Thực hư phim Việt đạt doanh thu 100 tỷ

Thứ Sáu, 01/03/2019, 08:10
Mùa phim Tết đã khép lại với thắng lợi tương đối ngoạn mục của hai bộ phim "Cua lại vợ bầu" và "Trạng Quỳnh". Tuy nhiên, sự đông đúc nam thanh nữ tú ở các rạp chiếu bóng vẫn chưa khiến dư luận bất ngờ bằng… tuyên bố của những nhà sản xuất...


Một thực tế ai cũng nhìn thấy, đó là hệ thống rạp chiếu phim hiện nay được các tập đoàn nước ngoài rót vốn đầu tư rất hiện đại và tiện nghi. Nhiều nhà sản xuất đã bỏ phim truyền hình để quay sang làm phim điện ảnh. Tuy nhiên, với số lượng phim ngoại thuộc dạng "bom tấn" được nhập khẩu nhiều như hiện nay, thì doanh thu phim Việt đạt 100 tỷ liệu có đáng tin?

Mùa phim Tết đã khép lại với thắng lợi tương đối ngoạn mục của hai bộ phim "Cua lại vợ bầu" và "Trạng Quỳnh". Tuy nhiên, sự đông đúc nam thanh nữ tú ở các rạp chiếu bóng vẫn chưa khiến dư luận bất ngờ bằng… tuyên bố của những nhà sản xuất.

Đại diện đơn vị làm phim "Cua lại vợ bầu" không ngần ngại cung cấp thông tin: doanh thu 3 ngày chiếu đầu tiên đạt 12 tỷ đồng, sau đó đạt hơn 10 tỷ đồng trong ngày mùng 1 Tết và 15,8 tỷ đồng trong ngày mùng 3 Tết. Sau 6 ngày chiếu chính thức thì bộ phim "Cua lại vợ bầu" đạt doanh thu 108,9 tỷ đồng. Sau 13 ngày chiếu chính thức thì bộ phim "Cua lại vợ bầu" đạt doanh thu 176,5 tỷ đồng.

Poster phim "Cua lại vợ bầu".

Chưa hết, ê-kip "Cua lại vợ bầu" còn tự xác lập hai kỷ lục cho tác phẩm của họ: Phim Tết Việt có doanh thu cao nhất mọi thời đại và Phim có doanh thu 1 ngày cao nhất lịch sử phim Việt (19,6 tỷ đồng vào ngày 10-2).

Tất nhiên, những điều đáng hân hoan trên không có ai… kiểm chứng. Đối tác liên quan trực tiếp quyền lợi với doanh thu của bộ phim "Cua lại vợ bầu" là hệ thống rạp chiếu vẫn giữ… im lặng. Cần lưu ý rằng, hiện tại hệ thống rạp chiếu đang được kiểm soát bởi hai đơn vị CGV và Lotte Cinema đều do nước ngoài đầu tư.

Bất kỳ bộ phim nào muốn có được lịch chiếu và giờ chiếu hiệu quả nhất, đều phải được sự gật đầu hợp tác ăn chia phần trăm doanh thu với CGV và Lotte Cinema. Nếu bộ phim "Cua lại vợ bầu" có doanh thu lớn như vậy thì rõ ràng CGV và Lotte Cinema đã phát tài.

Doanh thu phim Việt rất mơ hồ, vì chẳng có một cơ sở đánh giá nào. Hiện tại vẫn chưa có những công ty nghiên cứu thị trường độc lập để đưa ra con số chính xác doanh thu cho từng bộ phim. Mọi kỷ lục tiền tỷ đều do nhà sản xuất tự hô vang lên, như một cách PR kiêu hãnh!

Cách đây 4 năm, bộ phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" tạo nên cơn sốt cộng đồng, nhưng chỉ đạt doanh thu 78 tỉ đồng. Trong khi đó, những bộ phim hài nhảm có thời gian công chiếu không lâu, lại công bố doanh thu khủng khiếp. Ví dụ, bộ phim "Chàng vợ của em" tuyên bố đạt doanh thu 83 tỷ đồng, bộ phim "Tháng năm rực rỡ" tuyên bố đạt doanh thu 85 tỷ đồng, bộ phim "Em là bà nội của anh" tuyên bố đạt doanh thu 102 tỷ đồng, bộ phim "Siêu sao siêu ngố" tuyên bố đạt doanh thu 108 tỷ đồng.

Thử đặt câu hỏi, nếu doanh thu kia phải căn cứ để nộp thuế hoặc để chia thù lao cho đạo diễn và diễn viên thì những nhà sản xuất có dám lớn giọng như vậy không? Chắc chắn không! Dù bộ phim "Em chưa 18" tuyên bố đạt doanh thu 171 tỷ đồng, nhưng tác giả kịch bản là Charlie Nguyễn thú nhận: "Số phận bộ phim "Em chưa 18" may mắn, vì đó là câu chuyện của số đông, ai cũng từng trải qua những điều tương tự.

Từ đó nó tạo nên sự đồng cảm lớn dẫn đến thành công về mặt thương mại. Đồng thời, với tư cách nhà sản xuất, Charlie Nguyễn cũng lưu ý: "Qua 3 năm 2016, 2017, 2018 phim thất bại quá nhiều. Những người làm phim sẽ phải nhìn lại thất bại này và buộc phải tìm cách khắc phục. Hy vọng họ khắc phục được vì không thể để khán giả liên tục mất niềm tin.

Giữa phim Việt và phim Hollywood, họ không ngần ngại chọn Hollywood, điều đó đang xảy ra chứ không cần chờ đợi. Khán giả Việt mất niềm tin vào phim Việt là vấn đề rất nguy hiểm nhưng họ hoài nghi đều có lý do, bởi có quá nhiều bộ phim khiến họ thất vọng".

