Thay đổi thi cử không làm chất lượng giáo dục thay đổi
- Ngày 7-6, học sinh Hà Nội sẽ thi vào lớp 10 công lập
- Hà Nội chính thức công bố điểm thi vào lớp 10
- Hơn 76.000 học sinh Hà Nội đăng ký dự thi vào lớp 10
- Hơn 70.000 học sinh TP.Hồ Chí Minh thi vào lớp 10
Đừng làm giáo dục một cách "cơ học"
Cù Tất Dũng
Sau khi Hà Nội công bố phương thức thi mới, có hàng trăm ý kiến, câu hỏi của phụ huynh, học sinh được gửi về Sở bày tỏ lo lắng, bức xúc vì nhiều lẽ, trong đó bức xúc và lo lắng nhất là áp lực thi cử lại một ần nữa đè nặng lên học sinh và phụ huynh khi các em muốn thi đỗ vào trung học phổ thông lại phải thi nhiều môn, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lâu nay luôn lên tiếng về việc cố gắng giảm tải cho học sinh.
Lý giải về việc đột ngột đưa ra phương án tuyển sinh này, những nhà quản lý giáo dục Thủ đô cho hay: Phương thức "kết hợp thi tuyển với xét tuyển" để tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông đã được áp dụng từ năm học 2005-2006 bộc lộ nhiều hạn chế như: tạo nên hiện tượng học lệch, học sinh chỉ tập trung vào học môn Ngữ văn và Toán mà chưa tập trung các môn còn lại, như vậy chưa đảm bảo được mục tiêu giáo dục toàn diện ở bậc trung học cơ sở.
Mục đích đưa thêm tổ hợp vào kỳ thi lớp 10 cũng là để nhằm giúp học sinh học tập đồng đều các môn, thông qua chống việc học lệch, học tủ và cắt xén chương trình, đảm bảo giáo dục toàn diện và kiểm tra được kiến thức tất cả các môn học.
Thi vào Lớp 10 tại Hà Nội luôn căng thẳng. |
Việc thi tổ hợp đã được một số tỉnh, thành như Nam Định, Hải Phòng, Ninh Bình và mới đây là Nghệ An, Vĩnh Phúc áp dụng. Nam Định sau 2 năm thực hiện thi bài tổng hợp đã sơ kết và cho ra một con số rất ấn tượng: 96-98% nhà trường, phụ huynh, học sinh hài lòng và đồng ý tiếp tục thực hiện bài thi tổng hợp. Giáo viên rất phấn khởi vì những học sinh từng có tư tưởng khinh môn không thi vào cấp ba đã thay đổi, trên lớp tập trung học hơn.
Nếu chỉ đổi mới việc kiểm tra, sát hạch mà có thể điều chỉnh được việc học, giúp học sinh tập trung hơn vào những môn bị coi là phụ, tránh tình trạng học tủ, học lệch, nâng cao được kỹ năng, kiến thức thì quá tốt. Tuy nhiên, ở Hà Nội rất nhiều giáo viên, các bậc phụ huynh và học sinh tỏ ra bức xúc và cho rằng: muốn thay đổi, muốn ra một đề án nào đó thì cần phải có lộ trình ngay từ đầu cấp học để giáo viên, phụ huynh và học sinh có thời gian chuẩn bị, chứ đừng để xảy ra việc năm nay học sinh thi mà đến gần ngày thi mới thông báo.
Cần phải có thời gian đủ cho các nhà trường chuyển động để tránh việc dồn áp lực vào đợt ôn tập cuối cấp; không thể cứ tùy tiện, muốn thay đổi là thay đổi mà không đánh giá tới các hệ lụy xấu mà việc thay đổi mang lại. Ngoài ra, để kỳ thi thành công cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, quá trình giám sát, kiểm tra tất cả các khâu… thì mới có thể có được những kết quả như mong đợi.
