Thời khan hiếm và bế tắc của sáng tạo kịch bản?

Chủ Nhật, 24/04/2016, 08:00
Khoan vội “ném đá nghệ thuật” việc làm mới kịch bản cũ, dù đó là cải lương, kịch nói hay thậm chí cả điện ảnh. Bởi, làm mới tác phẩm cũ vốn dĩ là một xu hướng, một cách thức khá phổ biến trên toàn thế giới. Rõ nhất là trong điện ảnh...


Kịch tác gia chuyên nghiệp, anh ở đâu?

Nguyễn Hồng Lam

Gần đây, sân khấu nhìn chung thiếu vắng những vở diễn mới có tính đột phá nghệ thuật, cũng khá im lìm những tác phẩm mới mà sau khi sinh ra, nó sẽ được thời gian khoác thêm cho hai từ “kinh điển” khi nhắc tới. Vở mới, tất nhiên vẫn có, song hiếm vở  diễn nào có tuổi thọ nghệ thuật vượt quá mấy chữ “thời vụ” hay “giai đoạn”. 

Để cứu sân khấu lâm vào cảnh đìu hiu chợ chiều, nhiều chiêu trò đã được tung ra nhằm bổ khuyết sự khan hiếm kịch bản sân khấu có tính văn học nghệ thuật cao. Chiêu thức ưa dùng nhất đó là khai thác tiếng cười, “thọc lét” khán giả, gọi chung là… tấu hài, ngay cả khi đang diễn chính kịch hay bi kịch. Sự nghèo nàn ý tưởng trong khi thừa thãi chiêu trò đã vô tình khiến sân khấu bị đẩy vào một giai đoạn bội phát của việc làm mới kịch bản cũ. Nói cách khác, bám vào giá trị kinh điển của những tác phẩm lẫy lừng một thời, sân khấu đang cố hồi dương bằng những tiếng cười gượng gạo, đôi khi trở nên lố bịch!

Bao giờ mới lại có được những kịch bản hay chiếm lĩnh sân khấu trong nước.

Khoan vội “ném đá nghệ thuật” việc làm mới kịch bản cũ, dù đó là cải lương, kịch nói hay thậm chí cả điện ảnh. Bởi, làm mới tác phẩm cũ vốn dĩ là một xu hướng, một cách thức khá phổ biến trên toàn thế giới. Rõ nhất là trong điện ảnh.

Hàng chục quốc gia, hàng trăm tác phẩm điện ảnh đã khai thác không mệt mỏi, mỗi lần một kiểu khác nhau cái dáng loắt choắt, lóc chóc và nhanh như sóc của nhân vật d'Artagnan trong tác phẩm “Ba người lính ngự lâm” của Alexandre Dumas cha. Trên sân khấu kịch, một loạt tác phẩm của William Shakespeare như “Vua Lia”, “Giấc mộng đêm hè”, “Romeo và Juliette”… vẫn liên tục được làm mới và ăn khách.

Kể cả khi được diễn thành ca kịch trên sân khấu Broadway hay được viết thành kịch bản ba-lê, sức hấp dẫn của những tác phẩm trứ danh ấy vẫn không thay đổi, thậm chí còn gia tăng nhờ sự mới lạ của loại hình nghệ thuật biểu diễn. Nói chung, làm mới không phải là việc đáng phê phán, nếu nó gia tăng giá trị nghệ thuật bằng tính đột phá.

Việc làm  mới sân khấu của chúng ta không đạt được thành công như thế, bởi việc làm mới không bắt nguồn từ cảm hứng sáng tạo. Nó chỉ là cái phao cứu sinh khi con thuyền nghệ thuật sắp chìm khi thiếu hụt trầm trọng kịch bản mới và hay. Bám vào kịch bản cũ, biến cải nó, thậm chí bẻ ngược nó, đó là cách tác giả kịch bản “làm mới” có thể tạo ra sự an tâm cho… chính bản thân, khi gửi cảm xúc của khán giả níu dựa vào cảm thức của  kịch bản cũ, để từ đó gửi gắm thêm những thông điệp hiện đại mà tác giả làm mới muốn nhắm tới. Điều này cũng có nguyên nhân sâu xa.

