Thấy gì từ một cuộc triển lãm mỹ thuật khu vực?

Thứ Hai, 01/09/2014, 08:00
Nói đơn giản, triển lãm mỹ thuật khu vực là dịp để đội ngũ họa sĩ địa phương tự tổng kết những gì làm được trong một khoảng thời gian nhất định. Dù không nói thì ai cũng hiểu, tác phẩm tham dự nếu không phải đẹp nhất thì cũng phải là loại "được xếp hạng". Thế nhưng, những "đứa con" của các họa sĩ dự Triển lãm Mỹ thuật khu vực VI - TP Hồ Chí Minh lần thứ 19 vẫn không làm hài lòng Hội đồng nghệ thuật. Nhiều câu chuyện về nghề cần được bàn thêm.

Một triển lãm "chất lượng trung bình"

Triển lãm thứ 19 khu vực VI - TP HCM đã diễn ra từ 7/8 đến 16/8 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM. Hội đồng nghệ thuật chọn được 106 tác phẩm triển lãm, trao 1 giải A, 2 giải B, 3 giải C và 6 tặng thưởng. Giải A duy nhất được trao cho tác phẩm "Ngưỡng" (chất liệu sơn mài) của họa sĩ Mai Anh Dũng. Đề tài biển đảo chiếm số lượng lớn với gần 30% tác phẩm tham dự.

Đọc bản nhận xét của Hội đồng nghệ thuật về chất lượng triển lãm, thấy toàn những chữ mang sắc thái nhợt nhạt, kém sôi nổi như: "ở mức độ trung bình", "chưa có sự đổi mới, độc đáo", "tham dự quá ít", "lặp lại chính mình ở các năm trước", "chưa cho thấy sự bứt phá"… v.v… Đúng là một nhận xét thẳng thắn ít thấy.

Lý giải về chuyện này, họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM cho rằng, do tập trung hướng tới những ngày kỷ niệm lớn trong năm 2015, các họa sĩ phải chuẩn bị tác phẩm "để dành". Một số tác giả đang trong thời gian hoàn thiện tác phẩm nên không thể tham gia triển lãm. Vì thế, không thể lấy sự kiện này để đánh giá chất lượng nền mỹ thuật cũng như phong trào mỹ thuật của thành phố.

Cách lý giải đó có lẽ chưa thuyết phục. Cảm xúc công dân và cảm xúc nghệ sĩ luôn song hành ở mỗi nghệ sĩ. Tác phẩm của họ tất yếu mang hơi thở, tình cảm và sự ngẫm ngợi cá nhân trước bối cảnh thời đại, nhưng không có nghĩa những cảm xúc ấy phải đợi tới ngày kỷ niệm để có thể giãi bày trên tác phẩm.

Và có lẽ để "thay đổi không khí", bản nhận xét của Hội đồng nghệ thuật dành tới gần nửa dung lượng để bàn về vấn đề thiếu mặt bằng để tổ chức các cuộc triển lãm quy mô lớn, có thể "nói được sức mạnh của giới mỹ thuật thành phố".

Khúc hát quê hương - Sơn dầu của Nguyễn Phú Hậu.

Đặt bức xúc đó ngay sau những ý kiến đánh giá có đôi chút thất vọng về chất lượng tác phẩm mỹ thuật dự Triển lãm khu vực năm nay vẻ như hơi… lạc. Bởi nếu nhìn về số lượng, với 279 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam đang sống tại TP HCM và 700 hội viên Hội Mỹ thuật TP HCM, chưa kể số đang chờ kết nạp, nhu cầu về mặt bằng lớn để tổ chức triển lãm là hợp lý. Nhưng nếu nhìn vào số lượng và chất lượng tác phẩm mỹ thuật góp mặt tại triển lãm này, có lẽ chuyện mặt bằng chưa phải là cái bức thiết nhất hiện nay.

Điêu khắc đang "héo hon"?

Chỉ 6/106 tác phẩm dự triển lãm là tác phẩm điêu khắc, gồm 3 tác phẩm gò nhôm và gò đồng, 3 tác phẩm còn lại dùng chất liệu composit, đá và nhôm kính. Số tác phẩm ít, chất liệu tạo tác đơn giản, kích thước "be bé, xinh xinh" (có thể cũng một phần do quy định của Ban tổ chức không nhận tác phẩm vượt quá kích thước 2mx2mx2m) khiến điêu khắc bị "nhấn chìm" giữa một biển tác phẩm sơn dầu, sơn mài, sơn khắc…

Lại nhớ dịp cuối năm 2013, nhóm điêu khắc "Không gian mới" phải gom hết của 9 tác giả thành viên mới có được 19 tác phẩm để làm nên cuộc triển lãm lần thứ 6 như một cách "xốc" lại tinh thần anh em.

Cũng ở buổi khai mạc triển lãm ấy, nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Trưởng khoa Điêu khắc Trường Đại học Kiến trúc TP HCM bày tỏ rõ nỗi "ngậm ngùi" của những nhà điêu khắc "trót mang lấy nghiệp vào thân" trong bối cảnh không khí sáng tạo nghệ thuật ngày một nguội lạnh.

Phần lớn giới điêu khắc hiện đều làm nghề để mưu sinh là chính, sau đó tranh thủ thời gian rảnh rỗi mới có thể "say sưa" với góc sáng tạo nghệ thuật riêng. Đã là thú chơi thì phải đợi lúc dư giả, còn khi kinh tế khó khăn, tất nhiên "niềm riêng" đó phải bị hy sinh trước nhất.

