Thị trường sách cho trẻ em: "Trận đồ bát quái”

Thứ Bảy, 16/07/2016, 08:06
Thú thực là rất dễ bắt "lỗi" trong những cuốn sách dành cho trẻ em, nhất là những cuốn sách thuộc dòng phát triển tư duy, trí tuệ cho trẻ em. Trong dòng sách này, những câu hỏi - đáp về các hiện tượng tự nhiên, xã hội được khai thác triệt để và điều đáng nói là, cách đặt câu hỏi, đưa ra phương án trả lời nhiều khi khiến người lớn cũng cảm thấy bất ngờ...


"Một con nhặng xanh đột nhiên rơi vào bát canh..."

Cầm trên tay cuốn sách nhỏ có tên "Hỏi đáp trí tuệ" (Trần Trúc Anh biên soạn, Nhà xuất bản Hải Phòng, năm 2014) và "Hỏi xoay đáp thông minh" (Nguyễn Như Ngọc biên soạn, Nhà xuất bản Hải Phòng, năm 2014), người đọc chắc chắn sẽ "đi từ bất ngờ này sang bất ngờ khác" bởi không chỉ những câu hỏi "xoáy", "xoay" mà câu trả lời cũng đầy bất ngờ, có khi là phản giáo dục. Mỗi bộ sách gồm ba tập, mỗi tập gồm nhiều câu hỏi và câu trả lời xoay quanh nhiều vấn đề trong cuộc sống. Đáng chú ý là những câu hỏi và câu trả lời trong cuốn sách đều được minh họa một cách sinh động, dễ hiểu.

Cuốn "Hỏi đáp trí tuệ III" có 67 câu hỏi thì phân nửa trong số đó là những câu hỏi "có vấn đề", kiểu như: câu hỏi: "Vì sao mẹ của bạn Minh lại viết loạn xị lên những bài viết của người khác?" (câu hỏi số 2) và câu trả lời là: "Cô ấy là biên tập viên của nhà xuất bản"; "Biện pháp phát triển trí lực hữu hiệu nhất là gì?" (câu hỏi số 13) và câu trả lời là: "Ăn ít đi một chút";

câu hỏi: "Một con nhặng xanh đột nhiên rơi vào bát canh, người phục vụ hay khách ăn không gặp may?" (câu hỏi số 23) và câu trả lời là "Con nhặng xanh"; hỏi: "Vì sao gà mẹ chân ngắn?" (câu hỏi số 44), trả lời: "Chân ngắn để khi gà đẻ trứng không bị vỡ", hỏi: "Khi đi thăm quan vườn thú, loài nào ở trong cái ngăn có cửa đầu tiên?" (câu hỏi số 56), câu trả lời là: "Cô bán vé"...

Sách cho thiếu nhi sai sót nhỏ nhưng hậu quả lớn. Trong ảnh: Bìa bộ sách "Hỏi đáp trí tuệ", "Hỏi xoay đáp thông minh" với nhiều câu hỏi, đáp khiến các bậc phụ huynh giật mình.

Những câu hỏi tương tự cũng xuất hiện trong cuốn "Hỏi xoay đáp thông minh III". Trong cuốn này cũng có câu hỏi "bá đạo" kiểu như: "Ai là kẻ không nghe lời nhất?" (câu hỏi số 31), câu trả lời là "Người điếc", "Có một người giữa phố cởi quần mà không ai can ngăn, tại sao?" (câu hỏi số 45), câu trả lời là "Người ấy cởi quần đi mưa" hay "Dẫm lên cái gì còn đen đủi hơn dẫm lên phân?" (câu hỏi số 83) và câu trả lời là "dẫm lên mìn"... Tôi tự hỏi, không biết các em nhỏ nhận, học được gì từ những câu hỏi được gắn mác "hỏi xoay", "trí tuệ", "thông minh" như thế.

Thú thực là rất dễ bắt "lỗi" trong những cuốn sách dành cho trẻ em, nhất là những cuốn sách thuộc dòng phát triển tư duy, trí tuệ cho trẻ em. Trong dòng sách này, những câu hỏi - đáp về các hiện tượng tự nhiên, xã hội được khai thác triệt để và điều đáng nói là, cách đặt câu hỏi, đưa ra phương án trả lời nhiều khi khiến người lớn cũng cảm thấy bất ngờ.

Trong cuốn "Vì sao không giống nhau" (biên soạn Cúc Bình, Nhà xuất bản Phụ nữ, năm 2014) có nhiều câu hỏi khá hay để "thỏa mãn trí tò mò của trẻ về thế giới xung quanh, để con cái thêm phần nể phục cha mẹ" (quảng cáo bên ngoài cuốn sách) thì lại xuất hiện những câu hỏi, gợi ý trả lời khá bất ngờ.

Ví dụ, ở câu hỏi "Tại sao động vật có đuôi mà con người lại không có?", tác giả cuốn sách đưa ra năm phương án trả lời, trong đó có phương án rất đáng "chú ý" là "Người có phải động vật đâu, có đuôi để thành quái vật à?".

