Phim ngắn trẻ:

Sống chậm, nghĩ khác và yêu thương nhiều hơn

Thứ Năm, 25/12/2014, 08:00
Sự lớn mạnh của cộng đồng làm phim trẻ được thể hiện rất rõ qua 3 liên hoan phim ngắn được tổ chức thời gian gần đây. Đầu tháng 12 vừa qua, Lễ bế mạc và trao giải YxineFF lần thứ 5, năm 2014 diễn ra đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, nhất là giới trẻ...

Có thể nói rằng, chưa bao giờ phim ngắn trẻ lại phát triển rầm rộ như hiện nay. Nhiều bạn trẻ tìm đến phim ngắn để được thử sức và "hiện thực hóa" niềm đam mê điện ảnh của mình. Những sân chơi như "Liên hoan phim quốc tế trên mạng" (YxineFF), Dự án làm phim 48h, Liên hoan "Búp Sen Vàng"... diễn ra thời gian gần đây thu hút hàng ngàn bạn trẻ tham gia. Đó là minh chứng sinh động về sự phát triển đầy tiềm năng của phim ngắn trẻ và hiện tượng xã hội hóa điện ảnh đang diễn ra mạnh mẽ khi ai cũng có thể thực hiện giấc mơ làm phim, chỉ cần hội tụ đủ niềm đam mê, công nghệ và tài chính trong tay. Tuy nhiên, phim ngắn Việt Nam có mang lại hào quang cho điện ảnh Việt Nam và danh vọng cho người Việt trẻ hay không lại là một vấn đề mà người trẻ đang cần đặt ra một cách tử tế, lâu dài và có chiều sâu hơn.

Cộng đồng phim trẻ đang lớn mạnh

Sự lớn mạnh của cộng đồng làm phim trẻ được thể hiện rất rõ qua 3 liên hoan phim ngắn được tổ chức thời gian gần đây. Đầu tháng 12 vừa qua, Lễ bế mạc và trao giải YxineFF lần thứ 5, năm 2014 diễn ra đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng yêu nghệ thuật, nhất là giới trẻ. Được tổ chức lần đầu vào năm 2010 với 120 tác phẩm dự thi, sau bốn năm, liên hoan đã có 200 tác phẩm. Với những chủ đề có sức gợi lớn như: "Tình yêu", "Niềm tin", "Cá nhân", "Lựa chọn", chủ đề cho liên hoan phim ngắn lần này là "Những kẻ mơ mộng". 23 bộ phim "mang tính sáng tạo và độc đáo với ngôn ngữ điện ảnh riêng biệt từ những nhà làm phim trẻ" được lựa chọn trình chiếu trên website của liên hoan cùng 8 bộ phim chiếu miễn phí tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM đã nhận được sự phản hồi tích cực từ khán giả. Mặc dù có sự tham gia của nhiều đạo diễn trẻ trong khu vực và quốc tế, nhưng những giải thưởng quan trọng của YxineFF đều thuộc về các tác giả trẻ Việt Nam: Phim "Mùi" của Lê Bảo đoạt giải "Trái tim vàng" (phim xuất sắc hạng mục tranh giải quốc tế); phim "Hạt cam và con mèo không tuổi" tác giả Nguyễn Lê Hoàng Việt đoạt giải "Trái tim hồng" khu vực (giải khán giả bình chọn); phim "Đồng điệu" của Bùi Nguyễn Diệu Anh đoạt giải "Trái tim Việt Nam" (giải báo chí phê bình).

Poster phim "Hạt cam và con mèo vàng không tuổi", của tác giả Nguyễn Lê Hoàng Việt đoạt giải "Trái tim hồng" khu vực tại YxineFF 2014 vừa qua.

