Tiếng Việt lớp 1 và những điều đáng ưu tư

Thứ Sáu, 23/10/2020, 14:28
Trên mạng xã hội, nhiều nhà văn và nhà giáo đã viết thư ngỏ đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có phương án xử lý sớm bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, vì sự thiếu chuẩn mực trong cách biên soạn nội dung sách giáo khoa có thể ảnh hưởng đến học sinh.


Sách dạy trẻ em lại khiến người lớn hoang mang

Trên mạng xã hội, nhiều nhà văn và nhà giáo đã viết thư ngỏ đề nghị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có phương án xử lý sớm bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, vì sự thiếu chuẩn mực trong cách biên soạn nội dung sách giáo khoa có thể ảnh hưởng đến học sinh. 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nghe lãnh đạo Bộ Giáo dục Đào tạo báo cáo, và yêu cầu: "Trong các ý kiến góp ý, có những ý kiến khá gay gắt nhưng trong sự gay gắt đó thể hiện tâm huyết của cộng đồng mong muốn làm sao có được một bộ sách tốt nhất để dạy cho con em chúng ta. Tinh thần trước tiên là phải tiếp thu và trân trọng bằng tất cả tấm lòng!". 

Bộ Giáo dục Đào tạo cũng đã có văn bản đề nghị Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa tiến hành rà soát về nội dung dư luận bức xúc liên quan tới sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh ấn hành.

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên bộ sách Tiếng Việt lớp 1 - nhóm Cánh Diều.

Tiếng Việt lớp 1 nằm trong bộ sách được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm tổng chủ biên, là một trong 5 bộ sách giáo khoa lớp 1 mà Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa đã phê duyệt để nhà trường lựa chọn và triển khai các hoạt động dạy học theo quy định. 

Nếu như bốn bộ sách giáo khoa lớp 1 kia bị các giáo viên phản ánh về việc phân chia bài học quá dày kiến thức khiến học sinh khó tiếp thu, thì bộ sách giáo khoa lớp 1 của nhóm Cánh Diều lại bị phản ứng về những ngữ liệu phản cảm, không có tính giáo dục.

Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, có hai điều bất cập mà các bậc phụ huynh lẫn các nhà sư phạm băn khoăn. Thứ nhất, là sử dụng quá nhiều ngôn ngữ địa phương, không thích hợp cho học sinh trên phạm vi toàn quốc. Thứ hai, là đưa vào quá nhiều truyện ngụ ngôn, gây khó khăn cho năng lực đọc và hiểu của học sinh.

Lớp 1 được xem là giai đoạn học vỡ lòng. Nếu bộ sách Tiếng Việt lớp 1 lại mang tính đánh đố giáo viên thì học sinh không thể nào hấp thụ được bài học một cách trọn vẹn. Mặt khác, lớp 1 có yếu tố nền tảng cho cả quá trình trau dồi Tiếng Việt, không thể chấp nhận bất kỳ thể nghiệm nào khiến học sinh e dè hoặc sợ hãi Tiếng Việt.

Bộ sách Tiếng Việt lớp 1, tập 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn đang gây bức xúc dư luận.

Đại diện nhóm Cánh Diều biên soạn Tiếng Việt lớp 1 biện giải rằng, những bài tập đọc đều lấy nguồn từ những tác phẩm nổi tiếng của Lev Tolstoy hay La Fontaine, chứ không phải do họ bịa ra. 

Nghe qua thì có lý, những nghĩ lại thì bất ổn. Bởi lẽ, truyện ngụ ngôn nước ngoài hoàn toàn không phải dạng văn bản để học sinh lớp 1 có thể đọc và hiểu ngay lập tức. Truyện ngụ ngôn có giá trị ở hàm ngôn, chứ không phải hiển ngôn trên mặt chữ. Học sinh lớp 1 cần phải được học dạng văn bản rõ ràng và mạch lạc, dễ nhớ và dễ thuộc. Tại sao không trưng dụng kho tàng cổ tích và thi ca Việt Nam mà lại vay mượn truyện ngụ ngôn nước ngoài để dạy và học Tiếng Việt lớp 1?

Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, từng được xếp vào hạng tiến bộ mang tầm vóc "công nghệ giáo dục". Thế nhưng, "triết lý giáo dục" của Tiếng Việt lớp 1 ở đâu chưa thấy, mà những gì hiện ra trên trang sách đã khiến nhiều người hoang mang. Tiếng Việt lớp 1 có những bài tập đọc được sử dụng truyện ngụ ngôn mà chính người lớn cũng không hiểu dụng ý của nhóm Cánh Diều biên soạn. Bài tập đọc "Hai con ngựa" chia làm hai phần, là một ví dụ. 

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết với tư cách Tổng chủ biên Tiếng Việt lớp 1, diễn giải: "Bài tập đọc "Hai con ngựa" được viết lại (phỏng theo) truyện "Ngựa đực và ngựa cái" của Lev Tolstoy, do Thúy Toàn dịch, in trong cuốn "Kiến và bồ câu". Cốt truyện được giữ nguyên. Nhưng truyện dài nên phải chia làm 2 phần, có đánh số 1, 2. Trang sách anh (chị ) chụp là phần 1. Phần 2 được học ngay sau phần 1. 

Về nhân vật, chúng tôi phải sửa "ngựa đực, ngựa cái" thành "ngựa tía, ngựa ô" vì học sinh đến tuần đó chưa học các vần "ưc", "ai" và cũng vì không muốn nói chuyện "đực, cái". Trong truyện của Lev Tolstoy, ngựa cái lười biếng xui ngựa đực không đi cày, nếu chủ quật roi thì tung vó đá lại. Ngựa đực làm theo lời ngựa cái. Bác nông dân thấy ngựa đực ương bướng, bèn đóng ngựa cái vào vai cày. Những chi tiết này đã được chúng tôi sửa lại cho nhẹ nhàng nhưng căn bản diễn biến câu chuyện vẫn như truyện của Lev Tolstoy. 

Về ý nghĩa, một nhà văn lớn như Lev Tolstoy không bao giờ viết một truyện tầm phào hoặc phản giáo dục. Ý nghĩa của câu chuyện này là: xui người khác làm bậy thì chính mình sẽ chịu hậu quả".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Văn Dân không chấp nhận cách phân bua của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, với lý do: "Dù gì thì với trẻ em lớp 1 cũng không thể dùng tư duy ngắt dòng để ngắt truyện như thế này. Đây là truyện giáo dục chứ không phải truyện phim truyền hình. Chuyện này chẳng khác gì việc ngắt trang cho câu nói: "Phúc thống phục nhân sâm..." (trang 1) và rồi "... tắc tử" (tr. 2)! Nên nhớ, tư duy trẻ em chưa điều khiển được nút dừng".

Những bài tập đọc trong Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều biên soạn không chỉ làm phụ huynh hoang mang, mà giới trí thức cũng ngao ngán. 

Tiến sĩ Chu Mộng Long chia sẻ: "Tôi thật sự bất ngờ là truyện ngụ ngôn lại chiếm một dung lượng lớn trong sách Tiếng Việt 1. Cái chữ với trẻ em đã trừu tượng, lẽ ra chính câu chuyện và hình ảnh trực quan sẽ làm cho cái chữ trừu tượng trở nên gần gũi, dễ hiểu, đằng này người viết sách chủ quan ném truyện ngụ ngôn vào đó làm cho cái trừu tượng thêm trừu tượng và rắc rối, phức tạp hơn nữa. Đó là mục tiêu phát triển năng lực theo nghĩa đánh thức và phát huy tiềm năng của lứa tuổi hay thách đố trí tuệ trẻ em?".

