Thiếu nhi hát nhạc tình: Giật mình có quá muộn

Thứ Sáu, 21/10/2016, 08:08
MV “Chờ người” của Phương Mỹ Chi mới ra lò đã gây dậy sóng dư luận. Điều khiến công chúng nhức mắt chính vì bài hát tình yêu mùi mẫn này được thể hiện bởi một cô bé 13 tuổi. Nhưng số người bênh ekip làm MV cho rằng tại sao xưa giờ trẻ con hát nhạc người lớn nhan nhản trên đài truyền hình thì không sao, thậm chí khen lấy khen để, đến khi Phương Mỹ Chi ra MV “Chờ người” thì lại giãy đành đạch chỉ trích?


Người bênh Phương Mỹ Chi không phải không có lý. Hồi Phương Mỹ Chi còn là thí sinh “Giọng hát Việt nhí”, người ta cũng từng nghe Chi hát “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang” trong đêm chung kết với những câu như “Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang”… của một người vợ nhớ chồng.

Những chương trình tìm kiếm, thi thố tài năng dành cho thiếu nhi trên  đài truyền hình giờ đây không thiếu các ca khúc vốn chỉ dành cho người lớn. Ở “Giọng hát Việt nhí” 2016, một cô bé hồn nhiên hát “Tàu anh qua núi” mà khán giả vốn đã ấn tượng với giọng hát Anh Thơ. Đến đoạn cô bé lấy sức gào “Là yêu nhau mấy suối em cũng lội/ Là yêu nhau mấy núi em cũng trèo…” không biết khán giả và ban giám khảo có thấy ngượng không?

Chương trình “Gương mặt thân quen nhí” cũng buộc các em phải thể hiện bài hát người lớn vì luật chơi quy định thí sinh phải hóa thân thành các ca sĩ nổi tiếng, thậm chí phải hát đủ thứ tiếng như Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia…

Cô bé 12 tuổi Vũ Đàm Thùy Dung được các huấn luyện viên săn đón khi hát “Dạ cổ hoài lang” trong vòng giấu mặt “Giọng hát Việt nhí 2016”.

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển lúc đó có đăng đàn cho biết mình không hề vui khi Phương Mỹ Chi hát “Đêm Gành Hào nghe điệu hoài lang”. Ông chỉ rõ: “Về nội dung ca từ, ca khúc của tôi viết cho người lớn; nó thấm đẫm chất oán thương của tâm hồn dân ca Nam bộ.

Về thanh nhạc, ca khúc viết với cung Mi thứ; âm vực khá rộng (thấp nhất là nốt Sol, cao nhất nốt Mi, 13 nốt); có nhiều quãng âm luyến láy đòi hỏi kỹ thuật xử lý cao. Một ca khúc như vậy chỉ phù hợp với ca sĩ chuyên nghiệp trưởng thành với những yếu tố thanh quản và âm tơ phát triển đầy đủ.

Cho nên, ca khúc ấy không phù hợp với một cháu bé 10 tuổi chút nào”. Nhưng những ý kiến bức xúc như thế  đều bị ban tổ chức phớt lờ, và năm sau mức độ bài hát người lớn càng dày đặc hơn.

Nếu để ý kỹ sẽ thấy hầu hết bài hát người lớn mà các bé thi thố thường là bài  ca ngợi quê hương đất nước, tình mẹ cha… Nên những bài như “Mẹ yêu con”, “Đất nước lời ru”, “Hồ trên núi”… xuất hiện với tần suất dày đặc.

Các bài này có giai điệu, lời ca thường khó nhớ, khó hát với các bé nhưng vẫn ở trong mức khiến khán giả chấp nhận được vì nó không dính dáng mấy đến chuyện tình yêu đôi lứa – cái chuyện không phù hợp ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới.

