Tạp chí văn nghệ địa phương: Bao giờ thoát cảnh "ao làng"?

Thứ Hai, 20/05/2019, 08:21
Tính địa phương của tờ tạp chí phải được xác định. Nền văn nghệ chung của nước nhà đã có những tờ báo Văn học nghệ thuật Trung ương lo. Các tạp chí văn nghệ địa phương phải có bản sắc riêng của vùng đất mình để góp vào nền báo chí chung thành một vườn hoa muôn sắc...


Quy hoạch các tạp chí văn nghệ địa phương - tín hiệu vui?

Nguyễn Thế Hùng

Ngày 2 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025. Trong đề án của Chính phủ về việc quy hoạch lại hệ thống báo chí cả nước, có nội dung: Mỗi tỉnh, thành có một cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, một cơ quan tạp chí thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh.

Đây thực sự là tin vui cho những người làm văn nghệ và văn nghệ sĩ cả nước. Nhưng vẫn còn những ý kiến khác nhau về việc sắp xếp, thay đổi hình thức từ báo văn nghệ địa phương sang tạp chí văn nghệ và liệu có cần thiết hay không khi mỗi địa phương dù lớn hay nhỏ đều có một tờ tạp chí văn nghệ?

Làm thế nào nâng cao chất lượng tờ tạp chí văn nghệ địa phương để thực sự trở thành một địa chỉ văn hóa văn nghệ có uy tín, chất lượng cho anh em văn nghệ sỹ trong tỉnh tụ họp, trao đổi nghề, truyền ngọn lửa đam mê sáng tạo nghệ thuật và gửi gắm niềm tin, tác phẩm của mình, cũng như thu hút được những tác phẩm nghệ thuật có chất lượng của các nhà văn nổi tiếng trên cả nước?

Việc duy trì các tờ tạp chí văn nghệ địa phương theo Đề án của Chính phủ là hoàn toàn đúng đắn, vì tiêu chí văn nghệ của các tờ báo chính trị xã hội nó rất khác với tiêu chí văn nghệ của các tờ văn nghệ chuyên ngành, chuyên sâu. Chính vì thế, những tác phẩm văn nghệ in trên các tờ báo thông tấn thường được coi như những chiếu nghỉ cầu thang.

Có nghĩa là khi đọc xong các bài báo mang tính thông tấn, người đọc "nghỉ mắt" ở một vài bài thơ, một vài câu chuyện nhẹ nhàng. Chính vì tiêu chí đó nên những tác phẩm văn nghệ in trên các tờ báo chính trị, xã hội thường chỉ là những tác phẩm mang tính tuyên truyền, giải trí tức thời, dễ đọc, dễ hiểu.

Từ tính đặc thù đó nên những người làm biên tập ở các tờ báo thông tấn thường nặng về tính báo chí hơn là văn chương. Vậy nên muốn tìm những tác phẩm văn học nghệ thuật hay, có tính sáng tạo, chuyên sâu, hàm lượng văn chương cao, bút pháp thâm hậu… thì phải tìm đến các tờ báo, tạp chí văn nghệ. Vì đặc thù của tính học thuật chuyên sâu nên ở các tờ tạp chí đó thường quy tụ được một đội ngũ nhà văn, nhà thơ, nhà lý luận phê bình… uy tín để quy tụ, bồi dưỡng được những người viết trẻ… Chính những lý do trên quyết định sự tồn tại của các tờ tạp chí văn nghệ địa phương.

Từ thực trạng về số lượng và chất lượng của các tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương trong thời gian qua, không ít ý kiến cho rằng nên có một quy định cứng với những tiêu chuẩn, tiêu chí cụ thể để được phép xuất bản một tờ tạp chí văn nghệ địa phương. Từ những tiêu chí đó mà so ra, địa phương nào chưa đủ điều kiện theo tiêu chí thì có thể hợp nhất với ấn phẩm văn nghệ của các địa phương lân cận, làm chung một tờ tạp chí vùng. Ví dụ như vùng miền Tây Nam bộ chẳng hạn, có trên mười tỉnh, thành phố, nếu thành lập một tờ tạp chí văn nghệ chung cho cả vùng, các nhà văn của vùng đó sẽ về làm tạp chí (còn Hội Văn học - Nghệ thuật thì vẫn tách riêng ở các tỉnh, không liên quan đến tạp chí), mỗi tháng ra một số tạp chí văn nghệ, mỗi tỉnh đặt mua 1.000 cuốn, một số ra được trên dưới 10.000 cuốn.