Hội đồng thẩm định sách giáo khoa do đích thân Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo phê duyệt từng thành viên. Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đối với môn Tiếng Việt lớp 1 cũng vậy. Vì sao, Hội đồng thẩm định bộ Tiếng Việt lớp 1 có hai giáo sư là Trần Đình Sử và Mai Ngọc Chừ, vẫn để lọt những "hạt sạn" trong bộ sách do nhóm Cánh Diều biên soạn? 

Với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng thẩm định bộ sách Tiếng Việt lớp 1, Giáo sư Mai Ngọc Chừ khẳng định hội đồng thẩm định đã phát hiện những bất cập và đã trao đổi với các tác giả. Bằng chứng là biên bản thẩm định sách cũng có ghi rõ rằng hội đồng khuyên nhóm tác giả nên thay những ngữ liệu như "nhá", "chén" bằng các ngữ liệu phù hợp hơn. 

Tuy nhiên, Giáo sư Mai Ngọc Chừ cũng thừa nhận sự trớ trêu đã xảy ra: "Hội đồng thẩm định có thể chỉ ra những cái sai, chưa phù hợp để yêu cầu sửa. Những điểm không sai nhưng độ phù hợp chưa cao, hội đồng chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả. Khi nhóm tác giả không muốn sửa, Hội đồng thẩm định không có quyền ép hay sửa thay họ. 

Khi thẩm định sách, một trong những tiêu chuẩn cứng là vấn đề thực nghiệm. Năm bộ sách đều được tổ chức thực nghiệm, nhưng thời gian chỉ có vài tháng. Khi thẩm định, chúng tôi hỏi rất cặn kẽ thực nghiệm ở đâu, thế nào, nhóm tác giả đều trình bày đầy đủ. Nhưng chúng tôi cũng không thể kiểm tra từng lớp, từng giáo viên, học sinh để xem mức độ đến đâu".

Nếu thực tế hoàn toàn đúng như những gì Giáo sư Mai Ngọc Chừ thổ lộ, thì vai trò của Hội đồng thẩm định sách giáo khoa khá mờ nhạt. Hội đồng thẩm định có ý kiến không đồng thuận, mà bộ sách Tiếng Việt lớp 1 vẫn được đưa vào trường học thì quả là chuyện oái oăm. Trước bức xúc của xã hội về bộ sách Tiếng Việt lớp 1, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng bắt đầu thực hiện chương trình giám sát trong tháng 10/2020.

(Gia Quan)

Nên thu hồi hay chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1?

Bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều biên soạn thực sự đã tạo ra cơn khủng hoảng về chất lượng sách giáo khoa. Trước những bức xúc của xã hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu cũng như nghiêm túc xử lý vi phạm nếu có.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, sách giáo khoa cũng như sách tham khảo dùng trong trường học phải phù hợp với trẻ em Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Thế nhưng, những người liên quan đến bộ sách Tiếng Việt lớp 1 không nhận thấy khuyết điểm của họ. Tổng chủ biên là Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Chủ tịch hội đồng thẩm định là Giáo sư Trần Đình Sử đều cho rằng những ngữ liệu được đưa vào Tiếng Việt lớp 1 đều có cơ sở, mà cụ thể là căn cứ vào Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê.

Quan niệm của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Giáo sư Trần Đình Sử phải hiểu như thế nào? Liệu có oan uổng cho Từ điển Tiếng Việt của Hoàng Phê không? Từ điển là một công trình khoa học. Từ điển có chức năng tổng kết từ ngữ trong đời sống, kể cả những từ ngữ chuyên ngành và từ ngữ dị biệt. Từ điển không đơn thuần là từ ngữ phổ thông để dạy cho học sinh lớp 1. Nếu chỉ dựa vào Từ điển Tiếng Việt để biên soạn Tiếng Việt lớp 1 mà không cần cân nhắc các yếu tố sư phạm, thì tại sao không khuyến khích học sinh tự nghiên cứu từ điển mà phải dùng đến sách giáo khoa như một công cụ tối ưu?

