Thời của những nhóm nhạc hoạt động độc lập: Đam mê dẫn lối thành công?
- K- pop "giãy chết", nhóm nhạc Việt vẫn cố ăn theo
- 27 ca sĩ, nhóm nhạc biểu diễn trong “Vũ khúc Giáng sinh”
- Vẫn "khát" các nhóm nhạc chuyên nghiệp
Những dòng chảy âm nhạc không ồn ào
Hơn 3.000 vé đêm nhạc "Ng` bthg" (Đọc là "Người bình thường") của "Ngọt" ở thủ đô Hà Nội được bán hết trong vòng hai ngày. Nhiều người "chậm chân" không có được tấm vé xem ban nhạc thần tượng biểu diễn. Vé cho đêm nhạc tại TP Hồ Chí Minh cũng cháy vé trong thời gian ngắn.
Thông số này thực sự khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó, cái tên "Ngọt" và những sản phẩm âm nhạc của nhóm cũng như thông tin về đêm nhạc "Ng` bthg" không xuất hiện nhiều trên các phương tiện truyền thông.
Cùng với việc tổ chức liveshow "Ng` bthg" vào cuối tháng 9 vừa qua, "Ngọt" cũng trình làng album cùng tên với số lượng 4000 đĩa. "Ngọt" cho biết, album "Ng` bthg" được thực hiện trong 9 tháng, gồm 8 ca khúc mang màu sắc âm nhạc châu Âu, kết hợp nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Đây là album do bốn thành viên của "Ngọt" đảm nhiệm "trọn gói", từ sáng tác, viết lời ca khúc cho tới thu âm, thực hiện hậu kỳ, phát hành.
"Ngọt" thành lập năm 2013 với 4 thành viên thuộc thế hệ 9X, gồm Vũ Đinh Trọng Thắng, Nguyễn Hùng Nam Anh, Phan Việt Hoàng, Trần Bình Tuấn. Không xuất hiện ồn ào trên các phương tiện truyền thông nhưng đây là nhóm nhạc được biết đến nhiều trong giới underground. Những ca khúc của "Ngọt" không "hot" như một số ca khúc trên thị trường âm nhạc nhưng luôn có lượng khán giả trung thành, ổn định trên internet.
Lời các ca khúc của "Ngọt" dễ nghe, đề cập đến nhiều vấn đề gần gũi với cuộc sống của những người trẻ tuổi. Ẩn sâu trong những ca từ có vẻ như ngây thơ, đơn giản là triết lý sống sâu sắc. Giai điệu ca khúc tự nhiên, không theo khuôn mẫu nào. Một số ca khúc gây chú ý của nhóm như "Quan điểm", "Xanh", "Cho tôi đi theo", "Em dạo này", "Cá hồi", "Không làm gì"… Khán giả gọi "Ngọt" là "The Beatles của Việt Nam".
Liveshow "Ng` bthg" của "Ngọt" tại TP Hồ Chí Minh hôm 1-10 vừa qua. |
Liveshow kỷ niệm 10 năm ca hát của Da LAB - một trong những ban nhạc đình đám trong giới underground hồi tháng 7-2017 cũng cháy vé trước khi diễn ra một tháng. Trước đó, các thành viên ban nhạc này lo ngại khả năng phải bù lỗ vì không ít liveshow của các ca sĩ dòng overground từng rơi vào cảnh "thu không bù chi".
Những ca khúc của Da LAB như "Hà Nội giờ tan tầm", "Một nhà", "Chậm lại một chút", "Từ ngày em đến"… được giới trẻ yêu thích vì phong cách âm nhạc trẻ trung, ngọt ngào, say đắm. Vấn đề mà Da LAB khai thác trong những tác phẩm của mình khá đa dạng, gần gũi với đời sống hiện đại. "Nổi đình nổi đám" trong cộng đồng mạng là vậy nhưng ít ai biết rằng, ba thành viên của nhóm là MpaKK (Trần Minh Phương, tên thân mật là Kào), Rabbit Run (Nguyễn Trọng Đức, tên thân mật là Thỏ), JGKid (Võ Việt Phương) đều là dân "tay ngang" trong âm nhạc. Tất cả đều không hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp mà có những công việc riêng. Mẫu số chung của những thành viên này là tài năng và niềm đam mê âm nhạc mãnh liệt.
Công thức thành công là đam mê + kiên trì hướng đi riêng
Sự thành công của "Ngọt" và "Da LAB" phản ánh thực tế nghịch lý của nhạc Việt. Nhiều người cho rằng, showbiz gắn liền với truyền thông và nếu "thoát ly" truyền thông, nghệ sỹ sẽ "không có đất sống". Sản phẩm của "Ngọt", "Da LAB" không được quảng bá rầm rộ, nghệ sỹ không có chiêu trò đánh bóng tên tuổi nhưng vẫn gặt hái được thành công. Câu hỏi đặt ra là, khán giả của "Ngọt" và "Da LAB" đến từ đâu?.
Nếu so với những ca sĩ hạng A trong showbiz thì lượng fan của "Ngọt" và "Da LAB" không phải "hàng khủng". Lượng người xem các sản phẩm âm nhạc của nhóm trên youtube cũng không đạt đến con số hàng trăm triệu view. Tuy nhiên, "Ngọt" và "Da LAB" có lượng fan trung thành. Họ âm thầm ủng hộ thần tượng bằng nhiều cách khác nhau. Thế mới có chuyện, nhóm nhạc "Ngọt" từng kêu gọi người hâm mộ quyên góp qua mạng thành công để đầu tư album - một cách làm rất mới mẻ của những người hoạt động âm nhạc độc lập.
