Sự thật phũ phàng của các nghệ sĩ hoạt hình ở Nhật Bản

Thứ Ba, 26/04/2016, 08:09
Những bộ phim hay truyện tranh hoạt hình (anime) Nhật Bản từ lâu đã lôi cuốn hàng triệu người trên thế giới nhờ hình ảnh ngộ ngĩnh, ngây thơ, nội dung dí dỏm, hài hước. Tuy nhiên, cuộc sống của những nghệ sĩ phim hoạt hình (animator) thật bạc bẽo, họ bị hắt hủi, sống lay lắt vì đồng lương còm cõi, thấp hơn cả mức lương tối thiểu ở Nhật Bản trong khi làm việc không ngày nghỉ. Không ít người vì bị bóc lột quá sức đã dẫn tới trầm uất, tâm thần và tự sát. 


Một số nghệ sĩ thay vì làm ra những tác phẩm hoạt hình vui nhộn cho đời thì đã cho ra mắt những bộ phim hoạt hình nội dung về chính cuộc sống nhiều áp lực tồi tệ của họ nơi ngành công nghiệp hoạt hình (anime) phát triển nhất thế giới.

Phanh phui sự thật

Mới đây, một animator người Mỹ Henry Thurlow sau nhiều năm sống và làm việc tại xứ mặt trời mọc đã tiết lộ một sự thật gây rúng động trên Kotaku.com qua bài viết “Sự thật tàn bạo về nghệ sĩ hoạt hình ở Nhật Bản”. Cộng đồng yêu mến anime hiện đang hoang mang, phẫn nộ khi đọc được bài chia sẻ trên. Henry Thurlow cho biết, điều kiện sống thiếu thốn và bị bóc lột sức lao động tàn bạo dẫn đến hiện tượng tự sát đã xảy ra đối với giới nghệ sĩ hoạt hình tại Nhật Bản, bản thân anh cũng từng nếm trải quá nhiều cay đắng khi là một animator trên đất nước mặt trời mọc này.

Henry Thurlow, animator người Mỹ đầu tiên và duy nhất tại một trong những hãng anime lớn nhất Nhật Bản.

Sau đây là một vài câu trả lời của Henry Thurlow trong một bài phỏng vấn trên trang Reddit:

- Các hãng anime hầu hết tọa lạc ở đâu?

+ Hầu hết các hãng anime tại Nhật Bản nằm ở Tây Tokyo. Đó là lý do vì sao các hãng phim có thể và luôn giúp đỡ lẫn nhau. Mọi người liên tục chạy lên chạy xuống qua lại giữa những công ty, vì chúng ở rất gần nhau, đều trên cùng một con phố mà thôi.

- Anh có biết tiếng Nhật khi vừa mới tới quốc gia Đông Á này không?

+ Khi tôi vừa đến Nhật Bản, tôi biết rất ít tiếng địa phương. Đó chính là lý do tôi liên tục bị các hãng anime Nhật từ chối. Thậm chí đến nay, tôi giao tiếp vẫn chưa được lưu loát, nhưng vốn từ của tôi đủ tốt để đi phỏng vấn và làm việc trong môi trường toàn người Nhật.

- Anh có gặp cú sốc văn hóa khi vừa mới đến Nhật không?

+ Có chứ, trong những năm đầu tiên, khi chưa là một animator chính thức, tôi đã phải lăn lộn kiếm sống bằng cách đi dạy tiếng Anh cho người Nhật. Trong khoảng thời gian này, tôi phải học cách làm quen với phong tục và văn hóa của họ cũng như nắm trong tay hệ thống tàu điện ngầm ở đây.

- Có thật là lượng công việc rất khủng khiếp trong khi lương thì ít ỏi?

+ Mức lương và giờ giấc thay đổi tùy thuộc vào công việc của bạn. Vị trí tốt nhất (chỉ dành cho những người giỏi nhất) trong nghề này chính là hành nghề tự do… tức bạn có quyền yêu cầu mức lương, cũng như có quyền nghỉ sau khi dự án đã hoàn thành nếu bạn muốn. Còn đối với những nghệ sĩ theo hợp đồng như tôi, lượng công việc rất kinh khủng. Cách đây 8 tháng, khi còn làm tại Nakamura-Productions, tôi kiếm khoảng từ 5 đến 25 USD/ngày, tức bạn được trả 1 USD cho một khung hình. Khi chuyển sang làm cho Studio Pierrot và tham gia những dự án phim lớn như “Tokyo Ghoul” và “Naruto”, tôi kiếm được khoảng 1.000 USD/tháng, tức 2-4 USD cho một khung hình. Đây quả thật không phải là một công việc dễ dàng, nhưng vì sở thích và niềm đam mê, bạn phải học cách chấp nhận.

Hãy thành thật mà thừa nhận, đây không còn là một môi trường làm việc vất vả…. mà nó như là một sự bóc lột sức lao động của con người. Các nghệ sĩ thậm chí không được trả bằng mức lương tối thiểu (theo chuẩn quốc gia) và họ bị ép phải làm việc nhiều đến mức nôn mửa tại chỗ làm và bị đưa vào bệnh viện để cứu chữa, nằm trong đó hàng tháng trời.

- Không khí làm việc ở đó như thế nào?

+ Trái hẳn với không khí làm việc vui tươi ở Mỹ, bạn chỉ nhận được sự im lặng đến đáng sợ khi làm việc tại Nhật Bản. Mọi người đều bận và họ hầu như không có thời gian để đùa giỡn và giao tiếp với nhau. Họ chỉ ngồi đó và làm việc như những cỗ máy trong im lặng suốt ngày.