Theo hội đồng thẩm định thì khi nhóm Cánh Diều trình bày dự án biên soạn Tiếng Việt lớp 1 đã cho rằng chương trình ưu tiên dạy âm và dạy vần, nên những từ ngữ không phổ thông "chỉ có thể khuyến cáo, sửa hay không là quyền của các tác giả".

Phó Giáo sư - Tiến sĩ ngôn ngữ Nguyễn Hữu Đạt.

Hậu quả của "ưu tiên dạy âm và dạy vần", theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt là điều vô cùng tệ hại: "Người biên soạn muốn dạy các âm hoặc vần nào thì cố "gò" các âm và các vần ấy vào các đoạn văn tự nghĩ ra, bất chấp tính logic hay đúng sai. Cách làm việc kiểu này dẫn đến một hệ lụy: nhiều bài đọc hay đoạn văn rất tối nghĩa, lủng củng. Đây là điều gây ra những phương hại cho học sinh. Học tiếng Viêt qua các văn bản lủng củng, rối rắm chưa kể còn nhiều chỗ sai thì người học làm sao yêu thích tiếng Việt? 

Ví dụ, ở bài tập đọc Thỏ thua rùa, có câu "Nó la cà nhá cỏ, nhá dưa, lơ mơ ngủ". Ở đây, từ "nhá" dùng không đúng, vì "nhá" là động từ chỉ dùng khi sau nó là vật cứng, khó nuốt (ví dụ như chó nhá xương…). Còn con thỏ là loài động vật thường chỉ ăn cỏ, ăn lá… những thứ mềm. Trong văn cảnh của bài cũng đã có "cỏ, dưa" những thứ mềm, sao lại dùng "nhá"? Dạy thế là không đúng cả về lý thuyết lẫn thực tế. Nó rất sống sượng và chủ quan".

Ở góc độ khác, nhà văn Nguyễn Quang Vinh nêu lý do phản đối những ngữ liệu trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1: "Thứ nhất, dùng quá nhiều các từ ngữ phương ngữ, khẩu ngữ, từ ngữ ít dùngnhư gà nhí, gà nhép, sẻ ri, ca ri ri, pianô, xe téc, nhá cỏ, nhá dưa, quà quà, chả (lo), tí gì, vù, vọt, hí hóp, la liếm, tỏ vẻ, thô lố, ngó, ngộ, nom, ướt nhẹp, dăm (nhà)… Thứ hai, dùng nhiều kết hợp bất thường như quạ quà quà, sẻ ca riri, cho ve tí gì, chả có gì, (đẹp) mà chẳng khôn, giúp má sắp cơm, quạ kiếm cớ la cà, cua khệ nệ ôm yếm, chó thì mổ mổ, gà thì la liếm...". 

Còn nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ cho rằng: "Sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn đang gây ra cơn bão phẫn nộ trong nhân dân, không chỉ với phụ huynh có con vào lớp 1. Tôi thấy dưới các bài tập đọc thường có chữ "phỏng theo" hoặc "kể" theo truyện của nhà văn nước ngoài hay Việt Nam. Có tên người kể hay phỏng theo đó. Cách làm này cho thấy sự khôn khéo của nhóm làm sách, vừa không phải nghĩ, lại sẵn kho truyện muốn lấy gì thì lấy, bất chấp nội dung có phù hợp với trẻ bắt đầu tiếp cận với con chữ. Con trẻ không phải là trò chơi của một nhóm người nhân danh cải cách. Mong các cấp có thẩm quyền cho thu hồi, tiêu huỷ cuốn sách rất phản giáo dục này để cứu những cháu bé phải học chúng trước khi quá muộn".
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ.

