Thuốc đắng nào “đặc trị” chiêu trò PR phản cảm

Thứ Sáu, 23/06/2017, 08:02
Những ngày gần đây, dư luận Thủ đô xôn xao về clip, hình ảnh những nam thanh niên "thân hình sáu múi", cởi trần, thắt cà vạt phục vụ khách hàng trong quán cắt tóc, bưng bê đồ ăn... được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng internet. Nhiều người đặt câu hỏi, quảng cáo sản phẩm bằng cách gây chú ý về trang phục như vậy liệu có phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc hay chỉ là một trò quảng cáo (PR) "lố", cần được chấn chỉnh ngay?


PR gây sốc bằng trang phục mát mẻ

Hiện vẫn tồn tại hai luồng ý kiến trái chiều xoay quanh câu chuyện trai đẹp cởi trần cắt tóc, bưng bê đồ ăn ở Hà Nội. Có ý kiến cho rằng, đây là trò PR phản cảm, thậm chí có tính chất gợi dục, không thể chấp nhận, nhất là tại quán ăn, nơi có sự xuất hiện của không ít trẻ nhỏ.

Có người còn lên án mạnh mẽ, cho rằng, đó là "tối kiến" PR của doanh nghiệp, không biết trong mùa đông, những nhân viên nam này sẽ ăn mặc như thế nào. Thu hút khách hàng bằng trò ồn ào, gây sốc chỉ đánh vào sự tò mò chứ không thể chinh phục được "trái tim" của khách hàng.

Trong khi đó, những người ủng hộ chiêu trò PR này lại cho rằng, đây là cách làm sáng tạo để tạo lợi thế cạnh tranh trên thương trường. Những người theo quan điểm này lập luận rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ hội nhập và người dân ngày càng có tư duy "cởi mở" hơn trong vấn đề ăn mặc.

Đơn giản giống như người ta mặc bikini khi tắm trên bãi biển nên không có gì phải tranh cãi, nói lời "đao to búa lớn". Thậm chí, họ còn đưa ra dẫn chứng về những dịch vụ nhạy cảm xuất hiện ở Nhật Bản hay nhiều quốc gia khác trong khu vực. Hiện, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội chưa đưa ra kết luận về vụ việc này.

Gần như diễn ra cùng thời điểm là câu chuyện dàn vũ công ăn mặc sexy, biểu diễn động tác múa uốn éo, phản cảm trong chương trình "Vũ điệu với nước" ngay tại Công viên nước Đầm Sen, TP. Hồ Chí Minh. "Chuyện thật như đùa" lại xảy ra ngay tại một trong những công viên lớn của TP. Hồ Chí Minh, nơi thu hút rất đông trẻ em trên khắp mọi miền đất nước đến vui chơi, thăm quan.

Dàn trai đẹp cởi trần cắt tóc, gội đầu gây xôn xao dư luận Thủ đô những ngày gần đây.

Được biết, màn trình diễn đó là chương trình thử nghiệm để chuẩn bị đưa vào khai thác thường xuyên. Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TP. Hồ Chí Minh đã làm việc với Công viên nước Đầm Sen và yêu cầu giải trình vụ việc. Vì sao chương trình như "Vũ điệu với nước" lại được trình diễn? Phải chăng, đó cũng chỉ là một trò PR gây sốc của doanh nghiệp?

PR phản cảm không phải là câu chuyện hiếm ở Việt Nam thời gian gần đây. Năm ngoái, công ty Điện máy Trần Anh cũng bị cơ quan chức năng "sờ gáy" khi sử dụng dàn người mẫu mặc bikini đón, giới thiệu sản phẩm điện máy với khách hàng. Sau đó không lâu, Công ty Cổ phần Thế giới di động cũng bị "tuýt còi" vì sử dụng người mẫu nữ trên tay cầm sản phẩm điện thoại di động mới, đứng trong lồng kính trên xe đi qua nhiều tuyến phố ở Hà Nội.

Chưa hết, một cửa hàng bán đồ mẹ và bé ở Hà Nội sử dụng dàn người mẫu đeo bụng bầu giả trượt patin trên phố, một Bệnh viện thẩm mỹ ở Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng người mẫu mặc mặc bikini nóng bỏng, mang theo tấm biển quảng cáo hội thảo của Bệnh viện đứng trên chiếc xe mui trần uốn éo, giơ cao tấm biển gây sự chú ý của mọi người…

Trước đó, một hãng hàng không mới cũng gây xôn xao dư luận bằng việc cho tiếp viên trình diễn bikini trên máy bay… Điểm lại một số vụ việc trên để thấy rằng, PR gây sốc, tạo sự chú ý của công chúng, đặc biệt là sử dụng trang phục hở hang, mát mẻ, không phù hợp với văn hóa Việt đang diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau, bất chấp các cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý vụ việc tương tự.

