Thu phí bản quyền karaoke: Làm sao hợp lý hợp tình

Thứ Ba, 11/04/2017, 07:57
Mới đây, RIAV đã gửi văn bản đề cập đến việc thu mức phí bản quyền liên quan theo quy định là 2.000 đồng/bài hát/đầu máy karaoke và có thời hạn sử dụng một năm kể từ ngày được cấp phép đến các cơ sở kinh doanh karaoke. 


Việc thu phí áp dụng từ ngày 14-7-2017. Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền (trực thuộc RIAV) là đơn vị chịu trách nhiệm thu khoản phí này. Số tiền thu được sẽ dùng để chi trả các chi phí hoạt động của Văn phòng Hiệp hội (10%), Sở Văn hóa, Thể thao hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh (5%), còn lại trả trực tiếp cho các chủ sở hữu.

Nếu theo quy định của RIAV, tổng số tiền mà các cơ sở karaoke phải nộp hàng năm lên đến cả mấy trăm triệu, thậm chí gần cả tỉ đồng. Bởi tính sơ sơ, mỗi cơ sở kinh doanh karaoke có trung bình khoảng 20 phòng với 20 đầu máy. Số lượng bài hát thực tế trong các đầu thu trung bình 7.000 bài, thậm chí có nơi lên tới 10.000 bài. Chưa kể, những bài hát nước ngoài, cổ nhạc, dân ca… thì thu như thế nào?

Số tiền quá lớn này cộng với phí đầu tư máy móc, phòng ốc, nhân viên… khiến chủ kinh doanh karaoke không khỏi hãi hùng. Theo các chủ quán, việc thu tác quyền này là phí chồng phí vì trước đó, họ phải bỏ tiền để sắm dàn bao gồm đầu thu karaoke. Các nhà sản xuất đầu thu karaoke đã nộp phí bản quyền đầy đủ cho nhiều bên liên quan nên không cớ gì chủ kinh doanh phải tiếp tục trả tiền bản quyền.

Quyền lợi của chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình karaoke (đặc biệt là ca sĩ) lâu nay chưa được xem trọng.

Về việc này, bà Trương Thị Thu Dung, Phó Chủ tịch RIAV lý giải, doanh nghiệp bán đầu thu karaoke nộp phí bản quyền vì họ thu được lợi nhuận từ việc sử dụng sản phẩm trí tuệ của người khác. Tương tự, đến lượt các quán karaoke cũng sinh lợi từ việc kinh doanh các bài hát này nên việc thu phí là hiển nhiên.

Theo bà, bấy lâu nay, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn vô tư sử dụng các sản phẩm bản ghi (ghi âm, ghi hình) âm nhạc thuộc quyền sở hữu, quyền quản lý của RIAV vào mục đích kinh doanh nhằm thu lại lợi nhuận khi chưa có sự thỏa thuận và được phép của các chủ sở hữu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của RIAV và các hội viên RIAV.

Trước ý kiến cho rằng số tiền thu phí quá lớn, bà Dung trấn an rằng không phải bài hát nào RIAV cũng thu phí. "Trong cuộc khảo sát mới đây, chúng tôi nhận thấy trung bình mỗi đầu máy sử dụng từ 10.000-20.000 bản ghi; tuy nhiên số bản ghi thuộc sở hữu của RIAV và hội viên chỉ từ 3.000-5.000 bản. Và chỉ những bài hát thuộc quyền bảo vệ của Hiệp hội thì chúng tôi mới thu. Con số này khoảng 2.000 đến 3.000 bản".

Vấn đề xâm phạm bản quyền ở nước ta vẫn là vấn nạn nhức nhối chưa có hồi kết mặc dù chúng ta có Luật Sở hữu trí tuệ và tham gia hàng loạt Điều ước, Công ước quốc tế. Cứ dăm bữa nửa tháng lại diễn ra hội thảo, tọa đàm về bản quyền ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhằm tìm phương hướng chống lại các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang ngày càng trắng trợn và tinh vi. Nhưng mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ vì vướng mắc chế tài, biện pháp xử lý chưa đủ sức răn đe, hành lang pháp lý còn nhiều lỗ hổng.

Những vụ kiện về tác quyền thường dây dưa, kéo dài khiến phía bị xâm phạm nản lòng. Theo RIAV, việc các cơ sở kinh doanh karaoke không đóng phí tác quyền đã vi phạm Bộ luật Dân sự năm 2005, Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác có liên quan.

Một số người khác cho rằng việc thu này là đúng, họ không phản đối nhưng mức phí 2.000 đồng/ bài theo họ là quá cao và chưa minh bạch. Họ không hiểu dựa vào cơ sở nào để Hiệp hội cho ra mức giá ngất ngưởng như thế, bởi nó không khác gì đẩy các quán karaoke vào thế khó.

Thật ra, mức phí này đã được RIAV dự định triển khai từ nhiều năm trước nhưng đến nay mới khởi động lại bởi vấp nhiều tranh cãi. Đại diện phía RIAV cho hay, lần này, mức phí đã được tính toán kỹ từ trước và tham khảo qua việc khảo sát hoạt động kinh doanh karaoke có sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc quyền quản lý của RIAV tại 3 tỉnh Quảng Ninh, Trà Vinh và Bến Tre hồi cuối năm ngoái.

