên cuộc sống của những ảo thuật gia muốn gắn bó với nghề rất chật vật. Hầu hết các nghệ sĩ đến với ảo thuật vì niềm đam mê, coi ảo thuật là nghề tay trái được nuôi bằng nghề tay phải của mình.

Các ảo thuật gia vẫn đang tự tìm hướng tiếp cận với công chúng.

Hiện nay, ảo thuật chưa thực sự nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức của các cấp, các ngành. Đa số các đơn vị ảo thuật hoạt động theo hình thức xã hội hóa, lẻ tẻ, phải tự mình bỏ vốn để hoạt động. Các doanh nghiệp khá ngại ngần khi ảo thuật gia gõ cửa xin tài trợ. Không có trường lớp đào tạo chính quy, các nghệ sĩ thì phải tự học qua những đàn anh đi trước hoặc ở các CLB rồi mày mò tự rèn luyện, tự sáng tạo và tự tìm chỗ để biểu diễn. Sân khấu để biểu diễn ảo thuật có những đặc trưng như hình hộp, phông đen với ánh sáng bố trí đặc thù. Thế nhưng, theo các nghệ sĩ đánh giá, ở Việt Nam sân khấu đủ chuẩn như thế không nhiều. Bên cạnh đó, việc có một sân khấu ổn định để nghệ sĩ rèn nghề và cống hiến tài năng cho công chúng gần như là chưa có. Nghệ sĩ Bùi Hữu Tuyển cho biết, sau khi đoạt giải nhất trong Gala Ảo thuật toàn quốc lần 2, anh vẫn chưa nhận được nhiều lời mời biểu diễn. Hữu Tuyển vẫn phải biểu diễn ở các đám cưới, nhà hàng, chương trình văn nghệ tạp kỹ để kiếm sống. Đó là thực trạng đáng buồn của nhiều nghệ sĩ ảo thuật hiện nay.

Chính vì thiếu kinh phí, không có trường đào tạo chính quy, không có nơi biểu diễn ổn định, ảo thuật Việt đang bị đánh giá là ngày càng nghèo nàn, manh mún, thiếu sáng tạo. Tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 2 tại Hà Nội, quanh đi quẩn lại chỉ có mấy chiêu trò đơn giản từ thập niên 60 của thế kỷ trước mà nhiều người đã ngán ngẩm. Chỉ khác là thêm thắt cách diễn và vài tiểu tiết. Nghệ sĩ đang biểu diễn, khán giả ngồi dưới đã tặc lưỡi: "Đấy, chút nữa cái khăn biến thành chim bồ câu cho xem"; "Chút nữa cái áo đó thay bằng cái áo khác trong chớp mắt nè"; "Lại trò cưa người à?"… Việc không có sân khấu chuyên biệt cũng khiến các ảo thuật gia ngại mạo hiểm mà chỉ sử dụng những chiêu trò quen thuộc cho an toàn.

Nói như ảo thuật gia K'Tay, nhiều khi một tiết mục tập luyện cả mấy năm trời nhưng chỉ biểu diễn ở một vài chương trình là khán giả đã nhàm chán. Còn ca sĩ chỉ với một bài hát đã nổi danh thì có hát đi hát lại mấy chục năm vẫn hái ra tiền. Do đó nhiều ảo thuật gia chỉ học những trò dễ, kỹ thuật đơn giản để mau thay đổi, biểu diễn liên hoàn nhiều trò để kiếm sống. Đã vậy, ảo thuật Việt vẫn bị khán giả xem rẻ, coi đó như một trò tạp kỹ không hơn không kém. Ảo thuật gia K'Tay chạnh lòng: "Trong các chương trình văn nghệ, ảo thuật bị xem là tiết mục phụ chữa cháy khi ca sĩ chưa đến. Có lúc đang diễn, ca sĩ đến rồi, MC giục diễn nhanh lên. Có khi lại yêu cầu diễn lê thê vì chờ mãi mà ca sĩ chưa đến".

