Văn học trẻ từ góc nhìn phê bình trẻ

Sự xa rời của nhà văn trẻ trong tư cách trí thức

Thứ Hai, 26/09/2011, 08:00
Phỏng vấn Nhà phê bình văn học Đoàn Ánh Dương.

- Thưa anh Đoàn Ánh Dương, nhìn từ góc độ của một người làm phê bình, anh thấy Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc vừa diễn ra đã mang đến cho những người cầm bút trẻ điều gì là quan trọng?

+ Bạn đặt ra các góc nhìn ở đây tôi nghĩ là hợp lý. Bởi ngay trong giới phê bình, sự đánh giá cũng đã rất khác nhau. Tôi chỉ có thể đưa ra nhận định từ góc độ cá nhân. Tôi rất chia sẻ với ý kiến của Mai Anh Tuấn, người bạn đã cùng tôi theo dõi và trao đổi về những thảo luận trong hội nghị lần này, ấy là tiếng nói của các cây bút trẻ đến từ các địa phương. Phải rất lâu chúng ta mới có được một tiếng nói địa phương đông đảo đến vậy. Chúng ta đã có nhiều hội nghị, hội thảo văn học, cũng có cả việc tổ chức hội thảo ở địa phương, nhưng đấy vẫn là nơi để cho các nhà văn hoạt động ở trung ương cất lên tiếng nói của mình chứ không phải là diễn đàn dành cho các nhà văn địa phương. Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc và sự khác biệt của tính chất văn hóa vùng miền luôn được thể hiện trong các sáng tác. Lắng nghe được các tiếng nói ấy cho một mục đích xây dựng nền văn học chung của dân tộc là cần thiết và có nhiều ý nghĩa.

- Quan sát từ hai cuộc hội thảo về thơ và văn xuôi trẻ, trong Hội nghị Những người viết văn trẻ vừa rồi, điều gì khiến anh, một người làm công tác phê bình văn học phải suy ngẫm nhiều nhất?

+ Tôi vừa nói đến chuyện hội nghị là cơ hội lắng nghe được nhiều tiếng nói. Những vấn đề của văn học trẻ nảy sinh trong chính sự đa dạng các tiếng nói ấy. Sự cách biệt về ngôn ngữ khiến cho nhiều trao đổi trở nên bế tắc. Làm sao tìm được tiếng nói chung trong một cộng đồng văn học đa dạng là vấn đề đang được đặt ra. Cái khiến tôi phải suy nghĩ nhiều nhất là hiệu quả của những hoạt động này. Xét về việc biểu dương lực lượng thì rõ ràng, hội nghị đã khá thành công. Nhưng xét ở những chuyển động cụ thể của văn học, là vấn đề thiết thân của văn học trẻ, thì vẫn còn nhiều vấn đề phải bận tâm suy nghĩ. Cái việc không hẹn mà gặp, dù ít nhiều đã có ý hướng từ ban tổ chức về trách nhiệm xã hội của nhà văn, việc rất nhiều tham luận và ý kiến nhấn mạnh vào sự can thiệp xã hội của nhà văn, là một ấn tượng thực sự của hội nghị lần này.

- Có một thực tế là, trong khi những người sáng tác trẻ đã trở thành một đội ngũ hùng hậu thì số lượng những người trẻ viết phê bình vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay, chưa thể xem là một "đội ngũ". Sự "vắng bóng" ấy của họ, những người làm phê bình trẻ, theo anh có nguyên nhân từ đâu?

+ Hội nghị lần này số lượng nhà văn trẻ hoạt động trong lĩnh vực phê bình được đề cử khoảng 10 người. Tôi nói áng chừng vì nhiều nhà văn trẻ thường xuyên viết phê bình cũng để lại dấu ấn trên cả lĩnh vực sáng tác, như Nhã Thuyên chẳng hạn. Nhưng dù là số lượng như thế thì vẫn rất ít. Nói đúng hơn, tỉ lệ trong hội nghị thì nhiều nhưng ngoài thực tế đời sống văn học thì vẫn ít. Có rất nhiều nguyên do dẫn đến thực tế này, trong đó nguyên do cơ bản là văn học đang mất dần sự hứng thú so với các ngành nghệ thuật khác. Giáo dục văn học như một hình thức bồi dưỡng trí tuệ cảm xúc bị coi nhẹ. Văn học giảm giá tự thân và từ trong giáo dục căn bản bắt buộc như vậy thì phê bình văn học khó mà phát triển được. Phê bình là một lĩnh vực phức tạp, ngoài mẫn cảm nghệ thuật, nhà phê bình còn phải cần kiến thức về khoa học xã hội nhân văn, về lịch sử văn học, lý thuyết và phương pháp. Trang bị ngần ấy thứ cho một công việc không mấy mặn mà, trong thời buổi hiện nay, không phải ai cũng dễ dàng dấn thân. Đấy là chưa tính đến tác động của văn học Việt Nam cũng chưa lớn đến mức có thể khiến sự từ bỏ công việc của người làm phê bình trở nên day dứt, khó khăn...  

