Thêm yêu Hà Nội

Thứ Năm, 30/05/2013, 08:01
Nhân đọc "Hà Nội dấu yêu", ký và tản văn của Phạm Thị Phương Thảo, NXB Hội Nhà văn, 2013.

Tập ký và tản văn "Hà Nội dấu yêu" của tác giả Phạm Thị Phương Thảo như một nét môi hôn dịu dàng lên kinh thành cổ tích ngàn năm văn hiến, trong đó, mỗi bài đều như ngân lên những cung bậc cảm xúc được hun đúc bằng tình yêu trong sáng, tinh khiết như mối tình đầu.

Sách gồm ba phần. Phần I: "Hà Nội dấu yêu" gồm 18 bài. Phần II: "Miền thơ ấu", gồm 6 bài. Phần III: "Kỷ niệm yêu thương", gồm 12 bài.

Hà Nội không phải nơi chôn nhau cắt rốn của tác giả, nhưng lại là nơi chị học tập và công tác mấy chục năm trời. Tự lúc nào, Hà Nội với những nét trầm tư, cổ kính, thanh tao cùng bao hương sắc mang hồn cốt dân tộc đã ăn sâu vào máu thịt của chị. Có lẽ vì vậy chị dành nhiều bài viết về Hà Nội hơn trong tập ký và tản văn này. Với tố chất của một nhà thơ (đến nay Phương Thảo đã xuất bản được bốn tập thơ), Phương Thảo đã có những cảm nhận tinh tế về con người và thiên nhiên Hà Nội. Chị "nghe" được: "Trong cái se lạnh của tiết thu, ta nghe từng búp gió xôn xao đang muốn đuổi theo nhau dập dìu trên mặt hồ. Ấy là những ngọn gió sớm mai còn thảnh thơi đang chờ đợi những tia nắng thu đầu tiên xuất hiện" (những búp gió Tây Hồ). Những cơn gió Hà Nội vô hình mà hiện ra hữu hình, đẹp và mộng ảo!

Nói đến Hà Nội là phải nói đến "Phố cổ", với 36 phố phường đã đi vào thơ ca nhạc họa và thu hút những ai muốn khám phá Hà Nội xưa. Chị cũng như bao người "yêu phố cổ thì vẫn hoài niệm và thích lang thang tản bộ quanh khu phố cổ Hà Nội để kiếm tìm những trải nghiệm riêng của mình và mỗi lần lại như khám phá thêm những bí ẩn của chúng, phố cổ Hà Nội cũng còn bao điều khiến chúng ta phải day dứt". Đấy là nỗi day dứt của những người yêu văn hóa dân tộc, có ý thức bảo vệ văn hóa dân tộc cho mai sau.

Yêu Hà Nội, chị thả hồn với những sắc "Hoa trên phố", bởi: "Chúng mang theo hơi thở của mùa và lặng lẽ làm duyên cho thành phố". Chị dành nhiều trường đoạn miêu tả những sắc hoa Hà Nội. Chị đồng cảm cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong: "Mùa thu Hà Nội - Những dấu hương trong nhạc Trịnh" mà cảm hứng sáng tạo chính từ những nét nhạc tài hoa của hai ca khúc: "Đoản khúc thu Hà Nội" và "Nhớ mùa thu Hà Nội". Không gian trữ tình của mùa thu Hà Nội được chị cảm nhận ở những vần thơ chợt ùa về như hương cốm mới: "Gói thu trong hương gió/ Để sắc cốm nồng nàn/ Mắt cốm xanh lấp ló/ Thơm dẻo tình chứa chan" ("Thu vàng", rút trong tập "Trao em mùa hạ" của Phương Thảo, NXB Hội Nhà văn, 2012).

Yêu Hà Nội, nâng niu từng nét đẹp, chị dí dỏm pha chút tinh nghịch trong "Hà Nội ngày tận thế". Dẫu đấy là lời "tiên tri" theo lịch Maya cổ không có cơ sở khoa học nào nhưng lời "tiên tri" ấy cũng làm bao người lo sợ, dẫu mơ hồ. Còn trong cảm nhận của chị: "Sáng nay phố phường Hà Nội vẫn đông đúc như thường. Không gian lạnh hơn với chút gió từ đêm qua và mặt hồ vẫn lãng đãng sương mù của một ngày đầu đông… Những cô gái Hà Nội vẫn yểu điệu ngồi trên xe máy trên đường đi làm với những bộ váy áo đẹp đẽ và còn như duyên dáng thêm với những chiếc khăn mùa đông rực rỡ mềm mại…" và thật thân thương, đầy ắp tình người khi chị thấy: "Chỉ có điều từ sáng sớm hôm nay, người dân Hà Nội hình như thức dậy sớm hơn ngày thường và ánh mắt nhìn nhau dường như thân thiện hơn… Có lẽ mọi người muốn làm một điều gì đó tốt đẹp hơn cho cuộc đời và cảm thấy phải yêu thương nhau nhiều hơn trong cuộc đời ngắn ngủi, vốn đã đầy bất trắc và mong manh này". Người đọc chợt giật mình nhận ra mình đang sống bình yên trên mặt đất xanh tươi là diễm phúc, đừng hoang phí những gì ta đang có…

Có ai ngờ mặc dù khá bận bịu với công việc của một Phó Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia - Bộ Y tế, vậy nhưng tác giả Phương Thảo vẫn tràn đầy cảm hứng sáng tạo với bút lực dồi dào. Ba mươi sáu bài được chọn in trong "Hà Nội dấu yêu" ứng với con số 36 phố phường của Hà Nội xưa cũng là một niềm yêu thương, nâng niu, trìu mến, trân quý vô hạn với quê hương thứ hai của chị. Mới đây, khi gặp chị ở triển lãm mỹ thuật 16 Ngô Quyền, tôi thấy chị đứng ngắm khá lâu những bức tranh vẽ về Hà Nội, rồi lại sôi nổi bàn luận và rút điện thoại chụp lại. Trong ánh mắt chị và tôi thấy một sự đồng vọng thú vị.

Tập ký và tản văn "Hà Nội dấu yêu" của Phương Thảo khá nhuần nhuyễn giữa tản văn trữ tình, tản văn tự sự và tản văn nghị luận. Chất lãng mạn trữ tình nổi trội là sự lôi cuốn lớn, niềm đam mê của chị thắp lửa tình yêu Hà Nội trong mỗi chúng ta, thực sự ngân lên bao cung bậc, nhưng ở đôi bài, đôi trường đoạn chất chính luận nổi trội có phần "lộ" làm cho người đọc hơi tiếc.

Bây giờ người viết ký và tản văn không nhiều bởi sự đòi hỏi khắt khe của thể loại "khó tính" này, nhưng Phương Thảo đã thành công bởi xúc cảm đầy ắp một niềm yêu của chị đã góp một tiếng lòng với "Hà Nội dấu yêu"

Trần Vân Hạc
.
.