Thị trường nhạc Việt: Vẫn là tính quẩn lo quanh
Nhìn lại khoảng vài ba năm vừa qua, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ đã có những tìm tòi, những mong tìm ra một phong cách mới hòng chiếm lĩnh thị trường âm nhạc ngày một bị bình dân hóa, dung tục hóa và nhộn nhạo khó lường. Nhưng dường như mọi sự còn dở dang cùng những dự án mang tính lãng mạn và không kém phần phiêu lưu, ít gây được sự chú ý hoặc hưởng ứng của cộng đồng xã hội.
"Hàng chợ" dễ bán?
Nổi lên trong vài năm qua là hiện tượng nhiều ca sĩ chơi trò "nhại" chính mình, với những liveshow, hay album nhiều tập. Ai cũng rõ trước đây, nhạc sĩ Vũ Thành An nổi danh với những ca khúc không tên mang số, tập trung viết về tình yêu. Hiện nay, không ít nhạc sĩ, ca sĩ thuộc dòng thị trường học đòi với những bài hát như: "Da nâu", rồi "Da nâu 2", sau đó còn "Da nâu đáng yêu" của ca sĩ kiêm "người mẫu dao kéo" Phi Thanh Vân. Tất nhiên, giọng hát nghiệp dư này ăn theo cặp chân dài của mình để đánh đu với thị trường ca nhạc, và rồi cuối cùng cũng "đứt gánh" giữa đường.
Chẳng cứ Phi Thanh Vân, mà ngay một số ca sĩ thực thụ cũng chạy theo trò chơi quay vòng này. Đó là Quách Thành Danh, Khánh Phương, Ngọc Sơn… Kể cả nhạc sĩ Đỗ Bảo cũng muốn ăn theo "Bức thư tình đầu tiên" của mình. Và ai cũng rõ, những bức thư tình tiếp theo không thể hay hơn được, chưa nói là chẳng… hay chút nào và hiện không mấy ai còn nhớ nữa. Thậm chí cũng ít ca sĩ biểu diễn, ngoài "Bức thư tình đầu tiên". Nhạc sĩ Võ Hoài Phúc nói rất chí lý rằng, nếu ca sĩ, nhạc sĩ có tài, không nên tự… cắn vào đuôi mình như vậy.
Phổ biến hơn, nhiều ca sĩ, nhạc sĩ trẻ chạy theo thị hiếu tầm thường, với một quan điểm khá lộ liễu là: Chẳng cần gì phải ý tứ, hãy cứ nói lên sự vật đúng với cái tên của nó, một cách thẳng tuột: "Thà như thế, thà đừng cố níu kéo nát tan lòng nhau chi hỡi em…", hay "thực" hơn: "Cứ yêu hai ba người, không còn em ta còn người khác" (Yêu một người là dại); hoặc trong bài "Ngã tư tình", ca sĩ hát lên câu: "Cuộc tình tay ba đã khổ, giờ tay bốn làm sao…Em yêu một lúc bốn người sao". Thậm chí có nhạc sĩ tuổi teen còn pha trộn ngôn ngữ nghe rất ngô nghê: "Thì hôm nay I won't crying for you"… Đó chẳng lẽ là sáng tạo?
Cả hai khuynh hướng trên có thời chiếm lĩnh thị trường, thu hút khán giả trẻ đến mức cuồng si và tạo nên một phong trào mở rộng nhạc teen tự chế theo nhạc ngoại với lời lẽ… nhạt hoét. Nhưng rồi cả hai đi vào sự bế tắc và đang thoi thóp, chới với cố vẫy tay níu kéo khán giả trẻ trở về thời hoàng kim của mình, nhưng nghe chừng khó gượng dậy nổi.
Một tiết mục biểu diễn của nhóm Đại,Lâm, Linh. |
"Hàng độc" cũng… nhọc nhằn
Song hành cùng ca nhạc thị trường, với tất cả nỗ lực của mình, một số nhạc sĩ đã âm thầm thể hiện sự "thử nghiệm". Họ bất chấp sự nở rộ và sức cuốn hút của dòng nhạc trẻ nhất thời. Đáng kể là hai "gã" trọc đầu Ngọc Đại và Vũ Nhật Tân. Hình như cả hai chịu cảnh đơn thương độc mã, nhẫn nại tạo nên thương hiệu của mình với dòng nhạc hiện đại và không dễ lọt tai. Cả hai tạo nên dư luận hết sức trái chiều. Nhạc sĩ Ngọc Đại rất tự tin khi mới đây đã khẳng định rằng, 40 năm nữa không ai… mới hơn mình. Thoạt nghe tưởng như anh… ngạo mạn, nhưng có tự tin như thế mới đi đến tận cùng con đường của mình. Ngọc Đại từng tuyên ngôn: "Việc hay dở là chúng tôi không làm. Các bạn có thể sẽ bị thuyết phục, hoặc nếu không bị thuyết phục, các bạn có thể sẽ bị dị ứng hơn cả những lần trước".
Cùng theo bước anh là hai ca sĩ Thanh Lâm và Linh Dung. Họ đã tạo nên một phong cách gây sốc cho nhiều đối tượng khán giả. Một lượng khán giả ồ lên kinh ngạc và thán phục, còn một theo chiều ngược lại, cho là cả ba hóa điên; hoặc có người cho là họ đã kinh dị hóa âm nhạc nước nhà khi biểu diễn trên sân khấu với thứ ánh sáng lạ kỳ.