Nên thực hiện theo cơ chế đặt hàng chứ không bao cấp (đơn vị sự nghiệp có thu). Chỉ có cơ chế đặt hàng thì mới thúc đẩy được sự nỗ lực và sáng tạo, cống hiến của những người trực tiếp làm tạp chí. Nếu làm tốt thì ngoài địa phương đặt hàng còn có thể bán được ra ngoài, tăng thêm thu nhập; nếu làm dở thì địa phương có quyền yêu cầu nâng cao chất lượng. Nếu quá ba tháng mà chất lượng vẫn thấp thì địa phương có quyền cắt giảm số lượng. Chỉ như thế thì sự tồn tại của các tờ tạp chí văn nghệ địa phương mới thực sự có ý nghĩa.

Nhà thơ Văn Công Hùng, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Gia Lai: Phải có tiêu chí rõ ràng cho "bộ khung" của một tờ văn nghệ địa phương

Một thực tế dễ thấy nhất hiện nay là sự không đồng đều ở cả chất lượng của các tờ tạp chí lẫn người thực hiện tạp chí. Rất nhiều tờ tạp chí ra 2, thậm chí 3 tháng 1 số, nội dung thì rất đơn giản, cứ tập hợp đủ tác phẩm của anh em hội viên trong tỉnh, cần thì lấy thêm một ít ở ngoài, đủ số trang thì in (thậm chí copy - paste về rồi ký tên mình như một số trường hợp đã xảy ra). Số lượng in thì… hết sức bí mật, nhưng theo như tôi biết có nhiều tờ chỉ in chừng vài ba trăm cuốn một số. Thực tế hiện nay, là ngoài khoảng chục tờ tạp chí, báo văn nghệ địa phương bán được, còn lại chủ yếu là in để… biếu và xếp kho.

Hiện thực nêu trên chỉ ra rằng, muốn làm cán bộ biên tập tạp chí văn nghệ phải hội đủ ít nhất 2 điều kiện: Là cử nhân văn chương và hai là có khả năng sáng tác để anh phải vừa là nhà văn, vừa là nhà báo… Vấn đề đặt ra là người làm tạp chí, ngoài việc phân biệt đúng sai như các báo khác, điều quan trọng và khu biệt là phải biết nhận xét hay, dở, xấu, đẹp.

Đây chính là điều tiên quyết để làm báo, tạp chí văn nghệ. Chính vì các yếu tố này mà rất khó tuyển người giỏi về tạp chí. Trong khi lương và các khoản thu nhập khác của tạp chí rất thấp, so sánh ngay với báo Đảng và đài phát thanh truyền hình của tỉnh đã có sự chênh lệch lớn giữa khả năng và thu nhập. Tạp chí văn nghệ là một tờ báo văn học nghệ thuật ra dạng tạp chí. Và vì tính chất của tạp chí là báo nên trước hết phải tuân thủ kỹ thuật làm báo, tức là phải định hình được thời gian, chuyên mục, phải gắn được với đời sống, với thời sự nữa…

Thế nhưng nó lại không phải là báo, vì nếu anh sa vào hoạt động thông tấn thì không thể cạnh tranh với các báo ngày, và như thế sẽ "chết" ngay, vì đấy không phải việc của báo chí văn học nghệ thuật. Tính báo chí là ở chỗ anh phát hiện ra các vấn đề của đời sống và đưa vào tác phẩm văn học nghệ thuật, phát hiện ra các tác giả mới, phát hiện ra các tác phẩm hay…

Vậy phải làm sao cho xứng với sự kỳ vọng, xứng với cả cái đề án mà Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đang làm, là Nhà nước tài trợ cho các tạp chí văn nghệ địa phương. Theo tôi, trước hết phải chuyên nghiệp các tờ tạp chí. Cần phải có những tiêu chuẩn cụ thể để có thể được xuất bản một tờ tạp chí văn nghệ cấp tỉnh, nếu không đủ tiêu chuẩn thì thậm chí có thể ra tạp chí vùng, khu vực chứ không nhất thiết tỉnh nào cũng phải ra tạp chí khi mà không đủ thực lực…