- Có nhiều ý kiến cho rằng một số nhà văn trẻ nổi đình nổi đám hiện nay là nhờ những bài lăng xê đầy tính hào nhoáng của truyền thông mà không phải bằng những công trình nghiên cứu, phê bình về giá trị thực của tác phẩm. Nếu phải nói về những bất cập của phê bình trong định giá nền văn học trẻ hiện nay, anh sẽ nói gì?

+ Những tên tuổi của văn học Việt Nam không nhiều, với văn học trẻ thì lại càng không mấy rõ ràng, nên cái mà bạn gọi là "nổi đình nổi đám" ấy là do sự nhẹ dạ của người đọc, sự nhu nhược của nhà văn, và khía cạnh nào đó, cả sự cơ hội của báo chí trong thời đại thông tin truyền thông. Phê bình hầu như góp phần rất ít vào đó. Không có ông "bầu" phê bình trong đời sống văn học nên không có phê bình văn học lăng xê. Phê bình là sự tự nhận thức của văn học chứ không phải là thước đo ở bên ngoài áp đặt vào văn học. Cái bất cập của phê bình hiện nay chính là sự ý thức rốt ráo về điều đó.

- Vì sao anh cho rằng phê bình mà chạy theo nhà văn và tác phẩm thì sẽ hụt hơi. Theo quan niệm của anh, nhiệm vụ chính xác của phê bình là gì?

+ Ở ta thỉnh thoảng lại có nhà văn la ó về việc nhà phê bình không cập nhật tác phẩm của mình hay một vài nhà phê bình than phiền việc đọc tác phẩm giờ trở nên quá tải, bởi số lượng tác phẩm phải đọc quá lớn, làm cho câu chuyện phê bình trở nên buồn cười. Nếu hiểu như vậy, văn học và phê bình chẳng khác gì hai vận động viên của cuộc đua ma-ra-tông vòng tròn không có đích đến. Cứ chạy miết như thế thì sao chẳng rã rời, chẳng chán nản gùn ghè nhau thêm. Tôi nói sự hụt hơi là theo nghĩa ấy. Còn về nhiệm vụ của phê bình như chị hỏi, thì tôi nghĩ rằng giống như nhà văn, nhà phê bình cũng là một người sáng tạo, sáng tạo từ việc tiếp nhận, và kết quả của nỗ lực ấy phải là sự tái diễn của cuộc truy tầm mãi mãi vào thế giới không cùng của văn chương và con người, chứ không đơn thuần chỉ là vu hồi về cái gốc của quá trình sáng tạo, như là một hình thức thẩm định nhà văn và tác phẩm. 

- Thành tựu của văn học trẻ những năm qua thì người ta nói quá nhiều rồi. Nhưng nếu phải gọi tên về một nỗi lo nào đó của riêng anh, từ góc độ một người làm phê bình, về đời sống văn học xoay quanh chữ trẻ ấy, anh có gì chia sẻ với bạn đọc?

+ Tôi nghĩ trong văn học thì không có thi đua. Nên không có chuyện đồ thị phát triển văn học mãi mãi là đường thẳng đi lên. Văn học là thành tố của văn hóa, sự tồn tại của nó nằm ở sự khác biệt. Thành tựu của văn học, nếu vẫn muốn nói đến thành tựu, ấy phải là sự khác biệt trong tương quan với lịch sử văn học và những can thiệp tới xã hội và tình người. Cái khác biệt trong tương quan với lịch sử văn học thì văn học trẻ đã có, nhưng cái khác biệt trong những can thiệp xã hội thì vắng vẻ hơn nhiều. Rất ít nhà văn trẻ của ta đặt mình trong vị trí của trí thức, những người hướng đến sự độc lập trong tư duy và ý thức phản biện xã hội. Tôi không muốn nói đến nỗi lo, chỉ nêu ra một vấn đề mà chúng ta có thể cùng suy nghĩ, đó là sự xa rời của nhà văn trong tư cách trí thức...

- Xin cảm ơn anh

Bình Nguyên Trang (thực hiện)
.
.