Dừng cấp phép một số chương trình truyền hình:

Thuốc đắng liệu có giã tật?

Thứ Năm, 16/04/2015, 09:20
Hàng loạt án phạt được đưa ra với những chương trình truyền hình sai phạm, đặc biệt là quyết định mới đây nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc dừng cấp phép đối với một số chương trình truyền hình liên kết đang ăn khách của VTV đã thu hút được sự chú ý của dư luận. 

Còn nhiều băn khoăn và những quan điểm khác nhau xung quanh quyết định khá mạnh tay này. Tuy nhiên, với những gì đã diễn ra trên truyền hình thời gian gần đây thì những biện pháp cứng rắn ấy là một điều cần thiết để khán giả, nhất là trẻ em không bị ảnh hưởng bởi những sự phản cảm nhan nhản trên sóng truyền hình.

Sai phạm nhiều thuộc về những chương trình liên kết

Có lẽ chưa khi nào câu chuyện về những chương trình truyền hình lại được dư luận nhắc tới nhiều như hiện nay. Lần đầu tiên, một số chương trình truyền hình không chỉ bị cơ quan chức năng nhắc nhở, yêu cầu báo cáo, giải trình, bị xử phạt mà thậm chí đã có quyết định mạnh tay hơn là dừng phát sóng.

Theo báo cáo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (Cục PTTH & TTĐT) - (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì đối tượng của những án phạt chủ yếu rơi vào những chương trình liên kết có sai phạm nặng về nội dung.

Chương trình “Vietnam Idol 2015” vẫn được nhà sản xuất tiến hành ghi hình dù đứng trước nguy cơ bị dừng cấp phép phát sóng.

Trong số 7 chương trình mà cơ quan chức năng cho là thông tin sai sự thật, sử dụng ngôn ngữ, hình ảnh phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam thì có tới 2 chương trình sai phạm tới 2 lần là "Nhân tố bí ẩn" (phát trên VTV3 và do Công ty Cát Tiên Sa sản xuất) và "Cuộc đua kỳ thú" (Công ty BHD sản xuất). Một loạt những chương trình khác cũng bị xử lý như "Quà tặng cuộc sống", "Người giấu mặt", "Điều ước thứ 7"… Bên cạnh nội dung thì những lỗi mà các chương trình này thường xuyên mắc phải là quảng cáo quá nhiều lần trong một chương trình phát sóng, thời lượng quảng cáo luôn vượt ngưỡng cho phép…

Một trong những đặc điểm nổi bật là những chương trình bị nhắc nhở, xử phạt này hầu hết là những chương trình truyền hình thực tế liên kết giữa Đài Truyền hình với một đơn vị truyền thông nào đó. Theo thống kê từ Cục PTTH & TTĐT, các chương trình sai phạm cũng chủ yếu tập trung vào các chương trình giải trí, gameshow "hot" trên sóng truyền hình. Đồng thời chủ yếu tập trung vào các chương trình có đối tác là Công ty TNHH BHD (6 lần), Công ty TNHH Quảng cáo, tư vấn, tổ chức biểu diễn Cát Tiên Sa (3 lần), Công ty TNHH Sản xuất và Quảng cáo Sóng vàng (2 lần)…

Việc làm mạnh tay của các cơ quan chức năng với các chương trình truyền hình thời gian vừa qua là việc làm cần thiết và nhận được sự đồng tình của dư luận. Bởi có lẽ chưa bao giờ, sai phạm tại các chương trình truyền hình lại xảy ra nhiều tới như vậy.

Cũng theo con số đưa ra từ Bộ Thông tin - Truyền thông, riêng VTV có 51 vụ sai phạm, 10 vụ cảnh cáo bằng văn bản, 4 trường hợp vi phạm bị xử lý hành chính với số tiền lên tới 145 triệu đồng. Không khó để khán giả nhớ ra những hạt sạn liên tục xuất hiện trên sóng truyền hình như tại chương trình "Nhân tố bí ẩn", thí sinh của chương trình lừa dối khán giả về thông tin của mình, hay việc trình diễn các ca khúc Tây Nguyên của nhóm F - band sử dụng chiếc khăn Piêu làm khố khiến dư luận bức xúc.

Chương trình "Cuộc đua kỳ thú" khiến người xem nhăn mặt khi chứng kiến những thử thách ghê người như ăn cá sống, xẻ thịt lợn… và những lời đối thoại phản cảm… Có ý kiến cho rằng việc phạt này xem ra không có tác dụng vì số tiền ấy chẳng thấm vào đâu so với lợi nhuận mà những cái liên kết này đem lại. Tuy nhiên, đó cũng là những nhắc nhở cần thiết để những đơn vị sản xuất chấn chỉnh lại công tác biên tập, kiểm duyệt nội dung nếu không sẽ phải chịu những án phạt cao hơn.

Thận trọng cấp phép

Việc xã hội hóa các chương trình truyền hình là một xu hướng tất yếu và cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Sự liên kết này không chỉ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà còn tạo điều kiện để đôi bên cùng có lợi. Không thể phủ nhận, chính những cái bắt tay liên kết này giúp cho khán giả truyền hình có cơ hội được giải trí bằng những chương trình có phiên bản nước ngoài. Xu hướng này vẫn đang được nhà Đài và các đối tác tiếp tục đẩy mạnh bằng việc chỉ riêng đầu năm 2015 đến nay, Cục PTTH & TTĐT đã nhận được 13 hồ sơ đăng ký chương trình liên kết từ VTV. Tuy nhiên, trong số này thì chương trình "Chết cười" ngay từ khi phát sóng số đầu tiên đã bị cơ quan nhắc nhở, 3 hồ sơ vẫn còn một số vấn đề phải báo cáo, 9 hồ sơ còn lại vẫn đang trong quá trình được nghiên cứu, cân nhắc.

