Sức mạnh mềm và trách nhiệm của thế hệ trẻ

Thứ Hai, 27/07/2015, 07:48
"Phải chăng văn hóa Việt Nam chỉ có mỗi Kiều để thế giới tìm hiểu và chính thế hệ hôm nay cần phải làm gì để văn hóa Việt Nam được đón nhận rộng rãi hơn nữa ở bên ngoài biên giới nước ta?"...

Gần đây, khá nhiều người cảm thấy thú vị khi trong cuộc đón tiếp Tổng Bí Thư  Nguyễn Phú Trọng, Phó tổng thống Mỹ đã lẩy Kiều như một cách tạo nên sự gần gũi với Việt Nam nói chung và với cá nhân Tổng Bí Thư nói riêng. Sự thú vị ấy phát xuất từ hai điểm. Thứ nhất, ta tự hào vì Kiều là một tác phẩm được thế giới ghi nhận rộng rãi. Thứ nhì, rõ ràng người Mỹ tôn trọng chúng ta thì họ mới tìm hiểu thật kỹ văn hóa Việt Nam khi đón tiếp một lãnh đạo cao cấp của Đảng. Và dù cho ai có nói rằng đó là một thủ thuật ngoại giao đi nữa thì nó cũng đem lại sự thích thú bởi ít ra ta còn có cái để mà họ tìm hiểu. Nên nhớ, lý tính người Tây phương không dễ dàng cho việc chấp nhận một thứ gì đó không có giá trị.

Song, câu hỏi đặt ra ở đằng sau câu chuyện thú vị ấy là gì? Đó chính là "phải chăng văn hóa Việt Nam chỉ có mỗi Kiều để thế giới tìm hiểu và chính thế hệ hôm nay cần phải làm gì để văn hóa Việt Nam được đón nhận rộng rãi hơn nữa ở bên ngoài biên giới nước ta?".

“Truyện Kiều” - một tác phẩm được thế giới ghi nhận rộng rãi.

Tại sao lại phải đặt ra câu hỏi đó? Đơn giản, văn hóa chính là thứ sức mạnh mềm giúp cho rất nhiều mặt khác trong đời sống chính trị xã hội phát huy năng lực của mình. Nói một cách rõ ràng hơn, đối với các nước lớn, văn hóa chính là thứ quyền lực mềm để giúp họ áp đặt tầm ảnh hưởng, thậm chí là xâm lược, xâm chiếm thị trường. Còn đối với một nước nhỏ, văn hóa là sức mạnh để giúp quốc gia ấy khẳng định vị thế và từ đó phát triển thành một nước không nhỏ nữa.

Chắc hẳn tất cả chúng ta đều còn nhớ đến bốn chữ "Mỹ phẩm Hàn quốc". Nó gần như đã ăn sâu vào tâm trí người Việt trong khoảng 20 năm trở lại đây. Nó như một "thương hiệu" quốc gia của người Hàn Quốc và thậm chí có thời, nó đã tạo thành một trào lưu tiêu thụ, sử dụng, thời trang. Vậy thì chúng ta hãy thử kiểm đếm xem có khoảng bao nhiêu shop mỹ phẩm Hàn Quốc chính hãng đang tồn tại ở mỗi thành phố lớn ở Việt Nam và có bao nhiêu thương hiệu mỹ phẩm Hàn Quốc đang được phân phối trên thị trường Việt Nam?.

Không quá nhiều, không quá tràn ngập. Nhưng bốn chữ Mỹ Phẩm Hàn Quốc lại vẫn là một thương hiệu quốc gia. Dễ hiểu, nó được sinh ra từ một thứ sức mạnh mềm của người Hàn Quốc, sức mạnh được tạo ra từ làn sóng phim truyền hình Hàn Quốc, ca nhạc Hàn Quốc tràn ngập sóng truyền hình Việt.

