Thơ và lương - tri

Thứ Năm, 15/04/2021, 08:52
Lâu lắm rồi mới nghe dư luận ồn ào về thơ. Nhưng sự ồn ào ấy lại không đến từ nguyên nhân cộng đồng lớn bắt đầu yêu thi ca trở lại như mấy chục năm trước. Họ ồn ào bởi một cái giải thưởng, cho một bài thơ có tên "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" của tác giả Tòng Văn Hân.

 

Trong một cuộc thi thơ khá "lặng lẽ" vì ngay cả nhiều người làm thơ cũng không biết về nó, "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" nằm trong một chùm thơ được đồng giải B (không có giải A, tác giả được giải còn lại là Nguyễn Văn Song). Trang báo công bố giải có bài viết mang tiêu đề "Thơ ca và sự nhân hậu đang tồn tại trong tất cả chúng ta" đã thể hiện khá rõ "diện mạo" của "Mẹ tôi chửi kẻ trộm". Tứ thơ đúng là nhân hậu thật, với một cái nhìn ấm áp của tấm lòng con người bao dung.

Nhưng cũng chính từ "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" mà tranh cãi đã nổ ra. Rất nhiều người chê bài thơ ấy dở. Nhưng không hẳn là không có người khen nó hay. Nói chung, cái chuyện "hay-dở" này là cảm nhận riêng của mỗi cá nhân mà không ai có quyền áp đặt. Có thể đa số chúng ta thấy nó dở nhưng những thành viên ban giám khảo lại thấy nó hay. Cãi nhau về nhận định cá nhân này thì ngàn năm không đi đến chung cuộc được. Nói chung, chỉ mất thời gian một cách vô bổ.

Song, có một điều mà có lẽ, nếu những người trót mang nghiệp cầm bút có đọc được từ các bàn luận xoay quanh sự kiện này ắt sẽ phải suy ngẫm. Ấy là thật sự quá hiếm hoi, nếu không muốn nói thẳng ra là hoàn toàn không hề tồn tại, một ý kiến nhỏ nhoi nào minh định được rằng "Mẹ tôi chửi kẻ trộm" có phải là thơ hay không?

Mọi định nghĩa trong các từ điển khoa học của loài người đều chỉ ra rất rõ rằng thơ là gì? Cấu thành nên một tác phẩm thơ dứt khoát phải có những thứ cơ bản như vần, điệu, nhịp, tiết tấu, thi ảnh, ý niệm vv và vv... Tổng hợp đủ tất cả các yếu tính ấy mới có thể được xem là một tác phẩm thi ca thực sự. Và có một thực tế khá đau lòng ở Việt Nam nhiều năm qua là quá ít người hiểu thế nào là thơ ca đúng nghĩa của nó. Chính vì thế, đã có những sản phẩm "tưởng như là thơ" được ca tụng quá đà chỉ vì độ phổ biến của nó trong khi thực tế, nó không phải là thơ.

Trở lại với "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", nó có phải là thơ hay không, chắc chắn những người am hiểu nghệ thuật thi ca sẽ trả lời được. Điều quan trọng nhất là khi ban giám khảo quyết định trao giải cho nó, từng thành viên của ban giám khảo  ấy sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân cho quyết định của mình. Cái giá họ có thể phải trả nếu quyết định sai sẽ chính là uy tín và phẩm cách của họ.

Về tác giả Tòng Văn Hân, việc gửi tác phẩm dự thi là quyền cá nhân không thể bị xâm phạm. Còn việc chấm giải cho một tác phẩm thì lại hoàn toàn khác. Nó đòi hỏi những cá nhân trong hội đồng giám khảo một thứ vô cùng quan trọng: lương-tri (conscience), cấu thành từ tri thức và lương tâm.

Đáng nói nhất là ở điểm này. Không chỉ trong thi ca, nghệ thuật mà ở cả nhiều lĩnh vực khác, người cầm cân nảy mực rất cần phải có đủ lương - tri, sự tỉnh táo, công bằng. Thiếu đi một trong những yếu tố đó, quyết định của họ sẽ gây ra hệ luỵ rất nhiều. Đơn cử như trường hợp "Mẹ tôi chửi kẻ trộm", với dư luận ồn ào như hiện nay, Tòng Văn Hân chắc rằng đang mệt mỏi vô cùng chứ không phải vui mừng vì đoạt giải.

Còn về thơ ca hôm nay, ngẫm lại thấy buồn lắm. Mấy tháng trước, tập thơ-tranh của ông Đặng Đình Hưng được xuất bản. Không mấy ai nhắc tới nó cả. Vậy thì họ có yêu thơ hay không? Nghĩ tới đây, mới thấy đau vì cái câu mỉa quen thuộc mà chúng ta vẫn được nghe rằng "Việt Nam là cường quốc thơ, người người làm thơ, nhà nhà làm thơ".

Văn Đoàn
.
.