Một số phụ huynh so sánh và cho rằng kỳ thi vào lớp 10 căng thẳng hơn kỳ thi trung học phổ thông quốc gia để xét tuyển vào đại học, vì tỷ lệ chọi vào lớp 10 công lập rất quyết liệt. Hiện nay chỉ có một vài tỉnh đang thực hiện việc thi tổ hợp mang thí điểm khi thi vào lớp 10, số các tỉnh còn lại các em học sinh vẫn chỉ tập trung ôn luyện cho 2 môn Toán và Ngữ văn để thi, giờ lại dàn trải nhiều môn, bởi môn nào cũng có thể thi, do vậy, các bậc phụ huynh và học sinh chắc chắn sẽ phải chạy đua học thêm để kịp thời bổ sung kiến thức cho kỳ thi quan trọng này. Như vậy, ngoài việc tạo ra sự căng thẳng về tâm lý thì sẽ ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình các em.
Nếu muốn con em chúng ta phát triển toàn diện thì trước hết giáo viên phải toàn diện trước đã, có vậy thì học sinh mới phát huy hết khả năng tư duy, sáng tạo của chính mình. Bên cạnh đó, nền giáo dục nước nhà quá chú trọng vào lý thuyết, không chú trọng vào thực hành thì làm sao học sinh có thể phát triển một cách toàn diện được?
Mục tiêu của giáo dục phổ thông là đào tạo kiến thức phổ thông, tổng quát về tất cả các ngành, lĩnh vực cho người học, làm nền tảng cho suốt cuộc đời về sau, nhưng giáo dục ở nước ta hiện nay đang đặt ra quá nhiều môn học cho học sinh mà sau này khi vào đại học, khi vào đời thì những môn học đó đa phần là hoàn toàn vô nghĩa. Nó không đáp ứng được gì cho nhu cầu cuộc sống trong tương lai.
Để thực hiện đổi mới cách dạy, cách học và kiểm tra, đánh giá thì phải làm và làm cho được những nội dung sau: Điều chỉnh lại chương trình bộ môn và tài liệu học tập tương thích với yêu cầu đổi mới; đội ngũ nhà giáo phải biết cách dạy tự học, dạy tích hợp; các tổ bộ môn xây dựng được ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm khách quan và đề thi chất lượng; các nhà trường làm tốt công tác hướng nghiệp và tư vấn nghề nghiệp cho học sinh.
Làm sao để học sinh mỗi ngày đến trường là một niềm vui, mỗi kiến thức thu nhận được là quan trọng, là hữu ích nhưng lại dễ nhớ. Đừng bắt học sinh nhớ những kiến thức không đáng nhớ hoặc thường xuyên thay đổi.
Đặc biệt, cần đánh giá được đúng sở thích lẫn năng lực của học sinh, của con em mình thiên về hướng tự nhiên hay xã hội từ đó có định hướng học và ôn ngay từ đầu cấp học. Như vậy kỳ thi lớp 10 của các em sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, đảm bảo khách quan hơn.
Tiến sĩ Giáp Văn Dương: Nguy cơ khởi động cỗ máy học thêm - dạy thêm
Mộc Mạc (thực hiện)
- Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa đưa ra phương án tuyển sinh vào lớp 10, học sinh sẽ phải thi ba bài thi với 6 môn, thay vì 2 môn như trước đây. Sở cho rằng, như thế mới đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
+ Hai năm trước, con tôi cũng thi vào 10. Lúc đó chỉ thi hai môn Toán và Văn. Cháu thi chuyên nên thêm một môn tiếng Anh nữa. Vậy mà thấy học hành đã khá vất vả. Tôi cho rằng, vì con tôi lúc đó mới về nước nên chưa quen cách học ở nhà, chứ thực ra thi hai môn thì cần gì học nhiều như vậy. Nhưng hỏi ra thì thấy các bạn khác cũng đều học khuya, chưa kể còn đi học thêm, nhiều hơn vậy rất nhiều. Ít nhất, con tôi cũng không phải đi học thêm ngoài giờ. Vì vậy, khi chuyển từ hai bài thi sang ba bài thi, nhất là bài thi thứ ba lại tích hợp thêm kiến thức của bốn môn khác, thì điều tôi lo ngại đầu tiên là các con sẽ phải học thêm quá nhiều.
