Thương lắm những tài năng nhí!

Thứ Bảy, 09/07/2016, 07:45
Những tài năng nhí sẽ về đâu sau khi đăng quang các cuộc thi? Tài năng nhí có được phát huy, rèn giũa để trở thành những tài năng lớn cho sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của nước nhà hay không... là những câu hỏi được nhiều người quan tâm. Thực tế cho thấy, rất khó tìm thấy sự gắn kết giữa việc tìm kiếm, phát hiện tài năng trên truyền hình và việc đào tạo, phát triển tài năng đó.


Hội chứng "già trước tuổi"

Tôi vô tình gặp Nhật Minh, quán quân "Đồ Rê Mí" 2013 trong chương trình kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam do một ngân hàng tổ chức tại Thủ đô Hà Nội thời gian gần đây. Bước ra từ cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nhí "hot" nhất thời điểm bấy giờ, Nhật Minh là cái tên ca sĩ nhí khá được yêu thích trên địa bàn Thủ đô.

Khác với hình ảnh một cậu bé dễ thương, đáng yêu của ba năm về trước, Nhật Minh bây giờ lớn hơn, trưởng thành hơn, ăn mặc "ngầu" hơn với mái tóc vuốt keo thời thượng, đi giày "hầm hố". Xuất hiện tự tin trên sân khấu, sau phần giao lưu với khán giả, Nhật Minh hát liền hai bài.

Với chất giọng trong trẻo, chuẩn xác về cao độ và tiết tấu, Nhật Minh đã thể hiện tốt phần biểu diễn của mình. Tuy nhiên, điều khiến tất cả mọi người trong khán phòng kinh ngạc là cả hai bài hát mà Nhật Minh thể hiện đều "không dành cho trẻ con". Bài hát "Ba kể con nghe" vốn là lời tự sự của một người cha với con về tình yêu âm nhạc của mình, còn "Ban mai tình yêu" là ca khúc dành cho đôi lứa.

Nhiều thí sinh tham gia các cuộc thi “tìm kiếm tài năng nhí” bị đánh giá là "già trước tuổi". Trong ảnh: Bảo Trân thể hiện ca khúc "Con cò" trong đêm Gala 4, Chương trình "Giọng hát Việt nhí" hôm 26/6.

Nhìn Nhật Minh biểu diễn "sung" trên sân khấu, tôi cảm thấy chạnh lòng vì một tài năng nhí đang phải "gồng mình" hát ca khúc dành cho người lớn và "sự chín ép" này liệu có ảnh hưởng đến sự phát triển của Nhật Minh trong tương lai?

"Bị ép" lớn trước tuổi dường như đang là một vấn đề mà các tài năng nhí phải đối mặt. Phương Mỹ Chi, Á quân của chương trình "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu tiên là một ví dụ. Tính đến thời điểm này, Phương Mỹ Chi là sao nhí thành công nhất sau khi bước ra khỏi cuộc thi. Sở hữu lượng fan đông đảo, liên tiếp chạy xô, phủ sóng dày đặc trên sóng truyền hình, Phương Mỹ Chi còn nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc uy tín trong nước.

Phương Mỹ Chi vẫn giữ được giọng hát mượt mà, phù hợp với các ca khúc dòng nhạc dân ca nhưng sự trong sáng, ngây thơ của một ngôi sao nhí thì dần mờ nhạt. Phương Mỹ Chi kiên trì theo đuổi dòng nhạc dân ca và nhiều ca khúc vốn không dành cho trẻ em đã xuất hiện trên sân khấu.

Gần đây nhất, Phương Mỹ Chi đã "kết đôi" với thí sinh Trung Quang thể hiện ca khúc rất "mùi mẫn" - "Con đường xưa em đi" trong chương trình "Thần tượng Bolero" 2016. Phần biểu diễn của Trung Quang và Phương Mỹ Chi gây nên những tranh luận trái chiều.

Có người nói rằng, Trung Quang và Phương Mỹ Chi là "cặp đôi mới" của dòng nhạc Bolero ở Việt Nam. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, không nên để một cô bé 13 tuổi và một chàng trai 18 tuổi hát ca khúc với những ca từ như: "Ghi một đêm trăng thanh/ Quán bên đường vắng tanh/ Chỉ còn em với anh"...

"Hội chứng già trước tuổi" cũng xuất hiện khá rõ trong phần trình diễn của các thí sinh "Thần tượng âm nhạc nhí" 2016 đang lên sóng VTV3 thời gian gần đây. Nhìn hình ảnh cậu bé được mệnh danh là "Xứ giả cảm xúc" Hồ Văn Cường hụt hơi khi thể hiện ca khúc "Sa mưa giông", "Còn thương rau đắng mọc sau hè", "Bông hồng cài áo", Khánh Linh run rẩy với "Thư pháp", "Mẹ tôi", Cô bé "bánh rán" Bảo Trân già dặn với "Ngẫu hứng sông Hồng", "Ly cà phê ban mê", "Ngọn lửa cao nguyên", "Con cò"... không ít người lớn phải thốt lên rằng, đây không còn bóng dáng một chương trình tìm kiếm tài năng nhí nữa vì từ ca khúc, dàn dựng sân khấu, phong cách trình diễn của các em đều mang phong cách của người lớn.

Nhận xét về phần trình diễn của Bảo Trân trong đêm thi 26/6 vừa qua, giám khảo Văn Mai Hương cũng thẳng thắn nhận xét, đại ý rằng, phần trình diễn của Bảo Trân như một ca sĩ chuyên nghiệp và cô không nghĩ rằng đang xem một chương trình dành cho trẻ con.

