Showbiz Việt có bao nhiêu mặt nạ?

Thứ Tư, 03/04/2013, 09:08

Văn đàn thi thoảng cũng có cơ duyên xuất hiện vài người đẹp. Thế nhưng, nhan sắc chốn chữ nghĩa như hoa lạc rừng gươm, khi tác phẩm nổi lên thì dung mạo mờ đi. Ngược lại, mỹ nhân từ giới showbiz khi nhón gót sang địa hạt sáng tạo thì mày ngài nét ngọc vẫn rạng rỡ mặc cho ý tứ thâm sâu xô dạt tận phương nào. Biên giới mong manh giữa phấn son và viết lách chỉ cần nghiêng lệch đi một chút, lập tức gây nên cơn sóng ba đào phía độc giả vốn luôn tò mò với những yếu tố kích động!

Tạo hiệu ứng xã hội rộng rãi nhất phải nhắc đến trường hợp "Yêu và sống" của Lê Vân. Tuy nhiên, nữ diễn viên lừng lẫy một thời chỉ kể lại cho người khác chấp bút. Tự "thao thức" trước bản thảo có lẽ cần nhắc tới ca sĩ Hà Trần với tập thơ "Thập kỷ yêu" và ca sĩ Lê Kiều Như với tiểu thuyết "Sợi xích". Nối bước những "liền chị" hồ hởi gác micro và váy áo để theo việc văn chương, ca sĩ Tinna Tình cho ra mắt cuốn tiểu thuyết "Mặt nạ". Cầm trên tay cuốn "Mặt nạ", độc giả không khỏi băn khoăn: Đây là tiểu thuyết hay là tự truyện? Dĩ nhiên, trên danh nghĩa cuốn sách được ấn định là tiểu thuyết, nhưng những ai biết chút ít về Tinna Tình sẽ thấy "Mặt nạ" đầy yếu tố tự truyện. Phân biệt tiểu thuyết hay tự truyện của "Mặt nạ" sẽ vô cùng khó khăn nếu xưng "tôi" trong cuốn sách thay tên Ginna Quỳnh thành… Tinna Tình! 

Tinna Tình là nghệ sĩ Việt kiều, có mẹ người Czech còn cha gốc gác con Rồng cháu Tiên. Năm 16 tuổi, Tinna Tình tìm về mảnh đất cội nguồn để nuôi giấc mộng nghệ sĩ lớn lao. Năm 2004, Tinna Tình từng được giải thưởng Nữ diễn viên triển vọng tại Liên hoan phim quốc gia nhờ vai diễn trong bộ phim "Trò đùa của Thiên Lôi". Món quà nghề nghiệp năm 20 tuổi ấy không giúp sự nghiệp của Tinna Tình trở nên dễ dàng hơn. Tinna Tình lận đận làm ca sĩ độc quyền rồi xuôi ngược làm ca sĩ tự do. Cá tính thẳng thắn của một cô gái sinh ra và thụ hưởng nền giáo dục kiểu phương Tây khiến Tinna Tình không ít lần bị tổn thương khi bôn ba làng nghệ thuật có lề thói ứng xử theo cảm tính và vận động theo xu hướng lợi ích nhóm. Cũng may, với tài năng thiên bẩm, Tinna Tình vẫn định danh như một gương mặt nữ hiếm hoi theo đuổi dòng nhạc rock bằng những ca khúc do chính mình sáng tác. Những sản phẩm như "Chiếc gương", "Mù tạt" hay "Sáng tối", "Tai tiếng" giúp công chúng nhận diện Tinna Tình như một nữ nghệ sĩ rock đặc biệt. Thế nhưng, duyên nợ điện ảnh chưa dứt, Tinna Tình được chọn vào phim "Để mai tính" thì xảy ra giằng co với đồng nghiệp. Tinna Tình cho rằng cô bị chơi bùa ngải nên hụt mất vai diễn nặng ký. Cũng may, tái ông thất mã, Tinna Tình tiếp tục có được cơ hội khác trên màn bạc qua bộ phim "Long Ruồi". Hơn nữa, ca khúc "Dù biết" mà Tinna Tình viết cho bộ phim này cũng tạo được hiệu ứng trong người hâm mộ!