Cả năm lớp 9 sẽ có nguy cơ chỉ tập trung vào ôn luyện thi vì tổng số các môn phải học để thi thành ra là 6 môn. Sẽ rất mệt mỏi bơ phờ. Luyện thi, thiếu ngủ, học thêm là những thứ mà tôi có thể hình dung được. Các thầy cô dạy Toán và Văn, vì dạy hai môn chính, nên có vai trò quan trọng, thậm chí có thêm thu nhập nhờ luyện thi, thì nay tất cả các thầy cô đều trở nên quan trọng, và đều có thể luyện thi. Cả cỗ máy học thêm - dạy thêm - ôn luyện - thi cử được khởi động. Đấy là viễn cảnh đáng lo ngại. Cũng là khía cạnh thực tế của việc thay đổi này, có thể dự đoán được.
Tuy nhiên, về khía cạnh lý thuyết, thì việc thay đổi này không phải là không có cơ sở. Học gì thi nấy là điều bình thường phải thế. Nếu học sinh học các môn này thì đưa nội dung vào kỳ thi, nếu làm đúng cách, thì sẽ có giúp cho học sinh bớt học tủ, học lệch.
Nhìn sang Singapore thì thấy, kỳ thi vào 10 ở Hà Nội hiện giờ có vai trò và thu hút sự quan tâm của dư luận tương đương kỳ thi tốt nghiệp Tiểu học (PSLE) của Singpapore, về tính chất chọn lọc, về vai trò của nó trong định hướng nghề nghiệp và tương lai sau này.
Số lượng môn thi của PSLE là 4 môn (Toán, tiếng Anh, Khoa học và tiếng mẹ đẻ/ngoại ngữ 2). Kỳ thi gồm 3 vòng, thi vấn đáp, đọc hiểu và thi viết. Mỗi vòng lại gồm nhiều bài thi. Thời gian năm 2018 kéo dài từ 16/8-3/10. Như vậy, kỳ thi PLSE này dường như nặng hơn kỳ thi vào 10 của Hà Nội hiện giờ.
Nhìn sang Anh, với kỳ thi GCSE, dành cho học sinh 14-15 tuổi, tương đương với lớp 9 và 10 của Việt Nam, thì thấy họ thi bắt buộc ba môn (Toán, tiếng Anh, Khoa học) và thường là 4 môn tự chọn trong nhóm hàng chục môn của hệ thống giáo dục. Trung bình một học sinh thi khoảng 7-8 môn học cho kỳ thi GCSE. Nhiều học sinh chọn thi nhiều hơn thế, tùy thuộc vào năng lực của các em, và định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Như thế, kỳ thi vào 10 của học sinh Hà Nội với ba bài thi và 6 môn thi không phải là khác biệt với thông lệ so với giáo dục ở các nước tiên tiến trên thế giới. Vấn đề còn lại chỉ ở chỗ, phải căn cứ trên tình hình thực tế của giáo dục Việt Nam để đặt ra chương trình học thi thích hợp chứ đừng nhìn sang nước bạn thấy thế giới làm gì thì mình mang về nước mình và làm y như thế, trong khi giáo dục của mình tụt hậu so với các nước.
Muốn thay đổi giáo dục thì phải có lộ trình. Làm sao để việc thi cử không trở nên méo mó, không giúp cho việc học tập và đánh giá học sinh, mà lại khởi động cỗ máy dạy thêm - học thêm - luyện thi - mệt mỏi như bao năm vừa rồi.
- Có lẽ đó cũng là mấu chốt vấn đề mà các phụ huynh và học sinh đều quan tâm. Theo anh, liệu cách thi mà Sở đưa ra có đáp ứng được mục tiêu của họ là nâng cao chất lượng học sinh, tránh học tủ học lệch hay ngược lại?