Hành trình tới nơi khổ ải vì… yêu nghề

Như bao đứa trẻ khác ở Mỹ, Henry Thurlow lớn lên với tuổi thơ gắn liền với phim hoạt hình cho đến tuổi 12, khi anh lần đầu coi bộ phim “Spawn” trên kênh HBO, tác phẩm như đã mở ra khái niệm về một thế giới bí ẩn hơn để hấp dẫn đối tượng khán giả trên 17 tuổi.

Henry sau đó nhanh chóng đến với thế giới anime của Nhật Bản khi lần đầu phát hiện những serie ăn khách như “Genocyber”, “Yoma”, “Ninja” “Scroll”, va “Demon City Shinjuku” tại một cửa hàng và anh đã thuê băng về xem. Chính những cảnh máu me, tra tấn và bạo lực trong những serie này đã dẫn Henry đi vào con đường trở thành diễn viên phim hoạt hình và từ đó anh đã đi đến những góc tối nhất trong ngành công nghiệp anime của Nhật Bản.

Sau khi tốt nghiệp trường Pratt Institute, Henry ra ngoài đời bươn chải và làm việc tại thành phố New York, nơi anh cống hiến tài năng và khối óc của mình cho nhiều dự án nhỏ liên quan đến game trên mạng, hoạt hình thiếu nhi, âm nhạc…. Nhưng anh sớm cảm thấy chán nản và quyết định từ bỏ. Henry tâm sự: “Tôi cảm thấy như đang phung phí tài năng của mình vào những thứ tào lao này, chứ không phải vì nghệ thuật đích thực”. Sau đó, Henry đã từ bỏ quê hương của mình để đến và làm việc cho hãng Studio Pierrot tại Nhật Bản, thiên đường của các fan Anime và Manga. Nghe có vẻ như là một công việc ai cũng muốn có được, nhưng đi kèm với nó là một cái giá rất đắt.

Trước đó, Henry phải gửi bản lý lịch của mình cho nhiều công ty và nhận được không gì khác ngoài sự từ chối hết lần này đến lần khác. Sau nhiều năm kiên trì, Henry cuối cùng cũng được một công ty nhỏ là Nakamura Pro nhận vào với đồng lương ít ỏi. “Tôi đã nộp đơn ở rất nhiều hãng nhưng đều bị từ chối. Có thời điểm tôi phải đi học tiếng Nhật, tạo dựng mối quan hệ và ngồi làm lại hồ sơ xin việc nhiều lần. Phải mất đến 4 năm, hãng Nakamura-Productions mới nói rằng, hồ sơ của tôi đạt yêu cầu, nếu như visa của tôi còn hiệu lực thì chuẩn bị tinh thần để làm việc không có ngày nghỉ với mức lương 300 USD/tháng…”, Henry nói.

Chỉ khi chuyển đến Studio Pierrot, tình hình mới khá lên và Henry có cơ hội được nhúng tay vào những dự án anime lớn như “Akatsuki no Yona”, “Tokyo Ghoul”, và bộ phim “The Last-Naruto”. Đến đây, nhiều bạn sẽ tưởng rằng anh ấy đang sống trong giấc mơ, nhưng thực tế lại là điều ngược lại.

Một nữ animator.

“Khi còn sống tại New York, tôi có đủ tiền để thuê một căn hộ và có đủ thời gian để có được một cuộc sống riêng. Nhưng người nghệ sĩ bên trong tôi lúc nào cũng gào thét vì tôi không thực sự tạo được cái gọi là nghệ thuật chất lượng cao. Giờ đây, trong một guồng máy làm việc áp lực ở Nhật Bản, tôi gần như bị vắt cạn kiệt sức lực nhưng do đam mê anime nên dù cực đến mấy tâm hồn tôi rất thanh thản”.

Được biết, hiện Henry Thurlow đang chuẩn bị hoàn thành một dự án phim về anime có tựa đề “Judgement and Justice” sẽ ra mắt vào cuối năm nay. Và theo lời anh miêu tả thì bộ phim này sẽ “rất đẫm máu” và nói lên cơn giận dữ và thất vọng của anh về cuộc sống của mình tại Nhật Bản.

Cộng đồng anime quốc tế kêu gọi Chính phủ Nhật giúp đỡ

Một Youtuber chuyên có những đoạn video phân tích và đánh giá anime nổi tiếng trên mạng, sau khi đọc bài báo vạch trần sự thật đen tối về điều kiện làm việc tồi tệ mà các animator tại Nhật Bản đang phải hứng chịu, đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng anime chung sức tạo sức ép để Chính phủ Nhật phải có những biện pháp, nhằm hỗ trợ thêm cho các animator, qua đó cải thiện cuộc sống của họ.

“Đây không phải là một điều gì đó mới mẻ đối với chúng ta. Thậm chí, đã có trường hợp một animator tự tử chỉ vì không thể hoàn thành công việc cho hãng A1 Picture. Tiêu chuẩn sống tại Nhật Bản rất cao, bạn không thể nào tồn tại chỉ với 1.000 USD/tháng. Bản thân tôi là một fan cuồng anime nhưng tôi không nghĩ mình sẽ hi sinh sức lực để làm việc trong những điều kiện như thế này. Các nghệ sĩ bị đối xử như những nô lệ bởi một bộ máy công nghiệp tàn nhẫn. Thú thật, các nghệ sĩ họ đang tự giết mình để tạo ra những tác phẩm mang lại nụ cười và nước mắt cho hàng triệu người hâm mộ trên thế giới và họ xứng đáng nhận được nhiều hơn thế”- trích dẫn lời của một thành viên cộng đồng anime trên mạng xã hội Youtuber.

Minh Trường
.
.