Nếu lỡ chọn phải bài có nhiều ca từ yêu đương, các huấn luyện viên sẽ sửa lời ở vài câu để phù hợp với thiếu nhi, chẳng hạn như bài “Thương nhau lý tơ hồng”, “Đường cong”, “Say you do”…

Vì bài yêu đương đã được người lớn xử lý phần nào trên sân khấu nên khi Phương Mỹ Chi trình làng nguyên ca khúc với lời quá mùi mẫn, chua xót như “Chờ người” khiến người ta sốc. Những câu như “tình đẹp là tình bơ vơ”, “lệ buồn đêm khuya thức trắng”, “môi mắt em chờ mong”, “tình là tình cô đơn”, “sầu thương đã lỡ”, “trắc trở”… không hề phù hợp với cô bé mới 13 tuổi.

Ca sĩ Quang Lê, cha nuôi của Phương Mỹ Chi thì cho biết anh quyết định cho Phương Mỹ Chi hát bản gốc bài “Chờ người” mà không thay đổi vì con gái nuôi đã đủ tuổi để biết về tình yêu nam nữ và thể hiện dòng nhạc bolero nói về tình yêu trong sáng. Phe bênh ekip của Phương Mỹ Chi bảo rằng nếu xem MV sẽ thấy là bài hát không hề nói chuyện tình yêu đôi lứa ủy mị, sầu thương mà kể về tình cảm trong sáng, rung động đầu đời của Phương Mỹ Chi với người thầy của mình.

Khổ nỗi, họ không hiểu hay cố tình không hiểu rằng nội dung bài hát vốn nói về một người con gái gửi trọn tình yêu cho chàng trai và nỗi buồn thương, khắc khoải, ai oán của nàng khi mòn mỏi ngóng chờ người yêu quay về. Đó không hề là chuyện rung động đầu đời mà phải là một tình yêu sâu đậm mới son sắt chờ đợi thủy chung như vậy.

Cách thể hiện của ca sĩ chỉ phần nào khiến bài hát mang sắc thái khác đi một chút chứ ý nghĩa, nội dung của nó vẫn thế. Do đó, phần diễn xuất của cô bé tuổi teen và quán quân “Thần tượng Bolero 2016” Trung Quang kể về mối tình chớm nở hoàn toàn “trật đường ray” với bài hát. Ở cuối MV có đoạn cô bé tự đối diện với bóng mình trong gương, thể hiện sự giằng xé, đớn đau thì lại không hề hợp với những gì Quang Lê mạnh miệng phát biểu.

Trước đó, cô bé từng song ca bài “Con đường xưa em đi” cùng Trung Quang trong đêm chung kết “Thần tượng Bolero 2016”. Ngay khi bắt đầu bài hát, nghệ sĩ Phi Điểu vào vai người mẹ dặn dò Phương Mỹ Chi an ủi anh trai.

Mục đích của phần dàn dựng này nhằm cho người xem hiểu rằng Phương Mỹ Chi tham gia trong bài hát này như là một người em gái động viên anh trai đang buồn đau vì tình. Nhưng xem ra công chúng khó chấp nhận sự “hợp lý hóa” này vì lời ca khúc và sự kết hợp của cặp đôi quá mùi mẫn.

Phương Mỹ Chi và Trung Quang trong MV “Chờ người”.

Cách đây khoảng 10 năm, băng đĩa lậu của những ca sĩ nhí được gọi là “thần đồng” như bé Châu, bé Lon Ton… tràn ngập khắp nơi. Hai cậu bé này nổi tiếng khi hát những bài tình cảm sướt mướt đến sôi động như “Trả hết cho người”, “Anh number one”, “Anh chàng đẹp trai”, “Sao em làm ngơ”… và nhảy tưng bừng bên những cô người mẫu chân dài, ăn mặc mát mẻ ra sức uốn éo.

Người ta la ó nhiều quá, các băng đĩa kiểu này bị tẩy chay. Bé Châu, bé Lon Ton… cũng chìm vào quên lãng. Bây giờ thì  trẻ con hát nhạc người lớn được khuyến khích công khai và cổ vũ nhiệt liệt trên đài truyền hình.