Thế hệ thanh niên Việt Nam thời thập niên 60, 70 hay 80 cứ nhắc đến Anh quốc là nhắc tới The Beatles, The Rolling Stones hay nói rộng hơn là nhạc rock. Còn sau này, thế hệ hiện nay gần như cứ nhắc đến Anh Quốc là nhắc đến Manchester United, Arsenal, Chelsea… hay rộng hơn là ngoại hạng Anh như một thứ sức mạnh mềm vô hình của nước Anh. Chính thứ sức mạnh mềm đó là chìa khóa mở toang cánh cửa tò mò để người Việt (và nhiều người ở các quốc gia khác nữa) tìm hiểu về nước Anh, yêu mến nó, rồi bắt đầu hình thành ý thức tiêu thụ các sản phẩm từ nó. Đó là lý do vì sao ở mỗi mùa Hè, các CLB Anh quốc vẫn tha thiết với thị trường Đông Nam Á. Nó là cách để họ mở rộng tầm ảnh hưởng của mình, thứ mà họ hiểu rằng sau này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích kinh tế lớn.

Trong một cuộc nói chuyện riêng giữa tôi với một anh bạn là chuyên gia truyền thông và một tổng giám đốc một tập đoàn nhà nước có rất nhiều chi nhánh ở khắp nơi trên thế giới (từ châu Phi tới Nam Mỹ), chúng tôi đã nhận định với người Tổng giám đốc ấy rằng "doanh nghiệp của anh quả thật rất mạnh, với sự hiện diện ở nhiều nước trên toàn cầu. Song, sự xuất hiện đó chỉ là đánh dấu mốc bằng phần cứng. Anh cần phải mang sức mạnh mềm của Việt Nam sang các thị phần đó, để cư dân của họ làm quen, yêu thích và từ đó họ sẽ gắn liền với dịch vụ của anh". Người Tổng giám đốc đó hoàn toàn đồng tình với quan điểm kể trên và lập tức mời vị chuyên gia truyền thông kia trở thành cố vấn đặc biệt của tập đoàn trong việc phát triển thương hiệu toàn cầu.

Tất nhiên, ông cũng đặt câu hỏi "sức mạnh mềm của Việt Nam hôm nay là gì?" để chúng tôi đưa ra đáp án. Và đáp án cũng không phải quá khó khăn. Với chúng tôi, có 4 thứ thuộc văn hoá Việt Nam được thế giới ghi nhận là ẩm thực; võ thuật; thuốc Nam và giáo dục (đối với các thị trường chậm phát triển). Nếu chúng ta phát huy được sức mạnh mềm đó, cùng nhiều sức mạnh mềm từ các mảng văn hóa khác nữa, chắc chắn vị thế Việt Nam sẽ khác xa ở trong tương lai gần.

Nhưng vấn đề mấu chốt là trách nhiệm của việc phát huy sức mạnh mềm Việt Nam thuộc về ai? Không thể quy về cho lãnh đạo, hay cho các chủ tập đoàn mà chính thế hệ trẻ hôm nay là những người phải đảm nhận. Họ là thế hệ đang sở hữu tương lai và cả một phần hiện tại, họ cần phải phát triển sức mạnh mềm ấy. Tuy nhiên, trước khi muốn phát triển nó, họ cần phải tìm hiểu nó thật kỹ. Đó mới chính là vấn đề nhức nhối hôm nay bởi nhiều người trẻ của Việt Nam không hề thấu đáo chính văn hóa Việt Nam.

Xin chốt lại bằng chính đoạn phim tư liệu về cố giáo sư Trần Văn Khê, người đã mất cả đời để phát triển, phổ biến sức mạnh mềm từ âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Trong đoạn phim đó, thính giả của các buổi thuyết trình của ông có hai loại. Nếu là người Tây phương, họ đa số là thế hệ trẻ. Còn nếu là người Việt Nam, gần như 100% là thế hệ tương đồng với cố giáo sư. Vậy thì rõ ràng, trách nhiệm của người trẻ hôm nay rất lớn, và nặng nề, song không phải hoàn toàn là bất khả.

Hà Quang Minh
.
.