Thận trọng để hiểu rõ "Cách mạng 4.0"

Thứ Năm, 13/04/2017, 08:23
Tuần qua có một khái niệm mới mẻ và hiện đại được nhắc tới khá nhiều trong phát biểu của các quan chức và được truyền tải lại rất nhiều bởi các cơ quan truyền thông. Đó chính là khái niệm "cách mạng 4.0", một khái niệm thậm chí còn gây nhiều tranh cãi trên thế giới (xem liệu rằng nó có nên bị đánh đồng là cuộc Cách mạng khoa học kỹ thuật lần thứ 4 hay không). 


Và rất nhiều người trong số chúng ta đón nhận khái niệm "cách mạng 4.0" kia bằng thái độ đa dạng: từ hồ hởi cho tới hoài nghi (vì chưa thực sự biết 4.0 là gì); từ vồ vập cho tới lạnh nhạt.

Trong đa chiều đón nhận "cách mạng 4.0" ấy, có một phát biểu khá thu hút của CEO một tập đoàn viễn thông rằng "Việt Nam có thể dẫn đầu cách mạng 4.0 trên thế giới". Hai chữ "có thể" ở đây được sử dụng như là gợi nhắc đến một cơ hội, song nó cũng gây khá nhiều hiểu lầm trong số ít ỏi những người thực sự hiểu cuộc cách mạng 4.0 là gì.

Thực chất, khái niệm cách mạng 4.0 đã được nhắc tới đây đó từ khá lâu, nhiều thập niên trước, như một dự báo về viễn cảnh phát triển và thực sự nó chỉ được "hồi sinh" lại ở năm 2011, vào đúng dịp Hội chợ Hannover.

Kể từ sau dấu mốc ấy, cách mạng 4.0 đã bắt đầu phát triển mạnh hơn nữa và nó bắt đầu vượt ra ngoài nền tảng ban đầu là cyber-physical systems (Các hệ thống tự động hoá sử dụng trí thông minh nhân tạo). Sự bùng nổ của nó ban đầu tưởng như chỉ là những lĩnh vực thuộc về trí thông minh nhân tạo đơn thuần, nhưng càng về sau, nó càng cho thấy sức ảnh hưởng lan tỏa đến nhiều lĩnh vực khác, thậm chí có những lĩnh vực nghe ra có vẻ không liên quan.

Và để tạm nắm bắt về sức ảnh hưởng lan tỏa ấy, chúng ta có thể tham khảo chia sẻ của PGS - TS Nguyễn Ái Việt, một nhà khoa học có chuyên môn về vật lý học và công nghệ thông tin. Trên trang cá nhân của mình, ông đã viết rằng "Độ này nghe nói về cách mạng 4.0 khá nhiều. Bản thân chưa bao giờ quan tâm đến vấn đề này.

Các nhà mạng đang chạy đua với công nghệ 4G. (nguồn ảnh Internet)

Có một số người hỏi và bàn, chưa có ý kiến. Lúc đầu cũng nghĩ nó là một trào lưu kinh doanh công nghệ đơn thuần nhưng sau khi để tâm, thấy nó đã có những tiền đề về xã hội, triết học, chính trị, văn học nghệ thuật, thậm chí cả nhận thức về ý thức chứ không đơn thuần là công nghệ. Có lẽ phải nghiên cứu nghiêm túc một chút".

Vâng, đó là quan điểm một nhà khoa học thực sự, đã từng nhiều năm nghiên cứu ở nước ngoài và có những công trình nhất định. Một nhà khoa học không-ngoài-ngành còn phải tự nhận thức rằng chính ông cần phải nghiên cứu nghiêm túc thêm về cách mạng 4.0 thì chính chúng ta, bao gồm từ những người hoạch định chiến lược; những doanh nhân; những tay bút phân tích tình hình xã hội… sẽ càng phải chậm lại một chút, thận trọng hơn chút khi nói đến 4.0, một khái niệm còn vô cùng mơ hồ...

Hãy nhìn vào bản chất ban đầu của "cách mạng 4.0", tức là ứng dụng công nghệ sử dụng trí tuệ nhân tạo, chúng ta sẽ nhận ra rằng Việt Nam chưa có điều kiện để tham gia thực sự vào sân chơi 4.0 hôm nay trong vai trò sáng tạo. Chúng ta chỉ có thể tham gia ở vai trò ứng dụng và ngay bản thân chuyện ứng dụng thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế xã hội đã là một câu hỏi hóc búa, một nan đề đối với những nhà quản lý rồi.

Hơn thế nữa, trong các đòi hỏi cho một cuộc "cách mạng 4.0" nói chung luôn tồn tại 4 yếu tố rất quan trọng bao gồm: Vận hành, điều khiển qua internet; tính minh bạch thông tin; sự hỗ trợ của công nghệ và yêu cầu phân quyền quyết định. Các yếu tố nghe có vẻ đơn giản nhưng thực chất không hề dễ dàng thực hiện được ở Việt Nam lúc này (trừ yếu tố đầu tiên và yếu tố thứ ba) nếu như không đòi hỏi những cải cách rất mạnh mẽ trong xã hội.

Và điểm cần lưu tâm cuối cùng, nhưng không hẳn là kém quan trọng nhất, chính là dữ kiện cơ sở siêu lớn (Bid Data). Thế giới hôm nay được quyết định bởi những người nắm giữ big data bởi họ có thể nắm bắt cụ thể hành vi của cộng đồng cũng như bẻ lái xu hướng cộng đồng từ đó một cách dễ dàng.

Và trí thông minh nhân tạo trong "cách mạng 4.0" không phải là cuộc chơi của những "người máy" đơn thuần kỹ nghệ như chúng ta hình dung mà là cuộc chơi của những bộ não nhân tạo có thể học được hành vi người dùng để tạo tập quán riêng cho chính nó, thứ mà bản thân các cường quốc công nghệ trên thế giới cũng không dám mạnh dạn tuyên bố mình có khả năng dẫn đầu.

Riêng về big data, hiện thời các công cụ mạng xã hội như facebook, youtube, google… đang nắm giữ một lượng cơ sở dữ liệu cực lớn liên quan đến người dùng của họ và bởi thế, họ dễ dàng dẫn dụ người dùng theo những xu thế ảo và từ đó tạo ra các tác động thực.

Như vậy, trước làn sóng "cuộc cách mạng 4.0", chúng ta nhất thiết phải quan tâm, nhưng không thể nào vội vã với những tuyên ngôn, những công bố ầm ĩ nhưng thiếu cơ sở thực chất. Bởi không thận trọng, chúng ta rất dễ trở thành nạn nhân thực sự của con quái vật công nghệ.

Hà Quang Minh
.
.