Sự trải nghiệm của Tinna Tình hơn 10 năm trong giới showbiz đã giúp cô ngồn ngộn chất liệu để viết "Mặt nạ". Tuy cấu trúc tác phẩm lỏng lẻo và dẫn dắt câu chuyện khá chệch choạc nhưng nhiều chi tiết dở khóc dở cười mà nhân vật chính Ginna Quỳnh phải đối mặt khiến người đọc vẫn hình dung rõ ràng những góc khuất thị phi phía sau tấm màn nhung lộng lẫy với bao nhiêu mưu tính thấp hèn và bao nhiêu hứa hẹn bay bổng. Nếu ai đã từng biết đến Tinna Tình ngoài đời thường sẽ lung lạc nghĩ rằng "Mặt nạ" chỉ ghi chép những câu chuyện riêng tư, chứ không hề có chút phẩm chất sáng tạo nào. Không sao cả, sự thật được phơi bày thường có sức chinh phục hơn bất kỳ tưởng tượng siêu đẳng nào.

Bìa cuốn tiểu thuyết "Mặt nạ" của Tinna Tình.

Phải chăng "Mặt nạ" xuất hiện để giải tỏa những dằn vặt và uất ức của Tinna Tình trước những mất mát mà cô phải gánh chịu bởi nghề nghiệp nghiệt ngã và yêu đương bất trắc? Tinna Tình khẳng định, cô viết "Mặt nạ" vì ghét sự không chân thật: "Nó toàn mang lại những điều không hay, nhưng nhiều người lại lựa chọn, dù biết đau mình đau người. Nói không chân thật là nhẹ, thực ra là dối trá, lừa đảo. Tại sao lại phải đeo mặt nạ nhỉ, khi nó bị tháo xuống thì sao?... Và đôi khi chúng ta tự đeo chiếc mặt nạ lúc nào không hay, rồi đánh mất chính mình trong phút chốc. Sống thật rất khó, với bất cứ ai".

Tinna Tình bộc bạch về giới showbiz đắng đót "vì khi mình quyết định bước vào làng giải trí là lúc mình quá trẻ và tới giờ mới thấy hết sự thật về nó, phải nói là tồi tệ hơn mình tưởng rất nhiều, lại là sự đã rồi", còn nhân vật Ginna Quỳnh nếm trải thị phi cũng thống thiết không kém: "Tôi không nói được gì, quay đầu chạy thục mạng về nhà, ngay tại cửa, tôi khuỵ xuống nôn hết bữa ăn tối, nôn hết nghệ thuật xuống đất!".

"Mặt nạ" không nhiều giá trị văn chương, nhưng không hề kém về giá trị cảnh tỉnh. Những nhân vật bủa vây Ginna Quỳnh chỉ với mục đích lợi dụng thân xác cô như Sáu Mít, Cát Nghệ hay Hào Phóng đều nhan nhản trong giới showbiz đương thời. Đặc biệt, hình ảnh Đạo được tác giả "Mặt nạ" dày công miêu tả cũng không khó nhận diện khi đối chiếu với thực tế. Nếu viết cuốn sách này với mong muốn tháo gỡ những chiếc mặt nạ giả dối, thì Tinna Tình đã ít nhiều thành công. Tinna Tình bộc bạch: "Cuốn sách được ra đời không phải trong lúc đang tức tối mà rất thanh thản, đủ để đáp ứng một mục đích duy nhất của người viết là chia sẻ. Còn việc nếu như chẳng may có ai đó tự thấy mình giống một nhân vật trong cuốn sách, chuyện đó thực ra cũng dễ hiểu. Lúc này, xã hội thiếu gì người đeo mặt nạ, nếu như không muốn nói là khắp mọi nơi, hằng ngày, hằng giờ. Tôi chỉ mong sau khi nhận ra "người quen", họ sẽ biết giật mình một chút để hiểu mình đã sống sai thế nào, có nên tiếp tục sống thế! Nếu bạn không đeo mặt nạ, mắc gì bạn sợ tôi. Tôi chẳng cần ai đóng kịch với mình. Tôi cần yêu thật, sống thật và làm việc thực sự là đủ. Còn ai vo ve nói nhảm, tôi bấm nút biến ngay!". 