Gần đây, nhà văn, nhà soạn kịch ít mặn mà với sân khấu. Nếu có, những nhà soạn kịch chuyên nghiệp cũng chỉ nhăm nhắm “gửi” kịch bản đi các đoàn để tham gia hội diễn, vở diễn giành huy chương xong là cất kho, ít có khả năng tham gia vào dòng chảy sống của văn nghệ. Tác giả của những vở diễn hàng đêm giúp sân khấu tiếp tục sáng đèn thường là những soạn giả không chuyên – chính là đạo diễn, diễn viên hoặc ông bầu của các sân khấu chưa muốn bị quên lãng. Nói nghiêm túc, khả năng sáng tạo kịch bản của họ không cao. Việc bám víu  ý tưởng cũ, kịch bản cũ  trở nên một giải pháp nuôi sống sân khấu khả dĩ nhất vào thời đoạn này.

Bình dân hóa sân khấu, đó có thể là cách kéo khán giả đến rạp nhưng khó nâng cao chất lượng nghệ thuật. Pha hài, tấu hài trong trường hợp này cũng là  một cách thức mang tính giai đoạn dễ áp dụng nhất. Khán giả vẫn đến rạp vì tò mò, nhưng nghệ thuật đích thực thì đành buông tiếng thở dài.

Tất nhiên, cũng có những thành công đáng khích lệ. Truyện cổ tích Việt Nam, tuồng tích cũ lấy cảm hứng và ý tưởng từ “Ngàn lẻ một đêm”, từ “Sử thi Ấn Độ”, từ tiểu đoạn lịch sử dân tộc Việt… được nghệ sĩ Thành Lộc và các cộng sự của anh phối trộn với phong cách nhạc kịch Broadway và vũ điệu của nhiều miền trên thế giới, trong đó có Việt Nam vẫn cho ra những vở diễn ngắn có chất lượng, giàu tính nghệ thuật, vẫn thu hút được đông đảo sự háo hức, quan tâm của trẻ em trong những chương trình phát trên truyền hình. Tuy nhiên, không thể vượt qua nổi tính kể chuyện của những tiểu phẩm hay trích đoạn, chừng đó thôi thì việc làm mới chưa đủ để lại cho sân khấu những vở diễn lớn, những tác phẩm kinh điển có thể ghi danh vào lịch sử văn nghệ.

Làm mới kịch bản cũ là một sự loay hoay của sân khấu đương thời. Khen hay chê, nó cũng khó đổi khác, khi mà đội ngũ nhà văn, kịch tác gia chuyên nghiệp vẫn thờ ơ với sân khấu. Chỉ hy vọng đó chỉ là giai đoạn. Lại đành chờ thôi!

Làm mới hay… làm méo?

Nguyễn Trang

Nhiều trích đoạn sân khấu kinh điển bị biến thành màn tấu hài. “Tô Ánh Nguyệt thời @” do NSND Ngọc Giàu, Trấn Thành, Anh Đức thủ diễn trên một sân khấu hải ngoại mới đây đã gây ra vô số phản ứng trái chiều từ khán giả. Nếu hình mẫu Tô Ánh Nguyệt trong cải lương là một người phụ nữ thương con, nhân hậu, chịu thương chịu khó… thì ở màn tấu hài nhảm này, Trấn Thành lại biến Tô Ánh Nguyệt thành nhân vật bóng lộ, nói năng xấc xược, đi đứng uốn éo, lướt Facebook xoèn xoẹt.

Một cảnh trong tấu hài “Tô Ánh Nguyệt thời @”.

