"Thảm họa" thơ mừng

Thứ Tư, 18/03/2015, 08:00
Thời xưa hầu như những người "có chữ" đều có làm thơ. Chơi chữ, thờ chữ là một thứ làm sang của những người có tiền, có danh vọng. Ngoài hoành phi câu đối, người ta còn làm bức đại tự, bức cuốn thư hay đơn giản chỉ là bức gỗ khắc thơ sơn son thếp vàng. Ấy nên người thâm thúy mới dựa vào chữ để: "xỏ ngọt" những kẻ háo danh, khoe mẽ hoặc nhân phẩm có vấn đề…

Tỉ như giai thoại cụ Nguyễn Khuyến tặng cô Tư Hồng, bà tổ lấy chồng Tây mà bố đẻ được phong tước, mấy chữ đại tự "Chi chi dã". Chữ treo lên rồi có người đọc lái thành "Cha cha đĩ", câu cửa miệng dân gian hồi đó chê là gái đĩ mới lấy chồng Tây. Hay giai thoại các nhà yêu nước tặng Thủ tướng Chính quyền Sài Gòn Nguyễn Văn Tâm chữ "Đại điểm quần thần" với nghĩa "nổi" là "bề tôi có vị trí quan trọng", nhưng nghĩa "ngầm" là "Chấm to bầy tôi" và đọc lái thành "Chó Tâm bồi Tây", một câu chửi thẳng kẻ làm tay sai cho ngoại bang nhưng rất thâm sâu, tinh tế.

Thời nay nước ta phổ cập giáo dục, toàn dân biết chữ, và chất thơ ngấm trong máu thịt người Việt gặp lúc bột phát. Xã thôn nào cũng có hội thơ, câu lạc bộ thơ. Dĩ nhiên để làm đẹp lòng nhau thì thơ mừng tất phát triển. Đọc một bài thơ của bạn là có thơ họa tán dương, thậm chí có thơ mừng chính bài thơ đó. Đi sinh hoạt thơ thì ứng khẩu được dăm ba bài mừng buổi sinh hoạt, địa danh tổ chức và cả những người tổ chức buổi sinh hoạt thơ ấy.

Một sự kiện văn hóa được nhiều nơi duy trì là tục "khao thọ", "trọng tuổi". Trước đây thơ mừng thọ là đặc sản của số ít người hay chữ trong vùng. Nay ai cũng có chữ và chẳng chịu nhận là mình không hay chữ. Tự làm lấy thơ mừng. Thảm họa từ đấy mà ra.

Có người làm thơ mừng chú được tuần khánh thọ thất thập bước vào lớp người "xưa nay hiếm". Người chú vốn là người chăm chỉ lao động, ruộng cả ao liền, đồng trước đồng sau đều nhiều. Vậy có thơ rằng:

Chú tôi củ mỉ cù mì
Mặt tròn như hạt có gì khác đâu
Chân trần lội khắp đồng sâu
Cả đời một mảnh áo nâu sá gì.

Ông cháu tự sướng liền đi thuê thợ khéo tay thể hiện lên mảnh vải đỏ chữ vàng có nền mây tản, cỏ linh chi huyền ảo. Chữ treo lên thật là độc đáo. Lại sang. Hiếm có.

Nhưng cái thời phổ cập này ai cũng hay chữ thì có người làm thơ ắt có người bình thơ. Bình rằng: "Củ mỉ cù mì" là lành quá hóa đần, tuy vậy còn nhẹ so với "mặt tròn như hạt" bởi người ta thường ví mặt lưỡi cày, mặt như hạt dái trâu, mặt vuông chữ điền. "Chân trần lội khắp đồng sâu" là thằng chăn vịt rồi, ăn bờ ở bụi rồi. "Cả đời một mảnh áo nâu" thì là thằng ăn mày à. Ăn mày cũng không đến nỗi cả đời một mảnh áo nâu. Cụ nhà ta đây ruộng cả ao liền, tay chơi khét tiếng lẽ nào lại là thằng đần, thằng chăn vịt, thằng ăn mày được. Xỏ ngọt đến thế là cùng.

Tấm vải đỏ chép bài thơ mừng sang trọng, độc đáo thế là không còn cơ hội phần phật bay trước tác giả cũng như khổ chủ nữa.

Rút kinh nghiệm không làm thơ lục bát nôm na mách qué dễ bị bẻ ngay thành queo, có người làm thơ mừng thọ bằng thể Đường luật cho nó trang trọng. Hãy thưởng thức câu đầu: "Đã năm mươi còn năm mươi nữa". Ý tác giả rõ như ban ngày, mừng thọ năm mươi "lên cụ" và mừng tiếp năm mươi nữa cho đẹp bách niên giai lão. Vậy mà vẫn có người bình ra "hai năm mươi" là về chầu tiên tổ chứ đâu còn là mừng thọ nữa. Tác giả giật mình, ừ nhỉ, dân ta có cách nói phiếm chỉ, "trăm tuổi" hay "hai năm mươi" là hết dương thọ. Vội lẳng lặng thu thơ rút lui an toàn.

Lại có người mừng nhà mới, nhân sinh nhật con trai sáu tuổi đã tự làm đôi câu đối đỏ:

Nhà ngói đủ năm gian, làm bằng một đỏ
Con trai tròn sáu tuổi, quý tựa ngàn vàng.

Đôi liễn treo lên có ngay người đến nói nhỏ vào tai ông chủ:

- Ông "làm bằng một đỏ" là gặp vận đỏ vận may mới làm nổi nhà à, sao không thay chữ "bằng" thành chữ "liền" có phải là ông tiềm lực mạnh, làm một lèo là xong. Chữ "tròn" thì sái quá. Tròn là kín hết. Đời người mà phong kín thì là gì. Sái quá. Con lên sáu rồi lên bảy lên tám và trưởng thành chứ cứ tròn sáu tuổi là thôi à. Thay bằng chữ "lên" khả dĩ hơn.

Thời xưa có câu "Khôn văn bái, dại văn bia", thơ mừng được treo lên cũng là một thứ văn bia người có học mà chưa phải bậc đại bút đâu dễ "thể hiện" mình được, phải không các bạn. 

Phạm Thuận Thành
.
.