Để đưa ảo thuật đến gần với khán giả, cũng như để thỏa lòng yêu nghề, nhiều đơn vị ảo thuật đã chủ động thực hiện chương trình quảng bá miễn phí. Ảo thuật đường phố là một ví dụ. Nhiều ảo thuật gia trẻ tuổi không ngần ngại "ra đường", đến những nơi tụ tập đông người như công viên, nơi vui chơi giải trí để trình diễn các tiết mục ấn tượng bằng những đạo cụ đơn giản. Các thành viên trong CLB ATG cũng không đứng ngoài trào lưu này.

Ngoài ra, nhiều ảo thuật gia đã tận dụng những vật dụng sinh hoạt hằng ngày để thực hiện những tiết mục gần gũi với khán giả. Còn nhớ, tại Liên hoan Ảo thuật toàn quốc lần 2, các nghệ sĩ mặc áo lính hải quân của CLB Hoa Phượng đỏ trong tiết mục "Lính đảo xa" đã kể câu chuyện về Trường Sa thật giản dị và cảm động bằng cách "biến" ra rau củ, bát đựng nước ngọt, đàn guitar... Vẫn là những mảng miếng ảo thuật quen thuộc nhưng đã được "lạ hóa" bằng một chủ đề rất ý nghĩa, được đông đảo khán giả ủng hộ.

Cũng để ảo thuật "kể chuyện", các thành viên CLB ATG lại tham gia các buổi tuyên truyền phòng chống HIV-AIDS, kế hoạch hóa gia đình cho công nhân tại các khu công nghiệp ở Tp HCM. Ảo thuật gia Ngô Đức Huy kể: "Những lần tuyên truyền về sử dụng bao cao su, chúng tôi thường biến ra những quả chuối, bao cao su… Mỗi lần "biến" ra một thứ chúng tôi đều giảng giải về chúng. Nhờ có ảo thuật mà thông tin tuyên truyền không bị khô khan, khó hiểu, ngược lại còn khiến họ rất hứng thú". Ngoài ảo thuật tuyên truyền, các ảo thuật gia còn dựng những vở kịch câm bằng ảo thuật, biểu diễn miễn phí tại các bệnh viện nhi, trại trẻ mồ côi hay các mái ấm.

Từng được mời biểu diễn trong các chương trình lớn tổ chức tại Pháp, Ukraina, Thụy Điển…, ảo thuật gia Minh Triết không ngại ngần nhận định: "Thập niên 70 của thế kỉ trước, ảo thuật Việt Nam đã có một thế hệ vàng lừng lẫy như Tony Quang, Z27, Bảo Thu…Đến thế hệ kế cận, các ảo thuật gia nước ta cũng không thua kém về sự sáng tạo, tài năng so với các ảo thuật gia lừng danh thế giới. Nhưng nó vẫn giậm chân tại chỗ vì thiếu sự đầu tư". Thật vậy, ảo thuật Việt không thiếu những chiêu trò hấp dẫn. Năm 2003, Minh Triết đã tạo dấu ấn với khán giả trong và ngoài nước khi biểu diễn tiết mục đi xuyên tường như David Copperfield tại khu du lịch Bình Quới. Anh cũng từng đi xuyên cánh quạt đang quay, biểu diễn tại Tp HCM năm 2007. "Hoàng tử ảo thuật" K'Tay có tiết mục ảo thuật với lá bài hết sức độc đáo, được xem là độc nhất vô nhị...

Sự tìm tòi, tự vượt khó của ảo thuật gia Việt Nam rất đáng được khích lệ. Nhưng giữa muôn vàn khó khăn, để ảo thuật Việt phát triển và vươn tầm ra thế giới - đó là một chặng đường rất dài, cần sự đầu tư chiến lược của các ban ngành, mà trước hết nó cần kinh phí để phát triển. Bởi có "thực" mới mong vực được… ảo thuật!

P.T.U.
.
.