Trong những năm qua, điêu khắc là lĩnh vực hiu hắt nhất trong làng mỹ thuật. Việt Nam chưa có một nền điêu khắc chuyên nghiệp khi mà tất cả các nghệ sĩ, nếu muốn làm nghệ thuật, đều phải bỏ tiền túi. Trong khi đó, loại hình nghệ thuật này quá tốn kém, từ khâu đầu tư máy móc, xưởng làm việc cho tới việc tạo tác, trưng bày, lưu giữ và bảo quản tác phẩm.

Theo nhà điêu khắc Hoàng Tường Minh (người đoạt giải B với tác phẩm "Tác động" trong triển lãm lần này), chi phí ban đầu gây dựng một xưởng điêu khắc "tàm tạm" cũng phải từ 150 triệu đồng trở lên. Mua được máy móc rồi, học được cách sử dụng cũng chẳng hề đơn giản.

Tác phẩm điêu khắc lại là thứ không dễ tìm được chỗ cất sau khi triển lãm. Nhỏ thì mang về bày nhà, tặng người quen, lớn quá thì lắm khi cũng… chịu. Thành ra, "đầu ra" mơ ước của các điêu khắc gia vẫn là được các doanh nghiệp, chính quyền thành phố đầu tư ngân sách cho mảng tượng đài trang trí.

Nhiều nhà điêu khắc đã xoay sang phục vụ tôn giáo, chế tác tượng Phật, tượng Chúa để kiếm sống. Ai "may mắn" lắm thì lâu lâu đấu thầu được công trình tượng đài mới có đất trổ ngón nghề sáng tác. Và ngành điêu khắc cứ mỗi ngày một đìu hiu.

Chưa đủ hấp dẫn

Ở góc độ nào đó, triển lãm khu vực rõ ràng mang tính khích lệ phong trào. Có lẽ, chỉ ở Việt Nam mới dành ngân sách cho những triển lãm nghệ thuật khu vực thế này. Rất ít họa sĩ đã khẳng định được vị trí và bán được tranh tham gia triển lãm. Phải chăng cũng vì tính "phong trào" mà không ít người ngần ngại trước không khí có phần hơi xô bồ, nhốn nháo? Lại nữa, không ít người chỉ tới triển lãm mới vẽ, như một cách "chơi nghệ thuật", còn bình thường họ làm việc khác. Cũng vì thế mà chất lượng nghệ thuật của triển lãm vẫn "chỉ ở mức trung bình". Nhiều họa sĩ nửa đùa nửa thật bảo, không biết trong khoảng mươi năm trở lại đây, đã có cuộc triển lãm khu vực nào đạt mức "trên trung bình" chưa?

Cũng như hội họa thế giới, hội họa Việt Nam đang gặp bế tắc trong bút pháp thể hiện. Những biên độ trong câu chuyện vẽ cái gì và vẽ như thế nào vẻ như đã tới hạn. Sự lúng túng của họa sĩ trong hành trình nhọc nhằn tìm cái mới thể hiện rất rõ: người thì phá phách theo lối trừu tượng, lập thể…; người tìm về quá khứ với khuynh hướng cực thực đã đạt tới mức thượng thừa thời Phục Hưng, kẻ loay hoay với các pha trộn kỹ thuật đồ họa, công nghệ số…; song vẫn chưa ai, hay nhóm nghệ sĩ nào khẳng định được đường nét riêng độc đáo. Các triển lãm vẫn "đến hẹn lại lên", và "thi xong lại về cất".

Chưa kể, giá trị giải thưởng cũng còn quá thấp. Giải thưởng cho hội họa không tới 1.000 USD (khoảng 20 triệu Việt Nam đồng). Chất lượng giám khảo Hội đồng nghệ thuật còn gây nhiều tranh cãi trong giới, cộng với những tiêu chí nghệ thuật khô cứng, mòn sáo… cũng là những yếu tố làm nản lòng nghệ sĩ trước cánh cửa Triển lãm khu vực.

Kết nối nghệ sĩ với thị trường

Trên Chuyên đề Văn nghệ Công an, chúng tôi đã từng đề cập vấn đề "Vì sao tranh Việt không bán được giá cao?". Trong rất nhiều nguyên nhân khác nhau, cái thiếu của một thị trường tranh chuyên nghiệp là vấn đề lớn. Để có một thị trường như thế, dĩ nhiên cần làm nhiều việc, nhưng nhất thiết phải có sự kết nối giữa họa sĩ và giới doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực mỹ thuật.

Quan sát hoạt động lâu nay của Hội Mỹ thuật Việt Nam, người ta dễ thấy việc tạo điều kiện để tác phẩm mỹ thuật tiếp cận được những người có khả năng mua chưa được quan tâm nhiều. Khách tới tham dự triển lãm cá nhân cũng như khu vực phần lớn là bạn bè, người thân, phóng viên báo đài, khách tham quan vãng lai. Dường như Ban tổ chức chưa có ý nghĩ biến những dịp gặp gỡ, trưng bày đó thành cơ hội giao thương, giúp nghệ sĩ bán được tác phẩm, hoặc chí ít cũng là cơ hội để họ gặp gỡ những người, những đơn vị có khả năng mua tranh.

Văn hóa bị chi phối bởi các điều kiện kinh tế. Nếu tạo được không khí trao đổi, mua bán tác phẩm sôi động tại các cuộc trưng bày như thế, chắc chắn, những sự kiện như Triển lãm Mỹ thuật khu vực VI - TP HCM vừa rồi sẽ sinh động và thu hút giới họa sĩ tham gia nhiều hơn. Và theo đó, sức sáng tạo nghệ thuật trong mỗi nghệ sĩ cũng sẽ được cổ vũ mạnh mẽ và thực chất hơn nhiều

Dương Kim Thoa
.
.