Dự án "Làm phim 48h" khai mạc hồi giữa tháng 10 một lần nữa chứng tỏ sức hút của dòng phim ngắn. Hơn 1.000 nhà làm phim trẻ cùng 50 đội làm phim là con số "kỷ lục" của chương trình sau 3 lần tổ chức thành công ở Việt Nam. Điều thú vị ở dự án "Làm phim 48h" là các đội chỉ có 48h để làm phim ngắn từ 4 đến 7 phút, trong đó phải có một lời thoại, một nhân vật và một đạo cụ bắt buộc theo yêu cầu của Ban Tổ chức. Năm nay, ngoài những thể loại phim thông thường như mọi năm là Drama (Tâm lý), Horror (Kinh dị) hay Musical Westerm (Nhạc kịch miền Tây), Ban Tổ chức cũng mở rộng ra 7 thể loại mới gồm phim về động vật, phim về truy đuổi/trốn thoát, phim gia đình, phim truyền động lực, phim về quái vật, phim kịch thời đại và phim nhái. Theo đánh giá của Ban Tổ chức thì số lượng và chất lượng phim ngắn tham gia dự án năm nay đều tăng. Nhiều nhóm bạn trẻ đã mang đến những bộ phim đầy sáng tạo với góc nhìn mới lạ về cuộc sống như phim "Nếu để được yêu" của nhóm A Tô Film, "Tóc" của nhóm Chất, "Tôi là thần đèn đỏ" của nhóm Dreamers. Liên hoan phim "Búp Sen Vàng" lần thứ 5, năm 2014 với sự tham gia "kỷ lục" 100 phim (gồm 90 phim tài liệu, 10 phim truyện) cũng đã đánh dấu sự trưởng thành của cộng đồng làm phim trẻ. Đây là liên hoan có số lượng người tham gia và tác phẩm dự thi "hùng hậu" nhất trong lịch sử tổ chức "Búp Sen Vàng". Một số tác phẩm dự thi thấm đẫm hơi thở cuộc sống, giúp khán giả trẻ học cách "sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn".

Vấn đề thời sự nóng được nhìn qua lăng kính của người trẻ

Đề tài phim trẻ ngày càng đa dạng, đó không chỉ là câu chuyện về tình bạn, tình yêu, tình thầy trò mà còn là những vấn đề thời sự được nhìn qua lăng kính của người trẻ. Bộ phim "Ngoài kia có gì" của Nguyễn Diệp Thùy Anh (Giải thưởng xuất sắc của Ban Giám khảo dành cho phim ngắn tại Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần 3; giải "Búp Sen Vàng phim truyện xuất sắc" 2013 do Ban Giám khảo bình chọn và "Búp Sen Vàng phim truyện xuất sắc" 2013 do khán giả bình chọn) đánh thức ký ức về thời thơ ấu trong tâm hồn mỗi người. Hình ảnh đứa trẻ bị nhốt sau khung cửa là hình ảnh quen thuộc ám ảnh tuổi thơ rất nhiều người. Mỗi người khi xem phim đều có thể bắt gặp chính bản thân mình ở đâu đó. Một sáng chủ nhật thức dậy, không có ai ở nhà trong khi cửa bên ngoài đã khóa. Những đứa trẻ sẽ làm gì ngoài việc thơ thẩn trong nhà, tự nghĩ ra trò rất ngớ ngẩn? Mỗi khi đứng nhìn ra phía ngoài lại tự hỏi "ngoài kia có gì hay thế?". "Ngoài kia có gì" còn được đánh giá cao ở góc nhìn về "khoảng cách thế hệ". Nhân vật người bố luôn xuất hiện với vẻ mặt cáu bẳn trong phim cho thấy khoảng cách và sự giao tiếp "khó khăn" giữa hai thế hệ.

Phim "Mùi" của đạo diễn Lê Bảo kể về câu chuyện người phụ nữ nghèo có thai nhưng cha đứa trẻ không được tiết lộ. Cô tìm đến ở tại một nơi kênh rạch tù đọng chờ ngày sinh nở và ở đây, cô đã gặp người phụ nữ khác có cùng chung số phận. Sau khi sinh con ra và cho con đi, người phụ nữ ấy "biến mất". Nhân vật chính của bộ phim đã đi tìm và hai người phụ nữ gặp nhau, tình người là chất keo gắn kết họ. "Hạt cam và con mèo vàng không tuổi" của Nguyễn Lê Hoàng Việt lại mang đến câu chuyện về tình vợ chồng có sức lay động lớn lao. Sau tai nạn, người chồng bị liệt toàn thân và mọi sinh hoạt của anh đều phụ thuộc vào bàn tay chăm sóc của vợ. Xen giữa những cảnh quay là hồi ức về quá khứ đẹp đẽ của hai vợ chồng. Những ước mơ tươi đẹp, khát vọng sống… tất cả chỉ là mảnh vụn của ký ức. Bi kịch cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ khiến nhiều người xúc động. "Đồng điệu" của Bùi Nguyễn Diệu An mang đến thông điệp nhân sinh về triết lý cuộc sống "kết nối những cá thể độc lập trong một khối thống nhất". "Đồng điệu" được đánh giá là thể nghiệm hình ảnh táo bạo mô tả quan điểm rất riêng của Bùi Nguyễn Diệu An.

