Tiểu thuyết tình báo VN chưa có nhiều tác phẩm thành công

Thứ Hai, 23/08/2004, 11:11

Tiểu thuyết tình báo (TTTB) ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở dạng tư liệu chứ chưa thành tác phẩm văn chương. Cũng không có nhiều TTTB thành công như các thể loại khác. Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, nhà văn Triệu Huấn, Văn Phan đã nhận định như thế.

- Thưa các nhà văn, TTTB thu hút rất đông độc giả, nhưng đến nay, không ít người vẫn coi đó chỉ là “văn học loại 2”. Là tác giả của nhiều cuốn TTTB, các ông có đồng ý với quan niệm này?  

NV Văn Phan: Trước đây cũng có cách suy nghĩ như thế, nhưng gần đây tôi thấy không còn. Vấn đề là truyện hay hoặc dở, chứ phân loại ra, loại 1 mà văn chương không hay cũng chẳng ai đọc.  

Ở nước ta, tôi chưa thấy có ý kiến chính thức cho TTTB là loại 2,  qua những cuộc hội thảo tôi tham dự thì người ta cũng không hề phân loại, mà chỉ chú ý cuốn sách hay hoặc dở mà thôi!  

NV Hồ Phương: Hồi nhỏ, tôi cũng bị ảnh hưởng quan niệm không coi trọng TTTB, cứ nghĩ phải đọc Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng... mới là văn chương.  

Những năm đất nước chiến tranh, người ta thường viết và đọc tiểu thuyết tâm lý xã hội cho sang. Khi khói lửa chiến tranh đã tắt, chúng ta đã có một số cuốn TTTB viết tốt. Không thấy ai công khai chê bai mảng sách này vì nó nghiêm túc và hấp dẫn.  

Theo tôi, đánh giá cao hay thấp, trước hết không ở đề tài, mà ở chất lượng văn học đích thực của tác phẩm. Anh viết một đề tài dù có thiêng liêng đến đâu nhưng văn chương dở thì không ai đọc.  

NV Triệu Huấn: Theo tôi, TTTB đúng là văn chương để giải trí. Người ta chú trọng đến diễn biến tâm lý hơn là tâm hồn. Không ai đọc truyện tình báo để khóc cả. Tuy cũng có những quyển hay, nhưng tính giải trí vẫn bao trùm.  

- Một cuốn TTTB thường được cho là hay bởi 2 yếu tố: tư liệu lịch sử và sự sáng tạo. Nhưng trên thực tế, có tác giả chỉ đi sâu vào giá trị chân thực của lịch sử, có người lại chỉ coi trọng sự sáng tạo. Quan điểm riêng của các ông về vấn đề này?  

NV Hồ Phương: Hai yếu tố đó đều quan trọng, sự sáng tạo sẽ biến các tư liệu nhuần nhuyễn thành câu chuyện hoàn toàn khác, những nhân vật thực sự sống động. Không có hư cấu sáng tạo, chỉ là những truyện ký. Tiểu thuyết khác là ở chỗ ấy: có hư cấu, sáng tạo để tạo nên một cuộc sống với những nhân vật rất thật. Người đọc không còn thấy phảng phất chuyện ấy, người ấy hay vụ này, vụ khác một cách thời sự.  

Tư liệu phải cao như núi, nhưng nhà văn phải đứng cao hơn núi ấy để nhìn xuống mà chọn lọc, biến hóa nó chứ không phải chết chìm trong tư liệu. Đó là điều cần cố gắng chung của các nhà văn.  

NV Văn Phan: Những cái tôi viết chủ yếu để thể hiện lại cuộc chiến đấu của lực lượng công an, đề tài thường gọi là tình báo hay phản gián. Nhưng lúc viết, tôi không nghĩ nhiều đến thể loại với việc lợi dụng cái hấp dẫn, ly kỳ, mà làm sao thể hiện người chiến sĩ công an cùng nhân dân đấu tranh trên mặt trận bảo vệ an ninh quốc gia và sự việc đó diễn ra như thế nào, những người đang sống, làm việc ra sao.  

