Tên phim không chỉ sốc là xong

Thứ Hai, 14/09/2015, 08:00
Tên phim được ví như gương mặt của bộ phim để khán giả nhận diện, nhớ tới và quyết định xem hay không. Có lẽ hiểu được sức mạnh đó nên các nhà sản xuất luôn "vò đầu bứt tóc" tạo nên những cái tên  ấn tượng, chứ không đơn thuần là "con anh khác con tôi". Ngoài những tên phim nghe rất "kêu", bây giờ là thời của hàng loạt phim có tên theo kiểu "kêu... trời".

Ma trận tựa phim

"Like: Tình yêu - Thời trang - Khăn rằn" là bộ phim vừa chiếu trên kênh SCTV1 đã lùm xùm vụ đòi tiền cát-se của ekip làm phim. Nhưng bộ phim còn gây chú ý bởi cái tên dài ngoằng, rời rạc và khó hiểu. Đạo diễn Đỗ Thành An giải thích: "Tôi muốn tác phẩm của mình mang hơi thở cuộc sống hiện đại nên "Like: Tình yêu - Thời trang - Khăn rằn" cũng chẳng phải điều gì cao siêu lắm.

Chữ Like rất quen thuộc với người dùng mạng, đó cũng là gu riêng của nhân vật chính do Dương Cẩm Lynh thủ vai và chúng tôi xác định việc chiếm đoạt Like là mạch chính của phim". Nghe xong lý giải, nhiều người vẫn thấy rối rắm như gà mắc tóc. Ngay cả khi phim đã đóng máy, nhiều diễn viên tham gia khi được hỏi vẫn lắc đầu "chịu chết" với cái tên đánh đố trên.

Một trường hợp tương tự là "Già gân, Mỹ nhân và Găng - tơ" sẽ ra mắt trong mùa Giáng sinh năm nay. Cách giải thích của nhà sản xuất, diễn viên Thanh Thúy và đạo diễn Đức Thịnh khiến khán giả chỉ tạm hiểu phim có sự tham gia diễn xuất của ca sĩ Tóc Tiên và danh hài Hoài Linh nên tên mới có từ "Mỹ nhân" và "Già gân". Còn ý nghĩa phim ra làm sao thì chịu.

Một số diễn viên trong phim "Like: Tình yêu - Thời trang - Khăn rằn" cũng không cắt nghĩa nổi tại sao tên phim dài và khó hiểu như vậy.

 Hai phim trên gợi nhớ tới "lịch sử bị ném đá" của "Hoán đổi thân xác" năm 2011. Ngày họp báo, các phóng viên phải dụi mắt mấy lần vì sợ mình đọc nhầm tên phim. Đến khi đạo diễn Nhất Trung khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng "Siêu sĩ, ca mẫu, nhà con học và khoa chó" là cái tên giành giải nhất trong cuộc bình chọn tên phim trên mạng nên đoàn lấy nó làm tựa chính thức thì ai nấy té ngửa.  Tham gia cuộc bình chọn còn có các tên khác như "Ai là ai?", "Giới tính lộn xộn", "Hoán đổi", "Khi bạn là tôi"... Theo cách diễn giải của đạo diễn thì tên "siêu độc, siêu tối nghĩa" trên chỉ là cách đảo từ của "Ca sĩ, siêu mẫu, nhà khoa học và con chó". Đảo từ thì mới đúng nội dung phim: những tình huống dở khóc, dở cười khi nhà khoa học bị hoán đổi với con chó, nam ca sĩ bị hoán đổi với nữ siêu mẫu... Ngay cả khi tên phim đã nghiêm ngắn thì khán giả cũng chỉ thấy sự vô nghĩa, thật thà như đếm. Với cái tên chính thức thì đúng là kiểu thật thà như đếm, mà còn đếm... lộn. Đến khi dư luận tức giận đùng đùng vì méo miệng đọc hàng giờ cũng không nhớ nổi tên phim, đạo diễn mới hoảng hốt sửa lại là "Hoán đổi thân xác". Kiểu đặt tít "bóp nát" tiếng Việt cũng từng xuất hiện ở phim "Iu anh, em zám hok?" ("Yêu anh, em dám không?").

