Thành trì đạo lý mong manh

Thứ Bảy, 25/02/2017, 14:23
Câu chuyện của hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Trung Yên đã khiến báo giới tốn rất nhiều bút mực khi nó bung ra ngay sau chuyện giáo viên của trường Phan Đình Phùng cũng cố tình muốn ém nhẹm lại thông tin về tai nạn thực hành hoá chất của một nữ sinh lớp 12. 


Hai câu chuyện dồn dập diễn ra trong một ngành nghề đáng lẽ phải được trọng vọng nhất. Không gì đau hơn khi một cô giáo bị nhận xét rằng "có thủ đoạn che giấu" (lời của Giám đốc Công an TP Hà Nội). Người phát ngôn câu ấy hẳn rất đau lòng vì ai cũng có thầy cô cả nên họ không bao giờ muốn nói điều không tốt đẹp về nghề giáo. Nhưng thực tế buộc họ phải nói ra, bởi đó là sự thật, một sự thật đau lòng.

Một đồng nghiệp của tôi đã dùng cụm từ "Khi đạo đức thất thủ" để bình luận về sự kiện liên quan tới Trường Tiểu học Nam Trung Yên và tôi hoàn toàn đồng ý với anh về hai chữ "thất thủ" ấy. Trường học, giảng đường, nơi chúng ta vẫn nghĩ là thành trì cơ sở của đạo lý trong xã hội đã quá mong manh rồi. Nó mong manh đến mức không còn nhiều đất sống cho cái tốt đẹp nữa mà đầy rẫy trong đó là các vấn nạn. 

Từ học sinh đánh nhau, rồi học sinh đánh lại cả thầy giáo (một vụ việc cũng nóng hổi ở miền Tây Nam bộ), rồi giáo viên dối trá trước tai nạn của học sinh mà chính mình là người trong cuộc…

Những thế hệ tương lai của đất nước cần được nuôi dưỡng trong một môi trường giáo dục tốt đẹp.

Tự nhiên, nhớ lại câu chuyện cậu bé học sinh đi xe đạp, trót làm gãy gương của chiếc xe hơi, cậu bé cố nán lại để xin lỗi, nhận lỗi và sẵn sàng bồi thường nếu cần. Người chủ xe hơi tất nhiên không bắt đền một em nhỏ làm gì nhưng lại lan toả hành động trung thực của em như một tiếng chuông thức tỉnh nhân bản, đạo đức trong xã hội.

Những trường hợp như em bé ấy sao quá hiếm so với đầy rẫy những vấn nạn kể trên. Đừng vội nói là vì chúng ta ưa chia sẻ những tiêu cực hơn là những điều tích cực. Hãy nhìn vào đúng sự thật. Chỉ có những giáo viên có tâm, có đạo đức mới dạy được những học trò thành người trung thực. Và phải chăng, số lượng giáo viên có tâm, có tầm như thế ngày càng ít dần đi, để thành trì cơ sở của đạo lý cũng mong manh thêm?

Suy cho cùng, sự dối trá của những người làm nghề giáo dục ấy đến từ đâu? Nó có thể đến từ giáo dục lắm chứ, nếu như họ lớn lên, tiếp xúc đến quen với một nền giáo dục giả dối và họ cho rằng điều mình làm cũng bình thường thôi? Nhưng còn một căn nguyên khác nữa, đó chính là sự khinh mạn pháp luật. Khi mà nền tảng đạo lý đã trở nên mong manh, nền tảng văn hoá đã vỡ vụn, sự khinh nhờn đối với pháp luật cũng là lẽ thường tình.

Khi cô giáo xây dựng lại một “hiện trường giả” dựa trên những phiếu thăm dò ép buộc có tính định hướng thông tin, ấy là cô giáo đã vi phạm pháp luật và cần bị xử lý bằng pháp luật chứ không chỉ bằng các quy định của ngành nghề đơn thuần. Và chính những xử lý bằng pháp luật một cách nghiêm minh trước những vi phạm như thế, khi được công khai trước dư luận, sẽ là đòn đánh thức tỉnh vào thái độ coi thường pháp luật của một bộ phận không nhỏ dân chúng trong xã hội.

Trong một phát biểu gần nhất, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có nhấn mạnh đến việc cần phải xây dựng một ý thức thượng tôn pháp luật. Đó chính là một sách lược rất cần phải được thực hiện ngay nếu muốn Việt Nam phát triển, thịnh vượng và giàu văn hoá. Khi một xã hội trở nên nhiễu nhương và khinh nhờn pháp luật, rất cần một chính quyền pháp trị với bàn tay cứng rắn, công minh, công khai và thực thi đúng kiểu pháp bất vị tình.

Khi thành trì đạo lý đang lung lay, pháp luật chính là phương tiện cuối cùng. Vì suy cho cùng, đạo đức cũng phải là cái đạo, là những luân lý cần phải được thực thi một cách nghiêm túc. Đã hết thời gian để chúng ta than vãn rồi, mà thay vào đó, chúng ta hãy biết thượng tôn pháp luật một cách thực sự và nên nhớ, trước pháp luật, đừng cố gắng biến mình thành kẻ dối trá.

Hà Quang Minh
.
.