Công nghệ “kẹo kéo”:

Thảm họa phim dài tập?

Thứ Sáu, 21/08/2015, 08:00
Kể từ lúc chính thức lên sóng kênh Colors TV của Ấn Độ ngày 21/7/2008, đến nay, bộ phim "Balika Vadhu" (tựa Việt là "Cô dâu 8 tuổi") đã xác lập kỷ lục trong ngành truyền hình nước này.

Theo Times of India, suốt 7 năm qua, bộ phim nói về nạn tảo hôn ở vùng nông thôn hẻo lánh bang Rajasthan, Tây Bắc Ấn Độ, vẫn tiếp tục thu hút một lượng khán giả của riêng nó. Vượt qua kỷ lục 1.833 tập trước đó của phim truyền hình "Kyunki... Saas Bhi Kabhi Bahu Thi" (Vì mẹ chồng từng là con dâu), phim "Cô dâu 8 tuổi" trở thành phim truyền hình dài tập nhất tại Ấn Độ với 1.927 tập.

Về Việt Nam, đơn vị mua bản quyền là kênh truyền hình Today TV đã biên tập lại và ghép 2 tập phim ở Ấn Độ thành 1 tập ở Việt Nam dài 45 phút. Do đó, gần 2.000 tập phim "Cô dâu 8 tuổi" của Ấn Độ chỉ còn lại là 900 tập phim khi chiếu trong nước.

Tỉ lệ người xem "Cô dâu 8 tuổi" tại Ấn Độ đã tăng trở lại vào cuối năm 2013 - Ảnh: Hindustantimes.

Năm 2009, theo báo ExpressIndia, ông Sharad Yadav, Chủ tịch Đảng Janata Dal đã từng yêu cầu cấm bộ phim này vì cho rằng đã vi phạm Hiến pháp Ấn Độ khi đưa lên màn ảnh câu chuyện về tình trạng tảo hôn. Đáp lại đề xuất của ông Sharad Yadav, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Ấn Độ khi đó là bà Ambika Soni cho biết sẽ xem xét lại vấn đề, nhưng cũng nhấn mạnh rằng, chính phủ không ngăn cản "quyền tự do ngôn luận và tự do biểu đạt" của người dân.

Sau đó, Quốc hội Ấn Độ vẫn quyết định cho phép "Cô dâu 8 tuổi" lên sóng. Những mắc mớ tại nghị trường vô tình khiến bộ phim vốn đã nóng lại càng trở nên nóng hơn sau đó. Trong 4 năm kể từ thời điểm phát sóng đầu tiên (2008-2011), "Cô dâu 8 tuổi" liên tiếp nhận được giải thưởng lớn trong các lễ trao giải Indian Telly Awards thường niên dành cho các chương trình truyền hình đặc sắc nhất tại Ấn Độ. 

Công nghệ "kẹo kéo"

Phim truyền hình dòng soap opera là loại phim dài tập với các câu chuyện đan xen kể về cuộc đời và những diễn biến liên quan của một hoặc vài nhân vật chính, chủ yếu tập trung vào các quan hệ tình cảm trong gia đình.

Ở Ấn Độ với hơn 800 kênh truyền hình cạnh tranh thị phần, soap opera trở thành dòng phim chủ lực để các nhà đài tăng nguồn thu quảng cáo. Các bộ phim truyền hình dài tập luôn được chiếu trong khung giờ vàng tại quốc gia này.

Ai đã từng một lần xem phim truyền hình Ấn Độ dòng soap opera, chắc chắn sẽ ấn tượng với những đặc thù: nhiều màu sắc, nhiều âm nhạc và tiết tấu thì… chậm không tả xiết. Từng có bài báo giật tít: "Cô dâu 8 tuổi: Ôi thần linh ơi... Hôn nhau hết hai ngày!". Cái tít đó không ngoa ngôn chút nào.

Trên Youtube còn lan truyền đoạn video clip của nhóm Nhạc Trắng với tựa đề rất khiêu khích: "Đi tè kiểu… Cô dâu 8 tuổi" với những pha cận cảnh, động tác và cử chỉ nhân vật lờ đờ mang tính giễu nhại khiến hàng ngàn người xem phải bật cười vì… sao mà giống thế!

Nhà làm phim đã không ngần ngại sử dụng những phút "đứng hình" để liên tục "nhấn sâu" thêm khía cạnh biểu đạt cảm xúc của nhân vật. Một cú ngã của nhân vật mà từ lúc bắt đầu ngã tới lúc ngã hẳn ra đất cũng phải mất vài phút thì quả là quá… "cao thủ"!

Nếu chỉ nói như vậy thì có vẻ như kỹ thuật "kéo violon" của các nhà làm phim truyền hình Ấn Độ đơn giản quá. Cũng hoàn toàn không ngẫu nhiên khi bên cạnh luồng dư luận phản đối, vẫn có rất đông khán giả mê phim Ấn. Vậy nguyên do là đâu?

Trên thực tế, nhà làm phim truyền hình dòng soap opera Ấn Độ đã rất am tường nhu cầu và thị hiếu của nhóm đối tượng khán giả họ chủ đích hướng tới: những người phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ làm công việc nội trợ. Họ xoáy sâu vào các mối quan hệ tình cảm trong gia đình, đặc biệt là quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, những éo le, uẩn khúc, những mắc míu không dễ giãi bày. Theo truyền thống còn nặng nề nhiều hủ tục ràng buộc, người phụ nữ Ấn Độ khi kết hôn đồng thời cũng trở thành một thành viên phải đội trên đầu vô số những ràng buộc phức tạp khác với họ hàng nhà chồng. Các mối quan hệ cha con, anh em, vợ chồng, hàng xóm láng giềng trở thành những mâu thuẫn đan dệt lắm khi éo le rơi nước mắt. Nhà làm phim truyền hình Ấn đã nhận ra sức mạnh của việc khai thác những chuyện tưởng như rất bình thường đó trong việc gợi nên mối đồng cảm ủy mị vốn có sẵn trong bản năng ở những khán giả là phụ nữ.