NV Triệu Huấn: Người ta bỏ tiền mua sách không phải để nghe những lời dạy dỗ. Mà như thế thì người viết cũng ngạo mạn quá! Những trang viết của tôi chỉ nói lên phần nào sự thật, chủ yếu làm cho người ta vui vẻ và tiếp nhận. Vì thế, ngoài khả năng văn chương, phải có cái để giải trí. Hiện nhiều cuốn sách quên mất tính giải trí, mà chỉ nghĩ đến tính giáo dục. Muốn đến với công chúng thì phải có yếu tố giải trí cả về văn học lẫn sự kiện. Vậy là tôi đã chọn cái mới và hay.  

- Các ông đến với đề tài tình báo là do nhu cầu bạn đọc, nhu cầu tự thân, hay bởi ý thức trách nhiệm của người cầm bút?  

NV Hồ Phương: Trong chiến tranh, tôi chủ yếu viết về xung đột ta - địch. Hòa bình, tôi vẫn trung thành với dòng viết về những gì trong sáng, đẹp đẽ. Hơn nữa, thời điểm này, vấn đề FULRO ở cao nguyên đang là đề tài thời sự và nó cũng vẫn trong cái dòng quen thuộc của tôi khi viết về chiến tranh như xung đột địch - ta, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vì thế, tôi viết Anh là ai. Thế rồi, “lọt mắt xanh” ngành công an, được mời tham gia sáng tác đề tài an ninh và cuốn Yêu tinh ra đời!  

NV Triệu Huấn: Trước hết, bởi cuộc chiến tranh của ta vĩ đại quá! Đó là cuộc chiến đấu giữa những người có ý chí, lòng yêu nước với một thế lực hung bạo. Người ta lý giải nguyên nhân thắng lợi là do những điều to tát chứ không phải từ bản gốc của dân tộc, con người Việt Nam. Nhưng nhiều lý luận đã đổ vỡ. Vì thế, tôi viết với mong muốn thể hiện được con người và đất nước này, bởi ông cha ta trong lịch sử đã bao lần chiến thắng những đội quân hung bạo nhất, chỉ dựa trên tinh thần dân tộc, lòng yêu nước và đoàn kết.  

NV Văn Phan: Từ xưa đến nay, truyện tình báo thường có sức hấp dẫn đặc biệt. Nếu ở bộ đội, chắc tôi sẽ tiếp tục viết như Lớn lên với Điện Biên, nhưng ở ngành công an, trước hết tôi viết vì nhiệm vụ được phân công. Khi công tác, nhìn thấy xung quanh có những vấn đề hấp dẫn, gây hứng thú thì tôi tìm tòi để viết. Tôi thấy đề tài thích thì viết. Nhất là tôi ở ngành công an thì viết đề tài này là tự nhiên. Tôi cũng không đi theo hướng viết kiểu phương Tây, mà thể hiện con người và cuộc đấu tranh đó theo phương pháp hiện thực XHCN trước đây và về sau viết một cách thoải mái, không băn khoăn về thể loại.  

- Có khoảng cách hay không giữa nguyên mẫu trong đời thường với nhân vật trong tác phẩm TTTB của các ông?  

NV Hồ Phương: Tác phẩm của tôi đều có nguyên mẫu, nhưng phần sáng tạo và đóng góp riêng chiếm 60-70%. Thế mới là sáng tác văn học, nếu không sẽ là ký sự. Tư liệu chỉ là “bột” cho nhà văn “gột nên hồ”. Muốn nâng cao chất lượng văn học, nhà văn phải có sức tưởng tượng mạnh mẽ, mạnh dạn tìm tòi, sáng tạo và hư cấu, đừng lệ thuộc vào tư liệu. Nhưng sức tưởng tượng của các nhà văn Việt Nam còn ở mức bình thường, ngay cả tôi cũng vậy.  

NV Triệu Huấn: Có khoảng cách người ta mới đọc. Như sự khác nhau giữa một bức ảnh và một bức tranh. Tư liệu chỉ mươi phần trăm, còn lại là hư cấu! Truyện của tôi không có nhân vật xuyên suốt, sự kiện bao trùm mà qua thực tế, tôi chắt lọc những vấn đề hay của nhiều người, kết nối lại rồi hư cấu. Tất nhiên, nếu khả năng cấu trúc giỏi thì người đọc không biết được các “mối hàn” và nhân vật vẫn hiện lên sống động. Văn học chính là ở chỗ phải tưởng tượng và sáng tạo trên cơ sở những cái đã diễn ra mới thuyết phục được người đọc. Nếu chính xác như bài báo thì sẽ không thúc đẩy sức tưởng tượng của độc giả.  