Trong cuốn sách 100 thử thách tư duy logic (sách dịch từ nước ngoài, Nhà xuất bản Thế giới và Công ty Cổ phần trò chơi giáo dục Trực tuyến, nhãn hiệu Lantabra liên kết xuất bản và phát hành, năm 2015) có câu hỏi khá bạo lực như: "Một cô gái nhảy ra khỏi tòa nhà 20 tầng, ung dung đặt chân trên nền đất rồi đi ra đường mà không hề bị thương chút nào. Sao lại thế nhỉ?". Tất nhiên, câu trả lời được đưa ra là "Cô ấy nhảy ra khỏi cửa sổ ở tầng trệt" nhưng liệu cách đặt câu hỏi kiểu này có giống như cách hướng dẫn học sinh làm phép tính trừ bằng cách chặt ngón tay từng gây bão dư luận thời gian trước đây?

Hãy là những "người tiêu dùng thông thái"

Ra bất kỳ hiệu sách lớn, nhỏ nào, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, khu trưng bày sách cho thiếu nhi luôn chiếm khoảng không gian lớn với rất nhiều thể loại sách khác nhau, từ truyện tranh, sách dạy kỹ năng sống, những bài học giản dị trong cuộc sống, sách phát triển tư duy, trí tuệ cho trẻ em...

Có lẽ, sách cho thiếu nhi là mảnh đất màu mỡ và tiềm năng nhất trên thị trường sách hiện nay. Tâm lý thường thấy, phụ huynh nào cũng muốn con em mình chăm chỉ đọc sách và hình thành thói quen đọc sách cho các em ngay từ nhỏ. Các bậc phụ huynh không tiếc tiền để bỏ ra vài chục, thậm chí vài trăm ngàn để mua sách cho con. Có cầu ắt có cung và dường như, rất nhiều nhà xuất bản "chen chân" vào thị trường sản xuất sách cho thiếu nhi, dù đó không phải là thế mạnh của đơn vị.

Một trong những câu hỏi gây tranh cãi trong cuốn sách "Hỏi xoay đáp thông minh III".

Sách cho thiếu nhi đa dạng, nhiều thể loại với hình thức bắt mắt để thu hút trẻ em. Tuy nhiên, sự đa dạng, phong phú đó không tỷ lệ thuận với chất lượng sách. Liên tiếp những cuốn sách bị phát hiện có “lỗi biên tập”, “sạn văn hóa” thời gian gần đây đang ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của các bậc phụ huynh.

Điều đáng nói là, có cuốn sách lỗi lại là sản phẩm của các nhà xuất bản uy tín và các đối tác liên kết. Sự “thả nổi”, thiếu kiểm soát chặt chẽ hoạt động liên kết xuất bản sách được cho là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sai sót tràn lan trong các tác phẩm văn hóa dành cho thiếu nhi. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, có thể phát hiện lỗi xuất bản trong rất nhiều cuốn sách nhưng những vụ việc đó chỉ được quan tâm, xử lý thích đáng khi truyền thông lên tiếng. Xử lý sai phạm khi “sự việc đã rồi” bằng cách thu hồi sách, đưa ra lời xin lỗi, xử phạt hành chính… chưa đủ sức mạnh để giải quyết tận gốc vấn đề nhức nhối trong xuất bản sách hiện nay.

Làm thế nào để nâng cao chất lượng sách cho thiếu nhi để các em có cơ hội được đọc, tiếp cận những tác phẩm phù hợp với lứa tuổi, góp phần vào việc hình thành nhân cách, lối ứng xử văn hóa cho các em là điều trăn trở của rất nhiều người. Chúng tôi cho rằng, một trong những giải pháp rất quan trọng là phải nâng cao chất lượng của đội ngũ biên tập viên.

Xét cho cùng, đội ngũ biên tập viên chính là những người “đỡ đầu” cho tác phẩm ra đời và đưa tác phẩm đó đến với công chúng. Ngoài trình độ, chuyên môn, người biên tập rất cần có cái tâm trong sáng, tinh thần trách nhiệm với thế hệ trẻ. Với đội ngũ biên tập viên “chắc tay”, có trách nhiệm thì những giá trị văn hóa tốt đẹp sẽ được nhân lên, lan tỏa trong cộng đồng, còn “lỗi”, “sạn văn hóa” sẽ bị phát hiện, loại bỏ ngay từ đầu, không có “cơ hội” “tiếp cận” thế hệ trẻ.

Nhà văn Maxim Gorki từng nói rằng “sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Đọc sách không chỉ đơn thuần là việc tiếp thu, lĩnh hội tri thức mới mà sách còn góp phần hình thành nhân cách cho các em nhỏ. Chính vì vậy, sách cho thiếu nhi cần phải được thực hiện một cách nghiêm túc, chuẩn mực.

Nâng cao chất lượng sách cho thiếu nhi cũng chính là cách góp phần xây dựng lớp thanh niên mới có tri thức, đạo đức, sống nhân văn, nghĩa tình. Thiết nghĩ, trong thời kỳ “vàng, thau lẫn lộn” trên thị trường sách thiếu nhi hiện nay, rất cần có những định hướng, “kênh” giới thiệu sách chính thống giúp các bậc phụ huynh cũng như các em nhỏ trong “ma trận” này. Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh cũng cần phải là những “nhà tiêu dùng thông thái”, những “bộ lọc” để chủ động bảo vệ con em mình trước những sản phẩm “lỗi”, “rác văn hóa”…

Tường Phạm
.
.