Thước đo từ nhà tài trợ

Thứ Tư, 23/09/2015, 08:00
Câu chuyện về xuất bản văn học chỉ là một trong những chuyện xoay quanh nghề viết ngày hôm nay. Có nhiều người đánh giá rằng sự đi xuống về lượng phát hành của nhiều tờ báo văn học chính là thước đo rõ ràng nhất cho việc người Việt có quan tâm đến văn học hay không. Tuy nhiên, ý kiến đó không hẳn đã đúng đắn.

Nếu phải đặt một câu hỏi cho các nhà xuất bản hiện nay, liên quan đến số lượng phát hành của các tác phẩm văn học, có lẽ chúng ta sẽ nhận được con số phổ biến nhất là một ngàn cho mỗi đầu sách. Tất nhiên, có những đầu sách ngoại lệ, nhờ vào tên tuổi của tác giả, nhờ vào cả "chất lượng phổ biến" (tức là chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường người đọc) nên được tái bản nhiều lần. Nhưng ngay cả những tác giả hay đầu sách thuộc diện "an toàn" này cũng không tránh khỏi một phương án an toàn xuất bản là lần ấn bản đầu thường chỉ ở con số kể trên, với mục đích để thăm dò độ thu hút của sản phẩm. Nếu hút khách, sẽ tái bản với số lượng lớn hơn. Ngược lại, coi như cuốn sách đó bị khai tử.

Câu chuyện về xuất bản văn học chỉ là một trong những chuyện xoay quanh nghề viết ngày hôm nay. Có nhiều người đánh giá rằng sự đi xuống về lượng phát hành của nhiều tờ báo văn học chính là thước đo rõ ràng nhất cho việc người Việt có quan tâm đến văn học hay không. Tuy nhiên, ý kiến đó không hẳn đã đúng đắn.

Người Việt vẫn thích văn học, tất nhiên không còn đông đảo như cách đây 3 hay 4 thập niên nữa, bởi bây giờ họ đã có rất nhiều thứ để giết thời gian, từ phim ảnh, ca nhạc cho tới các trò chơi điện tử… Vấn đề nằm ở chỗ văn học không được tiếp thị một cách cân xứng và cũng không có được những nhà tài trợ đúng nghĩa để nó có thể tiếp cận người đọc dễ dàng hơn nữa, để người đọc có thể sẽ mua sách văn học Việt song song với việc hàng tháng đi tậu những cuốn văn học dịch nổi tiếng.

Có nhiều người hẳn sẽ thấy lạ lẫm với quan điểm "tài trợ văn chương". Song nếu chúng ta nghĩ văn học trước tiên là một sản phẩm văn hóa thì chúng ta cũng nhận ra rằng nó cần được tài trợ như tất cả các sản phẩm khác như ca nhạc, điện ảnh…

Có một câu chuyện khá lý thú liên quan đến tài trợ văn học chính là chuyện của tờ tạp chí uy tín của Anh quốc có tên London Review of Books (LRB). LRB là tạp chí văn học thành công nhất châu Âu, khi phát hành được 67 ngàn bản mỗi tuần. Tuy phát hành số lượng lớn như vậy nhưng LRB vẫn lỗ. Theo như người phụ trách phát hành của LRB, nếu muốn có lời, LRB phải giữ nguyên lượng bán và tăng giá gấp 3 lần giá bán hiện thời (3,75 bảng Anh).

Tất nhiên, nếu tăng giá, LRB khó có khả năng giữ được lượng phát hành đáng nể đó. Và bởi vậy, để tồn tại, LRB phải nhờ vào nguồn tài trợ từ chính bà chủ của nó, bà Mary-Kay Wilmers. Thành lập LRB từ năm 1979, Mary-Kay Wilmers đã phải bỏ 35 triệu bảng từ tài sản cá nhân ra để bù lỗ cho LRB ngõ hầu giữ cho nó được tồn tại như một tuần san văn học uy tín nhất châu Âu. Chính hành động dũng cảm của Mary-Kay Wilmers là một dạng "tài trợ văn chương" đúng nghĩa.

Quay trở lại với hiện trạng văn học Việt Nam, ngoài khoản tài trợ khiêm tốn từ quỹ sáng tác, quỹ xuất bản của Hội Nhà văn Việt Nam cho các hội viên mỗi khi xuất bản sách, hoặc có đề cương sáng tác khả thi, thì chúng ta nhận ra rõ ràng rằng chưa có một tổ chức nào, cá nhân nào dám dũng cảm đứng ra tài trợ lớn cho văn chương cả. Dễ hiểu, nhà tài trợ cần nhận được lợi ích đổi lại từ nguồn tiền tài trợ mà họ đã bỏ ra. Song, văn chương khác với những thứ khác ở chỗ tính phổ cập của nó không cao và bởi thế, nhà tài trợ chắc chắn sẽ không mặn mà.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là việc tài trợ không hẳn lúc nào cũng chỉ dựa trên lợi ích, như cách mà Mary-Kay Wilmers đã làm suốt 4 thập niên qua. Khoản tiền tài trợ nhiều khi là thước đo đánh giá chính học thức của nhà tài trợ. Và đó mới chính là điều đáng buồn nhất của xã hội Việt Nam hôm nay, khi đa số những người giàu có thể rất thông minh, giỏi giang nhưng để trở thành những người tinh hoa thực sự thì họ lại không đủ tầm. Đơn giản, họ thích đến với những thứ dễ dãi, có lợi ích hơn là đến với những thứ nặng về học thức và lại là nền tảng văn hóa của cả một quốc gia.

Xem ra, văn chương Việt Nam còn cô đơn lắm lắm…

Đan Anh
.
.