Trong thời gian dài, nhiều người có cái nhìn định kiến về nghệ sỹ thuộc dòng nhạc underground. Họ cho rằng, ca khúc do nghệ sỹ underground sáng tác không có hoặc có ít giá trị về mặt nghệ thuật. Lời ca khúc bị đánh giá là không có tính văn học, thậm chí là quá suồng sã. Những sáng tác đầy tính chiêm nghiệm với thông điệp nhân văn của "Ngọt" và "Da LAB" đã làm thay đổi quan điểm, định kiến này. Khán giả nghe "Ngọt", "Da LAB" và bị "ngấm" rồi yêu chất nhạc của họ lúc nào không hay biết.
Một yếu tố nữa khiến "Ngọt", "Da LAB" tìm được khán giả trung thành của mình là sự mới mẻ, gần gũi trong cách thể hiện. Đây là điều mà người nghe ít thấy trong cách thể hiện của những giọng ca chuyên nghiệp. Sức hút trong cách hát của các nhóm nhạc hoạt động độc lập là sự giản dị, chân thành, sâu lắng dù giọng hát chưa thật điêu luyện.
Thành viên của các nhóm nhạc hoạt động động lập đều có nghề nghiệp riêng. Họ đến với âm nhạc vì niềm đam mê và khát khao cống hiến. Niềm đam mê âm nhạc ấy chính sợi dây để họ kết nối với cộng đồng yêu nhạc. Không cần màu mè, hoa mỹ hay sự ồn ào của truyền thông, họ chinh phục khán giả bằng chính sản phẩm âm nhạc. "Mưa dầm, thấm lâu", khi đã nghe quen, thích rồi yêu thì sẽ trở thành fan trung thành của nhóm.
Bên cạnh niềm đam mê, "Ngọt", "Da LAB" thành công vì tìm được hướng đi, phong cách sáng tác, biểu diễn riêng cho nhóm và kiên trì với con đường mình đã chọn. Khi được hỏi về tham vọng chinh phục các sân khấu chuyên nghiệp và kế hoạch sáng tác những bài hát phục vụ thị hiếu số đông khán giả, Vũ Đinh Trọng Thắng chia sẻ rằng, "Ngọt" không bao giờ viết nhạc theo khán giả mà chỉ viết nhạc theo cảm hứng cá nhân.
"Chúng tôi không bao giờ lên mainstream được vì không chiều chuộng khán giả. Với thái độ đấy, tôi nghĩ đông khán giả cũng không thích mình", Vũ Đinh Trọng Thắng nói. Các thành viên của Da LAB cũng chia sẻ rằng, họ không đặt nặng việc kiếm tiền từ âm nhạc nên luôn cảm thấy nhẹ nhàng về vấn đề này. Âm nhạc là đam mê, là niềm vui và họ sẽ làm nhạc theo cách riêng của mình. Có thể âm nhạc của họ không hướng đến số đông nhưng sẽ có lượng khán giả "ruột" nhất định.
Trong thị trường âm nhạc, việc thành lập, đào tạo, quản lý, duy trì các nhóm nhạc khó hơn rất nhiều so với việc tổ chức hoạt động của ca sĩ độc lập. Nhiều người còn cho rằng, nhóm nhạc "không có đất" để phát triển trong showbiz Việt. Sự khó khăn này xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề con người.
Là một tập thể gồm nhiều thành viên, mỗi người một cá tính, quan điểm... nên mâu thuẫn, xô xát trong công việc, cuộc sống là điều khó tránh khỏi. Đó là chưa kể đến việc, có ca sĩ coi việc tham gia nhóm nhạc là bước đệm để sau đó tách ra hoạt động solo. Thực tế cho thấy, không ít nhóm nhạc Việt không tìm được tiếng nói chung nên sớm "tan đàn xẻ nghé" hoặc "chìm nghỉm" trong showbiz vì lúng túng tìm hướng đi.
Trở lại câu chuyện của "Ngọt" và "Da Lab", có thể thấy rằng, nhóm nhạc vẫn có thể "sống tốt, sống khỏe" trong showbiz. Điều quan trọng là các thành viên phải lấy niềm đam mê âm nhạc làm "mẫu số chung" để giải quyết mâu thuẫn. Bên cạnh đó, phải tìm cho mình một hướng đi và kiên trì với nó cho dù ban đầu, con đường đó chưa có nhiều bạn đồng hành.
"Ngọt" và "Da Lab" là hai nhóm nhạc hoạt động độc lập (indie). Từ indie bắt nguồn từ nguyên gốc tiếng Anh Independent music (âm nhạc độc lập). Indie đối lập hoàn toàn với Mainstream (loại nhạc mang tính đại chúng). Cụm từ indie thường đi kèm với một thể loại âm nhạc cụ thể như indie rock, indie metal, indie pop…
Trên thế giới, indie gắn liền với khẩu hiệu "Do it your self - DIY". Những nghệ sỹ, nhóm nhạc thuộc dòng indie phải "tự thân vận động" trong tất cả các khâu từ sáng tác, hòa âm, quảng bá, phát hành… Chính vì đặc điểm này mà họ tự do thể hiện cá tính âm nhạc riêng mà không bị giới hạn trong khuôn mẫu âm nhạc nào. |