Show diễn thực cảnh sẽ trở thành một trào lưu mới?

Thứ Sáu, 25/10/2019, 09:05
Đầu tháng 10 vừa qua, trong dịp kỷ niệm 520 năm ngày thành lập tỉnh Cao Bằng, chương trình nghệ thuật thực cảnh "Chuyện tình Bản Giốc" do đạo diễn Hoàng Công Trường dàn dựng đã gây được sự chú ý...


Tuy không nhiều người có khả năng tham dự và được trực tiếp xem chương trình ấy, song với những hình ảnh, video được truyền thông công bố, đã cho thấy đây là một chương trình nghệ thuật độc đáo, thành công và được kỳ vọng là sẽ mở ra một hướng đi mới cho nghệ thuật thực cảnh vốn còn mới mẻ ở Việt Nam.

Lộng lẫy "Chuyện tình Bản Giốc"

Đạo diễn Hoàng Công Trường cho báo chí biết, anh chỉ có 3 tháng để hoàn thành chương trình này, nhưng đây là giấc mơ anh đã ấp ủ suốt 10 năm trước. Cách đây 10 năm, khi được xem những show diễn thực cảnh của Trung Quốc, Hoàng Công Trường vô cùng thích thú và ngưỡng vọng.

Bản thân anh đã ao ước mình có thể làm được những show diễn thực cảnh như thế, song vì các điều kiện chưa thể hội tụ đủ nên mãi vẫn chưa thể làm được. Cho đến khi anh có duyên gặp được "Chuyện tình Bản Giốc".

Show diễn thực cảnh "Chuyện tình Bản Giốc" của đạo diễn Hoàng Công Trường được báo chí - truyền thông đánh giá cao.

Bởi vậy, bản thân anh đã nỗ lực hết mức, mất ăn mất ngủ, lao tâm khổ tứ để cho ra đời một show diễn nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân và cũng là cách để hiện thực hóa giấc mơ của mình. Vì thế, bên cạnh những nguồn đầu tư đến từ tỉnh Cao Bằng, bản thân Hoàng Công Trường còn chấp nhận cả việc bỏ thêm tiền túi ra để thực hiện giấc mơ ấy.

Điều khác là của show diễn "Chuyện tình Bản Giốc"với các show thực cảnh  từng có trước đây của Việt Nam là nó được diễn ra ngay tại khu danh thắng Bản Giốc nổi tiếng. Đây vừa là cách tận dụng được những địa thế, bối cảnh đẹp như mơ của kỳ quan này và biến nó thành một phần quan trọng của show diễn nghệ thuật, nhưng đồng thời đây cũng là một thách thức lớn. Làm sao đạt hiệu ứng nghệ thuật mà lại không ảnh hưởng đến sự nguyên trạng của cảnh quan đã khiến đạo diễn khá đau đầu.

Hơn nữa, việc biểu diễn ngoài trời ở nơi có địa hình hiểm trở, cạnh thác nước là một khó khăn không nhỏ không chỉ cho diễn viên mà còn là sự an toàn về máy móc, thiết bị kỹ thuật, âm thanh, ánh sáng... Theo chia sẻ của đạo diễn Hoàng Công Trường, khi anh đến thác Bản Giốc đúng hôm trời vừa mưa to, nước xối mạnh toàn cảnh thác trông hoang tàn như vừa trải qua một trận lũ.

Cũng dự liệu đến những khó khăn cũng như vấn đề nan giải nếu gặp phải thời tiết không thuận lợi, thế nhưng anh vẫn quyết tâm phải làm kỳ được. Và thật may mắn, trận mưa ở Bản Giốc đã kết thúc trước giờ biểu diễn 30 phút, mọi việc diễn ra suôn sẻ, khán giả đã có những trải nghiệm tuyệt vời giữa khung cảnh vừa hùng vĩ vừa nên thơ của Bản Giốc hòa quyện trong âm thanh, ánh sáng, những vũ điệu chắc hẳn khiến ai may mắn có mặt trong buổi tối hôm đó sẽ đều cảm thấy "mãn nhãn".

Thực sự, còn gì hay hơn là được xem nghệ thuật giữa một khung cảnh hùng vĩ, nên thơ, có tiếng thác nước chảy tiếng lẫn với tiếng đàn kể câu chuyện về mảnh đất, con người và văn hóa một vùng non nước Cao Bằng.

Thế nhưng, vì diễn ra ở Bản Giốc, đường từ TP. Cao Bằng đến đó cũng đã xa xôi chứ chưa nói đến các địa bàn khác, nên chắc hẳn đây là một chương trình để lại nhiều nỗi niềm tiếc nuối. Dù hoành tráng, lộng lẫy nhưng vì sân khấu thực cảnh được tổ chức ở một nơi như Bản Giốc thì cũng sẽ khá khó khăn để có lại lần biểu diễn thứ hai, cho dù công sức sáng tạo, cũng như tiền của bỏ ra ắt hẳn là không nhỏ (cho dù nó không được tiết lộ là tiêu hết bao nhiêu tiền!).

Tuy vậy, khi kết thúc buối biểu diễn thành công của mình, chia sẻ với giới truyền thông, đạo diễn Hoàng Công Trường kỳ vọng, "Chuyện tình Bản Giốc" ngoài việc là dấu mốc trong cuộc đời làm nghệ thuật của anh, đạo diễn còn hi vọng nó sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc đầu tư, dàn dựng những chương trình nghệ thuật diễn ra tại các khu du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Tràng An hay miền sông nước Cửu Long...

Những "cuộc chơi" tốn kém của các "ông lớn"?

