Đạo diễn Đặng Thái Huyền:

Theo đuổi dòng phim chiến tranh, người trẻ rất cần sự động viên

Thứ Ba, 10/11/2015, 08:00
"Người trở về" vừa có chuyến du Nam vào cuối tháng 10. Trước ngày chính thức đến với khán giả TP Hồ Chí Minh, vé của các buổi chiếu đều được đặt hết nhanh chóng.
Có người quả quyết rằng nếu sợ khóc, đừng xem phim "Người trở về". Bi kịch của Mây, nữ y tá trở về quê nhà sau chiến tranh, được đẩy lên tận cùng. Làng quê tưởng như yên bình lại là nơi ẩn giấu sự quăng quật, giằng xé của một người con gái mang trong mình vết thương thể xác, vết thương lòng sâu hoắm.

"Người trở về" là một trong số ít bộ phim chiến tranh gần đây gây được hiệu ứng mạnh mẽ với công chúng. Đặc biệt, đây lại là bộ phim được thực hiện bởi êkip gồm toàn những người trẻ lần đầu đến với dòng phim chiến tranh. Trong đó, phải kể đến đóng góp rất lớn của người cầm trịch - nữ đạo diễn thuộc thế hệ 8x đời đầu: Đặng Thái Huyền.

Đạo diễn Đặng Thái Huyền.

- Là một đạo diễn trẻ, chị có nhận xét thế nào về các bộ phim chiến tranh mà thế hệ tiền bối đã thực hiện? Nó có gì tương đồng và khác biệt so với cách làm phim chiến tranh của thế hệ chị?

+ Cần phải khẳng định dòng phim chiến tranh cách mạng của thế hệ chúng tôi đều có sự học hỏi, kế thừa từ các thước phim của các bậc tiền bối. Đó là nền tảng để rồi từ đó lớp hậu sinh chúng tôi mỗi người tìm ra một lối đi, một con đường riêng để tiếp cận và kể câu chuyện theo lăng kính riêng của mình.

Sự tương đồng lớn nhất mà tôi luôn xúc động khi xem các bộ phim xưa và nay về dòng phim chiến tranh cách mạng, đó là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc hiển hiện rất rõ nét trong từng hình ảnh. Nói có vẻ là sáo rỗng nhưng thật lòng tôi nghĩ, nếu không có những điều đó thì khó ai dám lao vào dòng phim gai góc, gian khổ và đầy thử thách như vậy. Nếu có điểm khác thì mỗi thế hệ với độ lùi nhất định về thời gian và không gian sẽ có cách kể, cách nhìn nhận về cuộc chiến tranh khác nhau và nó ít nhiều sẽ phản ánh tinh thần thời đại mà người làm phim đang sống.

- Phim về đề tài chiến tranh của thế hệ đồng trang lứa, chị thích bộ phim nào?

+ Những nhà làm phim đồng trang lứa như tôi theo đuổi đề tài chiến tranh không nhiều. Nổi bật lên là đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Anh đã gặt hái nhiều thành công về mảng đề tài này, đặc biệt là bộ phim "Những người viết huyền thoại" với nhiều giải trong Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18. Nhưng tôi lại thích bộ phim điện ảnh đầu tay của anh hơn, phim "Đường thư". "Đường thư" làm tôi bị ám ảnh vì sự khốc liệt của cuộc chiến, cuốn hút tôi vì những chi tiết dí dỏm, rất duyên dáng mà đạo diễn gài cắm trong phim. Nó làm mềm và dịu đi không khí ác liệt của cuộc chiến.

- Riêng chị, điều gì ở cuộc chiến đã đi qua mà chị quan tâm khi gửi gắm qua tác phẩm điện ảnh? Liệu chăng điều đó phần nào đã được chị thể hiện trong phim "Người trở về"?

+ Tôi luôn đau đáu với suy nghĩ về những nạn nhân chịu nhiều đau thương, mất mát nhất trong và sau cuộc chiến chính là phụ nữ và trẻ em. Tôi luôn dành rất nhiều tình yêu, sự quan tâm của mình cho những nhân vật này. "Người trở về" hay các tác phẩm sau này của tôi về đề tài này cũng sẽ luôn hướng tới họ.

- Nhiều nhà làm phim trẻ cho rằng đề tài chiến tranh luôn là đề tài "khó nhằn", gai góc nhất. Không trải qua cuộc chiến, vốn sống của họ về chiến tranh chỉ là qua lời kể của ông bà, cha mẹ, qua sách vở, phim ảnh... Làm không khéo, phim chiến tranh lại dễ lên gân, khô khan, hoặc bi lụy hoặc tô hồng... Hơn nữa, đa số phim chiến tranh thường có cảnh quay chiến trường, dùng bom đạn, chất nổ... khá nguy hiểm khiến diễn viên lẫn ekip làm phim e ngại. Chị nghĩ, đó có phải là hạn chế của thế hệ mình?