Loay hoay theo đuổi đam mê

Bước ra từ những cuộc thi tìm kiếm tài năng nhưng không ít em vẫn loay hoay trong việc xác định con đường phát triển cho chính mình. Tiếp tục tìm đến các cuộc thi là cách mà nhiều em lựa chọn để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình. Khá nhiều gương mặt nhí, từng "chinh chiến" ở các cuộc thi trên truyền hình xuất hiện ở "Thần tượng âm nhạc nhí" 2016. Cô bé "bánh rán" Bảo Trân, quán quân "Đồ Rê Mí" 2013 Linh Hoa, quán quân "Bước nhảy hoàn vũ nhí" mùa đầu tiên; Diệp Nhi, giải phong cách "Đồ Rê Mí" 2015 quyết định ghi danh để tìm kiếm cơ hội tỏa sáng ở cuộc thi này.

Linh Hoa, Diệp Nhi lần lượt phải dừng chân do phần trình diễn chưa thuyết phục và không nhận được nhiều sự bình chọn của khán giả. Việc các bé tìm đến cuộc thi để tiếp tục thử sức, thỏa niềm đam mê âm nhạc không có gì là sai nhưng rõ ràng, các em đang lúng túng trong việc tìm kiếm con đường phát triển cho mình.

Sự nở rộ các chương trình tìm kiếm tài năng đồng nghĩa rằng, sẽ có rất nhiều quán quân, á quân nhí xuất hiện. Tuy nhiên, không phải tài năng nhí nào cũng có thể tỏa sáng và theo đuổi con đường nghệ thuật đến cùng. Nhìn lại ba mùa "Giọng hát Việt nhí", chỉ có Á quân Phương Mỹ Chi là có những bước tiến dài trong sự nghiệp trong khi hoạt động âm nhạc của ba quán quân là Quang Anh (mùa thứ nhất), Thiện Nhân (mùa thứ hai), Hồng Minh (mùa thứ ba) lại không nổi bật. Tương tự như vậy, không ít quán quân, á quân của sân chơi "Đồ Rê Mí" - một sân chơi được kỳ vọng là "nơi ươm mầm tài năng nhí" lại phải tìm đến những sân chơi âm nhạc khác để tìm kiếm cơ hội tỏa sáng.

Thật tiếc nếu những tài năng nhí như Đức Vĩnh không tiếp tục theo đuổi nghệ thuật truyền thống. Trong ảnh: Phần dự thi của Đức Vĩnh trong đêm chung kết "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" 2015.

Đức Vĩnh từng được đánh giá là “tài năng hiếm có”, "thần đồng" nghệ thuật truyền thống dường như “mất hút” trên các phương tiện truyền thông sau khi đăng quang cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” 2015. Hiện tượng Vũ Song Vũ ở cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt Nam" 2012, "Giọng hát Việt nhí" mùa đầu tiên từng "gây sốt" cộng đồng mạng giờ ở đâu, có tiếp tục theo đuổi con đường âm nhạc hay không vẫn là câu hỏi khiến nhiều người tò mò.

Hiện có nhiều quan điểm trái chiều về truyền hình thực tế cho trẻ em. Không thể phủ nhận những yếu tố tích cực mà truyền hình thực tế cho trẻ em mang lại. Đó là tạo ra sân chơi, khơi gợi tình yêu của các em với nghệ thuật, qua đó phát hiện, đào tạo những tài năng nhí, rèn luyện tính cách, giúp các em trở nên bạo dạn, tự tin hơn khi đứng trước đám đông… Thực tế cho thấy, nhiều tài năng nhí đã xuất hiện và đây sẽ là nguồn lực quan trọng để bổ sung vào đội ngũ làm văn hóa nghệ thuật nước nhà nếu được đào tạo và rèn giũa một cách bài bản.

Quá trình để trở thành một nghệ sỹ thực thụ, tạo dựng được chỗ đứng trong lòng khán giả là một chặng đường dài chứ không chỉ là ánh hào quang từ một cuộc thi hay chương trình tìm kiếm tài năng. Các em nhỏ có đam mê, năng khiếu nhưng bấy nhiêu thôi chưa đủ để tỏa sáng trên con đường nghệ thuật đầy chông gai.

Ngay cả với Phương Mỹ Chi, không có gì để chắc chắn rằng, em sẽ trở thành một nghệ sỹ lớn của dòng nhạc dân ca trong tương lai bởi con đường phía trước em còn rất dài. Câu chuyện của Xuân Mai là một ví dụ. Từng được coi là "thần đồng", là ca sĩ nhí có lượng fan đông đảo nhất cả nước nhưng khi trưởng thành, Xuân Mai lại không thành công trên con đường âm nhạc.

Tôi cho rằng, tìm kiếm tài năng và đào tạo tài năng nên phải là một quá trình gắn kết chặt chẽ với nhau. Tuy nhiên, điều này vượt qua khuôn khổ một chương trình tìm kiếm tài năng. Bên cạnh đó, một chương trình truyền hình còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố mà đôi khi, tìm kiếm tài năng chỉ là "cái cớ" để sản xuất chương trình. Thật tiếc nếu những tài năng nhí như Phương Mỹ Chi, Đức Vĩnh, Quang Anh, Thiện Nhân, Hồng Minh, Hồ Văn Cường, Bảo Trân... lại không theo đuổi con đường nghệ thuật mà "rẽ ngang" đâu đó khi trưởng thành.

Tường Phạm
.
.