Thói quen đổ lỗi cho "trẻ"

Thứ Năm, 31/12/2015, 13:15
Tuần này, Google công bố 10 từ khoá được người sử dụng internet Việt Nam tìm kiếm nhiều nhất và cả 10 nội dung đều là những thứ liên quan đến giải trí thường nhật. Nào là "Chàng trai năm ấy" cho đến "Không phải dạng vừa đâu"; nào là "Cười xuyên Việt" cho đến "Âm thầm bên em". Những nội dung ấy khiến có người còn đùa vui rằng, người Việt lúc nào cũng thích tìm vợ người ta, theo tên nội dung được tìm kiếm nhiều nhất, vốn dĩ là tựa đề một ca khúc của ca sỹ trẻ Phạm Mạnh Quỳnh.

Từ chuyện 10 từ khoá được kiếm tìm nhiều nhất bởi người dùng Việt Nam ấy, một vấn đề đã được mở ra khi so sánh với 10 nội dung được người Singapore kiếm tìm nhiều nhất trong năm 2015 này. Có đến 6/10 nội dung mà người Singapore quan tâm nhất là những vấn đề chính trị, xã hội, y tế, thế giới và gần như không có nội dung nào là giải trí cả. Sự so sánh ấy cho thấy một điều đáng lo ngại về dân trí Việt Nam hôm nay so với mặt chung của dân trí khu vực.

Rõ ràng, mối quan tâm phần nào sẽ thể hiện tầm vóc tư duy và điều đó cho thấy, người Việt đang rất ít quan tâm đến những vấn đề lớn lao của đời sống mà chỉ quẩn quanh những thứ giải trí tầm phào. Thêm vào đó, nó cũng chỉ ra rằng người Việt sử dụng Internet thực sự chưa hiệu quả. Với họ, internet chưa phải công cụ để mở mang kiến thức mà mới chỉ dừng ở mức độ để "chơi" là chính.

Song, cái đáng quan ngại nhất chính là thực trạng đó lại đang được đổ lỗi cho giới trẻ. Khảo sát của Google dựa trên người dùng, nguồn truy cập nói chung chứ không dựa trên độ tuổi nhưng các nhà báo, những nhà bình luận trong nước đã vội vã lên tiếng rằng "Giới trẻ Việt Nam đang tìm kiếm gì?". Họ mặc định các nội dung giải trí nhảm nhí đó chắc chắn chỉ có giới trẻ mới kiếm tìm chứ người lớn, chín chắn sẽ không đào sâu vào chúng đến mức hình thành trào lưu.

Không phủ nhận, tuổi người dùng internet hiện nay là trẻ nhưng nhận xét này rất vội vàng và có xu hướng phủi trách nhiệm sang cho tuổi trẻ. Nó cũng y như quy chụp "Giới trẻ lười đọc" đang phổ biến hiện nay. Chúng ta hãy thử làm một khảo sát nhỏ tự thân, và ta sẽ nhận được kết qủa khá bất ngờ. Ấy là hãy lựa chọn một nhà sách bất kỳ, ta sẽ nhận ra rằng người trẻ đang mua sách nhiều hơn là người lớn tuổi và hình như ở Việt Nam, càng già lại càng lười mua sách thì phải?

Không ít lần chúng ta gặp bạn bè mình để lên facebook những cụm từ là từ khóa được kiếm tìm nhiều như "không phải dạng vừa đâu"; "em của ngày hôm qua"…Thoáng qua thì sẽ không suy nghĩ gì nhưng nếu nhìn vào tuổi của chủ nhân những dòng chia sẻ đó, chúng ta sẽ giật mình. Họ không còn trẻ nữa, và họ cũng đang tìm kiếm những nội dung dễ dãi ấy.

Thực sự đã có một thói quen đổ lỗi cho tuổi trẻ ở Việt Nam, kéo dài nhiều năm nay. Và đã đến lúc chúng ta cần phải tự nhắc chính mình rằng "lớn tuổi mà không nghiêm túc, không công chính với chính hành vi của mình, thì giới trẻ sẽ là bản sao hoàn hảo" và "đừng đổ lỗi cho tuổi trẻ nữa, nhất là khi chính ta là người mắc lỗi".

Đan Anh
.
.