“See First” và vấn đề an ninh thông tin

Thứ Năm, 20/07/2017, 08:31
“See First” - sẽ nhiều người thắc mắc tại sao bài báo này lại bắt đầu bằng hai chữ tiếng Anh. Rất dễ hiểu, đó chính là khẩu hiệu của Facebook cho chiến lược kinh doanh mới của họ, một chiến lược tổng tấn công vào đối thủ lớn là Google và Youtube ở lãnh địa video nội dung số. 


“See First” nghĩa là “Cứ xem trước đã”, với hàm ý ám chỉ rằng nội dung video của Facebook sẽ khác với của Youtube ở chỗ không có quảng cáo ở đầu video (pre-rolls) mà thay vào đó, sẽ chỉ tồn tại các quảng cáo chèn giữa video (mid-rolls) mà thôi. Đó chính là khác biệt mà Facebook tạo ra để cạnh tranh với Youtube khi họ “đọc” ra rằng độc giả nôn nóng thường không thích chờ đợi dù chỉ là vài giây quảng cáo để được xem 1 nội dung video nhưng họ có thể nhẫn nại đợi qua quảng cáo để xem tiếp sau khi đã hứng thú với đoạn đầu của “see first”.

Ngay sau lần ra mắt chiến lược cạnh tranh video toàn cầu của mình (vốn là chiến thuật kéo theo ứng dụng cho livestream video trên facebook), Facebook công bố sẽ livestream trực tiếp các trận bóng đá Champions League mùa giải 2018/2019 chỉ riêng ở thị trường Hoa Kỳ. Rất có thể, đây sẽ là thử nghiệm của họ, với mục tiêu nếu tiền quảng cáo có thể bù đắp được phí bản quyền, họ sẽ mở rộng ra ở các thị trường khác như châu Á, châu Âu và châu Phi.

Đúng 4 tháng trước, khởi đầu từ Vương quốc Anh, sau một cam kết với Chính phủ Anh, sáu đại lý quảng cáo lớn nhất toàn cầu đã rút mọi quảng cáo trên Google và Youtube ở vùng lãnh thổ Anh. Sau quyết định của 6 đại lý lớn nhất kể trên, 240 nhãn hàng đã không hợp tác quảng cáo trên Youtube nữa. Điều đó có thể mang lại thiệt hại hàng tỷ bảng Anh mỗi năm cho Google và Youtube.

Đơn cử, chỉ một mình đại lý Havas với hai nhãn hàng Hyundai và Dominos thôi đã mang lại 175 triệu bảng Anh mỗi năm tiền quảng cáo cho Youtube rồi. Lý do mà chính phủ Anh yêu cầu cam kết này là rất cụ thể. Rất nhiều quảng cáo đã được chèn máy móc theo thuật toán vào các nội dung video độc hại.

Ví dụ, một quảng cáo cho dịch vụ an sinh công cộng của chính phủ đã được chèn vào một video kêu gọi “thánh chiến ngay tại London”. Điều đó quả thực tạo nên một nghịch cảnh trớ trêu không chỉ mai mỉa cả người xem lẫn cơ quan công quyền nước Anh.

Kinh doanh trên Facebook hiện đang rất được mọi người quan tâm.

Ngay sau nước Anh, Đức và Pháp cũng bắt đầu chiến dịch thắt chặt thông tin trên youtube, nhất là khi youtube đang là công cụ tuyên truyền rất mạnh mẽ của các đối tượng khủng bố cực đoan. Và ở Việt Nam, sau đó chừng 10 ngày, Bộ Thông tin – Truyền thông cũng đã họp lại với các tập đoàn truyền thông để yêu cầu cam kết ngưng quảng cáo trên Youtube khi mà Youtube không có biện pháp cũng như công cụ để thanh lọc triệt để các video tuyên truyền chống phá nhà nước.

Kết quả thực sự khả quan, với việc doanh thu qúy II năm 2017 của nhiều kênh Youtube tại Việt Nam sụt giảm đáng kể (do mất nhiều quảng cáo), phía Youtube bắt đầu có những động thái (nhưng còn khá chậm) để cho thấy sự hợp tác với chính phủ tại khu vực mà mình đang khai thác. Nhưng việc Facebook tung sản phẩm video với cái gọi là “see first” cùng công cụ livestream tiện dụng, mạnh mẽ hơn nhiều lại đang là mối đe dọa thứ hai, thậm chí nghiêm trọng hơn với an ninh truyền thông.

Ai cũng biết khả năng dẫn dụ người dùng của Facebook tốt hơn Youtube rất nhiều. Ở Youtube, phân loại nội dung còn khá lộn xộn nên thuật toán dẫn dụ người dùng của họ còn thiếu hoàn thiện. Còn với Facebook, cách lọc vấn đề người dùng quan tâm; tính toán tài khoản người dùng thường xuyên theo dõi được áp dụng bằng một thuật toán thông minh hơn nhiều. Và vì thế, nguy cơ quảng cáo xuất hiện trên các video độc hại cũng sẽ lớn hơn một cách đáng kể.

Không chỉ vậy, ở Facebook, chức năng truyền tin mạnh mẽ gấp bội Youtube với các dạng “like”; “comment”; “share” sẽ xuất hiện ngay trên dòng tin cập nhật của người dùng rất dễ giúp người dùng tạo nên các tin giả (fake news).

Đơn cử, mới nhất là tin giả mà một tài khoản Facebook gần đây dựng lên câu chuyện 2 cô gái “hiếp dâm đến chết nạn nhân” đã khiến nạn nhân thực sự khổ sở, thậm chí là hoảng loạn vì những điều tiếng liên quan đến mình. Và những dạng tin giả câu khách dễ thu hút sự tò mò của người dùng như thế luôn là cái phao chất lượng để các quảng cáo bám víu vào nó nhằm lan tỏa trong cộng đồng.

Rõ ràng, đây là lúc các cơ quan quản lý ở Việt Nam cần phải làm việc ngay với Facebook để yêu cầu một cam kết nghiêm túc với chính phủ. Đơn giản, khi mạng xã hội đã tiến hoá thành một dạng “báo chí tự do” và có khả năng khai thác lợi nhuận cực lớn dựa vào đó, những chủ đầu tư của nó cần phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật sở tại để đảm bảo môi trường kinh doanh của họ thực sự lành mạnh chứ không phải sẽ trở thành một môi trường hỗn loạn và gây mất ổn định tình hình kinh tế, chính trị và xã hội một cách vô trách nhiệm.

Hà Quang Minh
.
.