Thay đổi bắt đầu từ chính mình

Thứ Năm, 27/12/2018, 08:23
Xin được đưa ra một cụm từ "con nhà quê 4.0" để mở đầu cho bài viết này. Và cũng cần phải giải thích ngay, kẻo đỡ mang tiếng, ba chữ "con nhà quê" nói trên không phải là ngôn ngữ của người viết bài này. Mà nó là ngôn ngữ của một người đang đợi đèn đỏ khi tham gia giao thông trên phố.


Ngôn ngữ ấy là để dành cho ai vậy? Một bà hàng xén, một chị đánh giày hay một bé bán vé xổ số chăng? Không! Ngôn ngữ ấy là nhắm đúng vào Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ. Theo lời kể của vị Thứ trưởng này trong hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện tiêu chí văn hoá giao thông đường bộ ngày 24 - 12 thì bà đã bị mắng rõ ràng và mắng sỗ sàng như thế chỉ vì... đứng đợi đèn đỏ, khi trên đường không có ai.

Bà nói nguyên văn: "Có lần tôi đi xe máy, và đường khá vắng. Gặp đèn đỏ tôi dừng xe, nhưng có những ông đằng sau không dừng. Khi họ vượt lên ngang tôi thì mắng tôi: Đúng là con nhà quê, có ai đâu mà phải dừng".

Thế đấy, người phạm luật mắng huỵch toẹt người đang chấp hành pháp luật như thế đấy! Người đang chấp hành luật thì bị coi là "con nhà quê", và cứ theo cái logic này mà suy luận thì người phạm luật là "ông thành phố" chăng? Suy luận thêm chút nữa, có phải mấy "ông/anh thành phố" thì tự cho mình cái quyền muốn đi thì đi, muốn đứng thì đứng, bất chấp luật lệ hiển hiện qua những cái đèn xanh đèn đỏ ở mỗi ngã tư chăng?

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0  đang thay đổi thế giới trong từng phút từng giây.

Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ phân tích: "Phải làm thế nào đó để người chấp hành giao thông cảm thấy tự hào, người không chấp hành cảm thấy xấu hổ thì mới thành văn hoá ứng xử trong giao thông được". Đọc tới đây chắc bạn đang nghĩ, câu chuyện người chấp hành bị người không chấp hành chửi là "con nhà quê" hay "con nọ" - "thằng kia"... chẳng phải là câu chuyện cá biệt, lẻ loi gì. Đi trên đường sẽ thấy nó là chuyện đầy rẫy, chuyện đã được nói đi nói lại không biết bao nhiều lần.

Còn một chuyện đầy rẫy, cũng được nói đi nói lại không biết bao nhiêu lần nữa, đó là chuyện "4.0". Không hiểu sao nghe chuyện bà Thứ trưởng bị mắng tôi lại lập tức nghĩ đến chuyện 4.0. Và tôi còn tưởng tượng: Cái vị tung ra lời miệt thị "con nhà quê" kia có hay nói đến khái niệm 4.0 không nhỉ?

Giả dụ đối tượng mà vị ấy chửi không phải là một bà thứ trưởng biết kiềm chế, mà lại là một nữ robot, và robot đó được lập trình một nguyên tắc "cứ hễ bị chửi bới trên đường là sẽ quay lại tấn công" thì điều gì sẽ xảy ra đây? Người đánh robot hay robot đánh người?

Chúng ta lập trình cho một con robot biết dừng lại trước đèn đỏ, cái đó cực dễ dàng. Nhưng phải làm gì để "lập trình" cho chính những con người thời 4.0 này cũng biết dừng lại trước đèn đỏ, đấy là một điều không đơn giản.

Nhìn một cách tổng quát, với chúng ta, sự khập khiễng nghiêm trọng có vẻ đang nằm ở đây: Chúng ta nói đến bội thực về 4.0, nhưng cách chúng ta nghĩ, cách chúng ta làm, cách chúng ta ứng xử với nhau thì có vẻ chỉ đang ở mức 0.4. Đường vắng, không có ai, tội gì mà không vượt đèn đỏ - đấy rõ ràng là tư duy 0.4. Một kẻ "thiếu hiểu biết" nào đó bỗng dừng đèn đỏ khi đường vắng nên xứng đáng phải ăn chửi - đấy rõ ràng là tư duy 0.4.

Nói đến 4.0 là nói đến dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo. Nhưng bên cạnh những yếu tố mang tính nền tảng này còn một yếu tố quan trọng nữa mà thế giới đang dụng công xây dựng, đó là văn hoá thời 4.0, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sự tôn trọng lẫn nhau.

Với tiêu chí văn hoá nền tảng này, đã có robot được cấp quyền công dân, và cứ với xu hướng này thì việc con người phải tôn trọng robot - một đối tượng vừa mang dáng dấp của mình, vừa không phải mình, là điều bắt buộc. Ngược lại, robot cũng phải được thiết kế sao cho luôn tạo ra các hành động hợp lý, tôn trọng con người. Thiếu đi sự tôn trọng nền tảng ấy, một xã hội vạn vật trí tuệ nhân tạo không thể phát triển lành lặn được.

Ấy thế mà với câu nạt nộ "con nhà quê" của một người vi phạm pháp luật dành cho người chấp hành pháp luật, chúng ta lại thấy chính con người còn chưa có đủ sự tôn trọng cần thiết dành cho con người. Mà ở trong trường hợp cụ thể này, đấy là một sự không tôn trọng hết sức nghịch lý và phi lý.

Có lẽ thay vì cứ nói như những con vẹt về cuộc cách mạng 4.0, hãy cố thực hiện những cuộc cách mạng đơn giản hơn: 3.0, 2.0, thậm chí chỉ là 1.0 trong mỗi ứng xử nhỏ nhất và đời nhất của chính bản thân mình.

Phan Đăng
.
.