Sự ngây thơ của người nổi tiếng

Thứ Hai, 15/06/2015, 08:00
Các văn nghệ sĩ thường được coi là những người "tơ lơ mơ", thậm chí, nhiều khi khá... ngây thơ trong cuộc sống đời thường, gần như khác hẳn sự rành mạch, thông tuệ ở các tác phẩm của họ. Nhưng chính sự ngây thơ đó lại làm thêm nét đáng yêu, đáng quý riêng của họ. Vài câu chuyện vui về một số văn nghệ sĩ mà người viết được "mục sở thị" ở đây, hy vọng sẽ đem đến cho bạn đọc những điều thú vị về họ.

1. Nhà thơ Ngô Văn Phú không chỉ là tác giả của các tập thơ "Gió vào trận bão", "Tháng năm mùa gặt", "Đi ngang đồi cọ"… đậm chất đồng quê, mà ông còn rất tinh thông tiếng Hán. Chẳng thế, ông đã là dịch giả của nhiều đầu sách nổi tiếng như "Đường thi tam bách thủ", "Tể tướng Lưu gù", "Thiên gia thi"… Ấy thế mà có lần ông đã bị "bé cái nhầm"!

Lần ấy, trong hội thảo về một nhà thơ lớn tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, có nhiều gương mặt nhà văn, nhà thơ tham dự. Trong số đó, có nhà thơ Ngô Văn Phú. Lâu lâu mới gặp, nên mấy anh em chúng tôi ngồi trò chuyện say mê, hết chuyện văn chương đến chuyện cuộc đời. Rồi, tác giả của "Sẹo đất" rủ rỉ khoe với chúng tôi rằng, ở Văn Miếu có bán tiền xu cổ, giá có 5.000 đồng một đồng và ông "xui" chúng tôi đi mua về làm kỷ niệm. Ông còn hãnh diện kể là mấy hôm trước, ông đã mua được một đồng tiền cổ thời Trần cũng với giá 5.000 đồng.

Tôi ngạc nhiên: "Sao lại rẻ thế? Chả lẽ người bán lại không biết đấy là tiền cổ à?", thì nhà thơ Ngô Văn Phú, vốn rất giàu có về vốn tiếng Hán cũng như các kiến thức đông - tây - kim - cổ, tự tin trả lời: "Họ biết thế quái nào được đấy là tiền cổ! Chẳng qua tôi đọc được những chữ khắc trên đó thì mới biết là tiền cổ thôi chứ! Các cô tưởng ai cũng biết tiền cổ chắc!".

Dĩ nhiên, chúng tôi đều là những người chưa biết mặt mũi đồng tiền cổ ra sao, lại hết sức tin tưởng vào khả năng thẩm định vốn cổ của ông, nên hào hứng: "Thế thì anh đưa chúng em đi đến chỗ anh đã mua để bọn em mua". Thực tình, tôi cũng thích nếu mua rẻ được mấy đồng tiền cổ, thỉnh thoảng mang ra khoe (hay lòe thiên hạ một tí) cũng vui lắm chứ!

Nhà thơ Ngô Văn Phú.