Được biết, 9 hồ sơ này thì có 4 chương trình đã được cấp phép từ những năm trước và chưa có những sai phạm gì như "Chìa khóa thành công", "Bài hát yêu thích", "Hát cùng siêu chip" và "Vui sống mỗi ngày". 5 hồ sơ còn lại đều là những chương trình lần đầu tiên đăng ký như "Hào khí ngàn năm", "Sáng tạo Việt", "Đẹp Việt", "Khỏe 24/7" và "Câu chuyện y học".

Hình ảnh các ca sĩ trong nhóm F-band lấy khăn Piêu làm khố tại chương trình “X-Factor” đã khiến dư luận bức xúc.

Phía Cục PTTH & TTĐT cho rằng các hồ sơ này hợp lệ, thực hiện đúng quy định và đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Cuối cùng, 7/9 hồ sơ đăng ký mới của VTV đã đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên vì những sai phạm trong hoạt động liên kết của Đài thời gian qua nên Bộ Thông tin và Truyền thông trước mắt tạm dừng cấp giấy chứng nhận cho VTV với các đối tác liên kết mà trước đó có sai phạm nhiều lần như Cát Tiên Sa, BHD. Hệ quả của quyết định này là một loạt các chương trình có khả năng sẽ bị dừng cấp phép như "Thần tượng âm nhạc Việt Nam", "Tìm kiếm tài năng châu Á"…

Việc Bộ Thông tin và Truyền thông tạm dừng cấp phép chứng nhận liên kết cho VTV đối với những "ông lớn" của ngành truyền thông như Cát Tiên Sa, BHD thực sự là một thông tin bất ngờ. Chưa bao giờ cơ quan chức năng lại tỏ ra thận trọng trong việc cấp phép các chương trình đến vậy cũng như bộc lộ sự mạnh tay trong xử lý các sai phạm trên các chương trình truyền hình. Lâu nay, hầu hết các chương trình gameshow, truyền hình thực tế "hot" ra đời từ sự liên kết giữa Đài Truyền hình và hai đối tác truyền thông này.

Vừa làm vừa nghe ngóng

Trong diễn biến mới của sự việc thì mới đây, Đài Truyền hình Việt Nam vừa gửi công văn lên Thủ tướng Chính phủ về việc bị nhắc nhở nhiều chương trình liên kết với các đơn vị ngoài. Đồng thời đơn vị này cũng chưa lên tiếng về việc dừng các chương trình truyền hình như "Vietnam Idol", "Đẹp Việt", "Sáng tạo Việt", "Cái lý - Cái tình"…

Và thực tế những chương trình nhiều khả năng không được cấp phép vẫn được các đối tác truyền thông của VTV tiến hành sản xuất theo tiến độ. Họ cho rằng, giấy phép là phía VTV lo, nhiệm vụ của họ là sản xuất chương trình. Tương tự, Cát Tiên Sa vẫn chuẩn bị mọi việc cho việc thực hiện chương trình "Giọng hát Việt" và một số chương trình khác chuẩn bị ra mắt. Những động thái này cho thấy phía các công ty đối tác vẫn đang tin tưởng vào sự thu xếp giấy phép ổn thỏa của phía nhà Đài. Tuy nhiên, quan điểm của Cục PTTH - TTĐT cho biết: "Khi chưa có văn bản pháp luật mới thì VTV cần thực hiện các văn bản hiện hành. Yêu cầu VTV không phát sóng những chương trình chưa được cấp phép nữa".

Theo quy định, các Đài Phát thanh - Truyền hình trước khi thực hiện hoạt động liên kết đối với các sản phẩm liên kết là kênh chương trình, chương trình định kỳ phải đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông. Nhà Đài chỉ được thực hiện hoạt động liên kết sau khi có văn bản chấp thuận của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Việc liên kết sản xuất chương trình là một xu hướng tất yếu trong công cuộc xã hội hóa các chương trình truyền hình hiện nay. Tuy nhiên, cũng giống như trong liên kết xuất bản, liên kết trong sản xuất truyền hình đã xuất hiện nhiều sai sót mà nguyên nhân chủ yếu vì mải câu khách, chạy theo lợi nhuận và xem nhẹ vai trò kiểm duyệt. Từ những món ăn tinh thần bổ ích, vì mải chạy theo xu hướng câu khách bằng mọi giá, một số chương trình truyền hình trở thành nỗi lo lắng của khán giả khi có trẻ em theo dõi.

Từ những lỗi vô tình ban đầu đã lâu dần thành lỗi hệ thống và hồn nhiên cổ xúy cho những hành vi phản cảm, thiếu giáo dục, thiếu thẩm mĩ. Những "bài thuốc đắng" mà các cơ quan chức năng đưa ra chỉ phát huy tác dụng khi bản thân các nhà sản xuất chương trình phải chấn chỉnh lại mình để lấy lại niềm tin trong lòng khán giả.

Khánh Thảo
.
.