NV Văn Phan: Nhất thiết phải có “khoảng cách” và không thể không hư cấu. Nhưng đích của tôi là vấn đề mình thể hiện phải đúng như cuộc sống thực. Nhiều khi sự thật bản thân nó đã là những truyện hay, còn việc thêm bớt cho truyện hoàn chỉnh làm để vấn đề sáng rõ ra và người đọc theo dõi dễ hơn. Truyện tôi viết thường có nguyên mẫu. Chỉ có những điều phải giữ gìn bí mật như nghiệp vụ chính trị, con người cụ thể, thì thay đổi, còn những chuyện khác đều là sự thật. 

- Ý kiến của các nhà văn về TTTB trong nước?  

NV Hồ Phương: So với trước, TTTB của ta đã khá hơn cả về số lượng và chất lượng, thành dòng văn học đã có thể ngang ngửa với loại được coi là “đàn anh” như tiểu thuyết tâm lý xã hội. Chưa thể gọi là đã có tác giả TTTB xuất sắc, mà chỉ ở mức khiêm tốn. Nếu có tác giả chuyên viết về đề tài này thì tốt, vì như thế, chắc sẽ có nhiều tác phẩm khá hơn, công phu tìm tòi, sáng tạo hơn.  

Đề tài an ninh vẫn được yêu thích. Khi độc giả còn thích báo An ninh thế giới và Công an nhân dân tức là người ta thích đề tài này. Vấn đề là chưa có những cuốn sách thực sự lôi cuốn bạn đọc mà thôi.  

NV Triệu Huấn: Tôi chủ yếu đọc những vấn đề thời sự, chứ đọc người khác nhiều quá dễ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, tôi cũng xem một số và thấy rằng, nói văn chương là chân - thiện - mỹ thì cái đạt được nổi bật của các tác giả ấy là chân. Nhưng chân chỉ là tiêu chí của tiểu thuyết cổ điển. Với tiểu thuyết, cái ảo, cái tưởng tượng, hư cấu mới quan trọng.  

Nếu so với cả cuộc kháng chiến của dân tộc thì văn học nói chung phản ánh còn mức độ. Mà viết TTTB thì có mấy ai? Vì nó đòi hỏi phải có thực tiễn, phải mưu trí, mà đấu trí thì phải chính xác, tránh phi logic, nên người viết phải cao tay!  

NV Văn Phan: Ở ta chưa có ai thực sự tài giỏi nên có cuốn người đọc thích là vì tư liệu, hay vì một số phận con người hoặc để biết một sự thật, chứ tác phẩm thành công thật sự thì chưa có mấy! Đề tài này là mảnh đất màu mỡ nhưng chưa được khai thác nhiều, do nhà văn ngoài ngành ít có điều kiện tiếp xúc lấy tư liệu. Cũng có người còn thành kiến với TTTB nên chưa lăn vào viết đề tài này. Thực tế lồ lộ nhưng các chiến sĩ trong ngành mới viết ở dạng tư liệu, chưa thành tác phẩm văn chương...  

- Các ông có ý định gắn bó lâu dài với đề tài này?  

NV Hồ Ph­ương: Tôi cũng thích nhưng còn nhiều việc phải làm. Khi nào rảnh, tôi lại trở về với đề tài này. Cũng là một cách thay đổi môi trường cho vui và tiếp tục rèn bút, thử thách mình.  

NV Triệu Huấn: Nếu tôi gặp được những nhân vật tâm đắc...  

NV Văn Phan: Chắc chắn tôi vẫn đi sâu vào đề tài này. Vốn sống của tôi đ­ược chừng nào thì sẽ cố gắng thể hiện. Tuy nhiên, tôi cũng không phân biệt thể loại, vụ việc hay công việc, mà là do cảm nhận và tâm đắc thì viết!  

- Xin cảm ơn và chúc các nhà văn tiếp tục thành công

Hoàng Thái (thực hiện)
.
.