Cụ thể: Tờ tạp chí phải có Ban biên tập đủ mạnh để làm, trong đó Tổng biên tập phải là nhà văn kiêm nhà báo, vừa phải biết quản lý báo chí vừa phải là người có uy tín văn chương, ít nhất phải sáng tác được và thẩm định văn chương mà không bị cộng tác viên… cãi lại. Các biên tập viên phải là những người có trình độ văn chương nhất định. Tạp chí cần phải được tách ra khỏi Hội, thành một cơ quan độc lập trực thuộc cơ quan chủ quản là Hội Văn học nghệ thuật, chứ như hiện nay, tuyệt đại bộ phận các tạp chí văn nghệ địa phương đều ở lẫn lộn với Hội, phụ thuộc cả về tổ chức, kinh phí, cơ sở vật chất… không thể chủ động được, dù có nghĩ ra nhiều "chiêu" để cho tạp chí hay lên. Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phải đứng ra làm đầu mối để xử lý việc này, khẳng định vai trò của tạp chí văn nghệ địa phương và có một quy trình chung về xuất bản tạp chí văn nghệ địa phương, từ cơ chế tới kinh phí, con người rất cụ thể báo cáo với Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông, từ đó có một quy định chung để các địa phương dựa vào đấy làm thủ tục xuất bản.

Các Ban biên tập vừa phải mạnh và phải được chuyên nghiệp hóa, chứ không được chăng hay chớ như hiện nay. Tạp chí văn nghệ đăng các tác phẩm văn học nghệ thuật nhưng nó không phải là tập sáng tác như một thời các sở, ty văn hóa hay có các tập "Sáng tác mới", mà nó phải mang đậm tính báo chí chuyên nghiệp, các tác phẩm trong ấy phải là những tác phẩm hay. Còn tác phẩm phong trào để cho các tập san câu lạc bộ đảm trách.

Tính địa phương của tờ tạp chí phải được xác định. Nền văn nghệ chung của nước nhà đã có những tờ báo Văn học nghệ thuật Trung ương lo. Các tạp chí văn nghệ địa phương phải có bản sắc riêng của vùng đất mình để góp vào nền báo chí chung thành một vườn hoa muôn sắc. Tất nhiên bên cạnh tính địa phương vẫn phải có tính toàn thể, tính thời đại… nhưng đấy không phải là phần cốt yếu, mà chỉ mang tính tham khảo và vươn tới. Các tạp chí văn nghệ địa phương nên khai thác bản sắc văn hóa vùng miền, cái đặc sắc của văn hóa bản địa, viết giỏi, đào sâu… cũng sẽ rất hấp dẫn…

Nhà văn Uông Triều, biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội: Vẫy vùng trong cái "ao làng" văn nghệ

Tôi viết báo, viết văn nên bạn bè văn nghệ ở các địa phương khá nhiều, nhất là những người làm ở các tờ báo, tạp chí văn nghệ. Thế nhưng, ở nơi đó mới biết, rất nhiều đồng nghiệp của tôi than khổ sở. Tôi thường trêu họ là khổ sở nỗi gì, một mình làm "vua một cõi"? Nhưng không phải, làm báo văn nghệ địa phương có cái khổ của sự vùng thoát không ra khỏi "tấm áo địa phương", cái "ao làng" chật hẹp.

Nói thật, văn nghệ địa phương, tôi có cảm tình với nhiều tờ, có thể kể đến như Tạp chí Sông Hương, Báo Văn nghệ Thái Nguyên, Tạp chí Nhật Lệ… Vì sao, vì những tờ báo, tạp chí ấy dám thoát ra khỏi cái "vòng kim cô" chật hẹp của địa phương mình mà bung nở đến các nơi khác, đón nhận những luồng gió mới, người tài, bài hay từ nơi khác. Đặc biệt là tờ Tạp chí Sông Hương đã có tiếng từ nhiều năm, nhiều người mua đọc, và gần đây là Báo Văn nghệ Thái Nguyên, Tạp Nhật Lệ… và một số tờ khác.

Còn những tờ báo, tạp chí văn nghệ địa phương khác thì sao? Đã vài lần những người bạn làm báo của tôi than thở rằng: "Khổ lắm anh à. Tạp chí địa phương thì phải đăng bài của người địa phương, tỉ lệ ít nhất là 70/30. Nghĩa là người địa phương (hội viên) phải chiếm 70, người ngoài tỉnh 30. Nhưng vấn đề ở chỗ, con số 70 phần trăm kia chất lượng rất yếu, thậm chí là kém.

Nếu cứ nhăm nhăm ưu tiên người địa phương thì tờ báo giống như tờ báo tường, cũ kĩ, sáo mòn, chất lượng nghệ thuật và nội dung rất thấp. Một điều nữa là cơ quan cấp trên "soi" rất kĩ, nhất là cơ quan tuyên giáo tỉnh, mà cơ bản cán bộ tuyên giáo các tỉnh có người không "đọc" nổi một tác phẩm văn học thực sự. Khi đọc thấy hơi khó, thấy hơi sắc sảo, cá tính là soi, là phạt, là giải trình, kiểm điểm… Vậy nên người làm báo, tạp chí muốn cho yên thân thì đăng bài của hội viên địa phương, vừa hiền lành, vừa ngoan, vừa giống bài tuyên truyền người tốt, việc tốt...".

