Thực và ảo Danh hiệu nghệ sĩ

Thứ Năm, 22/01/2015, 08:00
Cách xét tặng không ăn khớp với đời sống nghệ thuật đã làm cho nhiều nghệ sĩ tài danh hàng đầu khó hoặc không bao giờ nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân. Đơn giản chỉ vì họ không thuộc đơn vị nhà nước nào và không tham gia các hội diễn. Không tham gia hội diễn thì làm sao gom đủ huy chương?

Danh hiệu dành cho các nghệ sĩ như phải làm hồ sơ xét tặng theo những tiêu chí xa lạ với đời sống đã tạo ra một đời sống nghệ thuật lạc lõng vời vợi so với thực tiễn. Nghệ sĩ N, một tài năng trẻ không biên chế có thừa huy chương cũng nộp hồ sơ xin xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú kỳ này. Mấy bậc đàn anh có vai vế xoa đầu bảo: "Mày thừa huy chương đấy, nhưng cũng khó vì mày là "thí sinh tự do". Ý rằng, những nghệ sĩ nằm ngoài biên chế nhà nước thì khó được xét. Chẳng có văn bản nào nói ra cái khó này, nhưng thực tế khi xét thì những thí sinh không theo đoàn khó được thành viên hội đồng bênh cho vài lời vì anh ta "chẳng của riêng ai". Chỉ cần ai đó nói, cậu (cô) này trẻ quá, cần có thời gian cho độ chín… phong sớm thì làm hỏng nó, thì "thí sinh tự do" cũng dễ bị trượt lắm.

Nghệ sĩ N bày tỏ: ''Mình cứ làm hồ sơ. Có danh hiệu thì tốt. Không được thì lỗi không thuộc về mình. Nhiều người bất mãn cho rằng danh hiệu là thứ hão huyền, nhưng đối với tôi, tuy nó không phản ánh chuẩn xác tài năng, mà chỉ là một tấm danh thiếp hành nghề tốt có lợi thế, nhất là khi tham gia làm các sự kiện lớn. Hiện nay, nhiều đơn vị mời các nghệ sĩ, tham gia vẫn không biết cách nào hiểu được tầm của nghệ sĩ mà chỉ đo bằng cấp bậc của danh hiệu. Tôi là chủ một đơn vị tư nhân. Danh hiệu tốt sẽ đảm bảo công việc và đời sống cho anh em. Nghĩ cho kỹ thì thói quen xin xét tặng cho mình danh hiệu nó rất kỳ. Nhưng đây là vấn đề phương tiện liên quan đến cơm áo, chứ không phải chỉ là khâu "oai" đơn thuần. Tôi vẫn làm đơn. Chấp nhận hên xui''.

Cách xét tặng không ăn khớp với đời sống nghệ thuật đã làm cho nhiều nghệ sĩ tài danh hàng đầu khó hoặc không bao giờ nhận được danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú hay Nghệ sĩ nhân dân. Đơn giản chỉ vì họ không thuộc đơn vị nhà nước nào và không tham gia các hội diễn. Không tham gia hội diễn thì làm sao gom đủ huy chương?

Những huy chương từ các liên hoan chuyên nghiệp có vai trò quan trọng hình thành các danh hiệu nghệ sĩ.

Cách đây không lâu, đạo diễn một chương trình của kênh truyền hình đến đề nghị làm một chương trình tôn vinh nhạc sĩ Phạm Tuyên. Đạo diễn đề nghị nhạc sĩ chọn cho 10 ca khúc để làm chương trình. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nói: "Tôi có khoảng 700 ca khúc, nhưng nếu nhà đài muốn giới thiệu thì việc chọn nên là việc của nhà đài, phụ thuộc vào góc nhìn của nhà đài chứ. Tuy vậy, tôi có thể cung cấp tư liệu văn bản. Nhà đài sực tỉnh, bèn tự mình lựa chọn tác phẩm, chứ không yêu cầu nhạc sĩ phải "tự khen mình".

Trước đó, khi có cuộc xét giải thưởng Hồ Chí Minh, người ta xôn xao khi thấy nhạc sĩ Phạm Tuyên không làm đơn. Ông cũng giải thích rằng, ông không thể xin người khác tôn vinh mình. Tuy vậy, nếu họ cần tác phẩm thì ông sẽ cung cấp vì ngoài ông ra thì chẳng ai lưu trữ đầy đủ.