Nhà thơ họ Ngô vô cùng nhiệt tình, nên lập tức dẫn mấy chị em chúng tôi đi ngay, cho dù lúc đó đã sắp đến lượt ông đọc tham luận. Ông hăm hở đưa chúng tôi ra chỗ bán tiền cổ ở ngay khu vực sân nhà Thái Học. Nhìn thấy nơi bán cái gọi là "tiền cổ" chỉ là cửa hàng bán đồ lưu niệm cho khách du lịch, tôi đã thấy thất vọng. Vì chắc chắn, nơi bán đồ lưu niệm không thể là chỗ bán tiền cổ được. Nhất là khi lại thấy các loại tiền cổ được đổ hàng đống, hàng chồng trong những khay, hộp cùng với vòng tay, khuyên, nhẫn vàng giả … mà chả lo bị lấy mất. Nhưng vì thấy nhà thơ Ngô Văn Phú say sưa tiền cổ quá, còn chúng tôi lại tin tưởng vào trình độ tiếng Hán siêu đẳng của ông rằng đời nào ông có thể lầm lẫn được, nên tôi vẫn háo hức đi theo. Ông thành thạo chỉ cho tôi một đĩa tiền cổ để trong tủ hàng, rồi nhanh nhẹn và hào hứng chọn cho mình những đồng xu cổ. Chỉ một lát, ông đã chọn được một lô xích xông các đồng tiền đủ loại. Chợt ông ngẩng lên, đưa cho tôi một đồng xu và bảo: "Cô lấy đồng này đi này, đây là tiền thời Thái Bình Thiên Quốc đấy!". Rồi ông lại say sưa với đống tiền, để rồi, một lát sau lại đưa cho tôi một đồng tiền xu khác: "Còn đồng này là thời nhà Nguyễn, cô lấy đi, quý lắm đấy!". Dẫu cả đời chưa bao giờ biết tiền cổ là gì, nhưng chỉ nhìn đĩa tiền đồng sáng choang, tôi cũng không thể giữ mãi sự nghi ngại:

- Em nghĩ đây là tiền giả cổ anh ạ!

Nhà thơ Ngô Văn Phú đầy tự tin:

- Cô vớ vẩn! Giả là giả thế nào! Cô chả hiểu gì về tiền cổ thì đừng có mà nói. Cứ chọn và mua đi! Mấy người bán này không biết đây là tiền cổ đâu!

Rồi ông tiếp tục chọn! Rất tự tin. Và cũng rất say sưa, mặc kệ tôi lầu bầu bên cạnh là tiền giả và … kiên quyết không chọn! Cô bán hàng nghe thấy 2 anh em tranh luận mãi không ai chịu ai, lại thấy ông già cứ khăng khăng tin là tiền cổ, mới lên tiếng "can thiệp:

- Bác ơi, đây chỉ là tiền đúc lại thôi, không phải tiền cổ đâu ạ!

Nhà thơ đồng quê nổi tiếng lúc ấy mới "nghệt" mặt ra, nửa tin nửa ngờ. Đến khi cô bán hàng cười và khẳng định thêm một lần nữa, ông mới chịu tin đó là những đồng tiền cổ giả. Nhìn ông quay lại, thủng thẳng đi vào hội thảo, tôi cũng không thể nhịn được cười vì tội "bé cái nhầm" này của một người rất giỏi chữ Hán. Thấy tôi cười, ông cũng cười mủm mỉm về sự ngờ nghệch của mình: "Úi cha, thế mà hôm nọ đã chọn mua được một đồng xu ghi là từ thời Đinh Tiên Hoàng, tôi lại cứ tưởng thật, nên cất rõ kỹ". Nghe vậy, tôi mới khe khẽ đùa nhà thơ họ Ngô:

- Vâng, cái đồng xu anh mua hôm nọ, đúng là từ thời nhà Đinh thật, nhưng mà là "đinh ... bù loong" đấy ạ!

Thế là hai anh em được một mẻ cười sảng khoái.

2. Nhà phê bình Chu Thị Thơm mua ở Bát Tràng đôi bình hoa giả cổ màu da lươn khá đẹp. Mỗi khi các bạn văn chương như Sương Nguyệt Minh, Phạm Thanh Khương, Tuyết Nga, Quang Hoài …đến nhà chơi, chị đều đùa, giới thiệu là bình cổ đời nhà Chu mà chị mua được của một người quen không rành về đồ cổ với giá rất rẻ. Dĩ nhiên, các nhà văn, nhà thơ đều lơ ngơ về món này nên không ít người tin là thật. Có lần, nhà thơ TQH đến chơi, sau khi được giới thiệu là bình cổ, anh ngắm nghía và tấm tắc khen, rồi nằn nì Chu Thị Thơm …nhượng lại. Dĩ nhiên là chị Thơm không đồng ý, mà càng từ chối thì nhà thơ TQH càng tin là thật.