Rõ ràng, cách đổ lỗi cho Từ điển Tiếng Việt mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Giáo sư Trần Đình Sử đang cố biện minh đã không được giới chuyên môn chấp nhận. Sự thất bại của bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn đã phơi bày nhiều bất cập về sách giáo khoa hiện nay.

Từ vụ ầm ĩ của bộ sách Tiếng Việt lớp 1, Tiến sĩ Giáp Văn Dương phân tích: "Khi đã không biết rõ sách mình viết ra để đào tạo con người nào thì sẽ rất dễ rơi vào viết… nhảm. Cũng giống như người thầy khi không biết những điều mình dạy sẽ góp phần đào tạo ra con người nào thì sẽ chỉ có thể dạy theo máy móc và cũng rất dễ dạy… nhảm. Vì thế, ngữ liệu, nội dung, hình ảnh minh họa... sẽ thiếu nhất quán, tự phát và bị giới hạn bởi trải nghiệm tuổi thơ và giáo dục của chính các tác giả. 

Đó chính là lý do vì sao trong sách hay có nhiều từ địa phương, xa lạ và ít sử dụng với trẻ em hiện giờ. Khi đã thiếu triết lý giáo dục dẫn dắt, tự phát và bị giới hạn bởi quá khứ như thế, những gì được viết ra trong sách giáo khoa sẽ là những gì thuộc về tiềm thức và trải nghiệm tự nhiên của chính các tác giả - những người đã rất cũ, đã thuộc về quá khứ - chứ không phải những gì dành cho các thế hệ tương lai, thuộc về một thời đại hoàn toàn mới".

Tiến sĩ Giáp Văn Dương.

Nhiều ý kiến đề nghị thu hồi bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn. Lý do, không thể dễ dàng chỉnh sửa một sản phẩm lỗi trong hệ thống sách giáo khoa. 

Cụ thể hơn, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt khẳng định: "Theo góc độ chuyên môn, quyển sách Tiếng Việt lớp 1 này không phải có nhiều hạt sạn, mà là sai cơ bản. Thứ nhất, sai về phương pháp biên soạn. Thứ hai, sai về ngôn ngữ (cụ thể là Tiếng Việt), khi người biên soạn rất "ngô nghê" trong việc giải thích các từ ngữ cho trẻ em. 

Chúng ta đừng có quan niệm rằng, dạy cho trẻ thì dạy thế nào cũng được, điều này là rất sai. Dạy cho trẻ là phải dạy bài bản ngay từ đầu. Là SGK Tiếng Việt mà Tiếng Việt lại không đạt yêu cầu thì không thể chấp nhận được. Đó là chưa nói đến những mặt khác. 

Một bộ sách giáo khoa có quá nhiều lỗi sai, dư luận, người dân đã có ý kiến, các nhà nghiên cứu trong ngành cũng có nhiều ý kiến không đồng tình, thì nên thu hồi. Bất cứ chỉnh sửa nào cũng thêm phần chắp vá. Một bộ sách giáo khoa liên quan đến con người thì việc giải quyết phải dứt khoát, không chấp nhận sự chắp vá. 

Sách một nơi, tri thức một nẻo. Đặc điểm của con vật không biết, từ ngữ không biết dùng khiến cuốn sách thất bại. Khi muốn dạy một từ, dạy cách phát âm nhưng lại không biết tạo ra văn cảnh, ngữ cảnh sử dụng từ. Người viết giống như không có tư duy về văn học, về đời sống hiện thực, càng đọc càng buồn cười. 

Trẻ em không phải vật thí điểm của các nhà khoa học. Đây là điểm chúng ta phải suy nghĩ nhiều vì không thể biến cả một thế hệ thành vật thí nghiệm. 

Tôi quan niệm rằng, biên soạn sách giáo khoa phải được tiến hành bài bản trong một hệ thống thống nhất dưới sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước, nếu không hệ quả là vô cùng nguy hiểm. Không chỉ tốn kém chi phí, mà hậu quả xã hội phải gánh cũng rất nặng, với những xáo trộn, nhất là tâm trạng, niềm tin và lòng người không yên. Do vậy, tôi cho rằng sách giáo khoa này cần phải thu hồi".

