Thách thức trong hội nhập

Thứ Năm, 08/10/2015, 15:07
Trong chương trình Chuyển động 24h của VTV1 phát sóng tối thứ hai vừa rồi có một phóng sự khá thú vị về một người nông dân Nhật Bản. Với một nông trại không phải quá lớn, chủ yếu sử dụng chính nguồn nhân lực tự túc của gia đình, chỉ thuê lao động thời vụ khi cao điểm, người nông dân ấy có thể thu nhập khoảng 5-6 triệu Yên (tương đương khoảng 5-6 tỷ đồng) mỗi năm.

Người nông dân ấy chia sẻ rằng, thị trường truyền thống chủ yếu xưa nay là các siêu thị nhưng vì các siêu thị vốn dĩ mua với số lượng lớn nên hay ép giá nên ông lựa chọn phương án tiếp thị sản phẩm trên Internet và bán chủ yếu cho những người tiêu dùng sẵn sàng chi nhiều tiền cho rau quả sạch, chất lượng cao. Và để tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao đó, người nông dân nọ đã ứng dụng công nghệ tiên tiến vào trong quá trình sản xuất của mình. Doanh thu của ông bởi thế cũng đạt mức đáng mơ ước như vậy.

Cũng trong chương trình kể trên, ngay sau phóng sự về người nông dân Nhật Bản là một bản tin ngắn về tiến trình đàm phán hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là 1 trong 12 nước tham gia. Một trong những điểm được đàm phán của hiệp định này chính là mở cửa cho thị trường nông sản. Và nhắc tới điểm này, nhiều người vẫn lạc quan cho rằng đó chính là cơ hội lớn cho Việt Nam, một nước nông nghiệp có sản lượng nông sản cao và chủng loại nông sản cũng đa dạng. Song, e rằng đó chỉ là sự lạc quan lý thuyết bởi thực tế, chúng ta đang đứng trước nguy cơ thì đúng hơn.

Hoàn tất quá trình đàm phán hiệp định thương mại lịch sử TPP, trong đó có  Việt Nam.

Hãy thử hình dung xem, thị trường nông sản nước ngoài nào sẽ được coi là "cơ hội" cho Việt Nam sau hiệp định TPP? Đó là Brunei, là Mỹ, là Mexico, là Chile, là Australia, là Nhật, là Canada, là Peru, là Singapore, là Malaysia và New Zealand. Vâng, 11 thị trường đó khác xa thị trường phổ thông Việt Nam đương thời ở đúng một điểm: đòi hỏi chất lượng sản phẩm của họ khắt khe hơn rất nhiều. Và nông nghiệp Việt Nam thì đang ở đâu? Chúng ta vẫn đang sản xuất theo đúng mục đích lấy tiêu chuẩn tiêu dùng phổ thông của thị trường Việt Nam làm thước đo. Như vậy, có cơ hội nào cho nông sản Việt hay không? Hay là ngược lại, chúng ta phải đứng trước một nguy cơ bị xâm thực bởi chính nông sản của nước ngoài, với giá rất cao, và dành cho những thị dân mới giàu lúc nào cũng ám ảnh bởi sự không sạch của nông sản trong nước và nông sản nhập khẩu tiểu ngạch từ Trung Quốc?

Nguy cơ đó là có thật. Bởi vì khi đã có những người Việt sẵn sàng bỏ ra một triệu đồng để ăn tô phở bò có thịt bò hoàn toàn nhập khẩu từ Nhật (thịt bò Kobe) thì cũng sẽ có những người không ngại ngần bỏ ra mấy chục ngàn để mua một mớ rau sạch nhập khẩu thay vì mua nông sản trong nước. Và người nông dân Việt Nam, không được chuẩn bị đầy đủ kiến thức và nhận thức để thay đổi phương thức làm ăn của mình, sẽ chấp nhận tiếp tục chạy đua với cuộc đua sản lượng và giá rẻ để tiếp tục tung ra thị trường bình dân những thứ nông sản không an toàn. Viễn cảnh là gì?

Người nghèo tiếp tục nghèo và người nghèo có thể chết dần chết mòn vì những sản phẩm kém chất lượng (bởi họ có tiền đâu mà đòi dùng sản phẩm chất lượng), trong khi đó người giàu tiếp tục sử dụng thực phẩm nhập khẩu hoàn toàn và trong sự an toàn vị kỷ của mình, họ tiếp tục than vãn về một nỗi buồn vô hình mang đầy tính ái quốc. Họ có bị đánh thức bởi nguy cơ kia hay không? Cũng có thể lắm chứ. Nhưng họ không nghĩ đó là việc của mình với quan điểm rất cổ hủ là "tôi không phải nông dân, tại sao tôi lại phải lo lắng việc của nhà nông?".

Nhưng tất nhiên, không phải mọi thứ có vẻ bi kịch đều sẽ chỉ mang lại kết quả bi quan. Trong nguy cơ đe dọa cấp thiết kia, chắc chắn vẫn còn cơ hội. Đó là cơ hội đầy chắt lọc và chỉ dành cho những người thực sự chịu đầu tư trí lực để vượt khó, vượt mối đe dọa cạnh tranh mạnh mẽ từ nước ngoài. Nhưng chắc chắn, họ không thể vượt khó đơn độc được mà họ rất cần sự hậu thuẫn từ rất nhiều phía, đặc biệt là từ các nhà khoa học và từ quản lý nhà nước.

Giả sử, nếu có những nhà khoa học tâm huyết hết mình giúp nông dân phương pháp cải thiện cách canh tác và nhà nước mạnh dạn miễn thuế có thời hạn cho những hộ nông dân đầu tư sản xuất nông sản chất lượng cao, chắc chắn sẽ có những sản phẩm mà ngay cả những người khó tính nhất cũng không thể từ chối. Rồi thêm vào đó, nếu có những người giúp nông dân làm thương hiệu, chắc chắn TPP sẽ là cơ hội chứ không còn là nguy cơ đe dọa nữa.

Những cái "nếu" ấy không phải là những cái nếu bất khả. Chỉ có điều, chúng ta không được phép cho mình thờ ơ, tự tìm vào cái vỏ ốc an toàn, và đừng bao giờ để đồng bào của mình phải ở vào thế đơn độc…

Hà Quang Minh
.
.