Theo đánh giá của các chuyên gia, phim tham gia liên hoan "Búp Sen Vàng" 2014 có sự "dịch chuyển" mạnh mẽ đến nhiều mảng đề tài xã hội như "Bao giờ về" của Phạm Lê Dung đề cập đến cuộc sống của người già mưu sinh; "Like" của Hoàng Vũ Hải nói về mạng xã hội, "Những người bình thường" của Nguyễn Mỹ Tiên nói về cuộc sống của bệnh nhân tâm thần, "Lại một chuyện tình yêu nữa" của Trịnh Trần Tây nói về tình yêu đồng tính...

Chỉ đam mê thôi chưa đủ…

Đạo diễn Nguyễn Kim Hải, thành viên Ban Giám khảo Liên hoan "Búp Sen Vàng" 2014 nhận định rằng, đạo diễn phim ngắn đã có sự trưởng thành rõ nét, tuy nhiên, nhiều phim tham gia liên hoan cho thấy sự thiếu hụt vốn sống, sự trải nghiệm nên phim còn "hời hợt", chưa có chiều sâu, chưa chạm đến trái tim khán giả. Mặc dù phim tham gia liên hoan tăng về số lượng nhưng lại thiếu tác phẩm gai góc, "ngồn ngộn" hiện thực cuộc sống như một số phim tham gia liên hoan 2013. Trong Liên hoan "Búp Sen Vàng" 2013, Mạc Phạm Ngọc Hà, Lê Thu Minh, Hà Lệ Diễm là những cái tên được vinh danh về sự dấn thân, bất chấp nguy hiểm để có được những thước phim chân thực về cuộc sống của những người lao động bình dị nhất trong xã hội như tình trạng người nông dân dạt về thành thị bán sức lao động, nạn nạo phá thai và cả những người phụ nữ bị nhiễm HIV đơn độc giữa vùng rừng thẳm ở Bắc Kạn. Một vấn đề khác cũng rất đáng bàn trong sáng tác của đạo diễn phim ngắn trẻ là họ chưa tìm được cái tôi của riêng mình mà vẫn đang bị ảnh hưởng sâu sắc phong cách làm phim của những bậc "tiền bối" đi trước. Các khung hình của "Hạt cam và con mèo vàng không tuổi" khiến người xem liên tưởng đến cách sử dụng màu sắc và ánh sáng trong phim của Trần Anh Hùng. Nguyễn Trung Kiên, tác giả của phim "Sắc màu dịu êm" cũng không phủ nhận mình chịu ảnh hưởng từ các nhà làm phim lừng danh là Malick, Lubezki và Vương Gia Vệ.

Sự trợ giúp đắc lực của các phương tiện kỹ thuật số cũng như mạng xã hội khiến việc làm phim trở nên dễ dàng hơn. Phong trào "người người làm phim" vẫn mang tính tự phát, mạnh ai nấy làm, thiếu nền tảng và sự hỗ trợ. Nhiều bạn trẻ tìm đến phim ngắn như sở thích chứ không xác định đó là một "nghề" phải theo đuổi đến cùng. Bên cạnh đó, các nhà làm phim trẻ gặp không ít khó khăn trong quá trình làm phim. Đó là sự khó khăn về kinh phí, đôi khi trang phục, đạo cụ, bối cảnh đều do thành viên các đoàn làm phim mượn từ gia đình, bạn bè. Khó khăn vì thiếu hụt những kiến thức nền tảng nhất định về điện ảnh. Để hướng đến một nền phim trẻ chuyên nghiệp thì phong trào và đam mê thôi là chưa đủ…

Phạm Mạnh Tường
.
.