"Thị trường nhân tài" và "đất dụng võ"

Thứ Năm, 24/12/2015, 12:20
Ở quốc gia nào và thời đại nào, nhân tài cũng là tài sản vô giá và dĩ nhiên quốc gia nào càng lắm nhân tài có khả năng đưa tâm sức trí tuệ của mình cống hiến cho tổ quốc thì quốc gia đó càng phát triển bền vững, giàu mạnh. Nhìn từ lăng kính vĩ mô, đến lăng kính cụ thể, nhân tài là "linh hồn thiêng", là "tế bào sống" của xã hội và nó được nuôi dưỡng, được hình thành khi được tác động từ chủ thể. 

Cạnh tranh trong thế giới ngày nay là cạnh tranh về khoa học công nghệ mà thực chất của cạnh tranh khoa học công nghệ là cạnh tranh nhân tài. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi những năm qua, nhiều bộ, ngành địa phương đã đề ra chủ trương thu hút và trọng dụng nhân tài. Nhiều chính sách đã được đưa ra để "chiêu hiền đãi sĩ"như có chế độ nhà ở công vụ, trả lương cao để thu hút các chuyên gia đầu ngành. Một số địa phương còn chọn cán bộ có phẩm chất và năng lực để đưa đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

Thế nhưng, sau nhiều năm mời gọi, có địa phương chưa thu hút được nhân tài nào về công tác, có địa phương thu hút được các giáo sư,  phó giáo sư,  tiến sĩ khoa học nhưng sau một thời gian làm việc, vì lý do này hay lý do khác, họ lại ra đi. Tại Thành phố Đà Nẵng mấy năm gần đây, nhờ nhạy bén tiên lượng được vấn đề này nên bước đầu đã mời gọi được một số giáo sư, tiến sĩ, hoặc sinh viên tốt nghiệp loại giỏi ở các trường đại học chính quy về làm việc tại tỉnh nhà. Sự thật chính sách "chiêu hiền đãi sĩ" này đã làm cho Đà Nẵng nổi bật lên trong chiến lược thu hút nhân tài - một "thị trường vô hình" nhưng cạnh tranh quyết liệt.

Những bạn trẻ được vinh danh trong lễ trao giải thưởng Nhân tài đất Việt năm 2014.

Nhiều người được cử đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước, khi thành tài đã tìm cách ở lại nước ngoài. Mặt khác cũng có những cái nhìn nông cạn của các nhà tổ chức về "nhân cách con người trước khi gửi đi đào tạo. Thực tế ở nước ta trong những ngày đầu kháng chiến kiến quốc, các bậc nhân tài như Tôn Thất Tùng, Trần Đại Nghĩa, Trần Hữu Tước dám từ bỏ lương tháng hàng chục cây vàng để về phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 

 Cũng có không ít người ra nước ngoài học tập, tốn kém tiền tỉ nhưng khi về nước lại khó nhọc tìm việc hoặc phải bỏ ra ngoài làm. Đấy là sự trớ trêu khi nhân tài bị "thui chột" bị bỏ rơi,

Từ thực tế trên đây, nhiều chuyên gia đặt vấn đề xây dựng và hình thành "thị trường nhân tài" trong phạm vi quốc gia, xem đó là con đường mới để tối ưu hoá việc sử dụng nhân tài vào mục tiêu phát triển đất nước, thay vì từng địa phương thu hút nhân tài theo các chính sách riêng lẻ như hiện nay. Đây là một đề xuất phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Nói thị trường cũng là nói đến các chủ thể tham gia thị trường. Với thị trường nhân tài, chủ thể là nhân tài và các địa phương, đơn vị cần tuyển mộ, thu hút nhân tài.

Cần quan niệm rằng, nhân tài không phải là những thiên tài, càng không phải là nhân vật vĩ đại. Theo thiển ý, nhân tài mà trong điều kiện xã hội, điều kiện công tác nào đó, bằng lao động sáng tạo của mình đã làm gia tăng các giá trị cho xã hội, cho đơn vị mình làm việc, chứ không nhất thiết phải là những người có học hàm, học vị cao (hiện nay, một số người có học hàm, học vị cao chưa hẳn đã là nhân tài). Quan niệm như vậy về nhân tài thì các anh "Hai Lúa" hay người công nhân có nhiều sáng kiến…là những người có thể tham gia thị trường nhân tài.

Về các đơn vị, chủ yếu vẫn là doanh nghiệp, nhưng không nên chỉ giới hạn doanh nghiệp mà các cơ quan quản lý hành chính, viện nghiên cứu, trường học cũng cần tiến tới tham gia thị trường nhân tài. Và như vậy, điều quan trọng để các đơn vị không phải là doanh nghiệp tham gia thị trường nhân tài là họ phải được quyền tự chủ trong sử dụng người, trong trả lương; đồng thời trong thực tế phải xoá bỏ lối quản lý nhân tài theo hộ khẩu, theo đơn vị, coi nhân tài là sở hữu của địa phương hoặc ngành mình và phải tiến tới đoạn tuyệt với tư tưởng dùng người địa phương hoặc quá chú trọng đến thành phần xuất thân của nhân tài. Thị trường nhân tài phải là thị trường thống nhất toàn quốc và cần để nhân tài là Việt kiều được rộng cửa tham gia.

Để bảo đảm cho thị trường nhân tài phát triển lành mạnh và có sự cạnh tranh công bằng, cần phải có các văn bản pháp qui như Luật thị trường nhân tài và thành lập cơ quan giám sát hành vi của những người tham gia thị trường. Tổ chức môi giới thị trường nhân tài là yếu tố không thể thiếu của thị trường nhân tài. Vì vậy, cần khuyến khích việc thành lập các trung tâm thông tin về nhân tài, ngân hàng nhân tài, công ty săn tìm nhân tài và phát triển nhiều loại hình thị trường nhân tài như thị trường nhân tài-giám đốc doanh nhiệp, thị trường nhân tài-nhà kỹ thuật, thị trường nhân tài-nhà sáng chế  nhằm giúp người tài có đất dụng võ và thực sự trở thành nguyên khí quốc gia.

Triệu Hải - Phan Thế Cải
.
.