Thế mạnh của truyền hình là khiến người ta quen dần, không thấy khó chịu khi trẻ con hát nhạc người lớn và ghê gớm hơn là nhạc tình. Họ mặc định đó là bình thường.

Sự cảnh tỉnh, bức xúc trước tình trạng thiếu nhi hát nhạc tình cho đến bây giờ xem ra đã khá muộn màng. Các bé thi nhau hát bolero, opera, nhạc nước ngoài… với mục đích mà người lớn rất hay khuyến khích: khoe giọng và trình độ đẳng cấp. Giờ mà hát mấy bài như “Con cò bé bé”, “Chú voi con ở Bản Đôn”, “Bắc kim thang”… thì chỉ có nước rớt từ vòng gửi xe.

Từng làm huấn luyện viên “Giọng hát Việt nhí”, ca sĩ  Lam Trường cũng thừa nhận: “Nếu phải hát những bài như “Cả nhà thương nhau” thì không có đất để các bé thể hiện nội lực. Khả năng các bé bây giờ rất giỏi, có thể hát nhiều thể loại nhạc”.

Mặc định thiếu nhi bây giờ giỏi, để rồi có vô số bé bị ép hát bài người lớn, các em phải gồng lên, hát hụt hơi, quên lời đến tội nghiệp. Cho nên người ta không lạ với nhận xét kiểu như thế này của ban giám khảo: “Cô/chú nghe mà cứ tưởng như người hát không phải là một đứa trẻ mới mười mấy tuổi mà phải là một nghệ sĩ dày dặn kinh nghiệm cơ” hoặc “Cô/chú biết là đã đặt lên vai con một bài hát quá sức”...

Nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển cho rằng người nhạc sĩ viết ca khúc cũng như một người thợ may áo; hễ vóc dáng nào thì may ra chiếc áo ấy. “Chiếc áo” ca khúc có hai đặc điểm: nội dung ca từ và kỹ thuật thanh nhạc. Nếu nó may cho người lớn thì chỉ phù hợp để người lớn hát, còn thiếu nhi thì giọng hát, âm tơ chưa hoàn thiện, trải nghiệm đường đời chưa sâu sắc nên không thể tải nổi bài hát một cách trọn vẹn. Tình trạng trẻ con hát nhạc tình khiến ông rất khó chịu vì các em đã và đang phải mặc những chiếc áo quá rộng so với “vóc dáng” của mình. Theo ông, lỗi không phải ở các em, mà lỗi ở người lớn.

Rất tiếc ở các sân chơi mà tính thương mại, giải trí đặt lên hàng đầu thì chuyện trẻ con gồng mình hát “Ru lại câu hò”, “Và tôi cũng yêu em”… còn nhan nhản. Rời ghế nóng “Giọng hát Việt nhí” mùa một, ca sĩ – nhạc sĩ Thanh Bùi tuyên bố anh không bao giờ tham gia các chương trình tìm kiếm tài năng dành cho trẻ em nữa vì không còn tin những chương đó mang đến điều tích cực cho xã hội.

Người ta đổ lỗi cho việc các ca khúc thiếu nhi hiện nay quá khan hiếm, nếu có cũng chưa sâu sắc và hấp dẫn thiếu nhi. Các em không thể khoe được giọng. Theo ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi, hầu hết các nhạc sĩ chưa có cái nhìn mới  về nhạc thiếu nhi. Người ta cứ nghĩ, bài hát cho thiếu nhi phải đơn giản từ câu từ, giai điệu khiến các em nhàm chán. Phải làm sao để có những ca khúc hay nói về cuộc sống, tình bạn, tình mẹ cha… phù hợp với tất cả mọi người, cả trẻ em lẫn người lớn đều hát được.

Phan Thi Uyên
.
.