Trấn Thành khiến nhân vật trắc nết đến mức khi nức nở về những ngày cam chịu uất ức từ miệng lưỡi thế gian, hai tay anh bợ ngực nâng lên nâng xuống theo mỗi tiếng gào. Tô Ánh Nguyệt thời @ còn vén ống quần lên tới tận bẹn. Chưa hết, màn tấu hài nhảm này còn vô số kiểu chọc cười tục tĩu khiến khán giả phải đỏ mặt, rồi đến chửi thề, mạt sát ngoại hình đồng nghiệp làng hài. Ở vở “Đời cô Lựu” tại chương trình “Hội ngộ danh hài”, dù NSND Ngọc Giàu đáng tuổi má của Trấn Thành nhưng anh cứ tự nhiên nói: “Anh không bao giờ nói em là con heo mặc dù nhìn em giống”.

Nhân vật cô Kim Anh thì do một nam diễn viên giả gái đóng. NSND Kim Cương từng rất bức xúc khi vở “Lá sầu riêng” bị hài hước hóa. Theo bà, những vở nghiêm túc, đầy nhân văn nếu biến thành tấu hài thì nhân vật phải có những hành động, câu nói gây cười (đặc biệt là kiểu giả gái và hài tục đang bị lạm dụng) và tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đến hình tượng nhân vật.

Các tác phẩm văn học, cổ tích cũng là nguồn kịch bản quen thuộc để cải biên. Trong một chương trình hài truyền hình, Thạch Sanh bỗng bị quy là phạm trọng tội vì dám… giết chằn tinh và đại bàng - loài động vật quý hiếm. Còn Lý Thông được ca ngợi như một người hùng. Các vở kịch cổ tích của sân khấu Idecaf tuy được hưởng ứng, nhưng đôi lúc vẫn có những cái lắc đầu khi ngôn ngữ tục hoặc quá hiện đại lồng ghép một cách mất kiểm soát. Dường như lật đổ các nhân vật đã trở thành biểu tượng xưa nay hoặc dùng ngôn ngữ hiện đại làm lớp vỏ đang là “mốt sáng tạo” của không ít nghệ sĩ. Họ cho đó là một kiểu làm mới câu chuyện đã quá quen thuộc với mọi người.

Cũng có người chống chế kiểu nhân vật bị méo mó cũng chỉ là vui vẻ tức thời vì bấy lâu nay, nhân vật đó đã in đậm trong tâm trí khán giả và khó có thể xóa mờ chỉ bằng một vở tấu hài. Nhưng chắc chắn ai đã yêu quý nhân vật, sẽ cảm thấy đau lòng khi nhân vật bị xúc phạm, trở nên dị hợm dưới bàn tay của những người được gọi là nghệ sĩ. Mang cái danh ấy, điều họ đem đến là cái đẹp chứ không phải là cái xấu, cái nhìn lệch lạc cho khán giả để rồi ngụy biện.

Làm mới tác phẩm kinh điển là bước đi mạo hiểm vì khán giả không dễ chấp nhận. Không phủ nhận có những vở được khán giả ủng hộ khi khoác lớp áo mới lạ lẫm. Điều trên hết là cần tôn trọng tác giả, tôn trọng tinh thần nguyên tác. Sau nữa là tôn trọng khán giả và tôn trọng chính mình. Nếu không mang được điều gì mới mẻ, ý nghĩa một cách nghiêm túc khi dựng lại kịch bản cũ thì đừng lấy nó ra làm trò đùa. Bởi đời sống còn rất nhiều cái mới cần nghệ sĩ tìm tòi, khai phá thay vì ngồi đó giày nát giá trị vốn có của cha ông.

