Tán đồng và nói thêm

Thứ Ba, 19/06/2012, 08:00

Báo Văn nghệ công an số 176 ra ngày 21/5/2012, trong bài “Chỉ tại mấy anh “thầy dùi”, nhà thơ Vũ Quần Phương đã nói về tình trạng “tràn ngập” thơ hiện nay và tác giả đã chỉ ra mấy nguyên nhân của nó. Những ý kiến của nhà thơ Vũ Quần Phương là rất xác đáng. Ở đây tôi chỉ xin góp thêm đôi điều, ngõ hầu giúp mọi người có thể thấy vấn đề một cách toàn diện hơn chăng?

=> http://vnca.cand.com.vn/vi-VN/lyluan/2012/5/57106.cand

Đúng như tác giả bài báo trên đã nói, hiện tượng tràn ngập thơ hiện nay là tội của mấy anh “thầy dùi”. Nhưng như thế cũng chưa đủ. Trong chuyện này có “tội” của một số tờ báo và nhà xuất bản nữa. Họ cho đăng nhiều bài thơ không hay, mặc dù đó là thơ của nhũng nhà thơ hẳn hoi, thơ của những nhà thơ trẻ và thơ của các tác giả mới cầm bút đầy triển vọng …

Đọc những bài thơ ấy, người ta cứ nghĩ làm thơ dễ nhỉ, dễ đến thế thì mình cũng làm được. Và thế là họ làm thơ, họ đọc cho nhau và họ thấy khoảng cách giữa thơ của các nhà thơ và họ không xa là bao. Không phải như trước đây, khi đọc thơ của những nhà thơ chuyên nghiệp, công chúng chỉ có xuýt xoa khen chứ không có gan cầm bút đua thử. Mà những loại thơ đó rất nhiều, nhất là vào dịp tết hoặc những ngày kỉ niệm, các báo thi nhau ra số đặc biệt, các nhà xuất bản thi nhau ra ấn phẩm đặc biệt. Đây là lúc những bài thơ “thường thường bậc trung” ấy càng nhiều, tần số xuất hiện thơ của các nhà thơ cũng vì thế tăng lên. Thơ lục bát có, thơ mới có. Nhưng lục bát chẳng ra lục bát vì đã được biến thể, còn thơ mới người đọc thấy khó nhọc hơn so với đi trên đường đầy ổ gà. Chính các nhà thơ đã tạo ra một môi trường ươm thơ dễ dàng như thế cho nên muôn nơi mới hưởng ứng theo. Muốn hạn chế tình trạng tràn ngập thơ, trong các biện pháp thì cần chú ý tới việc nâng cao chất lượng thơ in báo và thơ in sách. Nhất là với các nhà thơ. Tránh tình trạng cả nể.

Ngày nay cuộc sống của chúng ta đang phát triển không ngừng về mọi mặt. Nhiều người thích làm thơ cũng là một tất yếu. Nó có mặt chưa hay mà cũng có mặt hay. Mặt chưa hay thì như nhà thơ Vũ Quần Phương đã nói. Mặt hay là nó làm cho cuộc sống của chúng ta phong phú hơn, tạo ra được sân chơi cho nhiều nguời, nhất là những người làm việc mệt nhọc vất vả như các nhà sản xuất…; và những người về hưu. Họ có những nỗi niềm, những cảm xúc mà chỉ có thơ mới giúp họ gửi gắm. Vấn đề là chúng ta làm cho mọi người hiểu rõ đâu là thơ của các nhà thơ và đâu là thơ của những người không chuyên, làm thơ là để cho vui, để thêm yêu đời, thêm yêu công việc. Có lẽ vì thế mà các câu lạc bộ thơ hiện nay thu hút được khá nhiều người tham gia, làm sinh động thêm cuộc sống sinh hoạt văn hóa. Đi sinh hoạt thơ ở các câu lạc bộ, nghe nhiều chuyện về con cái khen các cụ làm thơ, tuổi cao mà rất chăm đọc, chăm viết, không lang thang bia bọt, các cháu nhỏ thấy ông chăm chỉ với công việc, chúng cũng noi theo, ngồi vào bàn học nghiêm túc

Phạm Văn Thạch
.
.