Tiếng hát và lòng tự trọng

Thứ Năm, 24/12/2020, 12:07
Việc bãi bỏ quy định cấm hát nhép là cách để nhấn mạnh hơn vai trò của nhà tổ chức và sự tự trọng của chính nghệ sỹ.

Chính phủ mới vừa ban hành Nghị định 144/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/2/2021 thay thế cho Nghị định 79/2012/NĐ-CP về hoạt động nghệ thuật biểu diễn.  

Lập tức, Nghị định mới này đã mở ra một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới hoạt động nghệ thuật và giải trí quanh việc Nghị định 144 đã bỏ quy định cấm sử dụng bản thu âm sẵn giọng thật của người biểu diễn, nôm na là bỏ quy định cấm hát nhép. Ở Nghị định cũ, việc hát nhép có thể bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Nhiều nghệ sĩ bức xúc cho rằng việc bỏ điều luật cấm này sẽ cổ xuý cho nạn hát nhép. Thực chất, hát nhép là một hành vi không thể bị cấm bởi nó là một quyền cơ bản của bất kỳ ai. Nhưng xét về khía cạnh đạo đức nghề nghiệp, hát nhép là một hành vị bị xem là lừa dối khán giả, tương tự như “cung cấp một sản phẩm giả mạo” vậy.

Còn trong thực tế, suốt 8 năm qua, tình trạng hát nhép vẫn còn, đặc biệt là ở những chương trình truyền hình trực tiếp vốn đòi hỏi sự ổn định tín hiệu âm thanh, hình ảnh, sự trung thành xuyên suốt với kịch bản đã được lên khung cho đúng tiến độ thu phát sóng... 

Còn ở các chương trình trình diễn khác ở các sân khấu, nhà hát, tình trạng hát nhép gần như đã không còn tồn tại. Lý do cơ bản: Đại đa số các chương trình biểu diễn ca nhạc hiện nay đều sử dụng ban nhạc sống để đệm nhạc thay vì nhạc nền thu sẵn. Một khi đã có ban nhạc sống, hát nhép không thể nào tồn tại.

Như vậy, tình hình thực tế và cả lý tính luật pháp đều rất phù hợp để Nghị định mới bãi bỏ quy định cấm này. Ở khoản 2b, điều 4, chương 1 của Nghị định có ghi rõ về trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật như sau: “Thực hiện đúng với nội dung đã thông báo; nội dung đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc chấp thuận theo quy định tại Nghị định này”. 

Như vậy, nếu một chương trình ca nhạc khi đăng ký cấp phép mà ghi rõ “biểu diễn nhạc sống” (live) thì chắc chắn không một nghệ sỹ nào tham gia chương trình được phép hát nhép. Cụ thể hơn, trong quá trình đăng ký cấp phép, đơn vị tổ chức cũng phải đăng ký rõ tiết mục nào hát sống (live) và tiết mục nào hát nhép để phục vụ một mục đích cụ thể nào đó.

Trên thế giới, không một quốc gia nào cấm hát nhép cả. Tuy nhiên, rất nhiều quốc gia có quy định nghệ sĩ hoặc nhà tổ chức phải ghi rõ trong phần quảng bá, trên vé một công bố rằng chương trình của họ có phần hát nhép. Đơn giản, văn hoá là một mặt hàng và không khán giả nào chấp nhận việc bỏ hàng trăm USD ra để mua vé một chương trình được “làm sẵn”. Không có công bố trước, điều đó không khác gì “lừa” người tiêu dùng và bán “hàng giả”.

Trở lại với tình hình ở Việt Nam hiện nay, việc bãi bỏ quy định cấm hát nhép là cách để nhấn mạnh hơn vai trò của nhà tổ chức (công khai thông tin) và sự tự trọng của chính nghệ sỹ. Khi không cấm hát nhép mà nghệ sĩ có tự trọng nghề cao, kiên quyết không hát nhép thì vấn nạn hát nhép sẽ không tồn tại. Ngược lại, nếu có quy định cấm hát nhép mà nghệ sĩ thiếu tự trọng thì việc hát nhép sẽ vẫn tồn tại như cơm bữa.

Thế thì có gì phải lo lắng không khi bây giờ, chính khán giả mới là người có quyền phán xét tối thượng trong một môi trường hoạt động nghệ thuật mang đúng tính chất của lựa chọn, đào thải thị trường và lòng tự trọng nghề nghiệp của nghệ sỹ mới là thứ quyết định bản chất của những sản phẩm văn hoá trên thị trường ấy?

Văn Đoàn
.
.