"Tài sản công"!

Thứ Ba, 25/08/2015, 08:00
Hôm vừa rồi, tôi có đọc được trên facebook của một chuyên gia từng du học ở nước ngoài một câu chuyện khá thú vị. Anh san sẻ "kinh nghiệm đau thương" của mình trong những ngày đầu tiên học tập ở nước ngoài. Đó là bài luận mà anh trau chuốt, kỹ lưỡng từng chút một đã bị giáo viên trả lại thẳng thừng, kèm một lời phê "Cậu không thể copy của người khác một cách lộ liễu như thế".

Anh bạn tôi quá hoang mang, vì chính anh đã dày công mấy đêm tự biên soạn, tự chuẩn bị, tự viết tất cả nội dung của bài luận đó. Nhưng khi gặp ông thầy của mình, anh vỡ lẽ ra rằng người thầy thừa hiểu ý tưởng, nội dung của bài luận là của anh song ông không muốn anh sử dụng một số "mệnh đề" hoặc "cụm từ" đặc biệt mà những người nghiên cứu khác đã sử dụng như một "đặc sản sáng tạo riêng của họ". Và từ đó, anh hiểu rằng chỉ cần sử dụng "vốn từ" của người khác theo cách ấy thôi, trong mắt giới khoa học nước ngoài cũng là hành vi đạo văn rồi.

Câu chuyện của anh bạn nọ khiến tôi chợt nhớ đến một đoạn nhỏ trong cuốn "Còn hơn cả tin tức" của Mitchell Stephens mới xuất bản gần đây. Trong cuốn sách của mình, Stephens đã vô cùng thận trọng khi sử dụng một từ của ai khác cho một ý niệm cụ thể nào đó mà ông diễn giải. Đơn cử như ở trang 68 của cuốn sách, ông đã phải viết "Với phong cách của một lập luận phù hợp, sức nặng phải "cân xứng" (xin mượn từ của Aristotle khi nói về những viện dẫn đến cảm xúc)". Chỉ một câu ấy thôi cũng đủ khiến tôi phải tự hỏi, đã bao nhiêu lần mình vô ý không sử dụng cái câu "xin mượn từ của ai đó"…

Câu chuyện này càng lý thú hơn khi cách đây không lâu, trong một trao đổi cởi mở liên quan đến triển lãm mỹ thuật của một họa sỹ tiếng tăm, có một người bình thường đã "hứng chí" gợi ý cho họa sỹ nọ về cái tên của cuộc triển lãm mà người họa sỹ kia đứng ra làm giám tuyển. Tuy không sử dụng cái tên ấy, nhưng khi viết một bài giới thiệu cho triển lãm này, chính họa sỹ kia đã công khai hỏi người gợi ý cái tên rằng "Tôi có thể xin phép bạn cho tôi dùng chữ của bạn để làm tít bài báo không?". Người họa sỹ ấy đã làm cái việc mà thực sự rất ít người Việt đang hoạt động văn hóa lẽ ra phải làm là tôn trọng quyền sở hữu sáng tạo của người khác.

Tự nhiên, tất cả các câu chuyện kể trên khiến tôi nhớ đến bản dịch "Godfather" (Mario Puzo) của hai dịch giả Ngọc Thứ Lang và Đ.T.H. Ông Ngọc Thứ Lang dịch chữ "Godfather" thành "Bố Già" quá đạt và ở bản dịch sau, ông Đ.T.H. không thể thoát khỏi hai tiếng Bố Già ấy. Thậm chí, những người dịch phim sau này cũng dùng hai tiếng "Bố Già" như một thương hiệu. Song, không có một xác nhận nào từ những người dịch sau về "quyền tác giả" của ông Ngọc Thứ Lang cả. Ai cũng nghĩ đó là "tài sản công" (public domain) mà họ có quyền tự do khai thác.

Tất cả thực ra đã không còn là những câu chuyện nữa, mà đã trở thành một thói quen ăn sâu của những người đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ Việt Nam, một thói quen xấu. Đơn cử như trong các chương trình ca nhạc, truyền hình thực tế, cần sử dụng tác phẩm của các nhạc sỹ, nhà sản xuất luôn cho rằng họ chỉ cần lên Trung tâm bảo vệ quyền tác giả đóng vài trăm ngàn là xong nghĩa vụ. Có người thì cận chương trình họ gọi điện xin phép đãi bôi một tiếng, có người họ tảng lờ luôn nếu không có được địa chỉ liên lạc. Điều đó khiến những người sáng tạo cảm thấy bị xúc phạm bởi nhà sản xuất chỉ coi họ như một thứ "phế phẩm" của chương trình mà thôi.

Đan Anh
.
.