Thế nên, các hội văn nghệ thì nhiều, các báo văn nghệ cũng nhiều, mà những người làm báo ở đấy thường vùng vẫy khổ sở trong cái "ao làng" địa phương. Vì làm hay, cá tính thì cấp trên "soi", đăng bài tỉnh ngoài thì hội viên trong tỉnh kiện. Tốt nhất là "dở dở hâm hâm", vừa lòng hội viên để khỏi mất phiếu, vừa tránh làm cho mấy anh "gác gôn" thêm một việc phải mất thì giờ suy nghĩ nát óc!

Thôi, viết thế này dễ mất bạn bè lắm nhưng vẫn phải viết. Văn nghệ mà nhạt nhòa, dễ dãi thì văn nghệ làm gì, đi buôn rau sạch, đi bán cà phê, đi làm nail còn hơn?.

Nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh, Tổng biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên: Chủ động vượt qua ranh giới địa phương về thông tin

Khánh hà (thực hiện)

- Thưa nhà thơ Nguyễn Thúy Quỳnh! Mấy năm gần đây, Báo Văn nghệ Thái Nguyên đã vươn lên, trở thành một địa chỉ văn nghệ đáng tin cậy, thu hút được bạn viết, bạn đọc trong cả nước. Là Tổng biên tập, chị có thể chia sẻ những yếu tố làm nên thành tích đó?

+ Nếu coi những gì Văn nghệ Thái Nguyên đã làm được trong thời gian qua là thành công thì thành công ấy dựa trên những yếu tố sau đây:

Hướng về độc giả. Tôn trọng quyền lợi của độc giả. Việc tưởng chừng rất hiển nhiên của các loại hình báo chí, thì trớ trêu thay, lại luôn là vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong hệ thống báo chí văn nghệ địa phương. Xung quanh việc "báo/tạp chí của Hội phục vụ ai - độc giả hay hội viên?", thường dẫn đến bất đồng luôn xảy ra giữa nội bộ tổ chức Hội, giữa tòa soạn và hội viên, cộng tác viên. Việc Văn nghệ Thái Nguyên xác định lấy độc giả, lấy người dân làm đối tượng phục vụ chính, chứ không phải mấy trăm hội viên của hội, đã chi phối cơ cấu nội dung, hình thức thể hiện của tờ báo.

Chủ động vượt qua ranh giới địa phương về thông tin. Độc giả địa phương cũng có quyền và có nhu cầu được tiếp cận thông tin - nhất là thông tin thuộc phạm trù mỹ học - trên phạm vi cả nước, thậm chí xa hơn nữa, chứ đâu chỉ giới hạn ở ranh giới địa lý? Chúng tôi luôn nghĩ: độc giả hiểu biết hơn chúng ta nhiều. Họ luôn có nhu cầu được chia sẻ các vấn đề thuộc về đời sống, về văn học nghệ thuật mang tính quốc gia, toàn cầu. Chúng tôi thường cố gắng lựa chọn các vấn đề như vậy, và nhiều khi bằng cách nào đó kết nối với địa phương trong một mối liên quan nhất định.

Với phương châm "Nhân văn - Trí tuệ - Phát triển", chúng tôi đã xây dựng và phát triển Văn nghệ Thái Nguyên theo tinh thần mở, vừa hội tụ, vừa lan tỏa. Chúng tôi không đóng Văn nghệ Thái Nguyên trong cái khuôn báo địa phương, chúng tôi lấy Thái Nguyên là điểm nhìn để nhìn ra đất nước, nhìn ra thế giới.

Lấy chất lượng làm giá trị của tờ báo. Việc tổ chức bài vở, tuyển chọn, biên tập cố gắng chặt chẽ, kỹ lưỡng ở mức cao nhất có thể. Tôi thường nhắc cộng sự của mình rằng, đối tượng phục vụ của chúng ta là đông đảo người đọc, nhưng trong số đông đảo ấy luôn có những độc giả uyên bác và kỹ tính nhất, luôn có những yêu cầu khắt khe. Hãy hướng đến họ, hãy đại diện cho họ để lựa chọn những gì đưa lên mặt báo. Họ mà hài lòng là chúng ta thành công.