+ Tôi nghĩ khó khăn, hạn chế lớn nhất của phim chiến tranh Việt Nam nằm ở hai vấn đề: kịch bản và kinh phí. Nhiều kịch bản quá đi sâu vào mô tả không khí, quy mô của cuộc chiến mà quên đi những lát cắt số phận, hay nói cách khác là có câu chuyện nhưng thiếu số phận. Không thấy những hình tượng nhân vật trở thành biểu tượng hay không có những số phận đủ khắc họa nỗi đau của con người trong và sau cuộc chiến. Hoặc giả có những kịch bản dựa trên tiểu thuyết rất dày dặn, ngồn ngộn chất liệu nhưng lại không đủ kinh phí để trợ tải. Tôi và bạn bè của mình trong giới làm phim thường hay nói đùa: làm phim là cuộc chơi của con nhà giàu nhưng làm phim chiến tranh là cuộc chơi của con nhà siêu giàu. Tức là nó cần ngốn nhiều kinh phí để đầu tư cho tất cả các khâu và cả sự can thiệp của kỹ xảo khi hậu kỳ. Mà nhiều kỹ xảo phải thực hiện ở nước ngoài.

"Người trở về" cũng không nằm ngoài những khó khăn như tôi vừa nêu trên. Nên tôi chọn cách khôn khéo nhất là chiến tranh nếu có chỉ là phông nền, số phận con người mới là điều tôi khai thác đậm và sâu nhất. Tôi đang cố tránh những lỗi mà phim chiến tranh hay bị "soi" nhất là khô khan, tô hồng hoặc cảnh chiến tranh quá giả, quá thô sơ. Để hoàn thành bộ phim về chiến tranh, ở tại thời điểm mà chúng tôi chưa sinh ra, là một thách thức lớn đối với ekip làm phim, điều đó yêu cầu chúng tôi phải làm việc với 200% công suất của mình, cẩn trọng hơn, chi tiết hơn và nỗ lực nhiều hơn.

Một cảnh trong phim "Người trở về" của đạo diễn Đặng Thái Huyền.

- Bộ phim "Người trở về" khá xúc động nhưng vẫn ít nhiều có sạn, mạch phim chưa logic lắm, người xem chưa thực sự thấy "đã", nhất là về cuối phim. Đem phim chiếu ở TP Hồ Chí Minh, thị trường phần nhiều ưu ái phim giải trí, chị đã nhận được phản hồi và góp ý ra sao?

+ Tôi ghi nhận tất cả các ý kiến khen chê thiện chí. Vì những ý kiến xác đáng sẽ là những bài học kinh nghiệm quý giá để tôi rút kinh nghiệm ở những tác phẩm tiếp theo. Nhưng tôi cũng cần khẳng định: "Người trở về" là niềm tự hào của tôi và toàn bộ ekip sáng tạo trẻ của Điện ảnh Quân đội. Vì đây không đơn thuần là một bộ phim mà còn là sứ mệnh mà chúng tôi đang được các bậc tiền bối đặt lên vai. Chúng tôi đã chịu quá nhiều áp lực khi bắt tay vào làm. Và khi bộ phim ra đời được đón nhận, ở nhiều trường đoạn gây được xúc động cho khán giả đã là niềm hạnh phúc rất lớn với những người trẻ lần đầu làm phim chiến tranh. Chúng tôi khiêm tốn học hỏi nhưng chúng tôi cũng cần lắm sự động viên để mình thêm tự tin, vững vàng. Bởi nếu không, sẽ chẳng có người trẻ nào dám tiếp tục theo đuổi dòng phim quá gian khổ và nhọc nhằn này.

- Vậy chắc hẳn thời gian tới, chị sẽ tiếp tục chinh phục dòng phim này?

+ Nếu được tin tưởng và giao tiếp một dự án phim chiến tranh thì tôi luôn sẵn sàng. Tôi tin "Người trở về" sẽ là nền tảng để tôi có được những kinh nghiệm tốt hơn cho những phim sau.

- Cách đây không lâu, phim "Sống cùng lịch sử" của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân ra rạp ế ẩm dù chất lượng phim tốt, đầu tư lên tới 21 tỷ. Thậm chí có tờ báo còn giật tít đại ý: Phim tiền tỷ nhưng không bán được vé nào! Vậy thành công của bộ phim "Người trở về" là gì? Do khâu quảng bá, truyền thông tốt hơn chăng?

+ "Sống cùng lịch sử" là một bộ phim gây cho tôi rất nhiều xúc động. Nhưng điều lạ là tôi không hề biết rõ về ngày ra mắt, ngày công chiếu và những thông tin cụ thể về bộ phim cho tới khi nhận được lời mời của một người bạn. Khâu quảng bá, truyền thông đã không được coi trọng và tôi cho đó là một trong những lý do mà bộ phim chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của khán giả.

Tới "Người trở về" thì thuận lợi hơn là tôi được sự tạo điều kiện, ủng hộ của Lãnh đạo Điện ảnh Quân đội đồng ý đưa "Người trở về" ra công chiếu rộng rãi với khán giả và báo giới. Nhờ sự tác động, nhận xét, phản hồi tích cực từ phía dư luận mà bộ phim đã đi một chặng đường xa hơn dự đoán ban đầu của chính những người làm phim. Tôi cùng ekip của mình đã cố gắng lồng ghép những suy nghĩ, tinh thần thời đại của mình vào trong phim vì đối tượng khán giả mà chúng tôi hướng đến là khán giả trẻ, những người cần phải biết, cần phải xem và cần phải hiểu rõ về lịch sử đất nước mình.

Để thế hệ trẻ quan tâm đến dòng phim chiến tranh thì phim phải dựa trên kịch bản hay, được đầu tư kinh phí thích đáng và do ekip có nghề, có tâm thực hiện. Bên cạnh đó cần phải chú ý đến khâu PR, quảng bá phim rộng rãi trên các phương tiện truyền thông - điều mà phim Nhà nước đang rất yếu.

Phan Thi Uyên (thực hiện)
.
.