Nếu xét kỹ, dễ dàng thấy rằng dù mức thu tác quyền cao cỡ nào thì cuối cùng các chủ kinh doanh cũng không một mình chịu thiệt. Trăm phí cuối cùng đổ hết cho khách hàng gánh. Từ đây lại nảy nòi ra một bất công khác.

Trong số hàng ngàn bài hát, không phải bài nào khách hàng cũng ưa chuộng. Tùy theo nhu cầu, sẽ có bài được hát nhiều, có bài chỉ thêm vào danh mục cho phong phú. Như vậy không thể đánh đồng phí tác quyền các bài ở mức giá cào bằng và chi cho các chủ sở hữu quyền như nhau như cách RIAV làm. Với khách hàng, quả là bất công khi phải trả phí cho những ca khúc mà mình không hát. Với chủ sở hữu là các hãng băng đĩa, ca sĩ… rất thiếu công bằng khi bài được hát nhiều cũng có giá bằng bài chẳng ai thèm đoái hoài.

Với hàng nghìn bài hát và các cơ sở kinh doanh thì chuyện RIAV đi phổ biến thông tin và kiểm tra chuyện nộp phí xem ra là không khả quan khi lực lượng quá mỏng. Hiểu được điều này nên trước mắt, RIAV chỉ áp dụng việc thu phí ở địa bàn lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... chứ không thể triển khai hết 63 tỉnh, thành.

Việc thu phí tác quyền đang vấp phải phản ứng gay gắt của các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke.

Ông Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Cấp phép và Quản lý quyền, thừa nhận việc thu phí sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, trung tâm phải tiến hành một lộ trình cụ thể gồm nhiều hoạt động như tuyên truyền, giải thích, tư vấn để các chủ cơ sở kinh doanh karaoke hiểu về quyền liên quan, thực thi Luật Sở hữu trí tuệ; làm việc với các đơn vị quản lý văn hóa ở địa phương để phối hợp triển khai việc thu phí.

Dù đã có 10 tỉnh, thành đồng thuận nhưng việc thực hiện vẫn khó khả thi vì không phải lúc nào địa phương cũng hỗ trợ được. Chưa kể các cơ sở chây ì không chịu nộp thì biện pháp mạnh của họ là gì? Nếu đi kiện thì thắng thua chưa thấy chỉ thấy tốn nhiều công sức và thời gian khi số lượng các quán karaoke quá đông.

Khi tranh cãi vẫn chưa có hồi kết, nhiều người nhớ đến phương án dùng quảng cáo bù phí tác quyền mà Công ty Điện tử Hanet Việt Nam (Hanet) tung ra trong dự án "Share Our Cake" liên quan đến việc khai thác bản quyền tại các cơ sở kinh doanh karaoke. Vào cuối tháng 11 năm ngoái, RIAV đã ký kết với Hanet để triển khai dự án. Theo đó, RIAV ủy quyền cho Hanet trong thời hạn 5 năm (từ năm 2017 đến năm 2021) được toàn quyền làm việc với các cơ sở kinh doanh karaoke sử dụng sản phẩm của RIAV mà không xin phép.

Ông Võ Đức Thọ, Tổng Giám đốc Hanet hứa hẹn: "Dự án sẽ khai thác quảng cáo trên các màn hình ở các phòng hát karaoke. Doanh thu từ quảng cáo sẽ được chia cho các bên liên quan, trong đó Hanet nhận về 35% để trả tác quyền cho RIAV và tái đầu tư xây dựng hệ thống, 25% cho chủ sở hữu bản quyền, 30% các đại lí khai thác quảng cáo và 10% cho cơ sở kinh doanh karaoke. Như thế, nếu các cơ sở kinh doanh karaoke hợp tác với Hanet, chẳng những không phải đóng 2.000 đồng/bài hát/ đầu máy/năm mà còn được hưởng thêm 10% từ doanh thu quảng cáo".

Dù vậy, theo bà Trương Thị Thu Dung, giải pháp thanh toán giữa Hanet với các khách hàng nên làm đúng pháp luật chứ không nên choàng việc nọ sang việc kia bởi chủ kinh doanh bài hát thì phải có nghĩa vụ trả tiền tác quyền bản ghi âm.

Mặc dù biết đây là chiêu thức cạnh tranh của Hanet nhưng cách thu lợi từ quảng cáo để từ đó chi trả phí tác quyền là một lối thoát cho nhiều cơ sở kinh doanh karaoke hiện nay. Tuy nhiên, việc thu hút quảng cáo có xuôi chèo mát mái và số tiền từ nguồn này có đủ để quán karaoke chi trả tác quyền lại là câu chuyện khác. Thiết nghĩ, đòi lại quyền lợi cho các chủ sở hữu bản ghi âm, ghi hình là điều đáng ủng hộ. Song RIAV phải có những thông tin, quyết sách minh bạch, hợp lý, hợp tình để người thực thi tâm phục, khẩu phục. 

Phan Thi Uyên
.
.