Các giải thưởng lớn của thế giới đều giống nhau ở chỗ, người được tôn vinh không hề được biết cho tới khi có thông báo chính thức của ủy ban giải thưởng. Hội đồng xét của các giải thưởng tự tìm người cần tôn vinh và trao, chứ nhân vật chính không phải làm hồ sơ và đề nghị gì. Các ban tổ chức của chúng ta nên thay đổi. Đừng biến các cuộc tôn vinh thành cuộc thi. Nghệ sĩ cống hiến không phải là thí sinh. Nếu làm nghệ sĩ chỉ có mục đích duy nhất là đi hội diễn gom huy chương thì thật thảm họa. Hiện trạng "chạy huy chương" và những tiêu cực sẽ có đất sống. Sự xuê xoa trong nghề nghiệp đã xảy ra với những "cơn mưa huy chương" bắt đầu từ sự ban phát của ban tổ chức. Thực tế, họ cũng muốn chia đều để anh chị em khỏi thiệt thòi khi xét duyệt danh hiệu.

Trong công việc gom huy chương và những văn bản có thể quy đổi, ca sĩ P cặm cụi sưu tập lại những văn bản công nhận trong quá trình ca hát với hy vọng sẽ tăng sức nặng phần hồ sơ. Ca sĩ P cũng nói thẳng rằng, danh hiệu nghệ sĩ là phương tiện sống nên phải quyết tâm. Hồ sơ của P cũng có các huy chương có khả năng quy đổi cho phù hợp với cơ cấu.

Quy định về quy đổi thoạt nghe có vẻ khoa học nhưng khi xét thì vênh giữa giải thưởng cơ quan nhà nước và giải thưởng hội nghề nghiệp rất xa. Thí dụ, với điện ảnh, Giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam hay Huy chương vàng của Liên hoan Truyền hình toàn quốc chỉ được tính bằng một phần hai Bông sen Vàng. Ở lĩnh vực sân khấu, âm nhạc, huy chương vàng của các hội diễn, liên hoan do các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành hoặc của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức được tính bằng hai phần ba huy chương vàng của các hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc... Mặc dù các hoạt động này đều là chuyên nghiệp. Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam bày tỏ: Các hoạt động hội diễn, liên hoan của các hội nghề nghiệp cũng mang tính chuyên môn rất cao. Vì thế, sự quy đổi này chưa thể tạo được sự đồng thuận. Hơn nữa, cũng không nên quy đổi huy chương vì huy chương không thể là thước đo để xét tặng danh hiệu. Nếu đẩy cao quá mức vai trò của huy chương trong việc xét tặng danh hiệu, sẽ rất dễ dẫn đến hiện tượng "chạy" huy chương, "chạy" giải thưởng trong các liên hoan, hội diễn, cuộc thi biểu diễn nghệ thuật. Từ đó, đánh mất ý nghĩa của các hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp và làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với nghệ thuật cũng như những người hoạt động nghệ thuật.

Đã quy định có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ thì liệu có cần phải cứng nhắc là 20 năm cống hiến với 2 giải vàng nữa hay không? - nghệ sĩ này đặt câu hỏi. Tiêu chí tưởng chuẩn nhưng hóa ra lại khập khiễng. Không ít những nghệ sĩ được nhiều huy chương vàng hoặc bạc nhưng khán giả chẳng biết là ai. Huy chương chỉ gói gọn trong một hội diễn kín (không rộng rãi, không khán giả) thì chẳng có ảnh hưởng lan tỏa gì. Cần thấy rõ, giải thưởng chỉ nên là một điều kiện để xét tặng danh hiệu chứ không phải cứ có vàng, có bạc mới được danh hiệu.

Thực tế là giải vàng, bạc hầu như chỉ trao cho kép chính. Kép phụ dù diễn hay tới đâu cũng không có vàng, có chăng là những giải phụ. Rất nhiều vai phụ xuất sắc đã đi vào lòng khán giả, nhưng nghệ sĩ "trắng tay". Rất nhiều nghệ sĩ đã thuộc về nhân dân nhưng chẳng có danh hiệu gì. Đơn cử như nghệ sĩ Văn Hiệp chẳng hạn. Khi ông không còn trên cõi đời nữa thì lại có chuyện truy tặng. Danh hiệu này thực sự chỉ động viên cho những người còn sống và vô nghĩa với người đã khuất.