Nghệ sĩ Ái Như, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh: Muốn làm mới, phải trân trọng và kế thừa giá trị cũ

Quỳnh Nga (ghi)

Cảm tác từ tiểu thuyết “Tắt lửa lòng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan, khi viết lại vở “Lan và Điệp” phiên bản kịch nói, chúng tôi luôn đặt câu hỏi và tìm kiếm cho mình con đường riêng. Tôi chưa đọc kịch bản văn học về kịch mà chỉ đọc tiểu thuyết và xem phiên bản cải lương.

Chúng tôi đặt câu hỏi: nếu như các nhân vật có những thay đổi a,b,c… thì họ sẽ hành xử như thế nào với cách suy nghĩ hiện đại? Nếu như Điệp kịp tỉnh giấc trước khi bị vu oan, Lan không phó mặc số phận khi tìm đến nương náu nơi cửa Phật thì tình yêu của họ có đi vào bế tắc? Nếu như họ chủ động lựa chọn tình yêu và lẽ sống của mình thay vì bị động chịu sự sắp đặt thì số phận họ sẽ như thế nào?

Tất nhiên, tất cả suy nghĩ đó vẫn nằm trong bối cảnh ngày xưa, trong vòng quay của từng nhân vật. Chúng tôi muốn phả vào vở kịch hơi thở hiện đại, lăng kính mới của ngày hôm nay. Để rồi xem lại câu chuyện cũ, khán giả sẽ có cái nhìn về ngày xưa, về ngày hôm nay bằng cái nhìn của những người trẻ. Tất nhiên bản thân chúng tôi không còn trẻ nữa, nhưng đối với tác phẩm chúng tôi vẫn là những người trẻ. Trên tất cả, chúng tôi làm “Lan và Điệp” với một tấm lòng trân trọng nghệ thuật, trân trọng những giá trị đẹp đẽ mà tiền bối đã để lại chứ không phải làm chỉ hoàn toàn vì doanh thu.

Trong vở này, Hoàng Thái Thanh là đồng tác giả kịch bản với tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc và NSƯT Thành Hội làm đạo diễn. Ba chúng tôi ngồi lại với nhau làm đi làm lại rất kỹ đề cương chi tiết để thấu hiểu và chuyển tải được cái hay, cái đẹp của một tác phẩm đã gần trăm năm. “Lan và Điệp” tồn tại đến ngày hôm nay là nhờ các giá trị nghệ thuật, nhân sinh quý báu.

Bây giờ, chúng ta có muốn làm lại, muốn kể mới thì điều đầu tiên là chúng ta phải rung động với cái đẹp ngày trước để có thể gìn giữ tinh hoa của cha ông. Chúng tôi đang kế thừa và phát huy các tác phẩm kinh điển. Điều này đối với sân khấu nước ngoài rất bình thường. Họ hiếm khi dựng hoàn toàn nguyên mẫu tác phẩm kinh điển đã có tuổi đời mấy trăm năm. Nếu dựng như vậy, khán giả sẽ không xem vì người ta đã xem và biết nhiều rồi.

Chúng tôi kế thừa và quan trọng là phải biết chắt lọc làm sao để chính mình thấy cái hay, cái đẹp thì mới thuyết phục khán giả thấy hay và đẹp. Đó cũng là tiêu chí nghệ thuật của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Tiêu chí này không chỉ thể hiện ở vở “Lan và Điệp”, “Nửa đời hương phấn”, “Sông dài”… mà còn ở các vở chuyển thể từ tiểu thuyết, truyện ngắn của các nhà văn Trần Thùy Mai, Nguyễn Ngọc Tư…

Đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh: Phải giữ hồn cốt nhân vật, tinh thần nguyên tác

Mai Quỳnh Nga (thực hiện)

- Thời gian qua nhiều nghệ sĩ làm mới một số trích đoạn sân khấu kinh điển như “Tô Ánh Nguyệt”, “Đời cô Lựu”... theo hướng tấu hài trên sân khấu lớn. Điều đáng nói là kiểu tấu hài này làm méo mó, xuyên tạc nguyên tác. Là người đứng đầu ngành sân khấu, quan điểm của ông?

