Thầy đồ trong hội họa

Thứ Sáu, 25/02/2011, 09:29

"Thầy đồ" là một trong những đề tài lôi cuốn các họa sĩ - từ dân gian đến hiện đại. Trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, nhiều tác phẩm về thầy đồ đã để lại những dấu ấn khó phai mờ trong người xem.

Trước hết phải nói tới tranh dân gian Đông Hồ "Thầy đồ cóc": Trên nền điệp vàng chỉ có bốn màu: Lục, nâu, đen, trắng (đều là chất liệu dân gian). Với những đường nét giản dị mà sinh động, các nghệ nhân đã cho ta thấy toàn cảnh lớp học với các nhân vật được hình tượng hóa cao độ. "Thầy đồ" ngồi trên sập, phía trước là một chiếc án thư với các đồ dùng dạy học. Bên kia là một cậu học trò đang pha nước cho thầy, bên này là một trò khác cắp sách chờ hỏi bài. Một góc là lớp trưởng (tràng) đang giảng bài cho các trò nhỏ, góc khác là lớp phó (cán) đang phạt một trò mắc lỗi - có sự giám sát của một trò khác (giám). Lại có cả mấy chú trò nhỏ vừa đứt đuôi từ nòng nọc cũng xin "nhập môn". Con cóc trông nhem nhuốc bẩn thỉu là thế mà vào tranh, chúng trở nên sinh động, ngộ nghĩnh. Tác giả miêu tả một không gian (lớp học) nhưng chẳng cần luật xa gần gì hết, con nọ tưởng như đứng lên đầu con kia, thế mà vẫn chấp nhận được, vẫn lột tả được một cách đầy đủ và chân thực những gì diễn ra trong một lớp học.

Xem bức tranh này hẳn mọi người nhớ đến những truyện tiếu lâm "Thầy đồ liếm mật", "Thầy đồ đỡ đẻ", "Thầy đồ và thầy cúng" v.v... Dạy học vốn là nghề cao quý nhưng thầy không ra thầy thì cũng đáng bị chế giễu. Thầy đồ cóc không làm người xem bật ra những tiếng cười như truyện tiếu lâm, nhưng càng ngắm kỹ càng thấy hóm hỉnh, thú vị.

Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đặt câu hỏi: Tại sao không phải là chim, gà hay một loài gia cầm nào đó "dạy học" mà lại là cóc? Một nghệ nhân cao tuổi ở làng Đông Hồ giải đáp: "Việc lấy cóc nhái làm nhân vật cho đề tài này là xuất phát từ thực tế. Ở nông thôn, sau mỗi trận mưa, từ các ao, đầm, tiếng ếch nhái kêu uôm uôm xao động cả một vùng, dân gian gọi là "ếch học bài". Trên tranh có chữ "Lão oa giảng độc", nghĩa là ếch già dạy học, nhưng dân gian cứ quen gọi là: "Cóc dạy học", lâu dần thành quen và mọi người đều chấp nhận được. Cóc hay ếch thì cũng không ảnh hưởng gì tới nội dung bức tranh.

Lão nghệ nhân kể tiếp: Một lần đi sứ Trung Quốc, Mạc Đĩnh Chi được thử tài bằng một vế đối "Quých tập chi đầu đàm Lỗ luận, tri chi vi tri chi, bất tri vi bất tri, thị tri" (Chim trích đậu đầu cành bàn sách Luận ngữ, biết thì nói là biết, không biết thì nói là không biết, ấy là biết). Mạc Đĩnh Chi đối lại: "Oa minh trì thượng độc Châu thư, Lạc dữ thiểu nhạc lạc, lạc dữ chúng nhạc lạc, thục lạc" (ếch kêu trên ao đọc sách Mạnh Tử, cùng ít người vui nhạc, cùng nhiều người vui nhạc, đằng nào vui). Như vậy, việc ếch đọc sách hay dạy học, không chỉ được nói tới trong dân gian, mà còn được các vị khoa bảng nhắc tới.

Trong tranh hiện đại, đề tài thầy đồ cũng được nhiều họa sĩ thể hiện. Với các chất liệu rất phong phú: Từ mực nho, thuốc nước đến sơn mài, sơn dầu và cả xé giấy, ghép lá… đã có nhiều tác phẩm đẹp, để lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Sau đây xin giới thiệu bức tranh "Ông đồ" của họa sĩ  Bảo Toàn (Hà Nội).

