Tạc tượng rồi mới loay hoay "điền vào chỗ trống"

Thứ Ba, 29/09/2015, 08:00
Không gian công cộng tại các đô thị lớn luôn thiếu trầm trọng mảng tượng đài, điêu khắc. Vì thế các trại sáng tác không ngừng được mở ra để tìm kiếm tác phẩm chất lượng, giúp nhà điêu khắc đưa tác phẩm đến công chúng. Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2015 cũng nhằm mục đích đó. Thế nhưng, trại chưa khởi động, các nghệ sĩ đã nơm nớp nỗi lo nghe chừng rất vô lý mà lại là thực trạng của các trại sáng tác trước đó: tượng tạc xong rồi biết để đâu?

Trại điêu khắc theo kiểu đặt hàng

Theo nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên, trại sáng tác tạo điều kiện cho các nghệ sĩ có cơ hội giao lưu, học hỏi cách làm việc của các nhà điêu khắc tiêu biểu trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc độc đáo phục vụ nhu cầu thẩm mỹ của thành phố. Điều này giúp một số nhà điêu khắc ít khi làm quen với điêu khắc ngoài trời có điều kiện thử sức. Thế nhưng, nhiều trại điêu khắc không khác gì nơi để ban tổ chức đặt hàng chứ không phải để nghệ sĩ tung tẩy sáng tạo dẫn đến chất lượng không như mong đợi.

Các trại đa phần có chủ đề rất chung chung. Việc phân loại cụ thể tượng đài theo dòng gì cũng không được phân biệt rạch ròi dẫn đến các nghệ sĩ thường chỉ chú tâm đến các tượng đài cách mạng, lịch sử mà ít quan tâm đến các loại tượng, tượng đài có nội dung phong phú khác. Riêng ở TP Hồ Chí Minh, theo thống kê, thành phố đang có 50 công trình tượng, tượng đài gồm 10 tượng đài trước năm 1975 và 40 tượng đài mới.

Các nghệ nhân điêu khắc tỉnh Kon Tum bên tác phẩm mới hoàn thiện của mình tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2015.

Trong đó, có 76% tượng đài lãnh tụ, anh hùng liệt sĩ, danh nhân, các sự kiện lịch sử cách mạng, còn lại là các tượng đài về các danh nhân văn hóa, nhân vật lịch sử các triều đại phong kiến, tôn giáo và biểu tượng. Hệ thống điêu khắc mang tính biểu tượng, tượng trang trí tại các công viên, góc phố, các trung tâm thương mại, khu công nghiệp bị lép vế. Nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nhận xét: "Các công viên nếu có tượng thì nó lại mang nặng tính tuyên truyền. Chúng ta nên từ bỏ quan niệm tượng đài điêu khắc chỉ để thờ cúng, chào cờ".

Họa sĩ Uyên Huy, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh cho rằng Ban tổ chức các trại thường đặt nặng yêu cầu nội dung tư tưởng chính trị hơn là quan tâm đến việc tạo không gian vui mắt, gắn với đặc điểm môi trường kiến trúc và cảnh quan trong phạm vi hẹp. Bên cạnh đó, việc quan trọng hóa về tiêu chí nội dung, không gian, quy mô công trình... cũng diễn ra thường xuyên ở các trại điêu khắc.

Một thực trạng đáng buồn là nhiều trại điêu khắc chọn lựa tác giả tham gia theo kiểu mặt trận. Rốt cuộc, các tác phẩm thường thể hiện sáo mòn, lặp lại chủ đề, mô típ, kiểu thức trang trí và mang tính tuyên truyền dễ dãi. "Cảm thức vườn tượng và tượng ngoài trời của các nhà điêu khắc Việt Nam còn yếu, nặng trang trí, nghèo ý tưởng, thừa tính mỹ nghệ, dân gian, phồn thực". Thế nhưng sau đó, các tác phẩm xấu tốt gì cũng được đánh giá tốt theo kiểu "huề cả làng".

Trao đổi trước thềm Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh 2015 sẽ khai mạc vào tháng 11 tới, nhà phê bình Nguyễn Quân thẳng thắn: "Các mục tiêu của trại sáng tác điêu khắc quốc tế lần này như "tác phẩm có nội dung tư tưởng sâu sắc tạo ấn tượng tốt đẹp về hình ảnh TP Hồ Chí Minh đang từng ngày đổi mới, phát triển và hội nhập; góp phần hình thành không gian nghệ thuật điêu khắc ngoài trời cho thành phố; ngôn ngữ tạo hình đặc sắc, có cá tính, sáng tạo vừa mang tính truyền thống vừa mang tính hiện đại phù hợp với cảnh quan của khu trung tâm và các tuyến đường trọng điểm..." là ảo tưởng và không khả thi. Nó nguy hiểm vì nếu mặc định kết quả của trại như vậy sẽ dẫn tới sự dễ dãi trong nghiệm thu, chưa đẹp là chấm đẹp, chưa phù hợp cho là phù hợp rồi ép vào không gian. Chỉ nên đặt mục tiêu là chọn được hai, ba tác phẩm đáp ứng được các tiêu chí trên".

Tại Việt Nam, từ năm 1997 đến nay đã có 25 trại điêu khắc tổ chức ở các tỉnh, thành nhưng chất lượng nghệ thuật chưa cao. Dù Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có quy chế tổ chức trại sáng tác điêu khắc nhưng quy chế này vẫn bộc lộ hạn chế trong phương thức: chọn thành phần hội đồng nghệ thuật xét chọn phác thảo, nghiệm thu, xác định điểm đặt tác phẩm; chọn tác giả tham dự và thiếu khâu kiểm tra giám sát mà hầu hết để cho tổ chức trại, địa phương quản lý theo kiểu tùy hứng theo sở thích cá nhân.