+  Một tác phẩm trở thành kinh điển có nghĩa là nó đã in sâu vào tâm thức người xem. Ngay cả mình dựng lại đúng nguyên tác cũng có nhiều điều đáng bàn huống chi làm mới. Vì một vở dựng lại không thể giống y chang ngày trước vì đạo diễn, diễn viên mỗi thời mỗi khác, lăng kính khác nhau và khán giả bây giờ cũng khác.

Gần đây, các sân khấu hài hay lấy tác phẩm kinh điển để cải biên, điều này rất không nên. Bởi vì cách cải biên này hoàn toàn không nhằm mục đích nâng cao tác phẩm, không làm cho khán giả hiểu hơn về tác phẩm. Ở đây, họ chỉ mượn tác phẩm, mượn nhân vật làm cơ sở phát triển thành một dạng hài hước lấy tiếng cười, bất chấp hình tượng nhân vật đã định hình trong lòng bao thế hệ.

Mới đây, nghệ sĩ Ái Như của sân khấu Hoàng Thái Thanh làm mới vở cải lương nổi tiếng “Lan và Điệp” dưới dạng kịch nói cùng cốt truyện ít nhiều thay đổi. Đó là lăng kính của Ái Như, chị đi theo và lý giải nó theo một giả định khác nhưng vẫn giữ ngôn phong, tinh thần của thời đó nên được mọi người đón nhận. Nó khác với phiên bản “Lan và Điệp” của Quế Vân và Nam Cường trong “Cặp đôi hoàn hảo” vì lồng nhạc rap nói nhăng nói cuội theo kiểu ngôn ngữ vỉa hè bây giờ. Hay như Tô Ánh Nguyệt là biểu tượng của người phụ nữ miền Nam hy sinh và cam chịu, là nạn nhân của phong kiến, là một người mẹ khốn khổ hết lòng vì con...

Vậy nên, Trấn Thành vào vai Tô Ánh Nguyệt, diễn theo kiểu gian xảo, lẳng lơ như vậy là giết nhân vật của cố soạn giả Trần Hữu Trang. Ở đây không phải là vô tình mà anh có ý thức. Anh biết rằng nếu không làm méo mó, tầm thường hóa, thậm chí là “tục hóa” một nhân vật vốn trở thành biểu tượng cao quý của nhiều người thì khán giả sẽ không cười. Tôi đoán chắc cũng với nội dung như vậy, cũng giả gái, cũng õng ẹo... nhưng nhân vật không phải là Tô Ánh Nguyệt thì người ta không cười.

- Theo ông, sáng tạo trong biên độ như thế nào thì tác phẩm dễ dàng được công chúng đón nhận và không xúc phạm nguyên tác?

+  Xác định ranh giới không dễ. Ngay cả khi mình làm mới có hay hơn nguyên tác thì khán giả cũng không dễ chấp nhận. Không phải là người ta không nhận thấy cái hay mà tại vì trong tâm trí họ, các nhân vật và mạch chuyện đã bám rễ, định hình như thế rồi. Họ mặc định cô Lựu phải như thế này, Tô Ánh Nguyệt phải như thế kia, Dương Vân Nga phải như thế nọ...

Vậy nên khi mình làm khác đi so với kịch bản cũ thì phải hết sức cân nhắc, cẩn trọng. Dù sáng tạo đến đâu đi nữa thì nó phải dựa trên nền tảng chung nhất về hình tượng nhân vật, cốt truyện mà kịch bản đã quy định. Ngay cả kịch cổ điển thế giới như Hamlet, Othello... có sân khấu còn “hiện đại hóa” như cho nhân vật mặc quần jean, áo pull hay bắn súng nhưng người ta vẫn giữ cốt lõi câu chuyện. Đó là cách họ giả định câu chuyện xưa được đặt vào thời hiện đại.  Hay nói một cách khác là dùng lăng kính hiện đại nhìn về tác phẩm.  Còn kiểu tấu hài bôi bẩn không phải là góc nhìn mới mà là họ mượn câu chuyện để ăn theo, là cái cớ để thêm tầm bậy tầm bạ vào nhằm gây cười.