Cái đầu tiên đập vào mắt người xem là từng cục, từng cục màu đen, đỏ, vàng, trắng ở các sắc độ khác nhau. Một thầy đồ ngồi xổm, đầu gối quá tai, đang dằn bút lông xuống tờ giấy điều đã phai màu. Những tranh thầy đồ trước đây ta đã thấy, các họa sĩ thường chọn góc độ nghiêng hoặc hơi nghiêng - chí ít cũng nhìn thấy mặt mũi thầy đồ. Với góc độ ấy, dễ dàng cho họa sĩ miêu tả dáng người, tư thế chân tay, tình cảm trên nét mặt… của ông đồ. Trong bức tranh này, người xem không nhìn thấy mặt của ông đồ mà chỉ thấy một chỏm đầu và vành khăn xếp. Tác giả cũng không tả kĩ những áo the, khăn xếp, quần chúc bâu (phục trang của ông đồ) và không thể hiện những ngón tay thon, móng tay dài, lối cầm bút lông uyển chuyển như sắp tung ra những dòng chữ rồng bay phượng múa - như những điều ta thường nhận biết ở các ông đồ trong tranh cũng như trong trong văn thơ. Ông đồ của Bảo Toàn thậm chí trái ngược: Bàn tay cầm bút như cầm chày, ngọn bút lông quằn quại dưới sức nặng của cả cánh tay.

Trong lịch sử nước ta có những thời kì đạo Nho thịnh vượng, khi đó thầy đồ dù chỉ giữ một vị trí rất khiêm tốn trong giới nho sĩ, cũng được sự tôn kính, nể trọng của nhân dân. Từ khi thực dân Pháp xâm lược, chế độ phong kiến ngày một suy yếu, giai cấp thống trị không làm chủ được đất nước, không những về chính trị, kinh tế mà còn cả về văn hóa. Chữ nho dần dần nhường chỗ cho chữ Pháp và chữ Quốc ngữ. Các thầy đồ mất dần đất dụng võ, vị trí của thầy đồ ngày một sa sút. Nhiều thầy đồ chán cảnh "vài quyển sách nát, ba thằng trẻ ranh" đã bỏ nghề dạy học, đi viết câu đối - bán chữ thánh hiền lấy kế sinh nhai. Từ đó cứ dịp tết đến, người dân Hà Nội lại thấy ở các góc phố Hàng Lược, Hàng Khoai, Lương Văn Can có những ông đồ chữ tốt ngồi viết câu đối.

Bảo Toàn đã chớp được một trong những ông đồ ấy. Ngắm kỹ bức tranh, người ta có cảm tưởng như có cả một gánh nặng gia đình chất lên vai ông đồ, và hơn thế nữa, dường như cả chế độ phong kiến đang suy tàn đè nặng lên đầu ông. Một chỏm đầu - không mặt mũi, và dáng ngồi thu lu của ông đồ đã toát lên sự chán chường xã hội hiện tại, sự ngao ngán cho thân phận của mình và sự nuối tiếc một thời vàng son…

Từ tranh dân gian Đông Hồ in màu trên giấy điệp "Thầy đồ cóc" đến tranh sơn dầu "Ông đồ" của Bảo Toàn là một khoảng thời gian dài, các chất liệu hội họa ngày một phong phú, các phong cách ngày một đa dạng, các trường phái không ngừng ra đời… duy chỉ có nhu cầu về cái đẹp là bất biến. Một bức tranh dù theo trường phái nào, bằng chất liệu gì, có phong cách ra sao - muốn đến được và đọng lại trong người xem, nó phải Đẹp - với đầy đủ nghĩa của từ này. Cái gặp nhau của hai bức tranh kể trên là ở chỗ chúng đều đẹp. Chúng đã tạo được hiệu quả thẩm mỹ: "Thầy đồ cóc" khiến người xem rất thú vị, còn "Ông đồ" của Bảo Toàn buộc người xem phải suy ngẫm.

Mấy năm gần đây, vào dịp tết ở Hà Nội (và TP HCM) đã xuất hiện những "Phố thầy đồ" mới. Hy vọng rằng các thầy đồ  thời hiện đại này gìn giữ và phát huy được những mỹ tục của cha ông, và cũng hy vọng không còn cảnh "Giấy đỏ buồn không thắm/ Mực đọng trong nghiên sầu"  (Vũ Đình Liên)

Phùng Hồng Kổn
.
.