Tác quyền tỉ lệ nghịch với tác phẩm?
Kế hoạch ấy có vẻ có lợi cho người viết nhạc, nhưng không hề phát ra một tín hiệu tích cực nào về sự chuyển biến thẩm mỹ âm nhạc. Câu hỏi đặt ra, sự cò kè bớt một thêm hai trong hoạt động âm nhạc có thể mang lại lợi ích gì cho công chúng?
Từ xăng dầu cho đến thực phẩm đều tăng giá, cho nên bản quyền tăng giá cũng là chuyện bình thường. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng, chất lượng nghệ thuật vài năm qua không hề song hành với thị trường âm nhạc. Được quảng bá bằng sóng truyền hình quốc gia, chương trình "Bài hát Việt" cũng không có mấy bài hát quyến rũ khán giả…
Chợt nhớ, cả cuộc đời Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn và nhiều tài danh khác có bao giờ nắc nỏm hỏi han đến tiền bản quyền đâu. Vậy mà, hàng loạt ca khúc của họ vẫn ra đời và nâng dậy tâm hồn cho khán giả hết thế hệ này đến thế hệ nọ. Đành rằng, thời đại biến chuyển rồi, nền kinh tế tri thức cho phép mọi người được yêu cầu thù lao xứng đáng với sáng tạo. Song, nói đi phải nói lại, bây giờ không nhiều ca khúc đủ sức rung động người nghe. Ca sĩ nhún nhảy trên sân khấu chủ yếu khoe áo khoe quần hoặc phô diễn son phấn và phô diễn vũ đạo, chứ có nhằm đưa âm nhạc đến cộng đồng đâu. Vậy các nhạc sĩ dựa vào cơ sở nào để tin rằng giai điệu do mình viết ra cần được đánh giá như hàng hóa siêu đẳng?
Lẽ thường, một sản phẩm được treo giá đều dựa trên yếu tố sử dụng và yếu tố thương hiệu. Muốn tăng giá bản quyền, ít nhất Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc phải chứng minh tinh hoa ca khúc đã vượt tầm như thế nào so với trước đây. Hay cứ vô tư để mặc các kiểu ca khúc nhố nhăng xuất hiện, chỉ biết mỗi việc thu tiền tác quyền?
Những ai chịu khó ngồi khoảng một buổi ở các quán cà phê dành cho người trẻ lui tới và chịu khó lắng nghe vài ca khúc được phát liên tục, sẽ cảm thấy bây giờ trở thành nhạc sĩ sao mà dễ dàng quá. Những ca từ làm người nghe giật mình không phải quá bi lụy hay quá sáo rỗng, mà quá sơ sài và quá thô thiển. Những ca khúc làm mưa làm gió trên sàn diễn như "Miễn cưỡng không hạnh phúc", "Anh đã quen cuộc sống một mình", "Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến", "Dây dưa không bằng dứt khoát", "Một lần nữa tôi bị lừa" hay "Đàn ông không được làm khổ đàn bà"…giống như những món hàng bán thành phẩm vậy. Nếu được biểu diễn góp vui văn nghệ xóm làng thì không nói làm gì, đằng này tất cả băng đĩa và mọi loại hình sân khấu lớn nhỏ đều hát ra rả!
Hiện tại, giá trị âm nhạc đang khủng hoảng nghiêm trọng. Chiếm lĩnh đời sống biểu diễn là dòng ca khúc có đặc điểm của cơm bình dân, với tiết tấu đơn giản và ca từ cực kỳ dễ dãi, cứ như bê nguyên những câu nói đầu đường cuối thôn vào bài hát. Có nhiều câu nhiều ý trần trụi đến mức người nghe phải bật cười một cách chua xót. Vài nhạc sĩ cho rằng, đây là khuynh hướng sáng tác mới, gần gũi với hiện thực. Có thể ca từ không cần phải tinh luyện như lời thơ, nhưng ít ra cũng phải đạt vẻ đẹp ngôn ngữ nhất định. Nói cho sòng phẳng thì ca từ cơm bình dân đang nhân danh đời sống để nhục mạ nghệ thuật.
Muốn thu bản quyền hãy xác định bản quyền. Đó là đòi hỏi chính đáng của những người còn chút yêu mến dành cho âm nhạc Việt