+ Trước khi có đánh giá xem sự thay đổi này là tốt hay xấu, chúng ta hãy nhìn lại hiện trạng của thi cử hiện giờ. Một đời học sinh trải qua hàng trăm kỳ thi lớn nhỏ, vậy mà khi tốt nghiệp đại học thì rất nhiều người không viết được một đoạn văn đúng ngữ pháp sau hàng trăm cuộc thi đó.
Tức là, thi cử đã không có tác dụng gì trong việc đánh giá năng lực của người học, lại càng không hỗ trợ việc học. Đi qua hàng trăm bài thi mà năng lực vẫn như vậy, thì giờ đi qua thêm một bài thi nữa, thì lấy gì để đảm bảo sẽ làm cho giáo dục đang từ lệch lạc chuyển sang toàn diện? Nói cách khác, vấn đề không nằm ở số lượng bài thi, mà nằm ở việc thiết lập mục đích thi, cách thi, và tính trung thực của kỳ thi có được đảm bảo.
Thầy và trò hiện nay, không biết từ bao giờ đã hình thành thói quen "thi gì học nấy". Lúc nào cũng chỉ nhăm nhắm nhìn vào đề thi năm trước, hoặc đề thi mẫu, để học gạo. Thi xong là quên hết. Vậy nên, dù có đi qua hàng trăm kỳ thi lớn nhỏ trong đời, mà khi ra trường, một đơn ứng tuyển viết cũng không xong. Kinh nghiệm tuyển dụng của tôi cho thấy, số sinh viên tốt nghiệp có thể viết được một lá đơn ứng tuyển công việc là rất thấp.
Vì thế, tôi cho rằng, việc thay đổi trong thi cử như vậy, dù là một cố gắng về lý thuyết, nhưng trên thực tế, sẽ không giúp ích gì nhiều cho việc nâng cao chất lượng học sinh, và rộng hơn là chất lượng giáo dục. Để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển toàn diện, đòi hỏi phải có những thay đổi bài bản hơn rất nhiều, từ triết lý giáo dục, giá trị cốt lõi, sứ mệnh của nhà trường, đến chất lượng giáo viên, cách dạy, cách học, quản lý và tài chính… chứ không chỉ đơn thuần thay đổi cách thi là xong được.
- Các nhà quản lý giáo dục đang chỉ thay đổi phần ngọn mà không chú trọng phần cốt lõi của giáo dục như anh phân tích ở trên. Theo anh, chúng ta đang đi ngược lại xu hướng tiếp cận năng lực, bởi mỗi học sinh đều có những thế mạnh - yếu khác nhau.
+ Việc thêm một bài thi tổ hợp như thế không đi ngược lại xu hướng tiếp cận năng lực. Thực tế, thêm môn thi như vậy, những học sinh có năng khiếu về ngoại ngữ, hoặc các môn trong bài thi tổ hợp, sẽ có thêm cơ hội lấy điểm, thay vì chỉ có hai môn Toán và Văn.
Chỉ có điều, phát triển năng lực là câu chuyện của cả quá trình giáo dục, chứ không phải của riêng chuyện thi cử. Thi cử chỉ là ngọn. Gốc rễ không thay đổi, thì dù ngọn có thay đổi bao nhiêu đi chăng nữa, chất lượng giáo dục vẫn không thay đổi.
Tuy nhiên, cách ra đề và cách đánh giá trong thi cử hiện thời lại đi ngược với việc phát triển năng lực. Cho đến nay, thi cử vẫn nặng về đánh giá việc ghi nhớ thông tin và kiến thức, tức chỉ tập trung kiểm tra xem học sinh biết gì. Còn năng lực, là câu chuyện làm gì với những điều mình biết. Và xa hơn, là mình sẽ trở thành ai, với những điều mình biết, mình làm đó. Rồi xa hơn nữa, là chúng ta, hay cả cộng đồng, sẽ trở thành ai với những gì mình biết, mình làm, mình trở thành đó.
