Tăng học phí, nên theo lộ trình

Thứ Năm, 19/11/2020, 10:59
Ngày 12/11/2020, báo chí, truyền thông đăng tải nội dung đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Từ năm học 2021-2022, học phí bậc đại học tăng 12,5%; học phí bậc mầm non, phổ thông tăng 7,5% so với năm học 2020-2021.


Đề xuất này được đưa ra trong dự thảo lần 2 cho một Nghị định mới, thay thế Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ học phí học tập từ năm học 2015-2016 đến năm học 2020-2021.

Lý giải về điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đề xuất tăng học phí được đưa ra căn cứ vào kịch bản tăng trưởng kinh tế của Tổng cục Thống kê thông báo giai đoạn 2021-2025 là 7,5%; cùng với tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng hàng năm dao động 4-5%/năm và mức thu nhập bình quân theo đầu người tăng lên theo các năm.

Hà Nội cam kết chưa tăng giá học phí năm học 2020-2022.

Ngay lập tức, đề xuất này vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ của phần lớn người dân trong xã hội, tạo nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận. Người dân cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ vào dự đoán, vào những điều chưa xảy ra là không hợp lý. 

Trong lúc đồng bào các tỉnh miền Trung oằn mình vì bão lũ, cả nước vẫn đang phải gồng mình chống dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phá sản, nhiều doanh nghiệp rơi vào thoi thóp cầm cự, người lao động mất việc tăng, thu nhập giảm đáng kể, ngay cả lộ trình tăng lương cũng phải dừng lại. Vậy mà Bộ Giáo dục và Đào tạo nói đến chuyện tăng học phí là điều khó có thể được dư luận đồng tình trong bối cảnh hiện nay.

Và vấn đề đáng nói còn ở chỗ, học phí tăng dựa trên chỉ số tiêu dùng chứ không phải vì chất lượng giáo dục. Nếu như chất lượng giáo dục cũng tăng như chỉ số tiêu dùng thì việc tăng học phí là xứng đáng. Nó giống như một nhân viên làm tốt công việc được tăng lương, thăng chức.

Trong tình cảnh này, nếu đề cập đến học phí thì thiết nghĩ bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ nên để yên hoặc giảm. Ngoài ra, đối với các địa phương gặp khó khăn do bão lũ thì cần phải hỗ trợ thêm để con em học sinh có thể cùng nhau vượt khó.

Không biết có phải vì vấp phải sự phản đối của dư luận hay không mà chỉ ngày hôm sau (13-11-2020), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lập tức có văn bản báo cáo Chính phủ đề xuất giữ nguyên mức học phí hiện hành ở tất cả cấp học đối với năm học 2021-2022. Nhưng qua giai đoạn khó khăn này, học phí chắc chắn sẽ tăng theo lộ trình.

Mặc dù hoãn việc tăng học phí, nhưng dư âm của sự việc trên vẫn để lại nỗi lo cho các gia đình có con đang theo học. Học phí tăng rồi, liệu chất lượng giáo dục có tăng tương ứng? Nếu như cỗ máy giáo dục nước nhà hiện vẫn còn nhiều bất cập, từ chương trình đến sách giáo khoa, tổ chức thi cử, từ cơ sở vật chất đến con người thì học phí tăng sẽ không thỏa đáng... 

Những con số đưa ra trong các văn bản chính thức của ngành Giáo dục hiện nay chủ yếu là dựa vào "con số hành chính tự tạo" trong số kinh phí do Nhà nước cấp. Người dân hiện nay đóng góp bao nhiêu? Vay bao nhiêu tiền của ngân hàng nước ngoài, ai tiêu, và tiêu những khoản gì vẫn là ẩn số lớn và là con số thách thức đối với quốc gia.

Với khung học phí mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, việc đóng 300 nghìn đến cả triệu bạc tiền học một tháng cho con đối với người có thu nhập vài chục triệu một tháng chẳng có ý nghĩa gì mấy. Nhưng với 70 đến 80% số cha, mẹ còn lại thì tiền học cho con vẫn là nỗi lo.

Sau 35 năm đất nước đổi mới, mở cửa, hội nhập sâu rộng, cùng với phát triển kinh tế, khoảng cách giàu nghèo càng ngày càng lớn, tức là xã hội phân hoá càng ngày càng lớn. Do đó đưa ra bất kỳ tiêu chuẩn gì mà không nghiên cứu cẩn thận đều dễ gây chia rẽ xã hội, nhất là vấn đề liên quan đến học phí, liên quan đến học sinh, đối tượng cần phải được đối xử công bằng và bình đẳng nhất.

Nếu theo xu hướng xem giáo dục như một thứ hàng hóa, dịch vụ thì đòi hỏi phải có những cải cách tổng thể về tài chính và quản trị; trong đó tăng học phí là một biện pháp không thể tránh né, thì đi đôi với đó là việc nâng cao chất lượng giáo dục. 

Còn nếu theo Quan điểm xem giáo dục là một lĩnh vực phúc lợi chung, và thước đo của công bằng xã hội thì cần phải được đối xử thực sự như một quốc sách hàng đầu, phải được đầu tư thích đáng. Điều này cho thấy sự băn khoăn chính đáng về mối quan hệ giữa tăng học phí và nâng cao chất lượng giáo dục là vấn đề cần phải có những chính sách thỏa đáng.

Kinh tế tăng trưởng mà giáo dục không được hưởng lợi, lại còn tăng gánh nặng cho học sinh, phụ huynh? Phải chăng, nên dành thật nhiều phần trong sự tăng trưởng đó đầu tư ngược lại cho giáo dục, giảm, rồi tiến tới miễn học phí cho bậc phổ thông mới là sự tiến bộ của một nền giáo dục hiện đại!

Cù Tất Dũng
.
.