Việc quy định số lượng huy chương cũng kỳ cục. Có nghệ sĩ thừa huy chương vàng cho danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, nhưng bước sang giai đoạn lên "nhân dân" thì lại thiếu. Chẳng phải vì phong độ xuống, mà chỉ vì không tham gia hội diễn

Người ta nói tài không đợi tuổi. Có cần đợi tới 20 năm để công nhận một tài năng không? Hãy đi vào thực chất của vấn đề để trẻ hóa các danh hiệu, đừng để thấy chữ NSND thì đã là hàng "cụ" rồi. Những tiêu chuẩn như tài năng nghệ thuật xuất sắc, uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân yêu mến mới chính là tiêu chuẩn đích thực.

Đừng để người nghệ sĩ phải rơi vào tình huống "xin tôn vinh". Hào quang của nghệ sĩ cần được công nhận tôn cao từ dưới lên, chứ không phải ban phát từ trên xuống.

Không chỉ các nghệ sĩ tự do muốn có huy chương, mà ngay cả đoàn nghệ thuật mạnh cũng không dám lơ là "khâu oai" này. Nghệ sĩ ưu tú, nhạc sĩ Quang Vinh, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam bày tỏ: Để có giải thì các nhà hát phải đua nhau đầu tư vài trăm triệu, thậm chí hàng tỷ cho tiết mục của mình, trong khi tiết mục đoạt giải bán vé không ai xem.

Danh hiệu được trao không hiểu sao ngay từ đầu chỉ nhằm vào các nghệ sĩ biểu diễn, trong khi đó, vai trò của những người làm nên chiến thắng vẫn thiếu vắng những vị trí như tác giả. Tác giả thực sự phải là nghệ sĩ ở tầm bao quát chứ không phải trên sân khấu cụ thể. Vậy nhưng họ lại bị đứng ngoài.

Trong giới âm nhạc thì các nghệ sĩ được phong danh hiệu đều là những nghệ sĩ biểu diễn. Nếu là tác giả thì cũng phải là người kiêm nhiệm biểu diễn. Các tác giả thuần túy không được lựa chọn. Anh cầm đàn sẽ được tôn vinh. Anh cầm bút soạn nhạc thì bị quên lãng.

Bất bình với những quy định nhiêu khê, một số nghệ sĩ đã không còn thiết tha với việc làm hồ sơ xét tặng. Có người đã Nghệ sĩ ưu tú rồi thì không làm hồ sơ lên Nghệ sĩ nhân dân như Thành Lộc chẳng hạn. Cống hiến bao nhiêu cảm xúc cho khán giả chưa đủ hay sao mà phải làm lại hồ sơ, công chứng, xin chữ ký, đóng dấu đỏ từ trên xuống dưới.

Trong phim "Lương tâm bé bỏng", nhân vật chính là nhạc sĩ Trần Việt (nhạc sĩ Trần Tiến thủ vai), người nổi tiếng cầm đàn phục vụ bộ đội thanh niên xung phong trên dải Trường Sơn cho tới khi thống nhất đất nước thì trở thành nhạc sĩ tự do. Ông vẫn tiếp tục rong ruổi du ca đồng nội, nhưng còn kiếm sống bằng cách viết nhạc theo hợp đồng. Yêu cầu nhạc của thị trường không để ông yên. Đôi khi ông buông xuôi thì lương tâm lại thức dậy dằn vặt.

Trong một chuyến du ca về thôn quê, Trần Việt nghe có tiếng ai đó trong chợ hát ca khúc thời Trường Sơn của mình. Nhìn ra thấy một người đàn ông mù trong quần áo bộ đội bạc màu ôm cây guitar đang say sưa hát. Trần Việt gọi người hát rong lại bàn hỏi: "Anh tên chi?". Người hát rong mù nói: "Tôi là Trần Việt". Tinh thần người hát rong giống hệt bản sao của Trần Việt xưa. Mọi người ngạc nhiên bảo: "Ủa! Nhạc sĩ Trần Việt đang ngồi trước anh đó". Người hát rong nói: "Đó là Trần Việt dỏm". Nói xong, anh ta quay đầu đi ngay. Trần Việt hết sức bối rối.

Dùng câu chuyện ảo này kết bài cũng là để đi vào cái thật của trách nhiệm "nghệ sĩ nhân dân" mà thôi.

Lê Tâm
.
.