Tiếc rằng, cho đến nay, tất cả những điều này đều thiếu vắng trong bản thân quá trình giáo dục, vì thế hiển nhiên thiếu vắng trong việc thi cử. Chưa kể, rất có thể một số người chịu trách nhiệm ra những đề thi này, chưa hẳn đã là những người có năng lực theo đúng nghĩa của từ này, mà chỉ là người học gạo biết nhiều và làm việc theo chỉ đạo. Rời khỏi công việc và vị trí hiện giờ, rất có thể, một số người sẽ chẳng biết làm gì để sống, vì thiếu năng lực dù kiến thức ít nhiều.
Với thực tế như thế, thì không nên kỳ vọng quá mức vào việc thay đổi một bài thi mà giáo dục chuyển hướng từ học gạo chuyển sang phát triển năng lực được.
- Sự việc đáng tiếc xảy ra ở trường Nguyễn Khuyến là phần nổi của tảng băng chìm về một nền giáo dục đang tạo quá nhiều áp lực cho học sinh, quá chú trọng thành tích, thi cử… Theo anh, việc đổi mới thi cử theo hình thức như thế này liệu có giúp ích được gì trong việc giảm tải cho học sinh?
+ Đúng là hiện nay giáo dục đang tạo ra quá nhiều áp lực cho học sinh. Là một phụ huynh có con đang đi học, nhiều lúc tôi cũng không thể chịu đựng được khi xem chương trình, cách dạy, và số lượng bài tập về nhà của các con. Nhiều khi tôi có cảm giác, giáo dục đang ôm đồm làm rất nhiều thứ, mà không biết để làm gì, vì sao lại như vậy, rồi quay sang hành hạ cắn xé lẫn nhau. Hành hạ và làm khổ cả trẻ con. Bế tắc và bức xúc! Vì thế, những người làm giáo dục, các nhà quản lý giáo dục, thay vì loay hoay thay đổi việc thi cử, hãy bình tâm ngồi xuống trả lời những câu hỏi cơ bản nhất: Sứ mệnh của giáo dục là gì? Triết lý giáo dục mình hướng tới là gì? Học để làm gì? Dạy để làm gì?...
Và nhiều câu hỏi cơ bản khác nữa. Riêng với các nhà quản lý thì cũng phải tự đặt ra các câu hỏi tương tự: Quản lý để làm gì? Quản lý cái gì? Quản lý thế nào?... sao cho nâng đỡ giáo dục, phát triển giáo dục, chứ không phải là gây khó và kìm hãm giáo dục. Chỉ sau khi tất cả những câu hỏi cơ bản này được đặt ra và trả lời một cách sòng phẳng, rõ ràng, trong các văn bản pháp quy và trên truyền thông đại chúng để có sự thấu hiểu và đồng thuận, thì giáo dục mới có thể cải thiện được. Còn nếu không, thì dù có thêm một bài thi, hay nhiều bài thi, thì giáo dục vẫn cứ vậy thôi.
Chỉ trẻ con là khổ.
- Cảm ơn anh.
Cô giáo Diệu Anh (giáo viên môn văn, dạy tự do ở Hà Nội)
Khánh Thy (thực hiện)
- Theo chị, thi điều kiện lên cấp 3 với hai môn chính là Văn, Toán có thể coi là đào tạo kiến thức lệch hay không?
+ Học lệch là học không dựa trên sự phát triển cơ bản, cân đối hài hòa giữa các môn học. Người học có thiên hướng chú trọng học nghiêng về môn mình thích, coi nhẹ hoặc bỏ qua môn học khác dẫn đến tình trạng có môn thì học tốt có môn thì yếu kém. Với việc áp dụng 3 môn thi Toán - Văn - Ngoại ngữ để làm môn thi điều kiện đối với việc tuyển chọn học sinh chuyên là hoàn toàn hợp lý. Ta không thể coi đó là đào tạo kiến thức lệch được. Bởi để đánh giá được khả năng của 1 học sinh có thể đào tạo kiến thức chuyên sâu hay không thì việc đầu tiên phải đòi hỏi học sinh đó đã có đủ những kiến thức cơ bản nào. Khi học sinh có đầy đủ tư duy phát triển hài hòa cân đối dự trên nền kiến thức cơ bản thì mới có đủ khả năng học tập, nghiên cứu và phát triển môn chuyên biệt được.