Tôi đồng tình cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc cạnh tranh để tồn tại, phát triển là yêu cầu bức thiết của các doanh nghiệp. Nếu không tạo ra được sản phẩm, dịch vụ độc đáo, vượt trội về chất lượng, chăm sóc khách hàng thì doanh nghiệp khó có thể trụ vững để phát triển.

Tuy nhiên, việc lựa chọn hình thức nào để quảng bá sản phẩm cần phải tính toán kỹ, không thể vì lợi nhuận mà bất chấp sử dụng các chiêu trò phản cảm. Việc sử dụng dàn trai đẹp cởi trần phục vụ tại hiệu cắt tóc, phục vụ đồ ăn tại quán…. chỉ là một chiêu PR không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc và cần đến sự vào cuộc, chấn chỉnh của các cơ quan quản lý.

Việt Nam đang hội nhập nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc, chúng ta sẽ "mở cửa" để đón nhận tất cả các trào lưu trên thế giới. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ như hiện nay, bất kỳ hình ảnh, video clip nào khi được đưa lên mạng đều lan truyền với tốc độ chóng mặt. Liệu những hình ảnh, video clip mát mẻ đó có ảnh hưởng đến nhận thức, tư duy, suy nghĩ của trẻ em Việt khi mà việc tiếp cận công nghệ của các em ngày càng trở nên dễ dàng?

Thuốc đắng mới giã tật?

Một trong những biện pháp để giải quyết vấn đề PR phản cảm được áp dụng phổ biến hiện nay là xử phạt hành chính. Tuy nhiên, theo đánh giá chung thì chế tài xử lý còn nhẹ, không đủ sức răn đe. Công ty Điện máy Trần Anh bị Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 40 triệu đồng vì sử dụng dàn người mẫu mặc bikini đón khách và tiếp thị sản phẩm - vi phạm quảng cáo có nội dung trái với truyền thống, lịch sử, văn hóa, thuần phong, mỹ tục Việt Nam (Quy định tại điểm d, khoản 4, Điều 51, Nghị định số 158/2013-NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo).

Một chiêu PR lố của doanh nghiệp điện máy Trần Anh bị cơ quan chức năng "sờ gáy".

Tương tự như vậy, Công ty Cổ phần Thế giới di động bị Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao và Sở Du lịch Hà Nội ra quyết định xử phạt 6 triệu đồng vì vi phạm hành chính trong lĩnh quảng cáo. Hãng hàng không cho nhân viên trình diễn bikini trên máy bay bị xử phạt 20 triệu đồng…

Rõ ràng, với các doanh nghiệp lớn, việc bỏ ra vài chục triệu đồng để nộp phạt cho hành vi vi phạm giống như "muỗi đốt inox". Trong khi đó, doanh nghiệp đã đạt được mục đích PR sản phẩm của mình. Sự kiện gây chú ý dư luận điều đó đồng nghĩa rằng, doanh nghiệp đã được nhiều người biết đến hơn.

Thậm chí, sự việc càng gây tranh cãi, doanh nghiệp càng được hưởng lợi. Chính vì vậy, các doanh nghiệp chấp nhận "bỏ con săn sắt, bắt con cá rô", dù biết, sớm hay muộn cũng sẽ bị cơ quan chức năng "sờ gáy". Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, việc tăng mức tiền phạt đối với hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo là một giải pháp cần được chú trọng.

Được biết, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có kế hoạch xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho hoạt động quảng cáo. Dự kiến bộ quy tắc này sẽ được ban hành chính thức vào cuối năm 2017. Chưa biết "hình hài" của văn bản này ra sao nhưng tôi cho rằng, đây là việc làm hết sức cấp bách để tạo ra những "khuôn thước" cho hoạt động quảng cáo. Ngày nay, khi nền kinh tế phát triển kéo theo đó là nhu cầu quảng cáo của doanh nghiệp tăng mạnh thì việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong lĩnh vực này là cần thiết.  

Nói gì thì nói, chế tài dù có mạnh đến đâu mà các doanh nghiệp thiếu ý thức tự giác thì quá trình tổ chức thực hiện sẽ không đạt được kết quả như mong muốn. Văn hóa quảng cáo phải bắt nguồn từ chính các doanh nghiệp, đạo đức của người làm kinh doanh.

Quảng cáo giúp doanh nghiệp gia tăng lợi nhuận nhưng không thể vì lợi nhuận mà bất chấp các quy tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội. Doanh nghiệp phải tự đặt ra và xác định giới hạn trong quảng cáo cho chính mình. Những trò PR gây sốc không giúp doanh nghiệp đi đường dài mà chất lượng sản phẩm, dịch vụ chăm sóc khách hàng mới tạo ra giá trị cốt lõi để doanh nghiệp phát triển.

Tường Phạm
.
.