So với Ngọc Đại, nhạc sĩ Vũ Nhật Tân lại có kiểu "điên" riêng, và cũng tạo nên dư luận đối kháng rõ rệt. Bởi quan niệm của anh rất ngược với những nguyên tắc bất biến: Đó là giai điệu, hòa âm đẹp tạo nên sự lãng mạn dịu êm, và trật tự. Không, anh hướng tới mọi âm thanh nghe được từ cuộc sống. Với anh, chức năng của âm nhạc là mang đến cho người nghe cảm giác gì, chứ không phải là truyền tải một nội dung văn học cụ thể nào. Do đó những âm thanh đường phố cũng trở thành chất liệu sáng tạo của anh.
Chính sự phá bỏ những gì gọi là cấu trúc cứng nhắc đã làm anh chếnh choáng một thời gian vì bị ngăn trở công việc giảng dạy ở Nhạc viện. Có lẽ, cũng giống như Ngọc Đại, nhạc của anh được khích lệ tại nước ngoài, bán CD tốt, nhưng vẫn còn bị coi là lỡ nhịp trên "sân nhà".
Bên cạnh cái "ngông" của hai "gã" đầu trọc thì nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc lại có chất quái riêng của mình. Nếu nhạc sĩ Vũ Nhật Tân mê âm thanh thô mộc, đường phố, với dàn âm thanh điện tử; và Ngọc Đại nghiêng hẳn về phía âm thanh biểu trưng, tạo ấn tượng độc đáo, thì Đặng Hữu Phúc lại tìm nguồn âm thanh tinh tế nhưng có sức làm rạn nứt chất salon thuần túy cứng nhắc bấy lâu nay. Tuy vậy, đã có lúc, tác phẩm của anh còn bị một hội đồng chuyên môn coi là không thể dàn dựng được.
Như vậy, những sáng tạo có cá tính mạnh, muốn vượt qua mọi nền nếp bảo thủ thật cam go. Tuy nhiên trên thực tế, những tìm tòi, sáng tạo của họ vẫn còn khoảng cách đối với tầng lớp khán giả bình dân và bởi vậy mà thật khó hòa đồng. Có thể họ nhanh chóng hội nhập với môi trường âm nhạc quốc tế vào thời điểm thích hợp, nhưng quả còn nhiều thử thách và cần sự trải nghiệm nhiều hơn.
Hàng hiệu lại càng… ế
Có thể nói, các ca sĩ được xếp vào hàng Diva Việt Nam như Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thu Hà đã trở thành "quá đát" đối với hoạt động ca nhạc thời thượng. Tiếp nối họ, hiện nay nổi lên khá nhiều gương mặt trẻ thông qua hai cuộc thi "Sao Mai điểm hẹn" và "Idol Việt
Nhưng xem ra, chỉ ít ca sĩ trong số đó thích hợp với thị trường như Hà Anh Tuấn, Hồ Quỳnh Hương, Anh Khoa, Ngọc Anh và Kasim Hoàng Vũ. Còn khá nhiều ca sĩ hàng hiệu khác đều lúng túng trong việc hòa nhập, kể cả các giọng hát rất nổi tiếng như Trọng Tấn và Tùng Dương. Hình như việc lao vào chuyện mưu sinh, hay làm giàu đối với họ là một điều không thể. Họ chỉ là giọng hát sinh ra để đoạt giải và của lễ hội, liên hoan, tựa như giọng mẫu vậy.
Hơn nữa, những giọng hát chính hiệu của thị trường hiện nay cũng đang nằm trong sự khủng hoảng "kinh tế", bởi nếu các nhà tài trợ ngoảnh mặt là "hết phim". Hơn nữa, trong công nghệ lăngxê hiện nay, không tựa vào các trò tạo scandal để gây sự chú ý thì bắt buộc phải trông chờ các đại gia ngó mắt tới. Lâu nay, các đại gia đã làm bệ đỡ cho không ít các ca sĩ được nổi danh. Nhưng ai cũng biết rằng, giờ đây, chuyện đánh đu với ca sĩ của các tay nhà giàu cũng đã nhạt trò.
Đâu là đích hướng tới?
Tuy còn nhiều lộn xộn, nhất là nhạc trẻ và nhạc teen hiện nay, nhưng không thể phủ nhận là chúng đã tạo ra thị trường và có khán giả của mình. Tất nhiên, hiện nay thị trường ấy đang dần đi vào bế tắc. Công bằng mà nói, trong một thời gian dài, chúng ta đã không có sự đánh giá một cách chuẩn xác để hướng dẫn dư luận và cảnh tỉnh cho khán giả. Thí dụ, với sự xuất hiện "Nhật thực" nhiều tập của nhóm Đại, Lâm, Linh, không hề có một chuyên gia đánh giá cái hay cái dở của nhóm, cho dù họ tự bỏ tiền hoạt động và trình diễn. Chưa có ai khen cho đúng và chê cho trúng để người xem nhận biết và thưởng thức trọn vẹn. Còn các nhà quản lý? Có lẽ họ cũng do dự và phó mặc cho tính tự phát của thị trường âm nhạc hiện nay?