- Chị có ý kiến như thế nào về thay đổi hình thức tuyển sinh vào lớp 10 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội trong năm học 2018-2019?
+ Việc thay đổi hình thức thi tuyển sinh vào lớp 10 cho đến thời điểm hiện nay là việc hoàn toàn nên làm và cần thiết để phát triển tổng hòa các kiến thức cơ bản từ các bậc học phổ thông, phù hợp với xu thế giáo dục chung của thời đại. Nói vậy không có nghĩa là thay đổi để làm mới giáo dục bằng cách chúng ta phải tăng cường áp lực học thi lên đều các môn.
Một trong những việc cần phải có của việc đánh giá chất lượng đào tạo là thông qua thi cử. Nhưng không có nghĩa chúng ta chỉ có xoay quanh hình thức tổ chức các cuộc thi thì mới nâng cao được chất lượng giáo dục. Cá nhân tôi, từ nhiều năm nay, tôi vẫn luôn ủng hộ và đánh giá cao cách tổ chức và chất lượng đề thi xét tuyển vào trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh.
Tại TP Hồ Chí Minh, học sinh chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 sẽ thi 3 môn thi Toán - Văn - Ngoại ngữ. Nội dung đề thi luôn đảm bảo 2 khía cạnh: Kiến thức lý thuyết cơ bản trong SGK và kiến thức vận dụng thực tế rất linh hoạt và sinh động. Trong khi đó, nhìn lại đề thi vào trung học phổ thông của Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hà Nội, ta thấy nội dung đi sâu vào lượng kiến thức lí thuyết cơ bản trong SGK nhiều hơn.
Ở môn Văn, các câu hỏi nâng cao cũng chỉ xoay quanh các vấn đề nhận biết tác phẩm từ văn bản có mặt trong SGK hoặc nếu câu hỏi có yếu tố vận dụng thực tế thì vấn đề đặt ra cũng đơn điệu mang nặng tính hàn lâm. Từ 2 ví dụ trên cho chúng ta thấy chất lượng đào tạo học sinh có tốt hay không, không nằm ở việc học sinh được thi mấy môn mà chính ở việc học sinh đã nhận được gì từ những bài học từ chương trình dạy học đó.
- Liệu thi tổ hợp môn với 4 môn thi ngoài Toán và Văn như vậy đã đúng với chủ trương giảm tải trong dạy và học hiện nay chưa? Hay lại tiếp tục đè nặng lên tâm lí phụ huynh, học sinh và cả nhà trường?
+ Bản chất của việc giảm tải tức là giảm áp lực không cần thiết, không cân đối với thực tế, không phù hợp với sự phát triển tự nhiên của con người. Vậy việc giảm tải trong giáo dục chỉ thực hiện được khi chính những người làm chính sách, những nhà quản lý giáo dục thực sự hướng góc nhìn và đặt cái Tâm của mình vào điều kiện thực tế của những người chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách. Họ chính là những người Thầy và những học trò đang phải chịu đựng nhiều nhất những bất cập nếu chính sách đưa ra không hợp lí.
Giáo dục là một quá trình rèn luyện tự thân của mỗi cá nhân. Những người tham gia vào nó đều phải ý thức được sự tự vận động hoàn thiện của bản thân là trước tiên, sau đó mới nói đến sự tương tác hỗ trợ từ cộng đồng và các yếu tố khác. Tất cả các mối quan hệ trong giáo dục đều nhằm mục tiêu phát triển hoàn thiện cá thể con người hướng đến chân giá trị cuả Hạnh phúc và Tự do. Trong mối quan hệ đó yếu tố thực hiện gương mẫu đi đầu lại chính là sự xuất phát từ con người trong các vị trí cao nhất, tại từng hệ thống lớn nhỏ, mà cụ thể ở đây là những người làm đưa ra quyết định, những người tham gia quản lý giám sát quá trình giáo dục.