Lấy chất lượng làm giá trị thì phải vượt qua những "ưu tiên" mang tính đặc lợi của một bộ phận hội viên coi báo chí văn nghệ hội tỉnh là "ao nhà". Văn nghệ sĩ địa phương cũng phải chấp nhận cạnh tranh với những cây bút chất lượng ở ngoài địa phương để in được trên mặt báo. Sự cạnh tranh ấy hoàn toàn lành mạnh và tích cực, nó thúc đẩy người sáng tác phải nâng mình lên, để theo kịp bầu bạn văn chương, đặc biệt là theo kịp nhu cầu của công chúng. Còn nếu anh không theo kịp bầu bạn của mình thì anh phải chấp nhận làm độc giả thôi.

- Có nhiều bạn làm báo văn nghệ ở địa phương than rằng, các lãnh đạo địa phương thường chỉ quan tâm đến tờ báo Đảng và truyền hình thôi, còn tờ văn nghệ thì nhiều khi trong mắt các lãnh đạo là có cũng được mà không có cũng được, chị chia sẻ gì về điều này?

+ Tôi cũng đang muốn nói đến điều đó. Bên cạnh nỗ lực của đội ngũ trực tiếp làm báo, sự ủng hộ của bạn đọc và bạn viết, thì Văn nghệ Thái Nguyên có sự ủng hộ rất lớn của tỉnh, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành. Trước hết là cơ chế, sau đó là kinh phí. Tỉnh ủy giao cho Ban Tuyên giáo đặt mua Báo Văn nghệ Thái Nguyên cấp đến các chi bộ cơ sở. Báo Văn nghệ Thái Nguyên trở thành một kênh truyền thông hữu hiệu về văn hóa, văn học nghệ thuật đến tận cơ sở. Vì thế, chúng tôi có điều kiện gần dân hơn chứ không chỉ quẩn quanh với "tháp ngà" văn nghệ. Đó thực sự là may mắn của chúng tôi. Không phải tỉnh nào cũng làm được như vậy.

- Vậy theo Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 thì mỗi tỉnh chỉ còn một tờ báo Đảng và một tạp chí văn nghệ. Báo Văn nghệ Thái Nguyên có vướng mắc gì không?

+ Với Văn nghệ Thái Nguyên, việc thực hiện quy hoạch lại có khả năng dẫn đến những thách thức rất lớn khác. Đó là từ khi ra đời (1991) đến nay, Văn nghệ Thái Nguyên đã là BÁO chứ không phải TẠP CHÍ. Vì là BÁO nên từ việc tổ chức bộ máy, đến đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực (cơ hữu cũng như cộng tác viên)… cũng chọn trên đặc thù đó.

Vì là BÁO nên độc giả Văn nghệ Thái Nguyên cũng là độc giả BÁO, nghĩa là rộng rãi công chúng chứ không phải độc giả TẠP CHÍ - tạm hiểu như là một nhóm xã hội nhất định, có nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu chuyên sâu về một/nhiều lĩnh vực nào đó. Vì thế, cơ cấu nội dung (bài vở chuyên mục...) được xây dựng phù hợp với độc giả của mình. Hệ thống báo chí văn nghệ địa phương của cả nước có 7 tờ báo văn nghệ, trong đó có 3 tuần báo, gồm Người Hà Nội, Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh và Văn nghệ Thái Nguyên. Còn lại là các tạp chí. Các bộ, ban ngành hữu quan làm quy hoạch đã bỏ chung 7 tờ báo này vào một khối tên là Tạp chí văn nghệ địa phương. 

Tôi không biết liệu người ta có thể chuyển toàn bộ nội dung, phong cách một tờ báo sang một hình thức khác hoàn toàn (khuôn khổ, số trang, kỳ xuất bản, cách thiết kế,…), chỉ để thực hiện cho đúng quy hoạch? Sẽ phải thay đổi chuyên môn nghiệp vụ của cả một đội ngũ cho phù hợp với "cái áo mới"? Nhưng điều lo ngại nhất của chúng tôi là: liệu bạn đọc cùng đội ngũ cộng tác viên có còn đồng hành với chúng tôi trong "cái áo mới" ấy? 

Tôi vẫn tin rằng, quy hoạch, cùng với việc để quản lý tốt hệ thống báo chí quốc gia, là để cho báo chí phục vụ tốt nhất công chúng của mình. Vì vậy, hy vọng trong quá trình lãnh đạo, tổ chức thực hiện quy hoạch, các cơ quan hữu quan có sự cân nhắc đến đặc thù và lịch sử phát triển của từng cơ quan báo chí, gắn với nhu cầu của địa phương, đặc biệt là đối tượng phục vụ (công chúng) của cơ quan báo chí đó, để có những quyết định phù hợp với thực tiễn.

- Cảm ơn chị với những chia sẻ ngày hôm nay.

PV
.
.