Khi được xoáy sâu vào những bi kịch đời sống có độ tương đồng càng cao, các khán giả càng muốn "trên từng cây số" với nhân vật để được cùng khóc, cười, sung sướng, hận thù… với nhân vật họ yêu mến. Thống kê cho thấy có tới 70% khán giả phim truyền hình Ấn Độ là phụ nữ.

Cảnh báo về sự… "nhạt"

Báo Hindustantimes của Ấn Độ cũng ghi nhận thực tế, khác với những năm đầu khi "Cô dâu 8 tuổi" mới lên sóng, các khán giả trung thành có thể miệt mài kiên nhẫn theo dõi hành trình lớn lên của cô bé Anandi với 3 diễn viên tham gia đóng, thì nay hình như "sự đeo đuổi" này đã bớt phần nồng nhiệt.

Bảng xếp hạng 5 bộ phim báo Hindustantimes cho rằng nên chấm dứt vì quá dài của TAM - Ảnh: Hindustantimes.

Gần đây, khi bộ phim tiếp tục được phát triển theo hướng con gái của Anandi cũng sa vào cảnh ngộ tảo hôn giống hệt mẹ, nhiều khán giả Ấn cho rằng, truyện phim như thế chẳng khác nào kiểu "bình mới rượu cũ". Nhiều khán giả quen thuộc nói, họ có cảm giác có những bộ phim truyền hình dài tập hình như không bao giờ kết thúc. Các tập phim nối tiếp 5 ngày một tuần, hơn 50 tuần một năm và năm nọ nối tiếp năm kia có khi cả thập kỷ đã khiến nhiều người dân Ấn xem phim truyền hình vì thói quen hơn là sở thích.

Ngoài "Cô dâu 8 tuổi", những bộ phim truyền hình kéo dài hơn 4 năm tại Ấn Độ còn có phim "Taarak Mehta Ka Ooltah Chashmah" (chiếu 6 năm với 1.500 tập); phim "Diya Aur Baati Hum" vừa đạt mốc 1.000 tập đã lên sóng suốt 4 năm qua và phim "Yeh Rishta Kya Kehlata Hai" (Tên của mối quan hệ này) dài 1.650 tập phát sóng trong 6 năm.

Báo Hindustantimes đã thẳng thắn đề nghị "nhà đài" nên cân nhắc việc chấm dứt 5 series phim truyền hình được cho là "thử thách lòng kiên nhẫn quá mức" của người xem, trong đó có "Cô dâu 8 tuổi". Đó là các phim: "Qubool Hai" (phát sóng từ năm 2012); "Balika Vadhu - Cô dâu 8 tuổi" (từ năm 2008), Yeh Rishta Kya Kehlata Hai (từ năm 2009), "CID" (từ năm 1998) và "Saath Nibhaana Saathiya" (từ năm 2014).

Theo đánh giá của hãng nghiên cứu truyền thông TAM tại Ấn Độ, trong số 5 bộ phim nói trên, "Cô dâu 8 tuổi" hiện có số khán giả theo dõi thấp nhất theo bảng xếp hạng điều tra thị hiếu người xem.

Lựa chọn vẫn thuộc về người xem

Ở Việt Nam, tuy chưa có thống kê đầy đủ và chính xác nào về các nhóm đối tượng của phim truyền hình, nhưng thực tiễn có thể giúp ta hình dung, phần đông người thích và có thời gian cho phim truyền hình là những người phụ nữ ở nhà hoặc có nhiều thời gian rảnh rỗi.

Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu nhà đài có nên tinh lọc kỹ lưỡng hơn nữa chất lượng các bộ phim chọn phát sóng để vừa đáp ứng nhu cầu giải trí, vừa nâng cao thị hiếu thẩm mỹ của người xem? Với những bộ phim nhập khẩu đó, ai dám bảo chúng không gây tác động bắt chước với một số đơn vị sản xuất phim truyền hình trong nước! Mà khổ thay, phim truyền hình của ta vốn lâu nay cũng đã hứng chịu biết bao "gạch đá" rồi.

Thực tế là quyền quyết định trong vấn đề xem hay không xem luôn thuộc về khán giả. Nếu họ thấy hay, tự khắc họ sẽ lo sắp xếp công việc để đúng ngày ấy, giờ ấy có thể ngồi trước màn hình TV. Nhà đài có thể không quan tâm tới chất lượng phim hay hay dở, nhưng chắc chắn sẽ phải cân nhắc khi thấy lượng "view" sụt giảm, các đơn vị ký kết hợp đồng quảng cáo với họ sụt giảm độ mặn mà.

Đó cũng là lý do vì sao mà tới nay, các công ty chuyên nhập khẩu phim nước ngoài tại Việt Nam như Hãng phim Đào Thu, Công ty Hòa Bình Media,… vẫn chỉ đang mua bản quyền phim Ấn với ý định thăm dò một cách dè dặt. Dù vậy thì giá mua bản quyền phim Ấn cũng không hề rẻ, được biết vào khoảng 1.500 - 2.000 USD/tập, mà nếu nhân lên với hàng ngàn tập thì rõ ràng đó là sự lãng phí không cần thiết.

Đỗ Dương
.
.