Trước đạo diễn Hoàng Công Trường, đạo diễn Việt Tú cũng là người say mê với sân khấu thực cảnh. Việt Tú cũng là người sớm có nhiều chuyến đi xem biểu diễn nghệ thuật thực cảnh ở nước ngoài và mong muốn xây dựng các chương trình nghệ thuật thực cảnh ở Việt Nam. Anh cũng từng chia sẻ với báo chí - truyền thông rằng vở diễn thực cảnh "Ngày xưa" của anh hợp tác với tập đoàn Tuần Châu từng ra mắt  khán giả lần đầu năm 2016 cũng là "giấc mơ ấp ủ suốt 10 năm" của anh.

Nhưng sau này, sự hợp tác giữa đạo diễn Việt Tú và tập đoàn Tuần Châu đổ bể, phía chủ đầu tư thay đạo diễn, chuyển thể "Ngày xưa" thành "Tinh hoa Bắc Bộ" với đạo diễn mới là Hoàng Nhật Nam, dẫn đến vụ "đáo tụng đình" diễn ra trong một thời gian khá dài và tốn không ít giấy mực của báo chí.

Ở các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan, Singarore... thì những show diễn thực cảnh với sân khấu ngoài trời quy mô, hoành tráng đã trở nên quen thuộc với khán giả, gắn với tên tuổi những đạo diễn lớn như Trương Nghệ Mưu, Lý An. Khi đến Trung Quốc xem sân khấu thực cảnh, người ta đều ngỡ ngàng, choáng ngợp trước vẻ đẹp của đất nước, con người, văn hóa, lịch sử qua các tác phẩm thực cảnh của những tên tuổi lớn.

Đạo diễn Hoàng Công Trường sau khi thành công với show thực cảnh "Chuyện tình Bản Giốc" đã không ngần ngại bày tỏ tham vọng được góp phần xây dựng cũng như đưa nghệ thuật thực cảnh Việt Nam ''lên tầm quốc tế''. Thế nhưng, để làm được điều này, chắc hẳn phải có một sự sáng tạo, đầu tư công phu và ở quy mô lớn đầy tốn kém.

Vở diễn thực cảnh được khán giả Việt cũng như khách du lịch nước ngoài yêu thích nhưng lại có địa điểm biểu diễn cách xa trung tâm thành phố hơn 20km

Tuy không có con số công bố chính xác nhưng với 3 show nghệ thuật thực cảnh đã ra mắt công chúng Việt Nam là "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức Hội An" và "Chuyện tình Bản Giốc" đều được cho là có mức kinh phí "triệu đô". Chỉ có "Chuyện tình Bản Giốc" do không phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và sân khấu biểu diễn ngoài trời cố định nên có kinh phí ít hơn, còn 2 show thực cảnh trước đó đều có mức đầu tư "khủng" mà nếu không phải là các doanh nghiệp lớn thì không thể đầu tư được. Nhất là việc đầu tư cho văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam vẫn được các nhà kinh doanh cho rằng khá "hên sui", độ rủi ro lớn hơn các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, giờ đây các nếu đạo diễn đem các kịch bản chương trình nghệ thuật thực cảnh đi "chào hàng", chắc hẳn sẽ không khó khăn như khi trước Việt Tú ôm ấp ý tưởng về kịch bản thực cảnh "Ngày xưa" nữa.

Nói như đạo diễn Hoàng Công Trường đã chia sẻ thì, rất có thể các kịch bản sân khấu thực cảnh gắn với các địa điểm du lịch, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hạ Long, Tràng An, xứ dừa Bến Tre... rất có thể sẽ trở thành hiện thực trong nay mai. Nhưng dù thế nào thì, sân khấu thực cảnh đối với Việt Nam vẫn là những cuộc chơi vô cùng tốn kém của các "ông lớn".

Trở lại với câu chuyện tại sao khi người Việt hay khách du lịch quốc tế khi đến Trung Quốc xem các vở diễn thực cảnh lại thích thú, choáng ngợp vì sự đẹp đẽ, lộng lẫy và đa tầng văn hóa của họ đến thế? Câu trả lời mà nhiều người đã biết đó là nhà nước họ có những sự đầu tư vô cùng bài bản, chi tiết và "tính dân tộc", "tư tưởng nước lớn" của người Trung Quốc lại vô cùng cao.

Vì thế, những đạo diễn tài năng như Trương Nghệ Mưu, Lý An mới có cơ hội được tỏa sáng ở tầm cao đến thế. Trở lại với câu chuyện của Việt Nam thì lại khác. Cho đến nay, cho dù nghệ thuật thực cảnh đã trở nên phổ biến ở các nước và nó trở thành một kênh quảng bá về văn hóa - lịch sử vô cùng hiệu quả, song ở Việt Nam vẫn chưa có một vở diễn thực cảnh nào được nhà nước đầu tư hoặc có kế hoạch đầu tư ở tầm chiến lược quốc gia.

Chương trình "Tinh hoa Bắc Bộ" và "Ký ức Hội An" do 2 tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư và khai thác, còn "Chuyện tình Bản Giốc" tuy giá trị nghệ thuật có thể đánh giá vượt lên quy mô địa phương, phục vụ cho một dịp kỷ niệm cụ thể, song nó vẫn là một tác phẩm mang màu sắc địa phương chứ chưa thể đại diện cho quốc gia.

Công bằng mà nói, hiện nay nếu show thực cảnh mang đậm màu sắc văn hóa Việt, được nhiều người nước ngoài và khán giả Việt Nam yêu thích đó chính là "Tinh hoa Bắc Bộ". Chỉ có điều, địa điểm biểu diễn các hơi xa Hà Nội nên không thể đông khách được. Nên chăng, các cơ quan chủ quản về văn hóa - du lịch cần đặc biệt có những lưu tâm về vấn đề này.

Nguyệt Hà
.
.