Trong ca khúc của mình, Tinna Tình từng viết những tâm tư buồn bã: "Giữa căn phòng trống vắng, chỉ mình tôi với tôi, nghẹn ngào nhìn đôi bàn tay trắng… Nước mắt không ngừng rơi, nước mắt hòa tan cùng bao lầm lỗi. Tiếng khóc trong màn đêm, tiếng khóc như lời xin lỗi cho cuộc đời", thì trong tiểu thuyết "Mặt nạ" cũng nhan nhản những đưa đẩy dụ dỗ, những lấp lánh cạm bẫy. Tinna Tình viết trong "Mặt nạ" một sự thật ê chề: "Showbiz thật quái dị! Ca sĩ "bự" thay vì nhường cho ca sĩ "bé" thì phải lên mặt một cái mới được. Ca sĩ "bự" phải được hát trước. Không là bỏ đi về. Mặc kệ ca sĩ "bé" ngồi ở đó xếp hàng cả tiếng đồng hồ". 

"Mặt nạ" chỉ khoảng 200 trang, có nước mắt, có xót xa, có phẫn nộ, có đau khổ. Tuy nhiên "Mặt nạ" sẽ không có chút gì đáng lưu tâm nếu tác giả không phải Tinna Tình. Vì mỹ nhân showbiz như Tinna Tình cao hứng cầm bút nên 5.000 bản in "Mặt nạ" mới bán hết nhanh chóng. Nhà thơ Đỗ Trung Quân, người viết lời giới thiệu cho "Mặt nạ" của Tinna Tình chia sẻ: "Lần đầu đọc bản thảo, tôi không biết người viết là Tinna Tình, vì không có tên tác giả. Tôi đã nói thẳng với người đưa bản thảo rằng: "Nếu không thích, tôi sẽ nói không thích. Tôi không muốn bị áp lực vì bất cứ lý do gì". Tôi vốn không muốn dính vô những chuyện này, đặc biệt là với giới showbiz. Tôi đã không đọc bản thảo với tư cách đọc tác phẩm của nhà văn cùng thế hệ với mình mà đọc một người viết trẻ, để ý xem có gì khác mình, về cách nói, văn phong, câu chuyện… Tôi thấy bản thảo "sạch sẽ", thú vị, dễ chịu vì người viết không làm dáng chữ nghĩa và rất biết quan sát. Cuốn sách không phải là xuất sắc nhưng có vấn đề để đọc, bằng văn phong của thế hệ mới. Tôi không tìm cái để chê ở cuốn sách này. Chỉ có một điều là ban đầu, người viết đã không để ý đến thể loại tiểu thuyết hay tự truyện. Nếu để tự truyện, tác giả phải chịu trách nhiệm, chấp nhận những kiện thưa có thể đến vì liên quan đến nhiều người. Còn tiểu thuyết thì có thể hư cấu. Viết tự truyện là thủ pháp nhiều người (đặc biệt trong giới showbiz) dùng để viết về đời tư. Họ dùng lối ẩn dụ, đổi tên nhân vật khi kể chuyện không hay về người khác… Điều này rất nguy hiểm với người không đủ kinh nghiệm, thường là người trẻ. Do đó, phải có thủ pháp văn học, điển hình hóa nhân vật. Những tính cách đó có thể gặp trong đời sống nhưng không thể nói cụ thể là ai… Không phải ai viết tác phẩm đầu tay cũng đã thành công ngay. Thời gian sẽ giúp Tinna tích có thêm kinh nghiệm - kinh nghiệm sống và kinh nghiệm viết để có thể cho ra đời nhiều cuốn sách khác!"

G.Q.
.
.