Xem nhẹ không gian của điêu khắc

Ngoài chất lượng tác phẩm đa phần thấp, vấn đề nan giải nhất chính là cách trưng bày, bảo quản tác phẩm sau khi trại kết thúc. Hầu hết, chúng bị đặt tùy tiện ở những vị trí không ăn nhập gì với cảnh quan xung quanh, thậm chí làm cho cảnh quan thêm rối rắm. Khu vườn tượng ở công viên Tao Đàn là kết quả của Trại điêu khắc TP Hồ Chí Minh năm 2005. Giới mỹ thuật đều nhận xét nó giống như một gian hàng triển lãm ngoài trời hơn là một vườn tượng. Nếu các tượng này được phân tán một cách rải rác, khiêm tốn hơn gần gũi hơn trong công viên thì người dân dễ tiếp cận chứ không thờ ơ như hiện nay.

Ở các trại sáng tác khác, các tác phẩm cũng không được tính toán để đặt vào những vị trí phù hợp mà phần lớn gom lại trưng bày thành khu vực như ở hai bên bờ sông Hương (Huế), công viên Bãi Trước (Vũng Tàu), khu vườn tượng Núi Sam - Châu Đốc (An Giang)... Ở những nơi trưng bày này hoàn toàn không có sự phối hợp giữa các nhà chuyên môn điêu khắc và kiến trúc nên nảy sinh những thiếu sót đáng tiếc như một số tượng quá nhỏ so với không gian chung, mật độ tượng quá dày, các tượng lớn sắp hàng dọc các lối đi vì những trở ngại trong việc lắp đặt, dàn dựng.

Các tác phẩm tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2005 không phát huy hết giá trị thẩm mỹ khi bị dồn vào không gian chật hẹp ở công viên Tao Đàn.

Thiếu chỗ trưng bày không chỉ xảy ra với các tác phẩm của trại điêu khắc mà còn với nhiều tác phẩm được đánh giá là đẹp khác. Chẳng hạn như một bức tượng bán thân rất đẹp của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu vẫn phải để tạm tại một bảo tàng chứ chưa tìm được chỗ trưng bày ngoài trời. Đây là hệ quả của việc thiếu quy hoạch hệ thống tượng đài và cũng là hệ lụy của việc tổ chức sáng tác tác phẩm trước rồi mới tìm chỗ để trưng bày.

Tìm hiểu về các trại điêu khắc trên thế giới, nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn cho biết: "Các trại điêu khắc như trại điêu khắc Chang Chun, Trung Quốc; trại điêu khắc Horice, Cộng hòa Czech đều quy hoạch, chuẩn bị sẵn không gian cho tượng và tượng chính là yêu cầu cuối cùng mà họ nhắm đến cho không gian đó. Các trại điêu khắc này hoàn toàn không trùng lặp nhau chính vì họ có những định hướng về việc tổ chức không gian từ đầu và cũng chính vì dành cho không gian một vai trò lớn trong điêu khắc nên họ xây dựng được những trại điêu khắc cũng như vườn tượng đầy cá tính, đặc thù địa phương".

Cũng theo điêu khắc gia Bùi Hải Sơn, ở Việt Nam, tất cả các trại được chuẩn bị khá quy mô và diễn ra hơn một tháng nhưng sau đó là những khoảng lặng đáng tiếc từ phía các địa phương tổ chức. Đa số các trại không có một quy hoạch không gian cụ thể dựa trên một kế hoạch được dự tính trước, do đó không thể ràng buộc hoặc đòi hỏi các nhà điêu khắc có những sáng tạo phù hợp với không gian. Bài toán còn lại dồn hết trên vai kiến trúc sư quy hoạch không gian sau này và các nhà điêu khắc thì hoàn toàn không biết tác phẩm của mình rồi sẽ tồn tại ra sao trong không gian mới. Ngoài ra, các trại điêu khắc hầu hết thường "ăn theo" một sự kiện, một lễ hội nào đó. Khi số lượng tượng đã kha khá thì địa phương mới nghĩ đến chuyện quy hoạch vườn tượng, công viên điêu khắc.

Nhà điêu khắc Phan Quân Dũng, Trưởng ngành Điêu khắc phía Nam lý giải: "Hạn chế về quy hoạch tại các đô thị chưa hình thành một mảng quy hoạch rõ nét cho các tác phẩm nghệ thuật liên quan đến môi trường, không gian thể hiện. Những công trình tượng vẫn được đặt theo cách do nhu cầu phát sinh, lấp chỗ trống để cố tạo dựng tô điểm không gian".

 Không gian của tác phẩm điêu khắc với những yếu tố tối ưu về ánh sáng, chiều kích, cảnh quan... chiếm đến 50% giá trị nghệ thuật và là khâu cuối cùng quyết định sự thành công của tác phẩm. Do đó, để điêu khắc tại các đô thị  hiệu quả, khởi sắc trong thời gian tới cần sự kết hợp chặt chẽ với thiết kế kiến trúc, cảnh quan...

Tại Trại sáng tác điêu khắc quốc tế TP Hồ Chí Minh 2015, các nhà điêu khắc mong muốn ban tổ chức sẽ chú ý đến không gian trưng bày, nếu cần nên dựng không gian phối cảnh các vị trí dàn dựng tác phẩm bằng bản vẽ không gian 3D trước khi sáng tác.

Nguyễn Trang
.
.