Tương tự quan niệm của Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Thạc sĩ văn chương Nguyễn Trọng Bình (Trường Đại học Cửu Long) cũng ủng hộ thu hồi Tiếng Việt lớp 1: "Quyển sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 tập 1 của nhóm Cánh Diều không những vi phạm những nguyên tắc, chuẩn mực quan trọng trong giáo dục trẻ em, mà còn có nguy cơ làm mất đi vẻ đẹp của ngôn ngữ Tiếng Việt. Ngoài ra, sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn cũng thiếu một cái nhìn thực tế để giúp học sinh có thể tự học khi không có thầy cô, phụ huynh bên cạnh. Vì vậy, theo tôi nhất định quyển sách này phải được thu hồi để chỉnh sửa và thẩm định lại. Dĩ nhiên việc thẩm định lại do một hội đồng mới và độc lập để đảm bảo tính khách quan, nghiêm túc".

Tuy nhiên trên đây chỉ là những ý kiến mà nhóm phóng viên Chuyên đề Văn nghệ Công an thu thập và nêu ra nhằm rộng đường dư luận. Việc nên chỉnh sửa bộ sách Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều biên soạn và tiếp tục đưa vào giảng dạy trong trường học, hay thu hồi dứt điểm bộ sách không đạt yêu cầu này còn là vấn đề các cơ quan chức năng cần phải cẩn trọng xem xét và sớm đưa ra quyết định phù hợp. 

Mọi động thái vội vàng hay chậm trễ nào cũng gây ảnh hưởng tới việc dạy và học, mà đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất chính là con trẻ, thế hệ mầm non tương lai của đất nước; Khi giờ đây bản thân các em, giáo viên và phụ huynh đang vô cùng hoang mang khi bộ sách "nhiều sai sót" này vẫn đang được tiếp tục giảng dạy ở phần lớn các trường học. 

Chưa kể việc thu hồi bộ sách giáo khoa có thể mang lại những hệ lụy nặng nề đến kinh tế, khi mà những người làm sách đứng trước nguy cơ phải bồi thường sách giáo khoa cho phụ huynh và học sinh khi bộ sách bị thu hồi và thay thế bằng bộ sách khác.

Mọi sự ẩu tả, sai sót trong công tác chuyên môn đều để lại những hậu quả vô cùng to lớn, nhất là trong lĩnh vực khoa học giáo dục. Bài học chua xót này chưa bao giờ là cũ cho những người làm công tác trong ngành giáo dục, nhất là lĩnh vực trồng người.

(Gia Quan)

Nhà giáo Trần Thu Hương - Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP Hồ Chí Minh:

"Giáo viên chúng tôi xưa nay chỉ biết tin vào sách giáo khoa, lấy sách giáo khoa làm tiêu chuẩn cho việc hướng dẫn các em đọc và viết. Bây giờ, với bộ sách Tiếng Việt lớp 1 do nhóm Cánh Diều biên soạn, thì chúng tôi hoang mang quá. 

Nói thật, có những ngữ liệu mà chúng tôi cũng không biết phải giải thích cho học sinh như thế nào. Lớp 1 là nền tảng, nên Tiếng Việt lớp 1 rất cần trong sáng. Nếu dạy "quạ kêu quà quà" thì tôi không hiểu những người biên soạn có ngụ ý sâu xa gì. 

Nhiều đồng nghiệp của tôi bày tỏ mong muốn tạm dừng phổ biến Tiếng Việt lớp 1 của nhóm Cánh Diều. Nếu chỉnh sửa được thì tốt, còn không thì sử dụng bộ sách khác phù hợp hơn!"

Gia Quan - Phạm Tuấn
.
.