Trở lại với doanh thu 176, 5 tỷ đồng của bộ phim "Cua lại vợ bầu" trong vòng 13 ngày, những đơn vị phát hành phim chẳng bình luận gì, vì không muốn làm tổn thương cơn hưng phấn từ phía đối tác. Còn những người trong giới chuyên môn thì chọn cách khe khẽ cười bí mật khi được hỏi đến thực hư.

Một người từng thực hiện nhiều bộ phim chiếu Tết thành công và cũng từng có những tuyên bố khá rình rang về doanh thu là nghệ sĩ Phước Sang nửa đùa nửa thật: "Nếu không muốn nghe nói dối thì đừng hỏi". Tại nhiều hội thảo điện ảnh, doanh thu thực sự của phim Việt cũng được đặt ra với nhiều nghi ngại.

Đạo diễn Vũ Hoàng Điệp từng phát biểu cần phải xem lại những con số này vì không có đơn vị sản xuất hay kinh doanh nào dám công bố một cách thực tế con số chính xác trong hoạt động kinh doanh phim mà họ đã đạt được. Và chính chị cũng băn khoăn không hiểu tại sao lại có những số liệu về doanh thu điện ảnh lớn đến như vậy.

Tương tự, diễn viên Việt Anh sau mấy phen bỏ tiền làm phim cũng… hốt hoảng về những con số doanh thu "khổng lồ" mà các nhà sản xuất phim Việt công bố thời gian gần đây: "Phần lớn những con số "khủng" kia chỉ mang tính "quăng bom" để PR cho bộ phim!".

Những gương mặt sáng giá hiện nay của điện ảnh Việt liệu có lập nên những kỳ tích.

Khi ra rạp, sự cạnh tranh suất chiếu giữa phim Việt với phim Việt đã gay gắt, mà sự cạnh tranh suất chiếu giữa phim Việt với phim ngoại đôi khi càng giống cuộc đọ sức không ngang vai phải lứa. Phim Việt nọ chưa đươc trọn vẹn một tuần thì đã có phim Việt kia thay chỗ.

Phim hài nhảm vẫn đang thắng thế, nên phim nghệ thuật gần như rơi vào hoàn cảnh ngậm ngùi để mong có được doanh thu bạc tỷ. Là người được làm bộ phim "Thạch Thảo" do Nhà nước đặt hàng, đạo diễn Mai Thế Hiệp thừa nhận: "Doanh thu phim Việt năm 2018 không được như mấy năm vừa rồi, thậm chí ở mức rất thấp. Đây là tín hiệu hơi buồn cho anh em trong giới làm phim.

Lý do thất bại, chất lượng không phải là vấn đề mà vì có quá nhiều phim nhập từ nước ngoài. Phim nghệ thuật cũng có lượng khán giả riêng. Nên có những rạp chuyên chiếu những bộ phim nghệ thuật để định hình cho khán giả. Điều này không làm rạp mất doanh thu mà tập trung được lượng khán giả mục tiêu. Phim nghệ thuật không thể chiếu đồng bộ ở 100 cụm rạp mà nên tìm cách phát hành khác!".

Nếu chỉ khởi động năm 2019 mà bộ phim "Cua lại vợ bầu" đã phá mọi kỷ lục doanh thu trước đây của phim Việt, thì liệu có phải một tín hiệu đáng mừng không? Đạo diễn Lê Thanh Sơn, người đã thực hiện bộ phim "Em chưa 18" vừa bị phá kỷ lục về doanh thu, chia sẻ: "Bộ phim "Cua lại vợ bầu" thuộc thể loại rom-com (lãng mạn - hài) ăn khách vì đánh trúng thị hiếu khán giả tuổi từ 16 - 25.

Dự án tiếp theo tôi đang chuẩn bị cũng dành cho đối tượng khán giả này. Thú thực là chúng tôi đã khui rượu ăn mừng vì áp lực gọi là giữ kỷ lục cuối cùng cũng sang tay được cho người khác sau 2 năm. Khi bắt đầu dự án tôi không hề nhắm tới doanh thu phòng vé, việc phim đạt được mốc cao như vậy khiến mình bị chú ý nhiều hơn và cả dự án tiếp theo cũng vậy".

Liệu những nhà làm phim "Cua lại vợ bầu" sẽ nộp bao nhiêu thuế cho ngân sách? Dĩ nhiên, cơ quan thuế sẽ không bỏ qua doanh thu từ các phim Việt, nhưng chẳng ai quan tâm đến những con số ảo xuất hiện trên báo hay trên mạng. Cán bộ thuế cũng thừa thông minh để nhìn ra những chiêu thức PR bằng các tuyên bố doanh thu sấm sét. Cứ dựa vào sổ sách chứng từ cụ thể mà thu thuế thôi. Thật bẽ bàng, nếu nhà sản xuất huyênh hoang doanh thu 100 tỷ đồng mà cơ quan thuế chỉ thu được vài triệu đồng ít ỏi.

Có lẽ, muốn biết doanh thu phim Việt ra sao, cần bắt đầu một quy trình khác: Trong hợp đồng làm phim, chỉ cần ghi rõ thù lao tăng thêm của những nghệ sĩ tham gia mỗi khi nhà sản xuất hùng hồn tuyên bố số tiền tỷ có được từ quầy bán vé đã vượt xa vốn đầu tư!

Tại những quốc gia có nền điện ảnh phát triển, doanh thu của mỗi bộ phim được kiểm soát rất chặt chẽ, và được công bố rất chính xác. Bởi lẽ, ngoài nộp thuế thì doanh thu của mỗi phim ăn khách sẽ đóng góp từ 3% đến 5% vào quỹ phát triển điện ảnh quốc gia.

Tuy Hòa
.
.