Có lần gặp tôi, anh bảo: "Này, làm thế nào để Chu Thị Thơm bán lại cho đôi bình ý nhỉ. Đôi bình thời nhà Chu hẳn hoi đấy nhé! Màu ý rất hợp với bộ bàn ghế nhà anh!". Thấy nhà thơ TQH cứ tin tưởng vào câu chuyện đùa mãi, cuối cùng, chúng tôi đành nói thật với anh: "Ối trời ơi, anh không biết Chu Thị Thơm nói thế, tức là bình đời nhà Chu …  Thị Thơm à!". Nhà thơ TQH lúc này mới …vỡ lẽ!

3. Mới đây, NSND Thế Anh ra Hà Nội dự buổi giao lưu giữa đoàn làm phim "Em bé Hà Nội" với khán giả Thủ đô, do một tổ chức phi chính phủ của Mỹ tổ chức. Đây là bộ phim rất nổi tiếng do NSND Hải Ninh đạo diễn, với vai chính là cô bé Hà Nội do NSND Lan Hương (lúc còn bé) thủ vai và NSND Thế Anh, trong vai anh bộ đội. Bộ phim từng một thời "khuynh đảo" màn ảnh miền Bắc hơn 40 năm trước và nhân vật anh bộ đội trong phim từng trở thành thần tượng, niềm đam mê thầm kín của rất nhiều cô gái, bởi vẻ đẹp trai đầy nam tính của diễn viên Thế Anh.

NSND Thế Anh.

Trước giờ giao lưu, tôi tranh thủ gặp NSND Thế Anh để phỏng vấn. Khi nhắc về vai diễn của ông trong phim là một sĩ quan tên lửa, tôi hỏi anh sĩ quan ấy cấp gì, ông bảo: "Tôi không biết, chỉ biết nhân vật đó là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn phòng không thôi!". Hơi lạ, nhưng còn lạ hơn khi thấy ông bảo, cho đến bây giờ, ông vẫn không hiểu gì về cấp bậc, sao gạch của lực lượng vũ trang. Tôi gặng thêm, hỏi thế nhân vật ấy đeo lon có mấy sao? Ông ngẫm nghĩ một lúc lâu rồi bảo, hình như 3 sao! Tôi đùa thêm: Lon có 3 sao một vạch, hay 3 sao 2 vạch? Ông lại nghĩ một lúc rồi trả lời: Hình như một vạch!

Ối trời ạ, đóng vai một sĩ quan quân đội mà không biết nhân vật cấp bậc gì! Mà, đấy là theo NSND Thế Anh cho biết, quá trình làm phim, ông còn đã có cả tháng trời thâm nhập thực tế cùng với anh em bộ đội phòng không để tìm hiểu tâm lý cũng như nhiệm vụ của họ. Bởi thế, khi lên phim, ông nhập vai cứ như một sĩ quan chỉ huy phòng không thật. Ông am tường từ cách cầm súng, cách vẫy cờ đến hô khẩu lệnh của người chỉ huy bộ đội phòng không, chỉ có điều, đến nay, ông vẫn hoàn toàn không biết nhân vật mà mình đảm nhiệm ngày ấy trong bộ phim "Em bé Hà Nội" mang cấp hàm gì!?

Kể thêm về thời đóng phim "Em bé Hà Nội", NSND Thế Anh cười: Thời ấy chiến tranh, nên mọi thứ cũng đơn giản. Mà trong phim, xuyên suốt là cảnh anh bộ đội ngồi trên xe ôtô, nhưng sự thực khi đóng phim, diễn viên ngồi trên chiếc ôtô đỗ và có một số người ở bên cạnh đẩy xe qua lại, để cho xe lắc lư như đang chạy! "Chứ thực ra, tôi có biết lái xe đâu!" - Ông cười hồn nhiên.

Những câu chuyện về các văn nghệ sĩ cho thấy, đôi khi, họ rất ngây thơ trước nhiều vấn đề của cuộc sống thực, nhưng không vì thế mà những tác phẩm của họ kém hấp dẫn, thậm chí, chính sự ngây thơ ấy đã tô điểm cho họ những nét rất dễ thương.

Thanh Hằng
.
.