- Trong khi hài truyền hình đang nở rộ thì ngoài các vở cải lương tiêu biểu, họ thường mượn truyện cổ tích để cải biên vì đây là nguồn kịch bản dân gian dễ khai thác mà không sợ chủ sở hữu phản ứng. Vậy nên xu hướng hạ bệ nhân vật cổ tích, người hiền thành ác, người ác thành tốt diễn ra nhan nhản.

+  Kiểu tìm kiếm mặt trái ngược cho nhân vật cổ tích là một kiểu thử nghiệm để người ta lý giải và cho rằng đó là mới. Vì sáng tạo nghệ thuật, người ta làm cho cái cũ khác đi. Dù vậy, tôi nghĩ những tác phẩm này thường không được công chúng hưởng ứng lắm. Mục đích làm mới, làm khác để làm gì? Để cho người ta có cái nhìn nhân ái lên thì nó lại là chuyện khác. Còn để chứng minh một điều ngược lại với cái sẵn có, bẻ gãy mặc định của người xem lâu nay về nhân vật thì tôi nghĩ không nên. Thạch Sanh là hình tượng của người anh hùng, trừ gian diệt ác, Lý Thông là biểu tượng của gian xảo, mưu mô. Cớ gì thay đổi thành Thạch Sanh ác, Lý Thông hiền? Có nhất thiết không? Hay anh chỉ muốn làm ngược lại chơi vui hoặc khoe tài năng? 

- Ông có cho rằng làm mới các kịch bản cũ đang chứng tỏ sự bế tắc, đuối hơi của nghệ sĩ trong sáng tạo hay không?

Cũng không hẳn người ta lấy lại kịch bản cũ là bế tắc về kịch bản. Nếu thấy vở cũ vẫn mang tính thời sự thì người ta sẽ làm lại. Nhưng phần nào nhận định của bạn là đúng. Khi bí quá thì lấy cái cũ, mà lấy cái cũ thì sợ người ta không còn cái gì để xem nữa nên phải bày cái này cái kia hoặc thay đổi nhân vật, câu chuyện. Nhất là thời điểm bây giờ, hài của mình đang rơi vào khủng hoảng. Hài phải có tình huống, có nhân vật thì hiện nay hài chỉ có diễn viên. Họ muốn chứng tỏ mình là một diễn viên hài, nói thì người ta phải cười. Mà nói để người ta cười thì đâu có phải lúc nào các vấn đề nghiêm túc người ta cũng cười được nên họ phải nói đủ kiểu để thọc lét khán giả, thậm chí đến mức họ mất kiểm soát lời nói. Điều này rất nguy hiểm. Những người tham gia gameshow hài phải nhớ mình không chỉ diễn trước mặt những người ở trường quay mà còn diễn trước hàng triệu khán giả qua tivi. Vì vậy, họ cần thể hiện bản lĩnh văn hóa, bản lĩnh thẩm mỹ, bản lĩnh chính trị...

- Sắp tới, Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh có những động thái nào để chấn chỉnh hiện tượng này hay không, thưa ông?

Hội chỉ điều hành hoạt động Hội theo điều lệ. Về mặt pháp lý, Hội không có quyền hành gì nên chỉ có thể lên tiếng phản ứng còn việc kiểm duyệt, chấn chỉnh, xử lý thuộc thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Các đài truyền hình cũng nên cân nhắc khi lựa chọn nghệ sĩ xuất hiện trên truyền hình chứ đừng chạy theo lợi nhuận.

- Xin cảm ơn NSND Trần Ngọc Giàu! 

PV
.
.