Trái với kiểu đặt tên thật thà, mới đây nhất, Thủy Tiên lần đầu tiên tung tiền đầu tư cho bộ phim mà cô viết kịch bản mang cái tên rất lấp lửng: "Điệp vụ 3 lờ". Ngay sau buổi công bố và tuyển chọn diễn viên cho phim, cô phải lên mạng suỵt khẽ các fan hâm mộ với đại ý "Cấm nghĩ bậy". Có gì đó không ổn thì Thủy Tiên phải nhẹ nhàng chỉnh đốn tư tưởng của công chúng như thế chứ nhỉ?

Oái ăm, cái gì càng cấm thì người ta càng nghĩ. Mà chuyện tên phim, Thủy Tiên cũng chỉ đả động đến đó mặc cho dư luận rần rần. Sau cùng, cô chỉ chăm chăm bật mí về chuyện hậu trường: nào là đây là phim hài xen lẫn tâm lý tình cảm, nào là mình chỉ tham gia một vai nhỏ, nào là Công Vinh ủng hộ vợ chi 10 tỷ để sản xuất phim... 

So với "Điệp vụ 3 lờ" thì "Hy sinh đời trai", "Biết chết liền", "Sơn đẹp trai"...  khá nhẹ "đô". Phim hài thường có tên cà rỡn, xốc nổi nhưng những phim có tên không mấy "đàng hoàng" thì tỉ lệ thuộc nhóm hài nhảm rất cao. Không chỉ phim hài có kiểu giật tựa lạ đời mà ngay cả phim tâm lý cũng từng có cái tên dài ngoẵng: "Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt". Vì tên quá dài nên chính đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cũng phát mệt. Mỗi lần nhắc đến, anh chỉ gọi tắt "Hotboy nổi loạn". Lâu dần, công chúng quen với cách gọi đó. Khi đem phim đi thi các liên hoan phim quốc tế, phim được đặt lại bằng tên tiếng Anh ngắn gọn, dễ hiểu hơn: "Lost in Paradise" (Tạm dịch: Lạc giữa thiên đường).

Thùng rỗng kêu to?

Tên phim trước hết phải dễ nhớ, dễ hiểu rồi mới bàn đến hay dở để "phổ cập" cho công chúng. Có nhiều cách đặt tên phim: từ lấy tên nhân vật chính ("Quyên", "Hương ga", "Chị Tư Hậu", "Cô Nhíp", "Vợ chồng A Phủ"...) hoặc tên thời gian, địa điểm ("Mùa ổi", "Mùa len trâu", "Đất phương Nam"...) cho đến tên sự việc, vấn đề mang tính khái quát, biểu trưng... Từ trước đến nay không thiếu những tựa phim giản dị và rất gợi, thậm chí giàu tính văn học như: "Mê Thảo - Thời vang bóng", "Mùa hè chiều thẳng đứng", "Hạt mưa rơi bao lâu", "Đời cát", "Trăng nơi đáy giếng"...

Với dòng phim "mì ăn liền" của thập niên 90 thế kỉ trước, tên phim khá sến, bay bổng như: "Ngọt ngào và man trá", "Gọi tình yêu quay về", "Trái tim chó sói", "Sau những giấc mơ hồng", "Trái tim lỡ hẹn"...

Về sau những cái tên diễm tình trên đã không đủ độ câu kéo khán giả khi nội dung phim nhàn nhạt dẫn đến cái chết của dòng phim "mì ăn liền". Muốn khán giả bỏ tiền vào rạp, sau này, nhà làm phim thị trường bắt đầu tung những cái tên táo bạo, nhắc khéo đến nội dung nhạy cảm hoặc lạ lẫm: "Đẻ mướn", "Trai nhảy", "Gái nhảy", "Nụ hôn thần chết", "Khi đàn ông có bầu"...

Ca sĩ Tóc Tiên trong phim "Già gân, Mỹ nhân và Găng tơ".

