Tạo "bệ phóng" cho lòng chính trực

Thứ Năm, 25/10/2018, 08:49
Sự việc một lão nông 4 năm kiên trì làm đơn tố nhà thầu cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thi công gian dối được báo chí và các trang mạng xã hội đưa tin đang thu hút được rất nhiều sự quan quan tâm của người dân cả nước.


Xin trích một đôi dòng chia sẻ trên mạng của bạn đọc:

Tuổi trẻ băng mình trong lửa đạn,
Xế chiều quyết chiến với sai gian...
Việc nghĩa sá gì thân mang nạn,
Anh hùng đâu có ngại nguy nan!

Ông Phạm Tấn Lực, người dân huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã gửi đơn tố cáo những vấn đề được cho là có sai phạm của nhà thầu Giang Tô, Trung Quốc trong gói thầu A3 thuộc dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Sau đó, một số kẻ lạ mặt đã kéo đến gia đình ông Lực đe dọa sẽ "xử ngọt". 

Tuy nhiên, ông Lực vẫn không chùn bước mà kiên trì, tiếp tục gửi đơn tố cáo lên các ngành chức năng với suy nghĩ: "Nếu họ thi công gian dối thì nợ công đất nước mình sẽ tăng cao, ai sẽ là người chịu trách nhiệm".

Dù có đơn gửi rất nhiều cơ quan chuyên môn tố cáo những việc làm sai trái nhưng phần lớn các cơ quan không trả lời hoặc nói trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý đường cao tốc. Sở Giao thông Vận tải Quảng Ngãi cho biết đã nhận được đơn tố cáo của ông Phạm Tấn Lực cùng một số người dân. Tuy nhiên, do công trình không thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương nên Sở có đơn trả lời người dân, hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan cao hơn.

Ông Phạm Tấn Lực, người tố cáo những sai phạm ở con đường cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi.

Ngày 20/10/2018, khi báo chí đặt câu hỏi những phản ánh của ông Phạm Tấn Lực có đúng hay không, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi cho rằng, có thể về mặt hiện tượng là đúng, tuy nhiên "người ta" chỉ đưa ra hiện tượng mà không đưa ra được giải pháp nên thông tin đó không được toàn diện.

Phải chăng, vì bộ máy cồng kềnh, hoạt động không hiệu quả, thiếu trách nhiệm... nên đến lúc gặp chuyện lại đùn đẩy cho nhau? Và đứng đằng sau vụ đe dọa người tố cáo tiêu cực là ai? Liệu sau đây, gia đình, người thân của ông Lực sẽ ra sao? Đây vẫn là những câu hỏi chưa có lời giải đáp! Nhưng một cảm giác chung là có gì đó bất ổn, không bình thường. Nó phản ánh một sự thật là trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, người hăng hái, những nhân tố tích cực đã bị những kẻ "đứng trong bóng tối" đe dọa và có nguy cơ bị trả thù.

Dư luận quan ngại về những dấu hiệu của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu và cán bộ, đảng viên có chức vụ, quyền hạn đứng đằng sau các vụ trả thù người tố cáo tiêu cực, tham nhũng; sử dụng lực lượng "xã hội đen" để đàn áp, ngăn chặn người chống tham nhũng nhằm kéo dài thời gian giải quyết vụ việc, tiêu hủy tang chứng, bóp nhỏ vụ việc, đánh chìm xuồng, cô lập, vô hiệu hóa, thậm chí tiêu diệt người chống tham nhũng nhằm chạy tội.

Việc một số đối tượng "xã hội đen" nhắn đe dọa, rồi trực tiếp đến tận gia đình những người dám đấu tranh, tố cáo tiêu cực để khủng bố, đánh dằn mặt thời gian qua đã làm nhụt chí những người chính trực, đồng thời vô hình trung tạo nên chỗ ẩn nấp cho lương tâm những người tốt đỡ cắn rứt khi buộc phải ngậm miệng trước những hành vi, việc làm xấu xa.

Thông qua báo chí, rồi tận mắt chứng kiến những cái giá đắt phải trả của bản thân và của người khác từ việc chống tiêu cực, tham nhũng, từ sự hoài nghi, thiếu niềm tin vào kết quả xử lý vụ việc tham nhũng... đã khiến không ít người phải im lặng và dần hình thành suy nghĩ: Không muốn chống tham nhũng, không dám chống tham nhũng, không thể chống tham nhũng.

Có khoảng cách xa giữa quyết tâm chính trị với hành động thực tế, không ít cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng và người đứng đầu e ngại, né tránh việc tiếp công dân, xử lý đơn thư tố cáo, tố giác các hành vi có dấu hiệu tội phạm, cũng như thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an toàn về thân thể, tinh thần, đời sống của bản thân và gia đình những người dám đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng.

Gần đây, qua các vụ tham nhũng bị phanh phui, một số người góp sức vạch mặt kẻ phạm tội đã được báo chí và dư luận đề cao, nhưng chưa đủ sức cổ vũ mọi người, tạo nên một phong trào đấu tranh mạnh mẽ với tiêu cực, tham nhũng. Những người có trách nhiệm phải đặt mình vào vị thế người đi tố cáo tiêu cực, tham nhũng để thấu hiểu được nỗi lòng của họ. Phải hiểu cho đúng, những người như ông Phạm Tấn Lực đấu tranh với những tiêu cực, với những điều bất công của xã hội không phải vì họ mong được khen thưởng hay bị "khùng" như một số người đặt biệt danh cho họ mà là vì công lý.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV này sẽ thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Mong rằng những nhà làm luật quan tâm và có những quy định cụ thể về khen thưởng cũng như bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng, bên cạnh đó là xử lý thấu đáo, nghiêm minh các vụ việc tiêu cực, tham nhũng, đó là chỗ dựa vững chắc cho cuộc chiến chống tiêu cực, tham nhũng, các biểu hiệu "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Trong lúc chờ hoàn thiện thể chế, chúng ta cũng nên cám ơn lòng dũng cảm của lão nông Phạm Tấn Lực, nếu ai cũng như ông thì tiêu cực, tham nhũng không có chỗ dung thân

Cù Tất Dũng
.
.