Tăng lương thế nào cho hiệu quả?

Thứ Năm, 02/05/2019, 06:56
Ngày 1-7 tới đây, lương cơ sở sẽ được tăng 100 nghìn đồng, từ mức 1,39 triệu đồng/tháng lên mức 1,49 triệu đồng/tháng và dự kiến, trong quý III năm 2019, Hội đồng tiền lương quốc gia sẽ tổ chức các phiên đàm phán điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2020. Một câu hỏi đặt ra, việc tăng lương liệu có đủ bù đắp cho việc điện leo thang, xăng tăng giá liên tục hay không?


Điểm ra chỉ có một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở một số ngành "hot", như: Tài chính, ngân hàng, dầu khí, hàng không, viễn thông, xây dựng… là sống được bằng lương, nhưng số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Như vậy, ở ta không có cán bộ, công chức nào sống bằng lương hay sao? Phải khẳng định là có, nhưng họ đang "sống như thế nào" mà không có ai "chết cả" trong thời buổi vật chất leo thang, đồng tiền mất giá... có lẽ bất cứ ai cũng hình dung được cuộc sống chật vật khi chỉ sống dựa vào đồng lương ít ỏi. Vậy, vì sao lại ít người sống được bằng lương, nhưng đa phần bằng mọi giá để trụ lại trong các cơ quan Nhà nước, vẫn kiên trì công tác để nhận đồng lương ít ỏi này?

Theo đánh giá, nhận định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công thì thu nhập từ lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sống tối thiểu của các gia đình.

Như vậy, để đảm bảo được cuộc sống thường ngày, đủ tiền cho con cái ăn học và các chi phí khác thì mức lương phải tăng từ 200% đến 300%. Trong điều kiện kinh tế của đất nước eo hẹp như hiện nay, thì việc tăng này là không thể.

Vậy để đáp ứng được những nhu cầu sống hằng ngày thì cán bộ, công chức của chúng ta hiện đang phải có "ba đầu, sáu tay" để cùng lúc làm nhiều việc khác nhau kiếm thêm thu nhập phụ vào các khoản thiếu hụt như ma chay, cưới hỏi, quỹ người nghèo, ủng hộ thiên tai và vô số điều bất ngờ nữa đang rình rập xảy ra như tai nạn, ốm đau, thuốc thang …

Đối với cán bộ, là những người có vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước thì lương tuy có khá hơn, nhưng vẫn quá thấp so với nhu cầu, nên cũng phải xoay xở. Ngoài lương và các khoản phụ cấp thì còn có phong bì, phong bao khi đi công tác, họp hành, hội nghị, hội thảo; tiền "cảm ơn", lại quả, "bôi trơn" trong khi thực thi công vụ.

Một số người có chức vụ cao thì có cổ phần, cổ phiếu trong các tập đoàn, tổng công ty; xây dựng các doanh nghiệp sân sau, rồi nhờ vị trí công tác mà nắm giữ thông tin về quy hoạch đất đai, dự án, đấu thầu, cổ phần hóa doanh nghiệp thì chỉ cần việc “bán thông tin...” là kiếm được bộn tiền…

Ấy là nói về đội ngũ cán bộ, còn công chức, viên chức, người lao động sống được bằng đồng lương thuần túy thật khó trăm bề. Vậy họ lấy gì mà sống nếu chỉ trông vào đồng lương? Có cách, khi và chỉ khi họ phải là người năng động, biết áp dụng mềm dẻo, linh hoạt các quy định pháp luật, nội quy cơ quan để làm thêm.

Là giáo viên thì tranh thủ mở lớp dạy thêm; là bác sĩ, dược sĩ thì làm thêm ở phòng khám tư, cho mượn tên để mở nhà thuốc; là công chức ở các cơ quan hành chính thì gây khó khăn, vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp… sử dụng máy tính của cơ quan để tranh thủ kinh doanh qua mạng, bán hàng đa cấp, môi giới chứng khoán, bất động sản… Tóm lại là có cả trăm cách làm để có thêm thu nhập và hầu hết mọi người biết xoay xở chút ít đều có mức thu nhập gọi là sống được.

Từ thực tế cho thấy, đang hình thành một vòng luẩn quẩn, khi cấp trên có phát hiện cấp dưới của mình sai phạm ít nhiều để "đủ sống" thì cũng phải thông cảm, phải làm ngơ. Trong bối cảnh như vậy, khi cấp dưới dù có biết những hành vi sai trái của cấp trên thì cũng phải im lặng, không dám đấu tranh, vì bản thân mình cũng đâu có trong sạch, còn "sếp" đã cầm phong bì rồi thì còn nói được ai.

Chúng ta luôn thấy bóng dáng của tiêu cực, tham nhũng từ những thu nhập "phụ" dạng này của cán bộ, công chức, mà đây lại là "tham nhũng hợp pháp”. Do vậy, nghịch lý "Ai cũng kêu lương thấp, nhưng ai cũng sống được vì vậy, vẫn tiếp tục diễn ra.

Đương nhiên, không phải chỉ thực hiện chính sách tiền lương đúng đắn, đủ sống thì cán bộ, công chức sẽ không cần xoay xở, không còn tham nhũng. Nhưng có thể khẳng định, chừng nào còn duy trì chính sách tiền lương bất cập thì cuộc chiến chống tham nhũng còn gay go. Chế độ tiền lương của ta hiện nay, điều này chưa thực hiện được. Còn quá nhiều người được làm việc, nhưng không làm việc được và cũng không ít người làm việc được, nhưng lại đang không được làm việc như mình mong muốn.

Ách tắc đó ở đâu? Phải chăng cần phải tìm về trong công tác cán bộ, công tác tổ chức; đồng thời, phải phá bỏ những rào cản tư duy chưa đổi mới về lao động của thời đại công nghiệp 4.0, của nền kinh tế tri thức.

Một công việc ổn định, đúng với năng lực của người lao động, cùng với một mức lương đảm bảo cho một cuộc sống ổn định sẽ có tác dụng quyết định đến đời sống, đạo đức và phong cách sống của đội ngũ cán bộ, công chức. Đây sẽ là tiền đề để xây dựng môi trường sống tốt cho những người tốt và cũng để cả xã hội cùng sống tốt hơn.
Cù tất Dũng
.
.