Sự táo bạo xen kiểu úp mở mời gọi khiến khán giả không thể ngồi yên vì tò mò. Hiểu được tâm lý đó nên bây giờ nhiều phim đua nhau tạo tựa theo thị hiếu "độc, lạ, sốc" dẫn đến sự dễ dãi, thích sao đặt vậy. Tựa có thể theo kiểu siêu thật thà để cuối cùng nó là một chuỗi liệt kê dài loằng ngoằng. Không hiểu trong chuỗi liệt kê đó, nhân vật, câu chuyện nào là trọng tâm? Dĩ nhiên phải xem mới rõ. Một số tựa khác thay vì liệt kê rõ ràng lại làm cho câu cú, từ ngữ lộn xộn để khán giả càng bù đầu càng tốt. Ngoài ra, còn có cách gây sốc theo kiểu ngôn ngữ lề đường, phát ngôn bừa bãi...

Rõ ràng, tên phim giật gân có hiệu ứng nhất định trong khâu quảng bá. Nhưng tên phim như vậy chỉ chứng tỏ sự non tay của người sản xuất. Họ không hiểu rằng, tên phim phải giúp khán giả phần nào thấu hiểu được thông điệp, nội dung mà phim muốn gửi gắm. Ở đây, tên chỉ thu hút sự tò mò nhất thời của công chúng chứ không hỗ trợ hay khơi gợi gì cho giá trị bộ phim. Dùng tên như vậy khác nào chơi dao hai lưỡi. Có bạn đọc khi mới nghe tên "Điệp vụ 3 lờ" đã tuyên bố: "Vậy là loại được một phim nhảm nhí mình không xem vào cuối năm".  

Cũng có phim dùng tên gây lố, cực "sốc" để lấp liếm cho nội dung rất hời hợt, cũ kỹ và đầy sạn. "Biết chết liền" chẳng ăn nhập gì đến bộ phim hài kinh dị ngoại trừ thỉnh thoảng đây là câu nói cửa miệng của một số nhân vật trong phim. Nghe cái tên "Hy sinh đời trai" thấy hoành tráng nhưng dàn sao như Lý Hùng, Phi Nhung, Andera, Hồ Ngọc Hà..., cách thể hiện cương cứng của diễn viên chính Tấn Beo cùng tình tiết vô lý đã làm khán giả tức anh ách khi ra khỏi rạp. Tương tự, "Hoán đổi thân xác" có motip khá cũ, "Iu anh, em zám hok?" cũng bị cho là nhảm nhí, lố bịch. Một cái tên "dị" về ngôn ngữ tiếng Việt, tưởng quá "kêu" khiến công chúng choáng ngợp và kỳ vọng mà nội dung phim sơ sài thì không khác gì nhà làm phim tự làm khó mình.

Sở dĩ "Hotboy nổi loạn, câu chuyện về thằng cười, cô gái điếm và con vịt" đạt được doanh thu ngất ngưởng không hẳn vì tên phim gây chú ý mà bởi nội dung phim được đánh giá tốt, cảm động. Ở trường hợp này thì dường như cái tên rối rắm kia làm giảm giá trị bộ phim.

Bây giờ, thời của phim "mì ăn liền" thế hệ 2 lên ngôi. Cứ có tiền thì nhà nhà, người người có thể là phim. Chẳng thế mà Trần Bảo Sơn, ca sĩ Thủy Tiên, diễn viên Thanh Thúy, Đức Thịnh, người mẫu Ngọc Trinh... đều trở thành nhà sản xuất phim. Số lượng thì tràn lan, chất lượng thì từ tệ đến... hại vì chuyên môn của họ đâu phải ai cũng vững. Vậy nên phải cạnh tranh nhau trước tiên ở cái tên gây sốc.

Đồng ý rằng tên có thể tùy ý chọn lựa thoải mái để hút khách nhưng không phải vì thế mà bất chấp mọi quy chuẩn, cố tình bóp méo tiếng Việt để tạo những cái tên phản cảm, lố bịch. Sáng tạo nghệ thuật bao hàm cả sự khác biệt,  thế nhưng không phải sự khác biệt nào cũng là sáng tạo nghệ thuật. Và dĩ nhiên, khi sơn dẫu tốt, nhưng để trường tồn, gỗ vẫn phải quý.

Phan Thi Uyên
.
.