Tháng Giêng, bắt tay ngay vào việc

Thứ Năm, 25/02/2021, 10:52
Ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo với tinh thần quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”…


Những ngày đầu năm, dịch bệnh COVID-19 càng trở nên phức tạp và có nguy cơ lan rộng là rất lớn. Trước tình hình đó, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của năm mới, tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về tình hình Tết, triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo với tinh thần quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”…  

Các tỉnh, thành trên cả nước đã dừng tất cả các hoạt động lễ hội, văn hoá, thể thao, giải trí để hạn chế dịch bệnh bùng phát và bắt tay ngay vào việc, triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Đây là dịp để chúng ta nhìn lại thói quen và suy nghĩ lạc hậu về “tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Nhìn lại lịch sử, chỉ cách đây bốn thập kỷ, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp nghèo nàn và lạc hậu. Do vậy, sau Tết Nguyên đán là mùa nông nhàn, tháng Giêng lại là tháng có nhiều lễ hội nhất so với những tháng còn lại trong năm. Chỉ tính riêng miền Bắc đã có hội gò Đống Đa, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử, hội Bà Chúa Kho, hội Lim, hội Gióng, hội chùa Thầy, hội chọi trâu… là nơi để các nghệ sĩ dân gian thể hiện, đồng thời góp vui cho bà con những ngày nghỉ trước mùa lúa mới.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội kiểm tra, giao nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sỹ.

Đến nay, thói quen “tháng Giêng là tháng ăn chơi… Sao phải vội” vẫn còn trong tâm tưởng, từ cán bộ, công chức, cho đến người dân. Đầu xuân gặp mặt nhau để chúc tụng, rồi đi lễ chùa, thậm chí là rủ nhau ra quán nhậu nhẹt, cờ bạc… đến hết tháng mới triển khai làm việc, bán buôn. Tâm lý đó gần như có trong mỗi người, ai cũng thích chơi, cũng lười biếng, cũng có những thói quen chưa rũ bỏ. Từ đó, hiệu suất công việc những ngày sau Tết thường là uể oải, lờ đờ, mất tập trung.

Thời nay không còn “nông nhàn” hay “công nhàn”, nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy, sau Tết, đến ngày các cửa công phải mở cửa làm việc theo quy định. Cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước phải có mặt đầy đủ làm việc, giải quyết những yêu cầu của người dân đàng hoàng, nghiêm túc thì vẫn vắng mặt, có người bỏ vị trí đi xem hội, đi lễ chùa… Người dân, doanh nghiệp đã phải mỏi cổ chờ qua hết ngày nghỉ Tết để cơ quan nhà nước giải quyết giấy tờ, thủ tục, nhưng không ít người thất vọng vì sự trì trệ do ăn Tết kéo dài.

Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Kế Bính viết năm 1915 có đoạn: “Xét cái tục hội hè của ta rước xách rất phiền phí, ăn uống rất lôi thôi, chơi bời rất chán chê, thực là hại của mà lại mua lấy cái khó nhọc vào mình”. Ông cũng nói thêm hội hè là dịp người ta chơi bời, cờ bạc, thanh niên bỏ cả công việc ở nhà đi hội, vậy thì “chẳng những vô ích mà lại hại cho làng xóm”.

Ông cha ta đã để lại những lời căn dặn vô cùng quý báu “Dân có giàu, thì nước mới mạnh”. Từ đó suy ra, nước ta chưa thể mạnh là bởi dân ta chưa giàu. Và thật đáng buồn khi cuộc sống vẫn còn nghèo mà sẵn sàng bỏ thời gian để vui chơi cả tháng thì quan điểm này chắc chắn cần thay đổi để Việt Nam bắt kịp xu thế hội nhập, phát triển của các quốc gia trên thế giới.

Việt Nam có Tết cổ truyền, Chính phủ cho phép người dân nghỉ vui Tết cả tuần, nhưng hội nhập quốc tế không cho phép nghỉ chơi cả tháng. Cuộc sống văn minh, hiện đại, với những đòi hỏi kỷ luật và tác phong công nghiệp, những thách thức về thời gian, áp lực gắt gao về cạnh tranh thì người công nhân phải trở về nhà máy đúng thời gian sản xuất. Cán bộ, công chức, viên chức phải nêu cao tinh thần phục vụ và nguyên tắc cao nhất của nền hành chính hiện đại và lành mạnh: Đã là ngày làm việc, thì không thể có từ “không” với người dân và doanh nghiệp. Chậm một ngày là lãng phí nguồn lực xã hội rất lớn. Tham nhũng còn thu hồi được tài sản, nhưng lãng phí thì không bao giờ lấy lại được.

Sau thời gian dài nghỉ Tết, thay vì lựa chọn chơi thêm chút nữa, nghỉ thêm vài ngày nữa cho thoải mái, thì hy vọng mọi người nhanh chóng trút bỏ những suy nghĩ và thói quen lạc hậu, trở lại quỹ đạo vốn có của nó “hết Tết rồi, người lớn đi làm còn trẻ em đi học,  bắt tay vào làm việc nghiêm túc thôi”.

Mong năm mới với sự quyết liệt thay đổi để phát triển hơn, đạt được nhiều thành tựu hơn năm trước, người dân Việt Nam sẽ tập trung vào công việc, nỗ lực, cố gắng ngay từ những ngày đầu, để mùa xuân thực sự đẹp và mang ý nghĩa vốn có của nó. Còn nếu cứ tiếp tục vui chơi cả tháng thì chỉ có nghèo mà thôi.

Cù Tất Dũng
.
.